Tóm tắt: Bài viết phân tích một số kết quả đạt được cũng như hạn chế và nguyên nhân của công tác thi hành án dân sự năm 2022, qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.
Abstract: The article analyzes some achieved results as well as limitations and causes of civil judgment execution in 2022, thereby, drawing lessons from experience and making suggestions and recommendations to improve quality and effectiveness, efficiency of civil judgment execution activities.
1. Một số kết quả của công tác thi hành án dân sự năm 2022
Năm 2022, công tác thi hành án dân sự vẫn phải “đối mặt” với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển”, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về công tác thi hành án dân sự. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao[1]. Kết quả cụ thể như sau:
- Kết quả thi hành về việc: Số việc thụ lý mới là 547.121 việc; số việc năm 2021 chuyển sang là 349.412 việc. Tổng số việc phải thi hành là 861.529 việc[2]. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 653.719 việc (chiếm tỷ lệ 75,88%); hoãn, tạm đình chỉ là 12.135 việc (chiếm tỷ lệ 1,41%). Số việc đã thi hành xong là 539.290 việc (đạt tỷ lệ 82,50% trên tổng số việc có điều kiện thi hành, tăng 6,67% so với năm 2021). Số việc chuyển kỳ sau là 322.239 việc.
- Kết quả thi hành về tiền: Số tiền thụ lý mới là 130.465 tỷ 691 triệu đồng (tăng 30.794 tỷ 323 triệu đồng so với năm 2021); năm 2021 chuyển sang là 242.862 tỷ 747 triệu đồng. Tổng số tiền phải thi hành là 336.996 tỷ 408 triệu đồng[3]. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành là 165.661 tỷ 567 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 49,16%); hoãn, tạm đình chỉ là 28.519 tỷ 237 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 8,46%). Số tiền đã thi hành xong là 75.240 tỷ 628 triệu đồng (đạt tỷ lệ 45,42% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành, tăng 14,21% về tỷ lệ và tăng 28.912 tỷ 450 triệu đồng so với năm 2021). Số tiền chuyển kỳ sau là 261.755 tỷ 779 triệu đồng.
- Kết quả thi hành án đối với những khoản nợ của các tổ chức tín dụng: Năm 2022, Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017/QH14) và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự rà soát, tổng hợp những vụ việc tín dụng ngân hàng có tài sản ở nhiều nơi để kịp thời áp dụng quy định ủy thác xử lý tài sản theo quy định mới của Luật Thi hành án dân sự; tổ chức các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng để tháo gỡ vướng mắc. Cơ quan thi hành án dân sự chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp kiểm tra, xác minh làm rõ giá trị tài sản, thống nhất biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm đối với những vụ án lớn, khó khăn, phức tạp; tổ chức đối thoại với các tổ chức tín dụng; kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật[4]. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14. Với những giải pháp đó, mặc dù, điều kiện kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để kết quả thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng tăng cả về việc và tiền so với năm 2021, cụ thể: Tổng số việc phải thi hành là 37.058 việc, tương ứng với số tiền là 137.311 tỷ 299 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 41% trong tổng số tiền phải thi hành; tăng 843 việc và tăng 11.435 tỷ 806 triệu đồng so với năm 2021). Trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 22.473 việc, tương ứng với số tiền là 74.250 tỷ 301 triệu đồng. Số việc đã thi hành xong là 6.215 việc, tương ứng với số tiền là 22.504 tỷ 503 triệu đồng (tăng 1.712 việc và tăng 4.257 tỷ 890 triệu đồng so với năm 2021).
- Kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng: Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và người dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt. Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh ủy/thành ủy đã tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bộ Công an đã tăng cường các biện pháp chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản ngay từ giai đoạn điều tra. Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Tổ công tác giải quyết việc thi hành án dân sự trong Quân đội đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Bộ Tư pháp kịp thời quán triệt, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự khẩn trương áp dụng quy định mới của Luật Thi hành án dân sự về ủy thác xử lý tài sản thi hành án; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra sát sao đối với từng vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi; chủ động, tích cực, đeo bám phối hợp liên ngành ở cả trung ương và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản, bảo đảm sớm thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Triển khai Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; trên cơ sở đề xuất của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp và một số tỉnh ủy/thành ủy, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xây dựng Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” để giải quyết dứt điểm một số vụ việc.
Định kỳ hàng tháng, Bộ Tư pháp đã kịp thời báo cáo Ban Nội chính Trung ương kết quả thi hành và tiến độ xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của hệ thống thi hành án dân sự giai đoạn 2016 - 2021 phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV[5].
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2022 đạt kết quả cao. Tổng số việc phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với số tiền là 89.609 tỷ 972 triệu đồng. Số việc có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng với số tiền là 43.593 tỷ 296 triệu đồng. Số việc đã thi hành xong là 1.895 việc, tương ứng với số tiền là 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021)[6].
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2002, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác thi hành án dân sự và đạt kết quả đáng ghi nhận. Kết quả thi hành xong về việc đạt 82,5% (tăng 6,67%), về tiền đạt 45,42% (tăng 14,21%) tính trên tổng số án có điều kiện thi hành, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã thi hành xong 6.215 việc (tăng 1.712 việc). Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện, đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ đồng (tăng 11.895 tỷ đồng). Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế trong thi hành án dân sự tiếp tục được tăng cường; công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả cao[7]; số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết đạt 97,17%[8].
2. Hạn chế của công tác thi hành án dân sự năm 2022 và nguyên nhân
2.1. Hạn chế
Số việc thi hành án chuyển kỳ sau tuy đã giảm (giảm 27.173 việc) nhưng vẫn còn cao. Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều. Còn tồn tại một số thiếu sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công tác ra quyết định thi hành án (thu hồi, hủy bỏ 376 quyết định/547.121 quyết định, chiếm tỷ lệ 0,07%, bằng với năm 2021); xác minh điều kiện thi hành án; phân loại án; xử lý tài sản thi hành án[9]...
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, số lượng bản án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn ở mức cao (322.239 việc, 261.755 tỷ đồng). Việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm; kết quả thực hiện một số nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án[10]. Vẫn còn sai phạm trong phân loại án, xác minh điều kiện thi hành án, thụ lý đơn yêu cầu thi hành án và xử lý tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án[11].
2.2. Nguyên nhân của hạn chế
Một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản (dự án chưa hoàn thiện hồ sơ theo pháp luật đầu tư và đất đai; tranh chấp khởi kiện phân chia tài sản chung; xử lý quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp quy hoạch...). Trong khi đó, lượng án phải thi hành ở các địa bàn trọng điểm như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật khi xử lý dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, chống đối, cản trở việc thi hành án. Hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản.
Bên cạnh việc quá tải trong công việc thì năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, chấp hành viên một số cơ quan thi hành án dân sự chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong khi tính chất vụ việc thi hành án ngày càng phức tạp. Trong một số cơ quan thi hành án dân sự, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra tuy đã được quan tâm, chú trọng nhưng có nơi hiệu quả vẫn chưa cao.
Nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự (kinh phí hoạt động, trụ sở, kho vật chứng của một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương, hạ tầng kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin) chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả công tác thi hành án dân sự[12].
3. Bài học kinh nghiệm và một số đề xuất, kiến nghị
3.1. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, cần tranh thủ sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thi hành án dân sự. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý nhà nước, hạn chế phát sinh các tranh chấp phức tạp trong xã hội; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp của các cơ quan hữu quan ngay từ giai đoạn thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử đến thi hành án.
Thứ hai, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo hành lang pháp lý bảo đảm việc tổ chức thi hành án được hiệu quả, chính xác, đúng pháp luật. Việc tổ chức thi hành các quy định của pháp luật cần có các hoạt động sơ kết, tổng kết để kịp thời đánh giá, rà soát, xác định các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật.
Thứ ba, không ngừng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, đặc biệt là vai trò chủ động của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong tổ chức thi hành án; ở từng thời điểm nhất định cần xác định rõ, cụ thể những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo giải quyết; kết hợp nhuần nhuyễn công tác chỉ đạo, điều hành với công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự[13].
3.2. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo: (i) Tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự; (ii) Thể chế hóa các định hướng về công tác thi hành án được Bộ Chính trị xác định tại Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Hai là, Chính phủ cần: (i) Tăng cường theo dõi, thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án; (ii) Chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chứng khoán; (iii) Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp. Xây dựng, sửa chữa các kho vật chứng cho cơ quan thi hành án dân sự còn thiếu hoặc chưa bảo đảm yêu cầu.
Ba là, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định; tiếp tục chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác tống đạt giấy tờ qua thừa phát lại.
Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát thi hành án dân sự ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án, nhất là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm sai phạm. Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
TS. Đỗ Đức Hồng Hà
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
ThS. Phùng Văn Huyên
Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội
[1]. Báo cáo số 403/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
[2]. Đã trừ số chuyển sổ theo dõi riêng, ủy thác, thu hồi, hủy quyết định thi hành án.
[3]. Đã trừ số chuyển sổ theo dõi riêng, ủy thác, thu hồi, hủy quyết định thi hành án.
[4]. Quyết định số 170/QĐ-TCTHADS ngày 08/3/2022 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch công tác năm 2022 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; Công văn số 684/TCTHADS-NV1 ngày 08/3/2022 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về triển khai thực hiện Kế hoạch này.
[5]. Báo cáo số 217/BC-BTP ngày 31/8/2022 của Bộ Tư pháp.
[6]. Báo cáo số 403 /BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
[7]. Theo Báo cáo số 403/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022 thì tăng 19,7% về việc và 195% về tiền so với năm 2021.
[8]. Báo cáo số 1289/BC-UBTP15 ngày 18/10/2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.
[9]. Báo cáo số 403/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
[10]. Theo Nghị quyết này thì Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%; ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100%; phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành chính xác, đúng pháp luật; bảo đảm hiệu quả cưỡng chế thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
[11]. Báo cáo số 1289/BC-UBTP15 ngày 18/10/2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.
[12]. Báo cáo số 403/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.
[13]. Báo cáo số 403/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2022.