Abstract: The paper generally deals with the work of legal information, dissemination, and education in Canada under such aspects as: information, dissemination of policies and law drafts by counselling communities, subjects of law, legal information, dissemination and education...
Canada là một một quốc gia đa sắc tộc, văn hóa và đa ngôn ngữ với hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp. Canada được tổ chức theo hình thức liên bang (gồm chính quyền liên bang, chính quyền các tỉnh bang) với hình thức chính thể quân chủ lập hiến và chế độ dân chủ nghị viện. Chính quyền ở Canada là chính quyền 03 cấp: Liên bang, tỉnh bang và địa phương. Bộ máy nhà nước Canada bao gồm 03 hệ thống cơ quan: (i) Cơ quan lập pháp; (ii) Cơ quan hành pháp; (iii) Cơ quan tư pháp. Công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Canada được thực hiện trong suốt quá trình lập pháp, hoạt động hành pháp và tư pháp, cụ thể như sau:
1. Thông tin, phổ biến dự thảo chính sách, pháp luật thông qua tham vấn cộng đồng, đối tượng chịu sự tác động của luật
Trong quá trình xây dựng luật ở Canada, tham vấn cộng đồng xã hội, đối tượng chịu sự tác động của văn bản là một bước quan trọng, không thể thiếu, diễn ra trong suốt quá trình từ xây dựng, hoạch định chính sách đến soạn thảo văn bản pháp luật và được thực hiện qua nhiều cấp. Hoạt động tham vấn nhằm nâng cao chất lượng văn bản luật, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống; tạo sự công khai, minh bạch; đồng thuận trong xã hội; huy động trí tuệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng cũng chính là thúc đẩy dân chủ, củng cố quan hệ giữa người dân và Nội các. Đồng thời qua đây còn thông tin, giới thiệu đến cộng đồng xã hội chính sách, pháp luật từ giai đoạn xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản.
Công tác tham vấn là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật và được Bộ Tư pháp Canada đưa ra như là một tuyên ngôn. Hoạt động tham vấn được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội thảo; họp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; họp tại Tòa thị chính, các ủy ban lập pháp…; tham vấn bằng văn bản, tài liệu; thông qua Cổng Thông tin điện tử, trang mạng xã hội (như facebook, twitter…).
Để thực hiện việc tham vấn, Nội các Canada đã chỉ đạo xây dựng các phiếu khảo sát, tờ rơi, tài liệu tham vấn… theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vấn được đưa ra tham vấn, phạm vi ảnh hưởng đến cộng đồng mà lựa chọn những hình thức tham vấn phù hợp.
Việc tham vấn rất chú trọng đối tượng là luật sư, cán bộ thi hành, bảo vệ pháp luật (cảnh sát, thẩm phán). ở Canada, các tổ chức phi Chính phủ đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình tham vấn xây dựng chính sách, pháp luật, trong đó có Hiệp hội Luật sư Canada (CBA)[1] - một tổ chức tự nguyện của các luật sư Canada có 39.000 thành viên.
Khi đã soạn thảo xong, dự thảo luật được đăng trên trang công báo của Canada để lấy ý kiến tham vấn của công chúng trong thời hạn tối đa là 75 ngày. Trên cơ sở ý kiến góp ý, dự thảo luật sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện. Qua quá trình tham vấn đã thông tin, phổ biến chính sách, pháp luật đến với công chúng ngay từ giai đoạn soạn thảo.
2. Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật
2.1. Thông tin, phổ biến pháp luật qua việc ứng dụng công nghệ thông tin
Canada có hệ thống công nghệ thông tin phát triển, dân trí cao nên công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc cập nhật thông tin pháp luật, văn bản luật trên cơ sở dữ liệu pháp luật để người dân tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu. Cơ sở dữ liệu pháp luật của Canada đã được xây dựng từ hơn 30 năm trước (năm 1985); từ năm 2000 đã tiến hành hợp nhất các văn bản trực tuyến và được cập nhật thường xuyên. Canada có 03 cổng thông tin điện tử cho phép tiếp cận đối với văn bản luật của cấp liên bang và cấp tỉnh bang: Cổng Thông tin điện tử của Nghị viện (https://www.parl.ca); Công báo của Canada (http://www.gazette.gc.ca) và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp - Cổng Tiếp cận công lý (http://www.justice.gc.ca). Hoạt động thông tin pháp luật ở Canada được thực hiện chủ yếu trên cơ sở dữ liệu pháp luật mà Cổng Thông tin điện tử của Viện thông tin pháp luật Canada - Canlii (www.canlii.org)[2] là một ví dụ điển hình. Canlii là tổ chức phi lợi nhuận thuộc Hội luật gia liên bang Canada, chuyên cung cấp các thông tin pháp lý dưới dạng văn bản luật, bản án của Tòa án. Mỗi luật sư đóng 40 đô la Canada/năm để được tiếp cận thông tin pháp luật trên Cổng thông tin điện tử này, qua đó làm giảm chi phí hành nghề cho các luật sư, còn đối với người dân thì tiếp cận miễn phí. Canlii cung cấp công cụ tìm kiếm, trích xuất với Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp liên bang và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp 13 tỉnh bang. Quy trình đăng tải văn bản luật, bản án trên Cổng Thông tin điện tử của Canlii gồm 03 bước là: (i) Thu thập, tiếp nhận văn bản luật, bản án thông qua email của các cộng tác viên, đĩa và sử dụng văn bản luật, bản án đã được đăng tải từ Cổng Thông tin điện tử của liên bang và các tỉnh bang; (ii) Xử lý, rà soát nội dung và thống nhất định dạng văn bản; (iii) Công bố văn bản luật và bản án. Để đáp ứng nhu cầu của người truy cập, Canlii thiết kế các trường thông tin khác nhau. Với khoảng 1 triệu tài liệu, văn bản, việc thông tin pháp luật thông qua Cổng Thông tin điện tử Canlii rất hiệu quả, hỗ trợ đắc lực hoạt động hành nghề của luật sư và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, cơ quan, tổ chức.
Đối với văn bản pháp luật hợp nhất, Canada có đạo luật về sửa đổi và hợp nhất văn bản pháp luật, theo đó, cho phép công bố tất cả các văn bản hợp nhất luật. Việc hợp nhất văn bản thuộc thẩm quyền của liên bang và các tỉnh bang. Cơ quan chủ trì xây dựng văn bản công bố hợp nhất văn bản trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan mà không công bố bằng văn bản giấy. Hiện nay ở Canada, việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, hợp nhất, công bố thông qua văn bản pháp luật đều ứng dụng công nghệ thông tin và được thực hiện thông qua phần mềm hỗ trợ quản lý thông tin (LIMS)[3].
LIMS là công cụ được thiết kế riêng cho soạn thảo, sửa đổi, bổ sung văn bản. Sản phẩm đầu ra của quá trình soạn thảo, sửa đổi, bổ sung sẽ được tích hợp thành sản phẩm đầu vào của quá trình hợp nhất. Những nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ được tự động cập nhật, phần mềm sẽ tự động cập nhật quy định mới và loại bỏ quy định hết hiệu lực. Trên cơ sở kết quả đầu ra của văn bản hợp nhất, việc công bố văn bản hợp nhất sẽ được thực hiện. LIMS cung cấp lịch sử sửa đổi, bổ sung; những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung và bảo đảm tính bảo mật, hạn chế rủi do trong xây dựng pháp luật, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu văn bản, giấy tờ.
2.2. Ngày Luật
Ngày Luật là một sự kiện quốc gia được tổ chức vào tháng 4 hằng năm để kỷ niệm ngày ký Bản Hiến chương các quyền và tự do của Canada[4] (được Nữ hoàng Anh Elizabeth II ký phê chuẩn vào ngày 17 tháng 4 năm 1982). Đây là dịp để tôn vinh pháp luật, công chúng tìm hiểu về pháp luật, nghề luật và các thể chế pháp lý hình thành nền tảng của nền dân chủ Canada. Các hoạt động của Ngày Luật trên khắp Canada là một cơ hội tốt cho những người làm công tác pháp luật thông tin, phổ biến cho công chúng về vị trí, vai trò quan trọng của pháp luật, nghề luật sư và tư pháp trong việc đảm bảo một hệ thống tư pháp công khai, độc lập và không thiên vị.
Giống như Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/115, các hoạt động được tổ chức trong Ngày Luật ở Canada rất đa dạng bao gồm: Tổ chức mít tinh, diễn đàn, diễn thuyết, tọa đàm, phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức phiên tòa giả định; thăm quan tòa án; xét xử lưu động, đồng thời còn sử dụng các panô, áp phích phổ biến pháp luật; tổ chức cuộc thi thiết kế trang web dành cho học sinh tiểu học và trung học phổ thông... Ví dụ như các chi nhánh của CBA trong cả nước đã hưởng ứng Ngày Luật bằng việc tổ chức các hoạt động truyền thông, diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghề luật sư và quy định của pháp luật, trong đó có nhiều hoạt động trong trường học hoặc liên quan đến sinh viên.
2.3. Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật công cộng ở Canada
Ở Canada, công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được nhiều tổ chức phi Chính phủ thực hiện theo hướng chuyên trách hoặc lồng ghép qua hoạt động nghề nghiệp. Bộ Tư pháp Canada đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phi Chính phủ thực hiện.
Trung tâm tuyên truyền về lợi ích công cộng (PIAC) là một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp các dịch vụ pháp lý, thông tin pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội thông qua việc cung cấp dịch vụ công về các lĩnh vực chủ yếu như: Viễn thông, ngân hàng, năng lượng nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng. Bằng cách vận động trước và trong khi làm việc với các cơ quan của Nội các, Tòa án và các tổ chức có liên quan, PIAC đã thành công trong việc bảo vệ quyền của người Canada trong việc tiếp cận thông tin pháp lý, bảo đảm chính sách minh bạch.
Hiện nay, tại mỗi tỉnh bang ở Canada đều đã thành lập các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận để cung cấp thông tin pháp lý thiết yếu cho người dân. Các tổ chức này tin rằng người dân Canada không thể thực hiện đầy đủ các quyền hợp pháp của mình trừ khi họ biết và hiểu quy định của pháp luật liên quan đến họ. Việc dễ dàng tiếp cận thông tin về pháp luật là nền tảng của một hệ thống tư pháp công bằng. Do đó, các tổ chức này đã tổ chức các hoạt động để thông tin và giáo dục cho người dân về luật pháp và hệ thống pháp luật. Nguồn tài trợ cho hoạt động của các tổ chức này là từ Bộ Tư pháp, CBA, chính quyền tỉnh bang, các dự án, Trường luật, các tổ chức xã hội khác và đóng góp của cộng đồng…
Các tỉnh bang của Canada có các tổ chức phi lợi nhuận với chức năng thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật là: Trung tâm giáo dục pháp luật cộng đồng Alberta, Trường luật British Columbia, Hiệp hội giáo dục pháp luật cộng đồng Manitoba, Dịch vụ thông tin và giáo dục pháp luật công cộng của tỉnh bang New Brunswick, Hiệp hội thông tin pháp lý công cộng của tỉnh bang Newfoundland, Hội đồng Dịch vụ pháp lý của tỉnh bang Northwest Territories, Hiệp hội thông tin pháp luật của tỉnh bang Nova Scotia, Hội đồng dịch vụ pháp lý Nunavut, tổ chức giáo dục pháp luật cộng đồng Ontario, Hiệp hội thông tin pháp luật cộng đồng của tỉnh bang Prince Edward Island, tổ chức Educaloi của tỉnh bang Quebec, Hiệp hội giáo dục pháp luật công cộng của tỉnh bang Saskatchewan và Hiệp hội giáo dục pháp luật cộng đồng Yukon.
Các tổ chức này có nhiệm vụ tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật liên quan cho người dân trên địa bàn bằng việc tạo cơ hội học tập, xây dựng cộng đồng học tập, tổ chức tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin pháp lý bằng ngôn ngữ dễ hiểu thông qua nhiều hình thức như: Đăng tải thông tin pháp luật trên trang web, qua email; biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật bằng nhiều thứ tiếng và định dạng; thuyết trình, phổ biến pháp luật trực tiếp và trả lời các vướng mắc pháp lý; cung cấp thông tin, hệ thống pháp luật, nguồn tài liệu pháp luật; thông tin pháp lý qua điện thoại[6], trong đó, chú trọng đối tượng đặc thù có khó khăn trong tiếp cận pháp luật như: Phụ nữ sống ở nông thôn, bị bạo lực gia đình[7]; người có thu nhập thấp, người tàn tật, người không biết ngôn ngữ sở tại[8]... Qua đó, giúp người dân biết được quyền và trách nhiệm của mình, đồng thời giải quyết tốt hơn các vướng mắc pháp lý trong đời sống hằng ngày. Các tổ chức này có một nhóm luật sư, giáo viên và chuyên gia trang web hợp tác để biên soạn các tài liệu, công cụ, phương tiện giáo dục pháp luật cho người dân.
Có thể nói, hoạt động thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Canada rất hiệu quả với hình thức phong phú, phù hợp với đối tượng, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại; nội dung pháp luật đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân; chính sách, pháp luật được thông tin, phổ biến từ giai đoạn soạn thảo và sau khi được thông qua. Canada đã chú trọng công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền được thông tin pháp luật thông qua việc xây dựng thể chế, chính sách; cập nhật, thông tin pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí có mục tiêu cho các tổ chức phi Chính phủ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Hoạt động xã hội hóa về lĩnh vực này được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp, thu hút nhiều tổ chức tham gia.
* Bộ Tư pháp
[1]. Canada Bar Association. CBA hoạt động trong 02 lĩnh vực chính là: (i) Đưa ra những ý kiến tham vấn và nhận xét về dự án luật; (ii) Hỗ trợ tiến hành việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho luật sư Canada. CBA nổi tiếng với những ý kiến tham vấn khách quan, trực tiếp có giá trị trong hơn 30 lĩnh vực pháp luật (gia đình, hàng hải, pháp luật về người cao tuổi...).
[2]. Canadian Legal Information Institute.
[3]. A laboratory information management system.
[4]. Canadian Charter of rights and freedoms.
[5]. Theo quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
[6]. Hiệp hội thông tin pháp lý công cộng của tỉnh bang Newfoundland, Hiệp hội thông tin pháp luật cộng đồng của tỉnh bang Prince Edward Island.
[7]. Dịch vụ thông tin và giáo dục pháp luật công cộng của tỉnh bang New Brunswick.
[8]. Tổ chức giáo dục pháp luật cộng đồng Ontario.