Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là yêu cầu tất yếu trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 3 khóa X của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng đã nêu rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng nhấn mạnh: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”. Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (Chỉ thị số 04-CT/TW), trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện nghiêm túc 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên các mặt của công tác thu hồi tài sản. Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng, cho thấy sự đúng đắn và cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
1. Những kết quả đạt được
1.1. Chỉ thị số 04-CT/TW tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương về yêu cầu của công tác thu hồi tài sản trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác thu hồi tài sản
Kết quả này được thể hiện trên nhiều mặt của công tác thu hồi tài sản được đề cập trong bài viết này, bởi lẽ, nhận thức là yếu tố quyết định đến hành động trong thực tiễn của mỗi chủ thể. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành, chỉ tính riêng về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với công tác thu hồi tài sản, ở Trung ương đã có 25 chương trình, kế hoạch của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương và ở địa phương đã có 63 chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Tại các kế hoạch, chỉ thị, các bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Ban Bí thư đã giao cho từng cơ quan, đơn vị trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua đó, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác thu hồi tài sản. Cùng với việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị vào chương trình công tác của cấp ủy, tổ chức Đảng, của các cơ quan, đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đưa nội dung quán triệt, triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW vào chương trình hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh/Thành ủy; vào nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc chương trình sinh hoạt của các cấp ủy Đảng…
Việc triển khai nghiêm túc, bài bản Chỉ thị số 04-CT/TW không chỉ góp phần nâng cao mà còn cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, từ đó tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo thẩm quyền đạt những kết quả đáng ghi nhận.
1.2. Thể chế về thu hồi tài sản tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý ngày càng toàn diện, đầy đủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác thu hồi tài sản, trong đó có một số đạo luật được Quốc hội thông qua với những sửa đổi, bổ sung quan trọng
- Luật Thanh tra năm 2022 thay thế Luật Thanh tra năm 2010, trong đó, ngoài việc tiếp tục quy định thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra trong việc “quyết định thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát”[1], Luật này đã bổ sung 01 điều luật riêng (Điều 91)[2] về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm cho chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thực hiện thẩm quyền thu hồi tài sản được Luật giao trên thực tế. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra. Ngày 30/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, trong đó dành một chương riêng (Chương V) quy định về giám định tài sản, phong tỏa tài khoản và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát theo Điều 91 Luật Thanh tra năm 2022 về thu hồi tài sản.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật[3], trong đó có Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, tháng 01/2022 (chỉ sau 06 tháng Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành), trong đó, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản song song với cơ chế ủy thác thi hành án. Theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời, song song các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thay vì xử lý tuần tự các tài sản theo cơ chế ủy thác thi hành án[4]. Cơ chế này được thông qua góp phần quan trọng vào việc tổ chức thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho Nhà nước ở giai đoạn thi hành án.
- Luật Đất đai năm 2024 thay thế Luật Đất đai năm 2013, trong đó đã dành một chương riêng (Chương XII) quy định hệ thống thông tin về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đối với công tác thu hồi tài sản, đây là điều kiện quan trọng để cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc truy nguyên, kê biên, phong tỏa, tạm dừng giao dịch đối với tài sản của người phạm tội nói chung và phạm tội về tham nhũng, kinh tế nói riêng nhằm bảo đảm thi hành án, bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng đất đã bị bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án[5].
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012[6]. Theo đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo, sửa đổi, bổ sung các biện pháp phòng, chống rửa tiền, các dấu hiệu giao dịch trong các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và lĩnh vực trung gian thanh toán; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cụ thể của một số bộ, ngành bảo đảm phù hợp với chức năng, quản lý nhà nước và thống nhất với quy định pháp luật liên quan…, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Để hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cùng với những đạo luật đã được Quốc hội thông qua, sửa đổi, bổ sung, nhiều bộ luật, luật có liên quan đến công tác thu hồi tài sản cũng đã được triển khai tổng kết, đánh giá làm căn cứ tiếp tục hoàn thiện các quy định đáp ứng yêu cầu về thu hồi tài sản như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật về giá, Luật Đấu giá tài sản, Luật Tương trợ tư pháp…
Như vậy, có thể thấy, sau 03 năm triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW, công tác nghiên cứu, hoàn thiện, tham mưu hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 04-CT/TW đã được triển khai, tham mưu triển khai thực hiện một cách toàn diện, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện cho công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
1.3. Trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng được nâng cao
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Đảng đoàn các cơ quan Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt như:
- Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Đảng đoàn các cơ quan Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đánh giá các quy chế phối hợp liên ngành hiện hành để tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp trong bối cảnh, tình hình mới, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có yêu cầu về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt như: (i) Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01-QCPH/BNCTW-BCSĐNHNNVN ngày 10/3/2015 trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng[7].
- Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 09-QCPH/BNCTW-BCSĐBTPngày 24/11/2016 về thực hiện nhiệm vụ trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan[8].
- Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an đã tổ chức tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự[9], kết quả liên ngành thống nhất tiếp tục thực hiện Quy chế, trong đó nhấn mạnh nội dung phối hợp, quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW.
- Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp ký kết các văn bản liên ngành như: Thông tư liên tịch số 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/3/2023 quy định phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố; Thông tư liên tịch số 03/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 12/5/2023 quy định về phối hợp thông báo hoặc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Ở địa phương, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp trong giải quyết vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong các vụ việc cụ thể bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Cơ chế phối hợp ngày càng phát huy hiệu quả khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và đi vào hoạt động ở các địa phương. Việc thực hiện phối hợp liên ngành của các thành viên trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tại các tỉnh/thành phố đã được quan tâm, chú trọng để bảo đảm hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án dân sự.
Có thể thấy, Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành đã góp phần bảo đảm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong công tác thu hồi tài sản, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đi vào thực chất giữa các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương; từ khâu xác minh, truy tìm tài sản cho đến khâu xử lý tài sản, qua đó kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm cho việc thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
1.4. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được tăng cường, qua đó kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 về tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; trên cơ sở đó, hàng năm có Hướng dẫn[10] công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính trong toàn ngành với chỉ tiêu đặt ra là: “Theo dõi, lập hồ sơ và thực hiện kiểm sát 100% việc thi hành án về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chú trọng kiểm sát chặt chẽ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cấp ủy các cấp theo dõi, chỉ đạo”; trên cơ sở kết quả kiểm sát, kịp thời kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền để khắc phục sai sót, vi phạm.
- Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, trong đó đề ra các nhiệm vụ: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án. Tăng cường công tác thanh tra đối với việc bán đấu giá tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế”. Trên cơ sở đó, hàng năm, chỉ đạo Thanh tra Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện các đoàn thanh tra chuyên đề việc tổ chức đấu giá tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế[11] theo các kế hoạch đã được phê duyệt[12]; chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện công tác tự kiểm tra và kiểm tra theo Kế hoạch[13] trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, theo đó, 100% các cơ quan trong hệ thống thi hành án dân sự đã tiến hành tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý các sai phạm trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch[14] giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong đó đã thành lập Đoàn giám sát liên ngành giám sát tại 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (đối tượng giám sát là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an và Cục Thi hành án dân sự) về công tác thực hiện pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của các vụ án trong thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021. Kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản kiến nghị sau giám sát, trong đó chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót và những kiến nghị cụ thể đến các cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương liên quan đến công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
- Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có số lượng án tham nhũng, kinh tế phải thu hồi lớn (Thành phố Hồ Chí Minh[15], Thành phố Hà Nội[16]) đã thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành án dân sự và công tác kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với cơ quan thanh tra và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số kết quả trên cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã được Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nhiều Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa việc thực hiện công tác thu hồi tài sản tham nhũng thành nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề và thường xuyên trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo.
1.5. Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng được tăng cường; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài
Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, nhiều hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với một số quốc gia đã được đàm phán, ký kết, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Cụ thể: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao tiến hành đàm phán 03 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cộng hòa Hồi giáo I-ran, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Cộng hòa Xinh-ga-po. Tổ chức ký chính thức 05 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cộng hòa Ác-hen-ti-na; Cộng hòa I-ta-li-a; Cộng hòa Hồi giáo I-ran; Cộng hòa Séc và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê chuẩn 05 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan, Cộng hòa Séc, Cộng hòa I-ta-li-a, Cộng hòa Ác-hen-ti-na và Cộng hòa Hồi giáo I-ran trình Chính phủ. Đến nay, Hiệp định giữa Việt Nam với Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan đã có hiệu lực, Hiệp định với Cộng hòa Séc đã được Chủ tịch nước phê chuẩn. Đây là cơ sở để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực hình sự nói chung và trong thu hồi tài sản nói riêng.
Trong thực tiễn, ở một số vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam cũng đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
1.6. Kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt được những kết quả đáng ghi nhận
Sau 03 năm Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền từ các cấp về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có chuyển biến tích cực, rõ nét với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với công tác thu hồi tài sản; các nhiệm vụ được đề ra tại Chỉ thị số 04-CT/TW đã được triển khai toàn diện, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong các ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai đối tượng vi phạm.
Ở các Tỉnh ủy, Thành ủy cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác thu hồi tài sản được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các cấp ủy, tổ chức Đảng ở địa phương đã quan tâm chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan chức năng đã chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn nhận được tin báo tố giác tội phạm, điều tra, xác minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản ở nước ngoài; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Qua đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Chỉ tính riêng trong giai đoạn thi hành án - không phải khâu duy nhất nhưng là khâu thể hiện tập trung nhất kết quả thu hồi tài sản, từ sau khi Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành, các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước đã tổ chức thu hồi 49.381 tỷ 135 triệu đồng (trong đó: 06 tháng cuối năm 2021 thu hồi 2.198 tỷ 762 triệu đồng, năm 2022 thu hồi 15.989 tỷ 592 triệu đồng, năm 2023 thu hồi 20.405 tỷ 278 triệu đồng và năm 2024 (tính đến hết tháng 5/2024) đã thu hồi được 10.787 tỷ 503 triệu đồng). Đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được 48.110 tỷ đồng (cao hơn khoảng 11.000 tỷ so với kết quả thu hồi tài sản từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào năm 2013 đến năm 2020 - năm trước khi ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW[17] của cả giai đoạn 2013 - 2020, trong đó kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2021 thi hành được hơn 4.050 tỷ đồng; năm 2022 thi hành được 15.497 tỷ đồng; năm 2023 thi hành được 19.485 tỷ đồng; năm 2024 (tính đến ngày 30/4/2024) thi hành được 9.078 tỷ đồng).
Kết quả thu hồi tài sản nêu trên góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đó là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW theo Báo cáo tổng hợp, đánh giá của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp - cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy, công tác thu hồi tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Thể chế về thu hồi tài sản đã từng bước được hoàn thiện, song ở một số lĩnh vực vẫn còn chậm, chưa xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; việc kê biên tài sản trong các giai đoạn tố tụng mới chỉ bảo đảm tài sản không bị tẩu tán mà chưa làm rõ tình trạng pháp lý của tài sản, phần sở hữu của người phải thi hành án đối với tài sản bị kê biên; khi phát sinh tranh chấp đối với tài sản đã bị bản án tuyên kê biên, nhiều yêu cầu, khởi kiện giải quyết tranh chấp đã không thụ lý giải quyết vì lý do tài sản đã bị kê biên để bảo đảm thi hành án, làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án.
- Công tác phối hợp trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế có lúc, có nơi còn chậm, chưa hiệu quả.
3. Giải pháp
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW nhằm nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó một số giải pháp cần tiếp tục triển khai như:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 04-CT/TW, các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương, nhất là Đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 35-KH/TW ngày 07/8/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) như: Bổ sung quy định việc “kê biên tài sản” được thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; bổ sung quy định về “tạm dừng việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự, được thực hiện trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử...; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện vấn đề “xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp” và “thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội”; nghiên cứu việc chuyển hành vi tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và chứng minh được yếu tố vụ lợi vào phần các tội phạm về tham nhũng được quy định tại Bộ luật Hình sự; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát biến động tài sản; có cơ chế xử lý tài sản, thu nhập và có cơ chế khuyến khích để các cơ quan thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thứ ba, tăng cường phối hợp, chỉ đạo phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thu hồi tài sản.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.
Thứ năm, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thu hồi tài sản có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chuyên môn cao, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, công nghệ cao...; kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che, dung túng những cán bộ trong đơn vị có sai phạm.
Thứ sáu, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế nhất là công tác phong tỏa, thu giữ, chuyển giao, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có nguồn gốc Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế để tránh tình trạng các đối tượng vi phạm có thời gian hợp lý hóa hoặc tiêu hủy các tài liệu, chứng cứ liên quan, cất giấu, tẩu tán tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do phạm tội về tham nhũng, kinh tế; phải có kế hoạch triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp xác minh, truy nguyên, truy tìm tài sản từ sớm, nâng cao hiệu quả hoạt động khám xét để phát hiện, thu giữ tài sản; chú trọng công tác hỏi cung, ghi lời khai để vận động các đối tượng giao nộp tài sản để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Kịp thời áp dụng biện pháp khác ngoài kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản như: Yêu cầu ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng đối với động sản, bất động sản, cổ phiếu và tài sản khác có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng.
Thiết nghĩ, những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên cần được triển khai một cách toàn diện và đồng bộ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả các mặt công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế mà trực tiếp là kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt về giá trị tuyệt đối được nâng lên qua các năm, qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
Nguyễn Thị Hoàng Giang
Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Điểm h khoản 1 Điều 80 Luật Thanh tra năm 2022.
[2]. Theo đó, người ra quyết định thanh tra có quyền thu hồi tài sản khi đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác, đồng thời quy định về hình thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành quyết định thu hồi tài sản và trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định thu hồi tài sản của chủ thể ra quyết định thu hồi.
[3]. Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
[4]. Cơ chế ủy thác thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự chỉ được ủy thác thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự nơi khác khi đã xử lý hết tài sản bảo đảm thi hành án ở trên địa bàn (hạn chế việc các cơ quan thi hành án dân sự đồng thời xử lý tài sản ở nhiều địa phương để bảo đảm thi hành nghĩa vụ của người phải thi hành án).
[5]. Điều 174 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Trường hợp nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thông qua nhận chuyển quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành mà hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Điều 172 của Luật này mà không phải làm thủ tục gia hạn”.
[6]. Trong đó, quy định về các giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ, dấu hiệu đáng ngờ trong các lĩnh vực, chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan có thẩm quyền và các biện pháp trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài khoản.
[7]. Hội nghị được tổ chức ngày 25/11/2021.
[8]. Hội nghị được tổ chức ngày 29/12/2021.
[9]. Báo cáo số 263/BC-BTP ngày 02/12/2021 của Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC.
[10]. Hướng dẫn số 02/HD-VKSNDTC ngày 05/01/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính năm 2022.
[11]. Năm 2022 đã tổ chức 02 đoàn tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; năm 2023 tổ chức 01 đoàn tại Thành phố Hà Nội.
[12]. Kế hoạch số 1768/KH-BTP ngày 25/11/2021 của Bộ Tư pháp; Kế hoạch số 2338/KH-BTP ngày 25/11/2022 của Bộ Tư pháp.
[13]. Quyết định số 146/QĐ-TCTHADS ngày 28/02/2022 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự năm 2021; Quyết định số 1460/KH-TCTHADS ngày 29/12/2022 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự năm 2023.
[14]. Kế hoạch số 406/KH-MTTQ-BTT ngày 15/02/2022.
[15]. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng án hình sự về kinh tế, tham nhũng phải thu hồi lớn nhất cả nước, để kiểm soát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thu hồi tài sản thông qua kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành án dân sự và công tác kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với cơ quan thanh tra và các cơ quan tiến hành tố tụng Thành phố. Trong năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 793-QĐ/TU ngày 13/5/2022 thực hiện kiểm tra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố về công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng (Báo cáo số 398-BC/TU ngày 15/02/2023 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).
[16]. Thành phố Hà Nội là địa phương có số lượng án hình sự về kinh tế, tham nhũng đứng thứ 02 trong cả nước, để kiểm soát công tác thu hồi tài sản trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thu hồi tài sản gắn với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương và kết hợp với kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
[17]. Từ năm 2013 đến hết năm 2020 (07 năm) thi hành được hơn 37.179 tỷ đồng.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 409), tháng 7/2024)