Trong năm qua, Trung tâm đã thực hiện được 508 vụ việc (trong đó, có 128 vụ việc bào chữa, đại diện; 317 vụ việc tư vấn pháp luật) cho 519 người (trong đó, có 145 người nghèo, 61 người có công với cách mạng, 251 người đồng bào dân tộc thiểu số, 11 người khuyết tật, 51 trẻ em - đã bao gồm người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đối tượng, được các cơ quan tố tụng ghi nhận quan điểm bào chữa…
Tuy gặp nhiều khó khăn do địa bàn tỉnh rộng, có 06 huyện miền núi, nhiều địa phương giao thông đi lại khó khăn, nhưng trong năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức thành công 47 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý đến các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 2.650 lượt người tham dự. Tại các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý cũng đã thực hiện tư vấn tại chỗ 250 vụ việc cho người dân có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Hội Người khuyết tật của tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng về trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, công tác thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được lãnh đạo Trung tâm quan tâm chỉ đạo sát sao, qua đó, đã kịp thời thanh toán thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như đảm bảo tính chính xác, khách quan, phù hợp với tính chất của vụ việc trợ giúp pháp lý.
Có thể thấy, để đạt được những kết quả nói trên, một phần quan trọng là do Trung tâm đã luôn chủ động, kịp thời xây dựng, tham mưu Lãnh đạo Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Các kế hoạch cụ thể để triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý của tỉnh như: Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2017; Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2017... Đặc biệt, tham mưu cho Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ban hành Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2017 và kế hoạch công tác kiểm tra phối hợp trợ giúp pháp lý. Qua đó, trong năm 2017, Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã tiến hành kiểm tra tại các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Ba Tơ và Bình Sơn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh trong năm qua vẫn gặp không ít hạn chế, khó khăn như: Số lượng vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu thuộc lĩnh vực hình sự; số vụ việc mà các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm còn ít so với vụ việc thụ lý (đặc biệt là vụ việc dân sự); tại một số cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự chưa được giải thích hoặc được giải thích nhưng chưa đầy đủ về quyền được trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí; việc tổ chức thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý mới chỉ thực hiện được ở một số xã nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc bố trí, thu hút các nguồn lực (con người, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện) tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế, bất cập, do đó, hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua chưa đáp ứng hết nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng.
Để công tác trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo, Trung tâm đã xác định nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tập trung triển khai có hiệu quả công tác truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý song song với việc nâng cao năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; tập trung thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng; thực hiện các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý cũng như đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, ven biển và hải đảo. Đặc biệt, sẽ tiếp tục kiện toàn Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Bước sang năm 2018, đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 với nhiều điểm mới, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý cũng đặt ra những khó khăn, thách thức nhưng với việc xác định nhiệm vụ cụ thể cùng sự nỗ lực, sự đoàn kết, nhất trí của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm, tin tưởng rằng, công tác trợ giúp pháp lý tỉnh nhà sẽ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng Trung tâm thành địa chỉ tin cậy của những đối tượng yếu thế trong xã hội mỗi khi họ có vướng mắc pháp luật và cần được giúp đỡ.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi