Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2024, Bộ, Ngành Tư pháp đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của 06 tháng cuối năm, trong đó xác định tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành Tư pháp...
1. Nhiều kết quả nổi bật trên hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành Tư pháp
Trong 06 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương; chủ động, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra.
Từ kết quả số liệu thống kế cho thấy, kết quả công tác trong 06 tháng đầu năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, Ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, nổi bật là: (i) Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”của Chính phủ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội[2]; các nghị quyết[3]; chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội về tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đôn đốc, thực hiện quyết liệt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp của Bộ, của Chính phủ để giải quyết, tham mưu các giải pháp triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ. (ii) Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, Ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực, thời gian để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia tích cực, có trách nhiệm vào hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, bảo đảm hành lang pháp lý để kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Ngành Tư pháp được Quốc hội thông qua, được Chính phủ ban hành. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024[4] tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…). (iii) Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bộ, Ngành Tư pháp chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. (iv) Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. (v) Thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. (vi) Công tác truyền thông chính sách được Bộ Tư pháp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, bám sát quan điểm, định hướng, chỉ đạo thông tin tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; nội dung các ấn phẩm, tin, bài đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kịp thời thông tin, phản ánh về kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật. (vii) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện, bám sát các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, các kế hoạch, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đã được ban hành. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc...; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024 - 2030” (theo Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024); công tác hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; (viii) Công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp tiếp tục được Bộ, Ngành Tư pháp quan tâm triển khai thực hiện, bám sát định hướng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ trọng tâm công tác của Bộ, Ngành Tư pháp và đạt nhiều kết quả ấn tượng; thể chế quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật được quan tâm hoàn thiện, nổi bật là tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP ngày 01/3/2024 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp...
Những kết quả đạt được nêu trên của công tác tư pháp trong 06 tháng đầu năm 2024 đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc xử lý văn bản trái pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương sau khi có kết luận kiểm tra vẫn còn chậm so với quy định; kết quả thi hành án dân sự chưa đạt được như kỳ vọng; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thanh tra, tự kiểm tra trong một số lĩnh vực chưa kịp thời, hiệu quả chưa được như mong muốn.
2. Bộ, Ngành Tư pháp xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2024
Những tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, gây nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta, nhất là trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội nước ta, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, xử lý và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh mới, đột xuất, trong đó có cả vấn đề pháp lý, tư pháp. Trước bối cảnh đó, tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, những kết quả đạt được, nhất là trong việc triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác[5], khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được nhận diện trong thực hiện công tác tư pháp 06 tháng đầu năm; bám sát chủ trương, định hướng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu công tác từ pháp 06 tháng cuối năm 2024.
2.1. Nhiệm vụ chủ yếu
Một là, tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW); Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Hai là, tham mưu thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024. Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nhất là dự án Luật Công chứng và các báo cáo của Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp.
Ba là, tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024; tiếp tục triển khai hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, nhất là các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024, phù hợp với tình hình thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương.
Bốn là, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính.
Năm là, tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo; Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của Ngành Tư pháp đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Sáu là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Chuẩn bị điều kiện và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất…
Bảy là, tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền lợi của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp; tham gia tích cực vào việc xử lý các vấn đề pháp luật quốc tế phát sinh…, nhất là tham mưu cho Chính phủ ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; tiếp tục thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trên cơ sở bám sát định hướng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ trọng tâm công tác của Bộ, Ngành Tư pháp; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Tám là, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành; thực hiện việc kiện toàn tổ chức và sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành theo yêu cầu của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 04/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp và các thông tư, quy định khác có liên quan theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác cán bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức và công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo của Bộ tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho Bộ, Ngành Tư pháp. Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật có trình độ, chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là các Đề án, Chương trình đã được Chính phủ phê duyệt[6].
Chín là, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xây dựng dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Bộ, Ngành Tư pháp; tiếp tục quản lý ngân sách, tài sản theo đúng quy định, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của Bộ, Ngành; tập trung nguồn lực, chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; phấn đấu bảo đảm kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2024 theo tiêu chí được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê của Bộ, Ngành Tư pháp.
Mười là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do Bộ, Ngành Tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
2.2. Giải pháp chủ yếu
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2024, bên cạnh, việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, Ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với dự kiến bối cảnh 06 tháng cuối năm, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; ngăn chặn các biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm.
Hai là, chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh linh hoạt việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Ba là, tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành Tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp; đồng thời, kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao./.
Huyền Bùi
[1] Bài viết tổng hợp thông tin, dữ liệu từ Dự thảo Báo cáo Công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 06 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tư pháp, đăng tải trên https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=4392, truy cập ngày 09/7/2024.
[2] Như: (i) Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (ii) Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; (iii) Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
[3] Như: (i) Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; (ii) Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; (iii) Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ.
[4] Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
[5] Đã được đề ra tại Chương trình hành hành động của Ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.
[6] Như: Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân Luật giai đoạn 2023 - 2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật…