Abstract: The paper points out and analyses the real situation of the work of handling administrative violations in the area of environment protection in the Dien Bien Province, from which, to put forward solutions for improving effect of law implementation in this area.
1. Thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Điện Biên
Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những diễn biến phức tạp, trong đó có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, khai thác tài nguyên khoáng sản, an toàn vệ sinh thực phẩm; tình trạng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà nguyên nhân chính là do một số tổ chức, cá nhân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường. Qua các cuộc kiểm tra, thanh tra của Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã cho thấy những hành vi vi phạm liên quan đến môi trường ngày càng nghiêm trọng, môi trường đang dần bị hủy hoại: Tình trạng đất đai bị xói mòn rửa trôi, khô hạn, mất chất hữu cơ... đã và đang xảy ra ở một số khu vực. Hiện trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng trong nông nghiệp chưa được kiểm soát. Tài nguyên nước suy giảm, một số vùng thiếu nước vào mùa khô, rác thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt thải ra môi trường chưa được thu gom, xử lý dẫn đến ô nhiễm cục bộ tại một số điểm tiếp nhận[1].
Tình hình vi phạm trong hoạt động khoáng sản chưa được kiểm soát chặt chẽ, làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đáng chú ý là tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, suối trái phép gây sạt lở, mất đất sản xuất của nhân dân; tình trạng sử dụng hóa chất độc hại để chế biến khoáng sản (vàng, chì, kẽm) chưa xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác, chậm kê khai, kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; không quan trắc môi trường định kỳ; không lập phương án trồng rừng thay thế... gây bức xúc trong dư luận.
Qua các cuộc thanh, kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện 739 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Thu giữ: 128,753 m3 gỗ; 308 kg động vật, sản phẩm động vật rừng; 1000 kg cafein, 4,5 kg bột phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để làm kem; 41kg salbutamol (chất cấm trong chăn nuôi); 300 kg thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng; 205 kg thức ăn tẩy hạn sử dụng trên bao bì; 44354 kg lâm sản (củ bách bộ, củ lá thuyển, cây máu chó, cây khúc khắc, phong lan ...). Lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra khởi tố 10 vụ, 14 bị can về các hành vi hủy hoại, vận chuyển lâm sản trái phép; lập hồ sơ xử phạt và chuyển các ngành chức năng xử phạt vi phạm hành chính 705 vụ, với số tiền 3.528.227.000 đồng[2].
2. Khó khăn, vướng mắc khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
Những điểm mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm về môi trường được đánh giá là những nội dung sửa đổi, bổ sung hợp lý, cần thiết được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự ở nước ta trong những năm gần đây nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc xử lý các tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, những quy định về nhóm tội này vẫn còn có một số điểm chưa thật sự hợp lý về khoa học và có thể dẫn đến sự không thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Thứ nhất, Điều 238 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông quy định về hành vi tại điểm c khoản 1 “khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép” là không phù hợp với tính chất của tội này. Hành vi khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép không phải trong mọi trường hợp đều ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai hay thuộc trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông. Hành vi này chỉ có thể được giữ lại khi sửa theo hướng quy định chúng được thực hiện trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.
Thứ hai, với quy định liệt kê tại khoản 1 của Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây” sau đó liệt kê các hành vi khách quan của tội phạm thì việc bổ sung hành vi “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” là không hợp lý. Bản thân hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% không thể là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chỉ có thể được quy định là một loại dấu hiệu kèm theo hành vi khách quan của tội này với tính cách là hậu quả do hành vi đó gây ra. Với quy định hiện nay, trường hợp người thực hiện các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (như: Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản…) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% mà không thoả mãn các điều kiện khác thì lại không bị xử lý về hình sự. Tình trạng này vừa bỏ lọt những trường hợp cần xử lý hình sự vừa bất hợp lý so với trường hợp người có hành vi đó gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên bị xử lý theo khung tăng nặng của Điều luật này. Để khắc phục, dấu hiệu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% phải được chuyển lên quy định liền sau dấu hiệu về trị giá thủy sản thu được ở khoản 1. Sự dịch chuyển đó không chỉ bảo đảm tính khoa học mà còn bảo đảm hiệu quả áp dụng của quy định này.
Thứ ba, hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường là những hành vi khác nhau, gây ra những hậu quả khác nhau: “Để xẩy ra sự cố môi trường”, “làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng” hoặc các thiệt hại khác về tính mạng, sức khoẻ con người hoặc tài sản. Các dạng hậu quả này thực chất và suy cho cùng chỉ là một. Vì “sự cố môi trường” chính là việc/sự kiện gây ô nhiễm, suy thoái, biến đổi môi trường nghiêm trọng[3]. Còn ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường… gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật[4]. Nói cách khác, “sự cố môi trường”, “ô nhiễm môi trường” có chung bản chất và được đánh giá thông qua việc gây ra hậu quả thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. Như vậy, việc mô tả các dấu hiệu hậu quả tại điểm a, b khoản 1 Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015 là: “Để xảy ra sự cố môi trường”, “làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng”, “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…” là chồng chéo và không chính xác, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng các quy định này để xác định hành vi của người vi phạm.
Thứ tư, một số hành vi phạm tội được mô tả trong điều luật chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến trùng lặp với quy định ở tội danh khác. Điểm c khoản 1 Điều 238 quy định người nào thực hiện hành vi thăm dò, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% thì sẽ bị xử lí hình sự. Tuy nhiên, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 227 tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cũng có mô tả hành vi phạm tội và hậu quả của tội phạm tương tự như Điều 238. Hành vi khách quan của tội phạm được mô tả tại khoản 1 Điều 227 là hành vi vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép. Hậu quả của tội phạm theo quy định tại điểm c, d khoản 1 ĐIều 227 là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. Như vậy, có sự trùng lặp một số hành vi khách quan của hai tội danh, từ đó, việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn trong quá trình định tội danh và quyết định hình phạt sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, cần sửa đổi nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm để có sự thống nhất với Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chỉ dựa vào mức giá trị của động vật hoang dã, sản phẩm của chúng trong khi đó, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 lại căn cứ vào số lượng cá thể, bộ phận cơ thể. Như vậy, căn cứ để xử lý vi phạm về cùng đối tượng giữa hai luật này không thống nhất với nhau. Việc không thể căn cứ vào giá thị trường để định giá với đối tượng tác động này dẫn đến không thể xác định được giá trị hoặc nếu có cũng không chính xác.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
3.1. Đối với các bộ, ngành trung ương
Một là, các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả cao hơn nếu việc sử dụng môi trường của các tổ chức, cá nhân được tính thành chi phí sản xuất. Đây là một trong những tiêu chí cạnh tranh trong việc sử dụng môi trường. Có như vậy, ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân sẽ được nâng lên. Cụ thể hơn nữa là, các doanh nghiệp kinh doanh phải trả tiền cho việc thải nước và khí độc ra môi trường; ngược lại, nếu các doanh nghiệp sẽ được giảm, miễn hoặc thoái thuế nếu sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng môi trường tiết kiệm và có thức bảo vệ môi trường sẽ có chính sách tuyên dương và khen thưởng kịp thời.
Hai là, cần xã hội hóa việc bảo vệ môi trường, biến việc bảo vệ môi trường thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, nhất là tăng cường trách nhiệm của cộng đồng dân cư, làng xã trong công tác bảo vệ môi trường.
Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện các văn bản, chính sách bảo vệ môi trường, cụ thể: Khung hướng dẫn về trình tự thực hiện đối với các dự án sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học; định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường nước thải.
Bốn là, cần tăng mức xử phạt hành chính và các hình phạt nghiêm khắc nhất quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Không chỉ áp dụng cho các cá nhân vi phạm mà phải áp dụng cho các tổ chức có tư cách pháp nhân gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại môi sinh, đặc biệt phải dùng hình thức áp dụng xử phạt liên quan đến tài chính, tịch biên, phá hủy hoặc thậm chí có thể giải thể hoạt động trong trường hợp cần thiết. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các cơ sở hoạt động liên quan đến môi trường nhưng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để.
3.2. Đối với tỉnh Điện Biên
Một là, quan tâm tăng tỷ lệ chi ngân sách trên 1% ngân sách của địa phương chi cho hoạt động bảo vệ môi trường đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt tăng chi ngân sách cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Hai là, đối với công tác quản lý chất thải nguy hại, cần xem xét việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại theo vùng.
Ba là, đề xuất Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam nên tạo điều kiện hỗ trợ, cho vay lãi xuất ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải.
Bốn là, tỉnh Điện Biên cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Năm là, các địa phương phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường thực tế của địa phương. Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sáu là, tỉnh cần có chính sách về tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là tuyến huyện và xã; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý môi trường.
Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên
[1]. Báo cáo số 311/BC-CAT ngày 20/10/2016 của Công an tỉnh Điện Biên về công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2016.
[2]. Kết quả này được tổng hợp từ các báo cáo năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 của Công an tỉnh Điện Biên, cụ thể: Báo cáo số 231/BC-CAT ngày 15/10/2012; Báo cáo số 218/BC-CAT ngày 17/10/2013; Báo cáo số 256/BC-CAT ngày 15/10/2014; Báo cáo số 212/BC-CAT ngày 18/10/2015; Báo cáo số 311/BC-CAT ngày 20/10/2016.
[3]. Xem: Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
[4]. Xem: Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.