1. Nhận diện khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”; xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng[1].
Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và trải qua 11 năm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) đi vào cuộc sống, cùng với sự ra đời của một số nghị định của Chính phủ quy định về công tác xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông cho thấy, những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT nói chung và trong công tác xử phạt VPHC của lực lượng CSGT nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề khó khăn, bất cập mà điển hình là trong công tác xử phạt VPHC về TTATGT với những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các nghị định của Chính phủ đối với công tác thực tiễn của lực lượng CSGT. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hệ thống các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 118/2021/NĐ-CP) còn bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý.
Các biểu mẫu được ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP như biên bản VPHC, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép chứng chỉ hành nghề, quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa... trong đó, một số biểu mẫu có khoảng cách, tỷ lệ không hợp lý, nhiều đề mục, nhiều chú thích, cán bộ lập biên bản viết không đủ chỗ. Một hồ sơ xử phạt VPHC đi kèm nhiều biểu mẫu, người dân phải ký nhiều văn bản, phần nào ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ xử lý VPHC của cán bộ, mặt khác còn gây khó chịu, phiền hà cho cá nhân, tổ chức vi phạm; các loại biên bản tạm giữ, biên bản trả lại tang vật, phương tiện... chia thành nhiều loại biểu mẫu theo từng đối tượng, dễ gây nhầm lẫn, quản lý quá nhiều loại biểu mẫu.
Thứ hai, quy định về niêm phong phương tiện VPHC trong lĩnh vực TTATGT còn rườm rà, thiếu thực tế, thiếu những quy định cụ thể.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT lập biên bản và ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC theo quy định phải tiến hành niêm phong tang vật, phương tiện đó nhưng trên thực tế, việc thiết lập biên bản niêm phong và biên bản mở niêm phong khi trả phương tiện, tang vật VPHC mà người lập, người mở niêm phong lại là một người thì đây là bất cập mà đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn nào về việc này; trong điều tra giải quyết tai nạn giao thông các phương tiện hư hỏng thì việc niêm phong phương tiện không có ý nghĩa mà thêm thủ tục rườm rà; chưa có quy định về mẫu giấy niêm phong. Đối với các phương tiện là xe cơ giới trước khi niêm phong phải rút hết toàn bộ nhiên liệu trong bình để bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ thì số nhiên liệu sẽ xử lý như thế nào? Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Việc niêm phong không quy định cụ thể niêm phong như thế nào, vị trí niêm phong cụ thể trên từng loại phương tiện bao gồm cả phương tiện thủy nội địa.
Thứ ba, quy định về thời gian chuyển biên bản VPHC về TTATGT trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý còn thiếu tính khả thi.
Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản VPHC được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
Thực tế, đối với vụ việc khai thác cát trái phép đơn vị giải quyết, sau khi đã xác minh làm rõ, đủ căn cứ để lập biên bản thì đơn vị phải trình lãnh đạo Phòng CSGT phụ trách phê duyệt, sau đó, chuyển hồ sơ qua Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thẩm định rồi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ký quyết định xử phạt VPHC. Việc quy định 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC đến người có thẩm quyền xử phạt là không khả thi, vì điều kiện sông nước đi lại khó khăn, xa trụ sở làm việc, việc xác minh làm rõ các đối tượng vi phạm mất nhiều thời gian dẫn đến quá thời hạn không ra quyết định xử phạt VPHC, tang vật, phương tiện VPHC để lâu không được tịch thu, xử lý dẫn đến hư hỏng, suy giảm chất lượng.
Thứ tư, việc quy định thời hạn thông báo 01 năm là quá dài để xử lý một vụ việc VPHC về TTATGT.
Tại điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện... Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện VPHC”.
Thời hạn thông báo 01 năm là quá dài để xử lý một vụ việc VPHC, khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính; ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ (do phải chờ xử lý) gây tồn đọng trong khi điều kiện bến, cảng tạm giữ còn hạn chế và phát sinh chi phí trong coi, bảo quản tang vật.
Thứ năm, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (Nghị định số 139/2021/NĐ-CP) còn thiếu tính khả thi.
Đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điều 38 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc đưa lên khỏi phương tiện số hàng hóa vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện”.
Đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điều 35 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về xếp, dỡ hàng hóa” cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc xếp hàng hóa theo đúng quy định; buộc đưa xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô vượt quá số lượng lên khỏi phương tiện”. Nếu hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 35 xảy ra trên phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông mà phương tiện đó đã di chuyển được một quãng đường thì áp dụng biện pháp đó như thế nào? Tiếp tục cho phương tiện đó đi hết quãng đường hay yêu cầu quay về bến để đưa các xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô chở quá số lượng quy định lên bến? Với tình hình thực tế hiện nay, đơn vị chưa có bến, bãi hạ tải hàng hóa, mặt khác, thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thuộc Trưởng phòng và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố; do đó, để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ngay sau khi phát hiện hành vi vi phạm bảo đảm kịp thời và đúng thẩm quyền là không bảo đảm tính khả thi.
2. Giải pháp
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATGT, dưới góc độ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực hiện công tác xử phạt VPHC về TTATGT như sau:
Thứ nhất, khảo sát, đánh giá lại hệ thống các biểu mẫu được sử dụng trong công tác xử phạt VPHC về TTATGT, lấy ý kiến lực lượng CSGT - Công an các đơn vị địa phương trực tiếp thực hiện việc lập biên bản VPHC, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép chứng chỉ hành nghề, ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, ra quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa để điều chỉnh khoảng cách, tỷ lệ cho hợp lý, cắt giảm các đề mục và một số chú thích không cần thiết. Rà soát lại các loại biên bản tạm giữ, biên bản trả lại tang vật, phương tiện... hạn chế việc chia thành nhiều loại biểu mẫu theo từng đối tượng, dễ gây nhầm lẫn và khó khăn cho công tác quản lý.
Thứ hai, ban hành quy định về niêm phong phương tiện VPHC trong lĩnh vực TTATGT theo hướng cụ thể, bám sát thực tiễn. Bổ sung nguyên tắc việc lập niêm phong và mở niêm phong tang vật, phương tiện VPHC phải được thực hiện bằng hai người có thẩm quyền khác nhau; nghiên cứu và ban hành mẫu giấy niêm phong; có hướng dẫn cụ thể về việc niêm phong phương tiện hư hỏng trong vụ tai nạn giao thông, quy định cụ thể niêm phong như thế nào, vị trí niêm phong cụ thể trên từng loại phương tiện bao gồm cả phương tiện thủy nội địa và có quy định xử lý đối với nhiên liệu được rút ra từ bình chứa của các phương tiện bị niêm phong.
Thứ ba, đề xuất quy định lại thời gian chuyển biên bản VPHC (tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý từ 24 giờ lên 72 giờ để cơ quan thực thi pháp luật đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt.
Thứ tư, do thời hạn thông báo đối với các trường hợp VPHC (01 năm) là quá dài để xử lý một vụ việc VPHC, khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính; ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ (do phải chờ xử lý) gây tồn đọng trong khi điều kiện bến, cảng tạm giữ còn hạn chế và phát sinh chi phí trông coi, bảo quản tang vật. Do vậy, tại điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cần giảm thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp từ 01 năm xuống còn 03 tháng là phù hợp.
Thứ năm, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điều 38 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và hành vi vi phạm được quy định tại Điều 35 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP: “Vi phạm quy định về xếp, dỡ hàng hóa” vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, không gây phiền hà, khó khăn cho người dân./.
Thiếu tá, ThS. Chu Công Thế
Khoa Cảnh sát giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân
[1].Bộ Chính trị (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)