Xuất phát từ vị trí, vai trò này, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm luôn được Cục tổ chức thực hiện bài bản và có hiệu quả dựa trên trên nền tảng tích hợp công nghệ kỹ thuật số, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan theo quy định của pháp luật.
Từng bước phát triển, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến theo hướng chuyển đổi số
Ngay từ năm đầu triển khai công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (năm 2001), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, giảm thiểu chi phí và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Thời điểm này, Cục đã chủ động, nỗ lực tự xây dựng 01 phần mềm nội bộ để tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Việc chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm đã đặt nền móng vững chắc cho những thành công sau tiếp theo của hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến về biện pháp bảo đảm.
Từ năm 2010 đến nay, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được cùng với quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, chiến lược, mục tiêu của Chính phủ, của Bộ, ngành Tư pháp trong đẩy mạnh thực hiện xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã gắn liền hoạt động cải cách thủ tục hành chính với việc tăng cường, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản. Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến đạt mức độ 3 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 19/3/2012 và đến ngày 10/7/2017, Hệ thống đã tiếp tục được hoàn thiện để đạt mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ ngày 04/10/2021, Hệ thống đã tích hợp giải pháp chữ ký số trên nền tảng web của Ban Cơ yếu Chính phủ và đạt yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Với mục tiêu góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tảng dữ liệu số dùng chung của Chính phủ, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Bộ, ngành Tư pháp. Ngày 22/9/2022, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã hoàn thành việc thực hiện tích hợp dịch vụ công trực tuyến về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh đó, Cục cũng đã thực hiện kết nối Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và Dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, từ ngày 15/01/2024 đến nay, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã thực hiện cấp hơn 2.185 mã số sử dụng Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm theo yêu cầu cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền để chủ động truy cập, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã đăng ký phục vụ các hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc quản lý nhà nước liên quan (thuế, đăng ký biến động về tài sản…) hoặc phục vụ cho trong xác lập, thực hiện giao dịch của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Cục còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp chuyển đổi nền tảng thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thông qua Hệ thống đăng ký trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của Cục.
Tính đến 31/10/2024, Hệ thống đăng ký trực tuyến đang trực tiếp phục vụ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin cho hơn 10.500 tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác với hơn 8.130.000 hồ sơ đăng ký trong cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Trung bình mỗi ngày có hơn 3.300 yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin, hơn 1.500 văn bản thông báo thế chấp phương tiện giao thông được gửi tới cơ quan đăng ký quản lý phương tiện và hơn 10.000 lượt tra cứu, tìm kiếm thông tin được thực hiện trên Hệ thống đăng ký trực tuyến.
Với những nỗ lực đó, vừa qua Cục Đăng ký đã được tôn vinh là một trong 05 cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại Lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2024.
Chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công đã mang đến những tác động tích cực và hiệu quả nổi bật, đáng ghi nhận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Hiện nay, nhóm dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp đều đã đạt mức độ toàn trình; chữ ký số cũng đã được áp dụng toàn bộ trong giải quyết hồ sơ và trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, quá trình giải quyết hồ sơ tại các Trung tâm đăng ký hiện nay được thực hiện hết sức nhanh chóng, chỉ sau khoảng 10 - 15 phút (giai đoạn 2002 - 2012 mất trung bình 30 - 45 phút) để người yêu cầu nhận được kết quả đăng ký là văn bản chứng nhận kết quả đăng ký được ký số và gửi qua thư điện tử.
Thời gian để thực hiện 01 phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm đã rút ngắn lại còn 01 giờ (bao gồm tất cả các công đoạn từ nhập thông tin vào phiếu đến gửi, nhận kết quả), giảm 04 giờ so với việc thực hiện theo phương thức trực tiếp đã giúp tiết kiệm tối đa thời gian cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm, giảm 07 giờ so với quy định chung về thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký. Theo tính toán sơ bộ, kể từ khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính và triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến đã tiết kiệm được gần 1,5 triệu giờ công lao động phục vụ giải quyết các yêu cầu, tương đương khoảng 61.000 ngày làm việc
Với nguyên tắc công khai hóa thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký, từ năm 2002 đến nay, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và các Trung tâm đăng ký đã cấp khoảng 6.530 văn bản cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền như: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, thuế, chấp hành viên, điều tra viên….
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp
Để bảo đảm phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ tập trung triển khai một số nội dung, cụ thể:
Một là, Cục tiếp tục nghiên cứu cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm, bảo đảm hành lang pháp lý, cơ chế pháp lý có tính bao quát cao, ổn định, khả thi về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm trong bối cảnh kinh tế số, tài sản số, hội nhập quốc tế; bảo đảm cơ sở pháp lý, cơ chế pháp lý cho việc tiếp nhận công nghệ mới, giải pháp mới, mô hình số, thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công chất lượng cao trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến để bao quát được việc đăng ký đối với tài sản hình thành thuộc các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng vốn theo các xu hướng phát triển của xã hội và các quan hệ xã hội, nhất là các tài sản hình thành từ chuỗi cung ứng hàng hóa, từ kinh tế số, công nghệ số và từ hội nhập quốc tế.
Ba là, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến để đáp ứng được yêu cầu, tính năng cho hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thông qua các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng…); nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI trong quá trình thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.