
Tham dự cuộc họp có các chuyên gia độc lập: Ông Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; ông Phạm Ngọc Thắng - đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và đại diện một số các cơ quan, đơn vị có liên quan. Ông Lương Nhân Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và ông Phạm Quý Tỵ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chuyên gia UNDP đồng chủ trì cuộc họp.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Lương Nhân Hòa nhấn mạnh, trong các cuộc họp lấy ý kiến góp ý trong 02 ngày 08 và 09/11/2022, Trung tâm Lý lịch tư pháp đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia về nội dung, hình thức của các tài liệu truyền thông về tờ rơi, sổ tay… và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý thiết thực, ý nghĩa trên tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, trong khuôn khổ Dự án EU JULE về tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, báo cáo đánh giá 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp do UNDP phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện năm 2020 cho thấy, sau khi Luật Lý lịch tư pháp được ban hành, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được chú trọng song vẫn còn một số điểm hạn chế như: Nội dung thông tin chung chung, chưa hướng tới các đối tượng cụ thể; việc truyền thông pháp luật mới chỉ hướng đến những người có trách nhiệm tổ chức thi hành luật mà chưa hướng đến các đối tượng cụ thể; các nội dung liên quan đến xóa án tích chưa được cung cấp chi tiết, chưa có tài liệu truyền thông để một số nhóm đối tượng yếu thế tiếp cận được…

Nhằm đưa Luật Lý lịch tư pháp và quy định về xóa án tích thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người từng bị kết án, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp nói chung và xóa án tích nói riêng cho đối tượng người bị kết án mà trọng tâm là người đang thi hành án phạt tù là rất cần thiết… Vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm truyền thông về lý lịch tư pháp có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung.

Tại cuộc họp, các chuyên gia độc lập, nhà khoa học, đại diện các đơn vị liên quan đã có những ý kiến đóng góp về dự thảo video clip tuyên truyền về lý lịch tư pháp và xóa án tích. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí đánh giá cao dự thảo video clip - một sản phẩm công phu, mang tính đổi mới với mô hình hợp lý, có nội dung bám sát các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi, góp ý để hoàn thiện sản phẩm truyền thông này như: Nghiên cứu việc bổ sung thêm lời dẫn cho video; hình ảnh nhân vật cần có sự thống nhất, phù hợp hơn với nội dung truyền tải; lời thoại cần được biên tập kỹ lưỡng bảo đảm dễ hiểu, rõ ràng; cân nhắc việc bổ sung phụ đề cho video clip…