Bộ luật Dân sự năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng đề cao nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các cam kết, thỏa thuận dân sự theo tinh thần và nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013, đồng thời, đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm nhằm tạo điều kiện tối đa cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên cạnh đó, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các văn bản hướng dẫn được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác liên quan về cơ bản đã góp phần hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, yêu cầu về xây dựng hệ thống đăng ký thuận lợi, thân thiện với người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giúp tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giúp bên cho vay triển khai an toàn, có hiệu quả hoạt động cho vay có bảo đảm trong sự phát triển chung của nền kinh tế.
Về vấn đề này, tác giả Đinh Thị Thanh Hà và Huỳnh Nữ Khuê Các đã có bài viết “Đăng ký thế chấp động sản và hướng hoàn thiện Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm”, gồm bốn nội dung chính là: (i) Quy định của pháp luật về đăng ký thế chấp động sản; (ii) Một số vấn đề pháp lý về động sản; (iii) Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản; (iv) Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
Bài viết được đăng trên ấn phẩm 200 trang “Xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021./.