Trong đời sống hôn nhân “đánh ghen” là một khái niệm gia đình nào cũng ít nhất một lần nghe, còn “sử dụng” thì tùy vào nhận thức mỗi chủ thể. Khái niệm này tồn tại từ quá khứ đến hiện tại tiếp diễn, khái niệm này hiểu như thế nào và giải pháp để nâng cao ý thức pháp luật liên quan đến khái niệm này trong thực tiễn.
Theo Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Đánh ghen, có hành động thô bạo vì lòng ghen (trong tình cảm yêu đương, vợ chồng) (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội năm 1992).
Về mặt ngôn ngữ “đánh ghen” là khái niệm đời sống gia đình, không phải là một khái niệm pháp lý, bản chất của khái niệm này phản ánh quan hệ xã hội. Nghiên cứu các tài liệu văn hóa thì có một số tác phẩm sau đề cập đến đánh ghen.
Một là, về văn hóa: Đánh ghen đã được phản ánh trong tác phẩm hội họa, tranh dân gian: Tranh đánh ghen Đông Hồ, phản ánh một thực trạng với biểu hiện sắc thái từ xưa đến nay trong đời sống gia đình (Vợ cả cầm cái kéo chĩa vào cô vợ bé, ông chồng che chở cho vợ bé,…).
Hai là, về lịch sử Nhà nước và pháp luật: Liên quan đến hôn nhân và gia đình phải kể đến tư tưởng Nho giáo, một trong những hệ tư tưởng chính trị - pháp lý chi phối đời sống xã hội, thể hiện qua đường lối cai trị của Nhà nước Phong kiến Việt Nam. Tất nhiên, các tư tưởng khác cũng như truyền thống dân tộc cũng có ảnh hưởng đến xã hội như đã phản ánh trong các đạo luật của Nhà nước phong kiến. Bộ luật Hồng Đức quy định quan hệ giữa các bà vợ theo một trật tự, cùng với đó là việc định hình phạt. Bộ luật Hồng Đức đã ghi nhận: Quy định thông gian (Chương 7); định đấu tụng (Chương 9); quy định “Chồng đánh vợ, vợ cả đánh vợ lẽ” (Điều 482)[1]. Về ngôn ngữ ứng xử trong xã hội đã tồn tại câu “trai có tài năm thê bảy thiếp”.
Ba là, về lĩnh vực văn học: Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đề cập đến đánh ghen, nhưng có lẽ là điển tích đánh ghen đã đi vào đời sống xã hội Việt Nam là “ghen Hoạn Thư” trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là những tác phẩm đề cập đến đánh ghen hoặc thừa nhận việc đánh ghen đã và đang là điển tích trong đời sống văn hóa người Việt Nam.
Về đánh ghen xét trong các mối quan hệ sau:
Thứ nhất, trong mối quan hệ vợ chồng: Trong mối quan hệ này nam và nữ đến với nhau vì mục đích hôn nhân như luật định, nhưng trước hôn nhân phải có “lực hấp dẫn” với nhau, có thể là: trí thông minh, sắc đẹp, tiền, vật chất, hoặc bất cứ thứ gì tạo sự hấp dẫn nhau. Nhưng khi đã sống trong hôn nhân thì ràng buộc với nhau nhiều thứ phát sinh, như: con, quan hệ tài sản, cùng mục đích sống (khoa học, nghệ thuật, thể thao, kinh tế, chính trị,…) càng gắn kết hơn.
Nhưng cũng có trường hợp khi đã không còn lực hấp dẫn với nhau, hoặc một bên tìm được lực hấp dẫn khác thì chia tay đó là chuyện thường tình. Khi đã đến mức đó mà dùng vũ lực để trấn áp nhau để đạt tình yêu là khó, nếu mà dùng vũ lực để trấn áp buộc đối phương phải theo thì những đội quân xâm lược có thừa, nhưng tại sao họ không dùng vũ lực mà phải có đội ngũ giáo sĩ, những nhà tâm lý chiến để thuyết phục. Dùng vũ lực có thể chỉ đạt được thể xác; nhưng tình cảm, suy nghĩ và những vấn đề liên quan đến tư tưởng thì sao? Do vậy, cuộc sống cần tạo lực hấp dẫn, mà hiểu như kinh tế thị trường đó là “những thứ mà thị trường cần”. Con người tùy vào mỗi điều kiện hoàn cảnh mà nảy sinh nhu cầu, có thể lấy nàng Kiều của Nguyễn Du làm minh chứng: Khi Thúy Kiều gặp Kim Trọng là tình yêu đôi lứa; nhưng khi đi với Sở Khanh là nhu cầu thoát thân; đến với Thúc Sinh là nhu cầu tôn trọng, sự tìm thấy cái dung hợp trong nhau; khi đến với Từ Hải là nhu cầu chỗ dựa, bảo vệ, sự giải thoát,… và đến khi về với tình yêu đôi lứa Kim Trọng như ước nguyện ban đầu.
Tất nhiên, có người hỏi: Nếu Thúy Kiều lấy Kim Trọng ngay từ đầu thì sao? Thì là vợ chồng, sinh con, lo cuộc sống gia đình, không nảy sinh các nhu cầu khác, xã hội thanh bình thì không có chuyện để viết, sau này đoàn viên với Kim Trọng khi xã hội đã thanh bình.
Thứ hai, quan hệ vợ hoặc chồng đối với người thứ ba: Đây là quan hệ xã hội, khi đã xảy ra xung đột là liên quan đến các quy phạm pháp luật, như: Luật Dân sự; Luật Hành chính; Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình... Trong quan hệ vợ hoặc chồng với người thứ ba thực tế tồn tại với nhiều biểu hiện, nhiều cung bậc cảm xúc, cũng như tính chất của hành vi: Từ âm thầm đăng hình ảnh “Tuesday”[2]; dùng lời mạt sát nhau; quay phim, chụp hình; “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật”; “tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt…”. Nhiều người đánh ghen cho rằng: Đó là hành động đúng theo lý trí để bảo vệ hôn nhân và gia đình, nhưng căn cứ vào hệ thống pháp luật thì các hành vi trên có thể cấu thành tội phạm hình sự.
Với hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy các quyền con người, quyền công dân, như: sức khỏe, danh dự, uy tín, hình ảnh, nhân phẩm, bí mật đời sống cá nhân, bí mật đời sống gia đình,… được Hiến pháp quy định và các văn bản luật quy định cụ thể.
- Hiến pháp năm 2013: Trên cơ sở kế thừa quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013); Quyền bí mật cá nhân, thông tin, điện thoại và các hình thức riêng tư khác (Điều 21 Hiến pháp năm 2013); Quyền hôn nhân (Điều 36, Hiến pháp năm 2013) và các quy định liên quan đến quyền công dân.
- Pháp luật dân sự: Trên cơ sở Hiến pháp, Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định: “Việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải được người đó đồng ý”. Tuy nhiên, quyền cá nhân luôn đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, nên pháp luật cũng quy định việc sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Bộ luật Dân sự quy định các quyền liên quan quyền cá nhân, cũng như các biện pháp bảo vệ, đảm bảo việc thực hiện quyền, như: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015); Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015); Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015); Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015); Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Pháp luật hành chính: Trong quan hệ pháp luật hành chính, một số hành vi, như: thu thập thông tin của người khác; vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân; vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội;… có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thống tin và giao dịch điện tử).
- Pháp luật hôn nhân và gia đình: Trước thực trạng đánh ghen như vậy thì câu hỏi đặt ra: Quan hệ vợ chồng có phải là quan hệ “sở hữu”? Theo một số quan điểm cá nhân khi nghiên cứu đời sống hôn nhân một số nước châu Âu và châu Mỹ, thì quan hệ hôn nhân là dạng hợp đồng - “khế ước”.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình (Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014); mục đích hôn nhân (khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); điều kiện kết hôn (Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); thời điểm hôn nhân: Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn (khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); các loại hình hôn nhân: Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (khoản 2 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); những mối quan hệ quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân: Quan hệ giữa vợ và chồng (Chương III, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), Quan hệ giữa cha mẹ và con (Chương V, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)… Như vậy, theo pháp luật hiện hành phải khẳng định rằng: Quan hệ hôn nhân không phải là quan hệ sở hữu, nam và nữ đến với nhau trên cơ sở tình cảm và các nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình, bên cạnh đó phải tuân theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Kết hôn là một thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, công dân đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã làm thủ tục theo quy định: Công chức tư pháp - hộ tịch cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ và hướng dẫn các bên cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ, mỗi bên được nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Chính quyền cũng không thực hiện một động tác giải thích, phổ biến những kiến thức liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình. Trong khi đây là một thời điểm thuận lợi để phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đánh ghen xảy ra có nhiều hệ lụy và về lý thuyết có thể tránh được điều này. Với hệ thống pháp luật hiện hành có thể khẳng định khi xảy ra các hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thương cơ thể, nếu vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực pháp nào thì áp dụng chế tài thuộc lĩnh vực pháp luật đó, có thể là: Pháp luật dân sự; pháp luật hành chính; pháp luật hôn nhân và gia đình và nếu cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Pháp luật hình sự: Bảo vệ khách thể quan trọng của đời sống xã hội, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm. Đánh ghen thực hiện một số hành vi, như: Sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân; gây thương tích; bắt giam, giữ người;… trái pháp luật có thể cấu thành một số tội sau trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội vu khống (Điều 156); Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); Tội xâm phạm chổ ở của người khác (Điều 158).
+ Hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật” có thể cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017); “tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” có thể cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (khoản 2 Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
+ Đối với vợ hoặc chồng quan hệ với người thứ ba trong hôn nhân có thể cấu thành tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trên cơ sở pháp luật hiện hành, một câu hỏi vui đặt ra như sau: Vợ chồng đang trong thời gian chờ phán quyết của Tòa án nhân dân về tình trạng hôn nhân thì quan hệ giữa vợ và chồng có cấu thành: Tội cưỡng dâm (Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo quy định của pháp luật hình sự? Đây là một câu hỏi mở, nhưng một điều chắc chắn các quan điểm đưa ra chỉ mang tính tham khảo trong xử lý pháp luật.
Nếu dùng vũ lực, âm mưu để đạt được “tình yêu”, thì Truyện Kiều đề cập đến tình cảnh hai bên khi xuất hiện người thứ ba “Lửa tâm càng dập càng nồng”, như vậy, phải có một phương thức giải quyết khác.
Hiện nay, thông tin nở rộ, để tìm được một thứ “ngọc khiết băng thanh” làm chuẩn thì rất khó. Cái khó vì nhiều lý do: Thứ nhất, là tìm không thấy; thứ hai, có tìm thấy chưa chắc đã đủ kiến thức để nhận biết, ở đây có thể dẫn điển tích “Ngọc Biện Hòa” là một ví dụ[3], do vậy, cần dựa vào pháp luật và những tiêu chuẩn xã hội đã và đang điều chỉnh trong đời sống để đánh giá một hành vi. Vậy thì khi xuất hiện người thứ ba trong quan hệ hôn nhân thì giải quyết theo phương án nào? Trước tiên là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” tìm điểm yếu bản thân để khắc phục, tạo lực hấp dẫn theo phương pháp “tự soi tự sửa”. Nhưng nếu không tìm thấy giải pháp thì Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ giúp ta cách tiếp cận khi giải quyết vấn đề.
Với nhiều người đánh ghen theo cách “nổi tam bành bà lên” thì cách hành xử của Hoạn Thư có những điểm nên tham khảo. “Ghen Hoạn Thư” - một điển tích văn học trong Truyện Kiều. Trong cư xử đánh ghen Hoạn Thư xác định trước vấn đề: Giữ cái gì và làm cái gì. Khi nghe “vườn mới thêm hoa”, Hoạn Thư xác định ngay, đó chỉ là việc “kiến trong miệng chén” và cơ sở để giải quyết vấn đề “… giữ lấy nền”. Trước tiên là giữ “nền” của gia phong sau đó tính đến các yếu tố khác, “mưu cao” đã tính đến các phương án, trong đó có cả phương án sống chung với lũ: “ví bằng thú thật cùng ta”. Nhưng khi có người “tâng công” thì Hoạn Thư đã thể hiện được việc giữ nền: “Chồng tao nào phải như ai”. Đây có thể gọi là “đỉnh cao trong xử lý khủng hoảng truyền thông”, đọc thông tin, đọc sách thấy tác giả này, giáo sư nọ ở đâu tận bên Âu, bên Mỹ đưa ra các khuyến cáo về xử lý khủng hoảng truyền thông, như: Nhận biết và các bước xử lý khủng hoảng truyền thông (4 bước, 5 bước, 6 bước, 7 bước,...); quản lý khủng hoảng truyền thông;… nhưng càng xử lý thì thông tin càng bung ra, nhưng khi Hoạn Thư xử lý thông tin thì “trong ngoài kín mít như bưng”, thể hiện được việc “giữ cái nền”.
Trong nhân gian có câu “người sao của chiêm bao là vậy”; Triết học Macxit có câu “bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội” để đánh giá cách ứng xử của con người khi sự việc xảy ra. Hoạn Thư xuất thân trong một gia đình “Vốn dòng họ Hoạn danh gia, con quan lại bộ…”, do vậy, giải quyết vấn đề “kiến trong miệng chén” trên cơ sở “nền”.
Tất nhiên, dưới góc độ pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành thì Hoạn Thư có thể có dấu hiệu cấu thành một số tội như: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (đốt nhà Thúy Kiều) (Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017); với tính tiết phạm tội có tổ chức;… nhưng đặt dưới góc độ văn hóa ứng xử thì việc “giữ lấy nền” của Hoạn Thư là mới là “đỉnh cao trong xử lý khủng hoảng truyền thông gia đình”.
Như vậy, “đánh ghen” là một khái niệm tồn tại trong đời sống hôn nhân, tuy nhiên, trên cơ sở pháp luật hiện hành và quan hệ xã hội cần phải khẳng định một số nội dung đối với đánh ghen:
Thứ nhất, về pháp luật. Hiến pháp quy định các quyền công dân, các văn bản luật cụ thể hóa Hiến pháp và bảo vệ các quyền công dân theo quy định pháp luật. Các hành động xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín, hạ nhục; gây thương tích cho các cá nhân trong công động xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật. Hiến pháp khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Mọi hành vi liên quan đến việc sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân, như: Sử dụng hình ảnh; thu thập, công bố thông tin,… theo quy định pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Về lý thuyết có thể hạn chế đánh ghen, cũng như hệ lụy do đánh ghen gây ra. Để pháp luật đi vào cuộc sống thì công tác phổ biến, giáo dục cần đẩy mạnh hơn với cách làm phù hợp, như: thời điểm, cơ sở hạng tầng phổ biến pháp luật,… Việc phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến đời sống gia đình; một tập tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật in hình ảnh về cuộc sống gia đình lúc đăng ký kết hôn có thể là hành vi nhân lên niềm vui cho xã hội đối với những người bước vào đời sống hôn nhân.
Bên cạnh đó, trong một xã hội đang dần chuyển đổi thành “xã hội số”, thì cần có cách làm phù hợp với cơ sở hạ tầng số, như: các trang mạng thể hiện hình ảnh đời sống hôn nhân đối với những cặp vợ chồng mới kết hôn, thay vì quảng cáo các sản phẩm chưa kiểm định chất lượng.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cá nhân về pháp luật. Nhiều người sử dụng trạng mạng xã hội cho rằng khi tham gia mạng xã hội thì không ai biết mình ở đâu, quan niệm này cần phải được chấn chỉnh thì mọi việc sẽ dần đi vào trật tự. Nhiều cá nhân “bê nguyên” cả những quan niệm, cử chỉ, hành vi ở làng lên trang mạng xã hội khi đánh ghen, quan hệ xã hội làng thì không trích xuất được thông tin, nhưng đã tham gia mạng xã hội là trích xuất được thông tin, cho dù thông tin có lưu ở máy cá nhân hay không.
Do vậy, trước tiên cần định hướng cho các trang mạng xã hội về việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân trên các phương tiện truyền thông theo quy định của pháp luật. Qua đó, cũng định hướng cho các trang thông tin cá nhân, cũng như người tham gia vào các trang mạng xã hội để nâng cao nhận thức pháp luật về quyền công dân mà pháp luật quy định.
Thứ tư, về khái niệm đánh ghen. Phải khẳng định là hệ thống pháp luật hiện hành bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân. Đánh ghen là khái niệm đời sống xã hội, không được thừa nhận trong ngôn ngữ pháp luật. Do vậy, mọi hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin, xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân… không theo quy định pháp luật, có thể cấu thành tội phạm hình sự.
Đánh ghen xét cho cùng là khái niệm đời sống gia đình, mà “gia đình là tế bào xã hội”, trong tổng thể quan hệ xã hội thì đánh ghen chỉ là việc “kiến bò miệng chén”, nhưng đặt trong một “xã hội số” khi chuyển đổi số thành công sẽ là một thông tin toàn cầu./.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai