1. Đánh giá sự tương thích giữa Hiệp ước CTBT và pháp luật năng lượng nguyên tử Việt Nam
1.1. Về cấm thử hạt nhân quy định tại Điều I Hiệp ước CTBT[1]
Theo Điều 1, Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện CTBT quy định mỗi quốc gia thành viên cam kết không tiến hành bất kỳ một vụ nổ để thử vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ một vụ nổ hạt nhân nào khác và ngăn cấm mọi vụ nổ hạt nhân ở bất cứ địa điểm nào thuộc quyền tài phán hay kiểm soát của quốc gia mình. Mỗi quốc gia thành viên đồng thời cam kết kiềm chế không gây ra, khuyến khích hoặc bằng bất cứ cách nào khác tham gia vào việc tiến hành bất kỳ một vụ nổ để thử vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ một vụ nổ hạt nhân nào khác trên toàn thế giới.
Để nội luật hóa Điều này, Luật Năng lượng nguyên tử của Việt Nam quy định những hành vi bị nghiêm cấm và nghiêm trị các hoạt động liên quan đến năng lượng nguyên tử ở Việt Nam[2].
1.2. Về các biện pháp thực hiện quốc gia theo Điều III Hiệp ước CTBT
Nhằm thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước, Điều III Hiệp ước quy định mỗi quốc gia chỉ định hoặc lập ra một Cơ quan quốc gia liên lạc cấp quốc gia để liên hệ với Tổ chức Hiệp ước (CTBTO) và với các quốc gia thành viên khác.
Các trách nhiệm chính bao gồm: (1) Xây dựng các văn bản pháp quy và các dàn xếp quốc gia về thực hiện Hiệp ước; (2) Làm đầu mối thông báo, chẳng hạn: Nhận các yêu cầu về trao đổi và làm rõ thanh sát tại chỗ; (3) Liên lạc với CTBTO về các ứng dụng khoa học của dữ liệu do hệ thống quan trắc quốc tế (IMS) thu được.
Để nội luật hóa điều này, ngày 03/6/2008, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử và ngày 25/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 07/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử trong đó có giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia trong hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.
Trên thực tế, mỗi quốc gia khi hoạch định chính sách phát triển năng lượng nguyên tử đều quan tâm, ưu tiên cho công tác quan trắc và kiểm soát phóng xạ môi trường nhằm mục đích đảm bảo sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường và sẵn sàng ứng phó trong các tình huống sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã thiết lập các hệ thống quan trắc và hệ cơ sở dữ liệu phóng xạ toàn cầu theo các điều ước quốc tế như: Hệ thống thông tin về ứng phó sự cố ERNET trong khuôn khổ Công ước Thông báo sớm về sự cố hạt nhân; Hệ thống quan trắc phóng xạ toàn cầu trong khuôn khổ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT); Hoạt động kiểm soát và phân tích môi trường trong khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Việt Nam đã ký kết và tham gia một số các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, vì vậy cần phải xây dựng năng lực quốc gia về quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.
Hiện nay, việc thành lập Cơ quan quốc gia làm đầu mối liên hệ với Tổ chức CTBT và các quốc gia thành viên khác (Điều III - Hiệp ước) trong công tác quan trắc phóng xạ môi trường đã được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhiệm, tuy nhiên cũng cần có các biện pháp tổ chức cụ thể để triển khai chức năng hoạt động được giao. Đồng thời cần thiết lập được hệ thống phối hợp thực hiện và trao đổi thông tin với các bộ, ngành liên quan.
Ngày 31/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 1636/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia đến năm 2020[3] với mục tiêu là bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân. Theo đó, các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường được quy định để ưu tiên đầu tư xây dựng theo hai giai đoạn: 2010 - 2015, 2016 – 2020.
Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia được phân chia theo các vùng và các khu vực từ trung ương đến các địa phương trên phạm vi toàn quốc, cũng như đặt ở các bộ, ngành liên quan, bao gồm:
- Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm điều hành) thực hiện việc kết nối thu thập dữ liệu trực tuyến từ các trạm, các điểm quan trắc trong mạng lưới; xử lý kết quả quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật cho việc phân tích, đánh giá diễn biến và điều hành ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
- Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp vùng (trạm vùng) gồm 4 trạm được xây dựng tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt. Trạm vùng có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu quan trắc trực tuyến từ các trạm quan trắc địa phương; quan trắc, thu thập, xử lý và phân tích các chỉ tiêu phóng xạ trong mẫu môi trường; phân tích và tổng hợp số liệu quan trắc; trực tiếp tham gia đánh giá hiện trường trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh và cấp cơ sở.
- Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp tỉnh (trạm địa phương) được xây dựng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có trạm vùng và có khả năng chịu ảnh hưởng của các sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Trạm địa phương làm nhiệm vụ quan trắc liên tục tại các điểm và các cơ sở hạt nhân trên địa bàn, kết nối trực tuyến với các trạm vùng.
- Hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ Quốc phòng (hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội) để thực hiện quan trắc và cảnh báo phóng xạ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trạm trinh sát phóng xạ thực hiện vai trò chỉ đạo kỹ thuật hệ thống trinh sát, cảnh báo phóng xạ trong quân đội, phục vụ công tác phòng chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
Chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đó là:
- Thực hiện quan trắc và cảnh báo thường xuyên phóng xạ môi trường trên lãnh thổ và các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam do các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử gây ra; đánh giá hiện trạng phóng xạ môi trường, liều chiếu xạ đối với cộng đồng dân cư; thiết lập hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường quốc gia; cung cấp kịp thời các thông tin về tình trạng phóng xạ môi trường và hỗ trợ cho việc triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
- Trung tâm điều hành định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu cung cấp dữ liệu về tình trạng phóng xạ môi trường cho hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.
- Có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu về tài nguyên và môi trường cần thiết theo yêu cầu của trung tâm điều hành để thực hiện quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.
1.3. Thanh sát tại chỗ quy định tại Điều IV và Nghị định thư II của Hiệp ước
Khác với NPT, Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) nhằm hạn chế việc thiết kế và phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Hiệp ước CTBT cấm mọi vụ thử nổ do phản ứng hạt nhân. Việc cấm này tạo nên một rào cản quan trọng đối với bất kỳ nước nào kể cả những nước đã có vũ khí hạt nhân có ý đồ tìm cách phát triển khả năng vũ khí hạt nhân mới, nó là một nỗ lực quan trọng nhằm loại bỏ mối đe doạ của vũ khí hạt nhân và tăng cường an ninh quốc tế.
Tại Điều IV và Nghị định thư II của Hiệp ước CTBT quy định:
- Mỗi quốc gia thành viên có nghĩa vụ tiếp nhận thanh sát tại chỗ theo quy định của Hiệp ước. Các quốc gia nên có sẵn một kế hoạch (ít nhất phải ở mức cơ bản) nhằm xử lý vấn đề thanh sát tại chỗ. Ngoài ra, khi Hiệp ước có hiệu lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành thanh sát tại chỗ sau này, mỗi quốc gia phải cung cấp một số thông tin có bản sau: (1) Chỉ định các điểm nhập cảnh và chỉ rõ các thủ tục cho việc sử dụng máy bay ngoài dự kiến; (2) Có thể ký kết một thỏa thuận thường trực với CTBTO về khả năng quốc gia đó có thể hỗ trợ cho một cuộc thanh sát tại chỗ; (3) Các quốc gia có thể đề cử công dân có đủ trình độ của mình làm thanh sát viên.
- Trong trường hợp thanh sát tại chỗ, quốc gia chịu thanh sát sẽ có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc thuận lợi của nhóm thanh sát và phải tìm cách chứng tỏ sự tuân thủ của mình đối với Hiệp ước.
Nếu Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là các văn bản pháp lý khung cho nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân thì Hiệp định Bảo đảm là những ràng buộc pháp luật quốc tế chặt chẽ để thực hiện nguyên tắc đó.
Hệ thống Bảo đảm quốc tế đã được xây dựng và phát triển qua các giai đoạn khác nhau bao gồm một số văn bản pháp lý của IAEA, như:
- INFCIR/66: Được xây dựng chung cho các nước từ năm 1965 và đưa ra thực hiện năm 1966, trước khi NPT được mở ký. Đây là những quan điển cơ bản ban đầu đặt nền móng cho hệ thống Bảo đảmt hạt nhân sau này.
- INFCIR/153: Là mô hình hệ thống bảo đảm toàn diện được IAEA xây dựng. Đa số các quốc gia thành viên NPT trong đó có Việt Nam đều ký các Hiệp định riêng rẽ với IAEA theo khuôn khổ INFCIR/153, qua đó IAEA sẽ áp dụng các biện pháp bảo đảm đối với các nước.
+ Chương trình 93+2: là một chương trình hành động do IAEA khởi xướng từ năm 1993 nhằm tăng cường và hoàn thiện thêm hệ thống bảo đảm truyền thống. Chương trình này không mang tính pháp quy chặt chẽ. Tuy nhiên trong tổng thể các hoạt động hợp tác với IAEA, các quốc gia thành viên thường được yêu cầu thực hiện một số biện pháp, hoạt động tương ứng nhằm thể hiện tính trách nhiệm chung cũng như là những biện pháp tăng cường tin cậy. Các biện pháp chủ yếu như trao đổi thông tin mở rộng về xuất, nhập khẩu, sử dụng lưu trữ vật liệu hạt nhân miễn trừ trong hệ thống Bảo đảm truyền thống, bổ sung khai báo hay lấy một số mẫu môi trường...
- INFCIR/540: Được phổ biến dưới tên gọi Nghị định thư bổ sung. Là kết quả sau quá trình thực hiện Chương trình 93+2 với mục đích tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả của hệ thống thanh sát trước những bài học thực tế việc vi phạm hiệp định của một số nước.
Với đặc điểm hệ thống bảo đảm hạt nhân truyền thống mà Việt Nam hiện đang tuân thủ (INFCIR/153) chỉ bó hẹp trong phạm vi kiểm soát vật liệu phân hạch hạt nhân chứ không kiểm soát hoạt động ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và phóng xạ nên việc triển khai Hiệp định cơ bản được thực hiện thông qua việc IAEA cử thanh tra viên vào tiến hành kiểm toán vật liệu phân hạch tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Việc thực hiện này được tiến hành theo các bước:
- Sau khi Việt Nam ký Hiệp định Bảo đảm, Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tiến hành đàm phán một văn bản "Thoả thuận bổ sung". Văn bản này đã quy định rõ mọi chi tiết về việc khai báo cơ sở hạt nhân tại Việt Nam mà cụ thể là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là đối tượng duy nhất chịu thanh tra hạt nhân. Các thông tin thiết kế cơ bản của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt mà đặc biệt là các thông số về nhiên liệu phân hạch (uran giàu, plutoni) được cung cấp đầy đủ cho IAEA. Đồng thời trong văn bản này sẽ quy định chi tiết về thời lượng IAEA cử thanh tra viên quốc tế vào thanh sát tại chỗ cũng như các chế độ báo cáo và cơ quan chịu trách nhiệm của phía Việt Nam.
- Theo khuôn khổ quy định tại Thoả thuận bổ sung, hàng năm thanh tra viên quốc tế sẽ vào tiến hành các thủ tục thanh sát, kiểm toán vật liệu hạt nhân tại Đà Lạt (1 lần/1mỗi năm). Các thủ tục thanh sát cơ bản là tiến hành kiểm toán đối với nhiên liệu nhằm bảo bảo đảm cân đối về khối lượng vật liệu phân hạch, không có sự mất mát hay thất thoát về khối lượng. Bất kỳ sự thay đổi nào về khối lượng vật liệu phân hạch hay sự di chuyển của chúng cũng được các thanh sát viên ghi nhận và đưa vào báo cáo. Công việc này được tiến hành tại chỗ tại lò phản ứng hạt nhân Đà lạt, các cán bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân trực tiếp tham gia làm việc với thanh sát viên. Trong thực tế triển khai, chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt, đại diện của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng có mặt trong đợt thanh sát. Các thủ tục giám sát bổ sung khác như đặt camera theo dõi liên tục hay niêm phong mẫu không được áp dụng tại Việt Nam.
- Báo cáo kết quả thanh sát được lập độc lập thành 02 bộ, do thanh sát viên IAEA và Viện Nghiên cứu hạt nhân tiến hành, gồm: Các báo cáo kiểm toán vật liệu, báo cáo về cân đối vật liệu tại lò và những báo cáo về sự thay đổi nếu có. Bản báo cáo của Việt Nam sau đó được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam kiểm tra lại và thay mặt Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như quy định trong Hiệp định, chính thức gửi cho IAEA.
- Trên cơ sở làm việc của đoàn thanh sát và báo cáo của Việt Nam, IAEA ra thông báo kết luận về việc thực hiện thanh sát tại chỗ thường niên cũng như đánh giá việc thực hiện Hiệp định tại Việt Nam.
Như đã nêu ở trên, việc thực hiện việc thanh sát hiện nay chỉ gói gọn đối với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và tương đối đơn giản.
Trong một số năm gần đây, với việc IAEA ngày càng cố gắng tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống thanh sát hạt nhân thông qua Chương trình 93+2 và Nghị định thư bổ sung (INFCIR/540), tuy chúng ta chưa tham gia ký kết Nghị định thư bổ sung nhưng trên nguyên tắc thể hiện sự tích cực hợp tác quốc tế chung, Việt Nam cũng đã thực hiện một số việc như:
- Tiến hành nghiên cứu và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia với sự tham dự của nhiều cơ quan, bộ, ngành hữu quan và chuyên gia quốc tế nhằm tìm hiểu kỹ các nguyên tắc áp dụng, bổn phận và trách nhiệm cũng như các yếu tố lợi hại khi tham gia Nghị định thư bổ sung.
- Tiến hành khai báo bổ sung và cung cấp thêm các thông tin thiết kế, cải tiến thay đổi của lò phản ứng hạt nhân Đà lạt cũng như các thông tin xuất, nhập khẩu vật liệu hạt nhân thông thường (uran nghèo dùng che chắn bức xạ trong hệ thiết bị xạ trị y tế).
- Tham gia hệ thông tin dữ liệu toàn cầu của IAEA về buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, qua đó tiếp nhận mọi thông báo về những vụ việc mất cắp, buôn lậu... đối với vật liệu hạt nhân hay nguồn phóng xạ trên toàn thế giới. Ngược lại chúng ta cũng có bổn phận thông báo cho IAEA nhưng thông tin tương tự nếu có xảy ra tại Việt Nam.
- Khai báo bổ sung các thông tin về vật liệu hạt nhân đang hiện diện tại Việt Nam trong khuôn khổ miễn trừ của INFCIR/153 như uran nghèo, một số sản phẩm của quá trình nghiên cứu công nghệ uran... Sau đó tiến hành các thủ tục miễn trừ thanh sát nhưng có sự kiểm soát, báo cáo của hệ thống nhà nước.
Việc kiểm soát sử dụng vật liệu hạt nhân, kiểm soát vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân và kiểm soát hoạt động có liên quan nhằm ngặn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân được pháp luật Việt Nam quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử và văn bản hướng dẫn Luật này[4].
2. Kết luận
Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) nhằm hạn chế việc thiết kế và phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Hiệp ước CTBT cấm mọi vụ thử nổ do phản ứng hạt nhân. Việc cấm này tạo nên một rào cản quan trọng đối với bất kỳ nước nào kể cả những nước đã có vũ khí hạt nhân có ý đồ tìm cách phát triển khả năng vũ khí hạt nhân mới, nó là một nỗ lực quan trọng nhằm loại bỏ mối đe doạ của vũ khí hạt nhân và tăng cường an ninh quốc tế.
Việt Nam với chính sách nhất quán yêu chuộng hoà bình và mong muốn không phổ biến cũng như tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, đã sớm ký kết Hiệp ước ngay sau khi chính thức hoà nhập trở lại các hoạt động quốc tế về ứng dụng năng lượng hạt nhân. Trên mọi diễn đàn quốc tế, chúng ta luôn nêu cao chính sách phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, vì sự phát triển của nhân loại cũng như chống lại mọi âm mưu, hành động chuyển hướng sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất vũ khí huỷ diệt.
ThS. Phạm Gia Chương
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học và Công nghệ
[1] Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (gọi tắt là CTBT) ngày 24/9/1996.
[2] Cụ thể, Điều 11 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 quy định:
“1. Lợi dụng, lạm dụng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây tổn hại cho sức khoẻ, tính mạng con người, môi trường.
2. Nghiên cứu, phát triển, chế tạo, mua bán, vận chuyển, chuyển giao, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí bức xạ.
3. Tiến hành công việc bức xạ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
4. Nhập khẩu chất thải phóng xạ.
5. Vận chuyển chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân bằng đường bưu điện.
6. Vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân (sau đây gọi chung là vật liệu phóng xạ) bằng các phương tiện không được thiết kế bảo đảm an toàn, an ninh hoặc không có thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh.
7. Sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, đồ chơi, đồ trang sức, sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng khác có hoạt độ phóng xạ cao hơn mức quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
8. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh và các điều kiện ghi trong giấy phép.
9. Cản trở trái pháp luật hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
10. Trợ giúp dưới mọi hình thức hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
11. Xâm phạm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
12. Chiếm đoạt, phá hoại; chuyển giao, sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.
13. Che dấu thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; đưa thông tin không có căn cứ, không đúng sự thật về sự cố làm tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
14. Sử dụng sai mục đích, tiết lộ thông tin bí mật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.
[3] Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia đến năm 2020.
[4] Cụ thể Điều 10 (Kiểm soát hạt nhân) Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam năm 2008 quy định:
"1. Việc kiểm soát sử dụng vật liệu hạt nhân, kiểm soát vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân và kiểm soát hoạt động có liên quan nhằm ngặn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động kiểm soát hạt nhân.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân, tiến hành hoạt động có liên quan phải tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân".
Để hướng dẫn điều này của Luật, ngày 14/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát hạt nhân. Theo đó, Quyết định này quy định việc kiểm soát sử dụng, lưu giữ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn; vật liệu và thiết bị trong chu trình nhiên liệu hạt nhân tại Việt Nam; đối tượng áp dụng của Quyết định này là các: "1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động sử dụng, lưu giữ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu và thiết bị trong chu trình nhiên liệu hạt nhân. 2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức quốc tế thực hiện hoạt động kiểm soát hạt nhân" (Điều 2).
Ngoài ra, để kiểm soát sử dụng vật liệu hạt nhân, kiểm soát vật liệu và thiết bị sử dụng trong chu trình nhiên liệu hạt nhân và kiểm soát hoạt động có liên quan nhằm ngặn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp vật liệu hạt nhân ở Việt Nam, thì các hành vi sau bị nghiêm cấm thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
"1. Tiếp cận, chiếm giữ, mua, bán, sở hữu, sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, sử dụng bất hợp pháp vật liệu và thiết bị chịu sự kiểm soát hạt nhân.
2. Từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch liên quan đến việc sử dụng, lưu giữ, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn; vật liệu và thiết bị trong chu trình nhiên liệu hạt nhân theo quy định của Quy chế này.
3. Cản trở việc kiểm tra, thanh tra hợp pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" (Điều 5).