Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh vai trò, vị trí của Diễn đàn đối thoại chính sách và khẳng định “Với sự gắn kết giữa công tác hộ tịch và việc bảo đảm các quyền nhân thân của cá nhân, trong bối cảnh quyền con người, quyền công dân tiếp tục được đề cao trong Hiến pháp năm 2013 mới được ban hành, việc đánh giá Dự án Luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con người như chủ đề diễn đàn lần này là hết sức cần thiết và hữu ích”.
Thứ trưởng cho biết, hộ tịch là việc đăng ký và quản lý các sự kiện nhân thân của mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết đi như: Sinh, kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi hộ tịch,… Các sự kiện này có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với nhân thân của các cá nhân vì việc đăng ký hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để người dân hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở để nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp đó.
Bà Louise Chamberlain cũng bày tỏ sự cảm kích và đánh giá cao công tác chuẩn bị liên quan đến Dự thảo Luật Hộ tịch lần này và khẳng định: “Dự thảo Luật này đóng vai trò quan trọng vì nó tác động đến quyền công dân, quyền con người và đưa ra những quy định làm đơn giản hơn về thủ tục đăng ký hộ tịch, hy vọng cải cách này sẽ giúp người dân có được dịch vụ tốt hơn”. Bà Louise Chamberlain còn nêu rõ: “Thách thức chính là bảo đảm sự thống nhất trong luật về các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt, đặc biệt là các nguyên tắc liên quan đến hôn nhân, các mối quan hệ trên thực tế, quyền trẻ em, quyền của người lao động di cư và các nhóm khác như người đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới và lưỡng tính”. Bà Louise Chamberlain mong muốn cơ quan chức năng thực hiện những phiên tư vấn lấy ý kiến người dân liên quan đến dự thảo luật lần này và xây dựng luật bảo đảm được quyền lợi cho những người yếu thế trong xã hội, bảo vệ được quyền và lợi ích của người dân.
Ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp đã đánh giá những kết quả đạt được trong những năm qua và phân tích một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Hộ tịch mang tính đột phá, cải cách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch. Ông cho rằng: “Với định hướng và mục tiêu cải cách, Dự thảo Luật Hộ tịch nếu được Quốc hội nhất trí thông qua, sẽ là một bước tiến lớn, có tính cải cách trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Tham luận tại Diễn đàn, ông Trần Thất – chuyên gia pháp luật cấp cao của Bộ Tư pháp nhấn mạnh mối quan hệ giữa hộ tịch với các quyền nhân thân của cá nhân. Việc đăng ký hộ tịch là thể hiện một hành vi pháp lý giữa cá nhân và nhà nước, theo đó cá nhân có nghĩa vụ với nhà nước theo các quy định của pháp luật và ngược lại, Nhà nước có nghĩa vụ bảo hộ các quyền của cá nhân.
Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Bộ Tư pháp cũng có bài tham luận tại Diễn đàn. Ông cho rằng, hiện nay còn có sự chồng chéo chức năng quản lý và đăng ký giữa các cấp; dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau; các thông tin trong giấy tờ hộ tịch còn chưa đầy đủ và thiếu chính xác… do vậy, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân trong dự án Luật Hộ tịch.
Khuyến nghị chung của Liên Hợp quốc về Dự thảo Luật Hộ tịch nêu rõ, cần cho phép xác định lại giới tính của người chuyển giới và quy định điều kiện cho việc xác định lại giới tính phù hợp với các quy phạm quốc tế; bỏ những quy định có thể hạn chế người chuyển giới tiếp cận việc xác định lại giới tính, thay đổi giới tính về mặt pháp lý hoặc thay đổi họ tên. Dự thảo Luật cũng cần có điều khoản quy định chi tiết quyền của nạn nhân bị buôn bán trở về, cụ thể là về quốc tịch, đăng ký cư trú, đăng ký khai sinh và các vấn đề khác liện quan đến đăng ký hộ tịch.
Ngọc Trang