1. Tình hình thực thi một số quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
1.1. Quy định về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Thời gian qua, việc thực thi quy định về độ tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể người đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cụ thể như sau:
- Về độ tuổi người hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết: Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi và gia đình của họ có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể cho người dưới 18 tuổi sau khi chết não, tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa cho phép nên người dưới 18 tuổi chưa thể thực hiện được nguyện vọng này. Điều này dẫn đến hạn chế nguồn mô, bộ phận cơ thể từ người chết não cho người bệnh dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nay, có hàng nghìn bệnh nhân là trẻ em bị suy mô, tạng đang chờ ghép tại các bệnh viện.
- Về độ tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống: Theo số liệu thống kê, tính từ khi bắt đầu ghép đến ngày 31/7/2023, tổng số ca ghép tạng thực hiện tại Việt Nam là 7.824 ca[2], trong đó, có hơn 450 ca ghép từ người cho chết não, chiếm tỷ lệ 5,8% và số ca ghép từ người cho sống ở nước ta đang rất cao với 7.360 ca, chiếm hơn 94%. Tỷ lệ người hiến sống đang chiếm chủ yếu trong các ca ghép tạng ở Việt Nam đang đi ngược lại so với xu hướng chung của thế giới và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về suy thận, gan, phổi cho người hiến trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, học lập, lao động và tốn kém các chi phí trong chăm sóc, theo dõi định kỳ sau khi hiến của người hiến sống. Trước thực trạng tỷ lệ người hiến sống đang chiếm chủ yếu sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mua bán mô, bộ phận cơ thể người, từ đó ảnh trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người hiến.
Đồng thời, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc quy định chung độ tuổi người hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống là chưa hợp lý, vì người hiến mô (tế bào gốc, tiểu cầu...) có thể dưới 18 tuổi do mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe từ việc hiến ít hơn so với hiến bộ phận cơ thể người, trong khi đó, người hiến bộ phận cơ thể người (thận, gan...) khi còn sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người hiến.
1.2. Quy định về thông tin, tuyên truyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ý nghĩa của việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã rất tích cực trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân đối với hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta.
Hoạt động thông tin, tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bước đầu tạo được hiệu ứng tốt đẹp, được đa số người dân hưởng ứng. Theo đó, số lượng người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não đã tăng rất nhanh qua các năm (năm 2018: 19.985 người; năm 2019: 30.823 người; năm 2020: 40.257 người; năm 2021: 46.171 người; năm 2022: 63.552 người và tính đến ngày 22/8/2023, cả nước có 71.157 trường hợp)[3]. Việc thông tin về giá trị, ý nghĩa của việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo, cũng như việc hướng dẫn về quyền, nghĩa vụ, quy trình, thủ tục đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người đã từng bước được phổ biến và cập nhật rộng rãi trong xã hội, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn của hoạt động này, góp phần đáng kể vào sự gia tăng mạnh mẽ số ca ghép mô, bộ phận cơ thể người trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, quy định về thông tin, tuyên truyền về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 còn một số bất cập như: Chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, các cấp ngành, đoàn thể như vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ các cấp và hệ thống truyền thông y tế trong công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng; chưa có quy định về nội dung và các điều kiện bảo đảm cho công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác còn có sự tùy nghi, chưa được các cơ quan, tổ chức liên quan quan tâm đúng mức. Theo kết quả khảo sát tại 07 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Phú Thọ, Thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) thì phần lớn công tác thông tin, tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người chưa được các tổ chức đoàn thể của tỉnh thực hiện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đi khảo sát cũng chưa có sự chỉ đạo, phối hợp trong công tác này mà chủ yếu được một số bệnh viện lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người trên địa bàn tỉnh thực hiện trong khuôn khổ cho đối tượng nhân viên, người bệnh tại bệnh viện.
1.3. Quy định về chết não
Thực tiễn triển khai quy định về chết não trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 và văn bản hướng dẫn thi hành còn tồn tại một số bất cập sau đây:
- Về chuyên gia xác định chết não: Theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, để xác định được chết não phải có đủ 03 chuyên gia bao gồm bác sỹ hồi sức cấp cứu, bác sỹ thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và chuyên gia giám định pháp y. Tuy nhiên, quy định về chuyên gia giám định pháp y trong Luật còn chưa phù hợp, bởi vì, về bản chất, các tiêu chuẩn cận lâm sàng của xác định chết não khác với tiêu chuẩn cận lâm sàng của người đã chết hẳn (tim ngừng đập), do đó, vừa không phát huy được chuyên môn của bác sỹ pháp y, vừa gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc mời bác sỹ pháp y tham gia trong hội đồng xác định chết não. Đồng thời, quy định về thành phần chuyên gia xác định chết não theo Luật này còn thiếu chuyên gia của một số lĩnh vực liên quan đến đánh giá các tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng trong chẩn đoán xác định chết não như chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh.
- Về tổ chức xác định chết não: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định mô hình tổ chức xác định chết não là danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá thực tiễn cho thấy, mô hình tổ chức chẩn đoán xác định chết não hiện nay ở các cơ sở lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là khác nhau, có cơ sở thì tổ chức theo mô hình hội đồng chẩn đoán xác định chết não và một số cơ sở tổ chức theo mô hình nhóm chuyên gia xác định chết não (đa phần hiện nay các cơ sở lấy, ghép đang tổ chức theo mô hình này). Mặc dù, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã có quy định việc xác định chết não phải được thực hiện độc lập bởi 03 chuyên gia, tuy nhiên lại không có quy định về cơ chế giải quyết trong trường hợp các chuyên gia có ý kiến khác nhau.
Ngoài ra, do Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 chưa quy định rõ loại hình cơ sở y tế phải thành lập nhóm chuyên gia xác định chết não nên thực tiễn hiện nay vẫn còn nhiều bệnh viện, trong đó có cả những bệnh viện đã được cho phép lấy, ghép bộ phận cơ thể người cũng chưa thành lập được nhóm chuyên gia hoặc hội đồng xác định chết não. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện mặc dù đã thành lập được nhóm chuyên gia hoặc hội đồng chẩn đoán xác định chết não nhưng thực tiễn cũng chưa đi vào hoạt động, chưa thực hiện xác định chết não được trường hợp nào.
1.4. Quy định về chế độ bảo hiểm y tế và viện phí đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 chỉ có 01 điều duy nhất quy định liên quan đến viện phí và chi trả viện phí cho người được ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Điều 33, theo đó chỉ quy định chung khi người được ghép có thẻ bảo hiểm y tế thì được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán viện phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và trường hợp người được ghép không có thẻ bảo hiểm y tế thì phải tự thanh toán chi phí.
Hiện nay, chưa có quy định về danh mục các chi phí về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người, chưa ban hành được giá dịch vụ kỹ thuật lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nên dẫn đến thực trạng mỗi một cơ sở lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người xây dựng một giá dịch vụ khác nhau, không thống nhất và nhiều cơ sở chưa công khai giá dịch vụ hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người, từ đó, ảnh hưởng đến quyền lợi người hiến và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Việc chi trả các chi phí cho người hiến, người ghép mô, bộ phận cơ thể người cũng còn những bất cập nhất định: Hiện nay, theo danh mục kỹ thuật được bảo hiểm y tế thanh toán mới chỉ có thanh toán đối với phẫu thuật ghép thận tự thân mà chưa có quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với phẫu thuật ghép bộ phận cơ thể người (ghép thận, ghép gan, ghép tim…) từ người này cho người kia. Đối với các chi phí liên quan đến người hiến tặng như chi phí đánh giá, kiểm tra sức khỏe, chi phí cho việc xác định chết não, đánh giá chức năng mô, bộ phận cơ thể người hiến, chi phí cho việc lấy mô, bộ phận cơ thể người (thận, gan, tim…) chưa quy định việc chi trả từ nguồn nào và do ai chi trả.
1.5. Quy định về hiến xác và việc tiếp nhận, sử dụng xác của người hiến
Hoạt động về hiến, lấy xác hiện nay vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như sau:
- Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 chưa có quy định cụ thể về việc đăng ký hiến xác (người được phép quyết định hiến xác), thủ tục đăng ký, vận chuyển xác và việc giải quyết xác của người hiến khi không còn giá trị sử dụng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe rất khó khăn trong việc tiếp nhận xác của người hiến để phục vụ việc giảng dạy. Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo hiện nay cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết đối với những xác được tiếp nhận từ rất lâu, không còn giá trị sử dụng do chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.
- Hiện nay, do vấn đề về nhận thức, quan niệm, tâm linh của người Việt Nam cho nên số lượng người đăng ký hiến xác rất ít, như năm 2017 là 208 trường hợp, năm 2018 là 274 trường hợp, năm 2019 là 319 trường hợp và trung bình mỗi năm chỉ có từ 01 - 03 trường hợp thực hiện hiến xác. Vì vậy, thực tế hiện nay chỉ có các trường đại học y dược công lập lớn là có xác của người hiến để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, còn hầu hết các cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng khối ngành sức khỏe và một số trường đại học y dược ở các tỉnh là chưa có xác của người hiến trong giảng dạy, nghiên cứu.
3. Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, sửa đổi quy định về độ tuổi người hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 theo hướng:
- Về độ tuổi người hiến sau khi chết: Không giới hạn về độ tuổi. Trường hợp người dưới 18 tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp.
- Về độ tuổi người hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống: Tách quy định về độ tuổi người hiến mô và hiến bộ phận cơ thể người, cụ thể:
(i) Độ tuổi người hiến mô khi còn sống: Người từ đủ 16 tuổi trở lên được thực hiện việc hiến mô của mình khi còn sống. Đối với người từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi khi thực hiện việc hiến mô của mình phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp.
(ii) Độ tuổi người hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống: Quy định tách biệt độ tuổi người hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống cùng huyết thống và không cùng huyết thống. Đối với độ tuổi người hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống cùng huyết thống (cha, mẹ, anh, chị em, con ruột) quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đối với độ tuổi người hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống không cùng huyết thống quy định từ đủ 25 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Thứ hai, về thông tin, tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác: Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 9 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 theo hướng, quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tổ chức tôn giáo; bổ sung quy định cụ thể về nội dung thông tin, tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó cần tập trung vào nội dung tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não; bổ sung quy định về nguồn lực bảo đảm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác như nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện.
Thứ ba, sửa đổi quy định về xác định chết não tại Điều 27 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 theo hướng, quy định thống nhất mô hình tổ chức xác định chết não là nhóm chuyên gia chẩn đoán xác định chết não do thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến tỉnh trở lên quyết định thành lập. Quy định về thành phần nhóm chuyên gia xác định chết não phải có chuyên gia về hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh, chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh. Các chuyên gia khác do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định. Đồng thời, bổ sung quy định về tiêu chuẩn chuyên gia xác định chết não và quy định cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia xác định chết não.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về chi phí hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và nguồn chi trả tại Điều 33 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 theo hướng, quy định danh mục các nhóm chi phí đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống, sau khi chết và chi phí ghép mô, bộ phận cơ thể người; nguồn chi trả và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết các nội dung này.
Thứ năm, về hiến xác, tiếp nhận, bảo quản và sử dụng xác người hiến: Cần có quy định cụ thể về quy trình đăng ký hiến xác theo hướng đơn giản cho người hiến và cơ sở tiếp nhận; bổ sung quy định về các vấn đề liên quan đến vận chuyển, bảo quản, sử dụng xác và việc giải quyết xác người hiến khi không còn giá trị sử dụng trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 và văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch trong việc triển khai thực hiện, góp phần tăng nguồn hiến xác để bảo đảm cho các cơ sở đào tạo y dược dần có đủ số lượng xác người hiến phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Nhóm nghiên cứu đề án
[1]. Đề án khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Nghiên cứu khoa học và thực tiễn về đánh giá tác động một số đề xuất chính sách pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” do TS. Nguyễn Huy Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế làm Chủ nhiệm; ThS. Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế - Nghiên cứu viên chính; CN. Phạm Thị Hảo, Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Thư ký.
[2]. Số liệu do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cung cấp.
[3]. Số liệu do Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cung cấp ngày 22/8/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)