1. Khái niệm xung đột về lợi ích trong mối quan hệ luật sư - khách hàng
Trong Bộ quy tắc cũ, quy tắc 11.1 định nghĩa: “Xung đột về lợi ích trong hành nghề luật sư là sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần đã xảy ra hoặc có khả năng xảy ra giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư; giữa luật sư, nhân viên, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư với khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc khác có liên quan đến vụ việc đó”.
Xung đột lợi ích là một thuật ngữ pháp lý phổ biến trong các hệ thống pháp luật khác nhau, đề cập đến một tình huống mà một chủ thể có thể đồng thời phải bảo đảm cho hai lợi ích đối lập. Trong trường hợp có xung đột, khi một lợi ích được bảo đảm và việc đạt được lợi ích này sẽ gây thiệt hại cho một lợi ích khác cũng cần được bảo đảm. Các lợi ích có thể dẫn đến xung đột là các lợi ích liên quan đến các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối lập của các bên đối lập hoặc có liên quan trong vụ, việc. Đó có thể là các lợi ích vật chất hoặc các lợi ích mang ý nghĩa gắn liền với nhân thân (danh dự, nhân phẩm, quyền nuôi con…). Các lợi ích đối lập bao gồm lợi ích riêng hoặc lợi ích công cộng, bao gồm lợi ích của các chủ thể không giới hạn từ tổ chức hay cá nhân riêng biệt (ví dụ như cổ đông, hay nhà đầu tư, doanh nghiệp…)[1]. Trong mối quan hệ luật sư - khách hàng, xung đột lợi ích có thể xảy ra giữa chính luật sư và khách hàng, giữa các khách hàng cũ và khách hàng hiện tại của luật sư hay với bên thứ ba nào đó[2] và khiến luật sư không thể đảm bảo tốt nhất lợi ích hợp pháp của khách hàng hay các nghĩa vụ khác của luật sư đối với khách hàng.
Tại quy tắc 15.1, Bộ quy tắc mới quy định: “Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng”. So với Bộ quy tắc cũ, phạm vi xung đột lợi ích được mở rộng, không chỉ diễn ra đối với các khách hàng hiện tại, mà còn giữa khách hàng cũ (luật sư đã ngừng cung cấp dịch vụ pháp lý) và khách hàng hiện tại, hoặc giữa khách hàng và bên thứ ba nào đó có liên quan. Đồng thời quy tắc nhấn mạnh vì có nảy sinh đối lập lợi ích giữa các bên, mà luật sư không thể thực hiện nghĩa vụ cơ bản của luật sư với khách hàng là bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng. Quy tắc này cũng chỉ ra mối liên hệ giữa nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng và xung đột lợi ích, nghĩa là trong tình huống nảy sinh xung đột lợi ích, luật sư có khả năng vi phạm nghĩa vụ bảo mật mật thông tin khách hàng.
Đứng từ góc độ hành nghề luật, luật sư có lẽ có hai nghĩa vụ cơ bản nhất là: (i) Hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng và (ii) tuân thủ pháp luật và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Do đó, quyền lợi của khách hàng phải được đặt lên cao nhất trong khuôn khổ không vi phạm pháp luật và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Mục đích của quy tắc tránh xung đột lợi ích trong hoạt động hành nghề của luật sư nêu ra nguyên tắc cơ bản hướng dẫn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ứng xử và tuân thủ để không nhận vụ việc trong trường hợp nảy sinh xung đột lợi ích giữa các khách hàng, hay giữa khách hàng và luật sư, hay bên thứ ba nào khác có liên quan. Quy tắc này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng, giúp luật sư có thể đưa ra được những lời tư vấn khách quan, công tâm cho khách hàng của mình. Trong mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng, chỉ khi hoàn toàn độc lập, khách quan, trung thực, không bị áp lực hay ảnh hưởng của các bên có liên quan thì luật sư mới có thể đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích cho khách hàng. Điều này giúp luật sư hiểu được bản chất mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng, thấy được bổn phận trách nhiệm của luật sư trong hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng để từ đó củng cố lòng tin của khách hàng vào luật sư, góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của nghề luật sư trong xã hội.
Đây là một quy tắc đạo đức đồng thời cũng là một nghĩa vụ pháp lý khi được quy định tại Điều 9 Văn bản hợp nhất Luật Luật sư năm 2015 trong các hành vi nghiêm cấm luật sư[3]. Có thể hiểu khái niệm “quyền lợi đối lập nhau” được quy định trong Luật Luật sư cũng là khái niệm “xung đột lợi ích”, cụ thể là xung đột lợi ích pháp lý đã được giải thích ở trên. Vì vậy, luật sư không được tư vấn, tranh tụng hay nhận vụ việc cho cả hai bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, hay là các vụ, việc có liên quan. Việc luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư, nguyên tắc tránh xung đột lợi ích phải được hiểu có chủ thể áp dụng mở rộng là tổ chức hành nghề luật sư. Một cách cơ bản, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư không nhận vụ việc của khách hàng có sự đối lập về quyền lợi với chính bản thân luật sư, một khách hàng khác của luật sư, hay một bên thứ ba nào đó trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
Công việc của luật sư có ảnh hưởng xã hội lớn, vì nó có thể liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và thường xuyên đặt ra các vấn đề về đạo đức do đặc thù nghề nghiệp liên quan tới việc giải quyết các mâu thuẫn lợi ích phát sinh từ việc áp dụng pháp luật. Xung đột về lợi ích trong mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng hiện nay đã và đang xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực phổ biến trong phạm vi hành nghề luật sư, tiêu biểu trong hai dịch vụ pháp lý gồm hoạt động tư vấn pháp luật và hoạt động tham gia tố tụng.
2. Quy tắc ứng xử của luật sư khi tồn tại xung đột lợi ích trong thực tiễn hành nghề
Quy tắc 15.3 của Bộ quy tắc mới đã đặt ra yêu cầu đối với luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp luật sư nhận thấy các tình huống có xung đột lợi ích trong mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng[4]. Như vậy, có ba khả năng xảy ra trường hợp xung đột lợi ích trong thực tiễn hành nghề luật sư:
Trường hợp 1: Xung đột về lợi ích giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư
Trước hết là tình huống luật sư phát hiện có xung đột về lợi ích giữa hai hay nhiều khách hàng của luật sư bao gồm giữa các khách hàng mới, giữa khách hàng hiện tại và khách hàng mới, giữa khách hàng cũ và khách hàng mới của luật sư trong cùng một vụ việc, trong một vụ việc khác không liên quan hay vụ việc khác có liên quan trực tiếp.
Điểm mới của Bộ quy tắc mới so với Bộ quy tắc cũ là đã mở rộng đối tượng khách hàng của luật sư, bao gồm cả đối tượng khách hàng cũ của luật sư có khả năng xảy ra xung đột lợi ích với khách hàng mới, khi đó mặc dù luật sư đã chấm dứt cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng cũ nhưng cũng không được tiếp nhận vụ việc của khách hàng mới trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp.
Xem xét tình huống sau đây: “A và B là hai đối tác trong một hợp đồng hợp tác kinh doanh, sau đó cả hai nảy sinh tranh chấp. A đến văn phòng luật sư và đề nghị luật sư M bảo vệ quyền lợi cho mình. Sau khi nghe A trình bày, luật sư M nhận lời và kí hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý cho A. Một tháng sau, luật sư M thông báo cho A rằng do bận việc nên không thể tiếp tục hỗ trợ pháp lý cho A được và yêu cầu thanh lý hợp đồng. A và luật sư M đồng ý thanh lý hợp đồng. Hai tháng sau, khi tham dự phiên tòa, A bất ngờ gặp luật sư M cũng tham gia phiên tòa nhưng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của B”. Trong tình huống này luật sư M nhận vụ việc với khách hàng B khi đã kết thúc hợp đồng dịch vụ pháp lý cho A, nên không vi phạm Bộ quy tắc cũ vì Bộ quy tắc cũ không đề cập tình huống xung đột lợi ích giữa khách hàng cũ và khách hàng mới, nhưng xét thấy khả năng lớn rằng luật sư M sẽ vận dụng những thông tin đã được phía khách hàng A cung cấp để bảo vệ cho khách hàng B trong cùng một vụ việc, như vậy luật sư M sẽ có thể vi phạm quy tắc đạo đức và nghĩa vụ pháp lý về bảo mật thông tin khách hàng cũ, hoặc luật sư có khả năng luật sư bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng B. Điều này đã được khắc phục theo Bộ quy tắc mới, khi mở rộng xem xét khả năng xung đột lợi ích giữa khách hàng cũ với khách hàng mới trong cùng vụ việc và kể cả vụ việc khác có liên quan.
Ngoài ra, điểm mới trong Quy tắc 15.3.2 này, ngay cả khi vụ việc mà luật sư dự định thực hiện cho khách hàng mới không liên quan vụ việc luật sư đang thực hiện cho khách hàng hiện tại, nhưng họ có lợi ích xung đột trong một vụ việc luật sư đang thực hiện cho khách hàng hiện tại, luật sư buộc phải từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng mới để tuân thủ nguyên tắc tránh xung đột lợi ích và bảo mật thông tin khách hàng.
Mặc dù nghĩa vụ bảo mật thông tin và tránh xung đột lợi ích là hai quy tắc tách rời nhau, nhưng chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau. Quy tắc này đảm bảo rằng một luật sư sẽ không bị đặt vào vị trí là phải đưa ra lựa chọn bất khả thi giữa hai khách hàng hay đưa ra quyết định sẽ gây tổn hại cho người này và có lợi cho người kia. Điều này cũng phản ánh niềm tin tồn tại giữa khách hàng đối với luật sư. Khách hàng cần hoàn toàn cởi mở, thoải mái trao đổi với luật sư để luật sư có thể được đưa ra lời tư vấn pháp lý và bào chữa chính xác và tốt nhất, nếu khách hàng luôn sợ rằng thông tin họ đưa ra có thể được sử dụng để giúp đỡ khách hàng khác hoặc chính luật sư, lúc này khách hàng sẽ ít cung cấp thông tin và điều đó sẽ gây tổn hại cho việc cung cấp tư vấn pháp lý nói chung. Do đó, luật sư buộc phải ưu tiên lựa chọn bảo mật thông tin khách hàng cũ, từ chối khách hàng mới có xung đột lợi ích thậm chí trong các vụ việc không liên quan. Giải pháp lý tưởng mà Bộ quy tắc cho phép luật sư tiếp nhận vụ việc của khách hàng mới là phải có được sự đồng ý của khách hàng cũ trước khi tiếp nhận vụ việc với khách hàng mới.
Tuy nhiên, Bộ quy tắc mới này vẫn không đề cập đến tình huống luật sư có nghĩa vụ bảo mật thông tin đối với khách hàng tiềm năng luật sư đã không cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng đã biết thông tin vụ việc, hoặc thậm chí đã có tư vấn miệng cho khách hàng tiềm năng, liệu luật sư có buộc phải từ chối tiếp nhận vụ việc của khách hàng mới có xung đột lợi ích với khách hàng tiềm năng trong cùng một vụ việc mà luật sư đã biết trước đó thông qua khách hàng tiềm năng không? Có thể kể đến một vụ việc gây tranh cãi như sau[5]: Năm 2005, bà Trần Thị Kim Nguyệt đã bị cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình (Bình Thuận) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Cụ thể, bà Nguyệt và bà Lê Thị Kim Y (người bị hại trong vụ án) có tranh chấp với nhau về quyền sở hữu một đàn dê. Thay vì nhờ Tòa án phân xử, bà Nguyệt lại lén chở đàn dê này đi giấu nên bị cơ quan điều tra khởi tố về tội danh về tội trộm cắp tài sản. Theo bà Nguyệt, vào năm 2012, thông qua người quen, bà có quen biết với luật sư LHS (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận). Trong một lần đi ăn, bà đã kể hết mọi sự việc liên quan đến vụ án trộm dê nói trên cho luật sư S. nghe. Lúc đó, luật sư S. có tư vấn cho bà nhiều việc, sau đó đặt vấn đề nhận bào chữa cho bà trong vụ án này. Tuy nhiên, vì đã có ý định mời luật sư khác nên bà Nguyệt tìm cách từ chối khéo. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 11 ngày 13/8 vừa qua của Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình, trước khi vào phòng xử, bà Nguyệt đã phản ứng với luật sư S khi biết ông tham gia vào vụ án với tư cách là… luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Các luật sư bào chữa cho bà Nguyệt cũng có ý kiến không đồng tình với cách làm việc của luật sư S. Trong khi đó, luật sư S nói mình không ký hợp đồng tư vấn hay cung cấp dịch vụ pháp lý gì cho bà Nguyệt mà chỉ là trao đổi qua lại thôi nên việc ông tham gia phiên tòa bảo vệ người bị hại là không vi phạm Luật Luật sư, không vi phạm Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đây là một trường hợp xung đột về lợi ích xảy ra khi luật sư đã tư vấn cho bên này với tư cách khách hàng tiềm năng nhưng lại tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên kia thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý. Về nguyên tắc, luật sư không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho đồng thời cả hai bên đương sự có quyền lợi và nghĩa vụ đối lập nhau. Tuy nhiên, thời điểm nào phát sinh nghĩa vụ này của luật sư thì còn nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng chỉ cần luật sư biết rõ được nội dung sự việc từ một bên đương sự thì không được tham gia bảo vệ cho bên kia. Đối chiếu với các quy định của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam hiện nay thì chưa có quy định làm rõ khi nào thì mối quan hệ luật sư - khách hàng bắt đầu được hình thành, liệu với các khách hàng tiềm năng (chưa giao kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý) thì luật sư có nghĩa vụ phải từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng mới có xung đột lợi ích với khách hàng tiềm năng mà luật sư đã tiếp xúc hay không khi đã biết thông tin vụ việc từ khách hàng tiềm năng và có đưa ra lời tư vấn bằng miệng như tình huống trên.
Hiện nay, Bộ quy tắc mới không đề cập tình huống này, đồng nghĩa với việc cho phép luật sư tiếp nhận vụ việc mà không vi phạm quy tắc xung đột lợi ích hay thậm chí cả quy tắc bảo mật thông tin khách hàng. Vì mối quan hệ luật sư - khách hàng tạo ra nghĩa vụ pháp lý ràng buộc đối với luật sư theo quy định Luật Luật sư khi giữa họ có giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý và hình thức thể hiện bằng văn bản[6]. Đối chiếu với Bộ quy tắc đạo đức hành nghề luật sư của quốc gia khác[7], định nghĩa về khách hàng bao gồm cả khách hàng mà luật sư đã có sự tiếp xúc, và tư vấn miệng, ngay cả khi giữa họ không có sự tư vấn bằng văn bản; hoặc luật sư đã thể hiện sự đồng ý để thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng[8]. Như vậy, không nhất thiết phải tồn tại hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản được giao kết giữa luật sư và khách hàng mới thiết lập mối quan hệ luật sư và khách hàng, chỉ cần luật sư đã thực hiện sự tư vấn pháp lý cho khách hàng không nhất thiết bằng văn bản, thì luật sư đã có các nghĩa vụ bảo mật thông tin cho khách hàng, và xem xét tuân thủ quy tắc xung đột lợi ích với các khách hàng mới khác. Nên chăng, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam xem xét và bổ sung khả năng này.
Trường hợp 2: Xung đột về lợi ích giữa chính luật sư, nhân viên, vợ, chồng, con, cha, mẹ, anh em của luật sư với khách hàng hoặc vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư
Những nội dung này khá tương đồng với Bộ quy tắc cũ, xung đột lợi ích trong hành nghề luật sư có thể là sự đối lập về quyền lợi vật chất hay tinh thần đã xảy ra hay có khả năng xảy ra giữa luật sư, nhân viên, vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư của khách hàng trong cùng một vụ việc hoặc trong những vụ việc có liên quan đến vụ việc đó. Rõ ràng một luật sư không được nhận vụ việc nếu lợi ích của luật sư đối lập với lợi ích của một khách hàng, bởi vì nếu nhận vụ việc thì luật sư sẽ phải hành động theo lợi ích riêng của mình[9]. Người thân của luật sư trong quy tắc này giới hạn trong phạm vi là vợ, chồng, con, cha mẹ, anh em của luật sư. Quy tắc này được đặt ra nhằm tránh vì sự chi phối của tình cảm, tình thân mà luật sư không thể đưa ra những lời khuyên công tâm, dẫn đến không thể hết mình bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng một cách tốt nhất. Hơn nữa, người cùng một nhà thì việc bảo mật thông tin của khách hàng có sự đối lập với nhau về lợi ích sẽ không còn được khách quan. Nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý và đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của luật sư. Ví dụ: “Luật sư không thể nhận vụ việc, mình là người đại diện cho một cá nhân tham gia tranh tụng đòi hưởng quyền thừa trong khi mình cũng đang là một trong những người được hưởng thừa kế trong vụ việc này”, hay ví dụ: “Trong một vụ tranh chấp đất giữa ông A và ông B. Ông A là bố của luật sư X. Trong trường hợp này nếu B có đến tìm luật sư X nhờ cung cấp dịch vụ pháp lý cho mình thì luật sư X không được nhận vụ việc này. Vì vụ việc này có liên quan đến lợi ích trực tiếp của bố luật sư X (bố luật sư X và ông B có quyền lợi đối lập nhau)”. Tóm lại, trong một vụ việc khi thấy rõ quyền lợi của mình trong vụ việc đó luật sư không được nhận vụ việc để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Trường hợp 3: Vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên
Đây là điểm mới so với Bộ quy tắc cũ, làm rõ hơn Quy tắc 11.2.4 trong Bộ quy tắc cũ: “Từ chối trong những trường hợp khác có xung đột về lợi ích nếu có quy định của pháp luật”. Sự thay đổi này phản ánh sự tương thích với Bộ quy tắc đạo đức hành nghề luật sư các quốc gia trên thế giới[10]. Trước khi hành nghề luật sư, luật sư có thể là người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên… Quy tắc này nhằm tránh tình huống những “thông tin bí mật” của Nhà nước mà trước kia luật sư được biết bị tiết lộ cho công chúng hoặc luật sư không có đặc quyền pháp luật cho phép để tiết lộ thông tin. Hay trong tình huống luật sư đã từng là thẩm phán hoặc hoặc thư ký Tòa án, người tiến hành tố tụng, hoặc là trọng tài viên, hòa giải viên của vụ việc thì luật sư không được nhận vụ việc của khách hàng, trừ trường hợp được sự đồng ý của khách hàng. Tuy nhiên, có thể có tình huống ngoại lệ được quy định trong Bộ quy tắc của Hoa Kỳ là nếu luật sư đã từng là trọng tài viên trong hội đồng trọng tài được lựa chọn bởi một bên trong vụ việc sẽ không bị cấm nhận vụ việc cho chính bên đó với tư cách là luật sư[11].
Ngoài ra, trong thực tế còn có các thỏa thuận riêng biệt giữa luật sư và khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý để tránh các xung đột về lợi ích xảy ra trong phạm vi ngành, nghề hay lĩnh vực hoạt động. Ví dụ, hiện nay, các công ty hay doanh nghiệp lớn có xu hướng sử dụng dịch vụ pháp lý từ luật sư hay các hãng luật cung cấp cho riêng mình và không muốn luật sư hay hãng luật đó làm việc cho các đối thủ cạnh tranh. Dù việc này không có xung đột về lợi ích theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam, nhưng những khách hàng này thường sử dụng quy định mang tính chất áp đặt này để ngăn chặn việc bí mật kinh doanh hay vấn đề cần bảo mật thông tin tuyệt đối. Ví dụ, một hãng luật không thể vừa cung cấp dịch vụ pháp lý cho hãng KFC và hãng Lotteria dù công việc làm cho hai hãng này là hoàn toàn không liên quan đến nhau.
3. Các giải pháp ngăn ngừa xung đột lợi ích trong quá trình hành nghề luật
Nếu có xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột, giữa hai hoặc nhiều khách hàng hiện tại, luật sư buộc phải từ chối nhận vụ việc, hay từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc hoặc không được nhận vụ việc của bất kỳ ai trong số họ. Do đó: (i) Trước khi cung cấp dịch vụ pháp lý, luật sư cần kiểm tra xem có xung đột lợi ích hay không? và (ii) Tiếp đến, nếu có xung đột lợi ích, hãy xác định xem luật sư có thể tiến hành cung cấp dịch vụ pháp lý kể cả có xung đột lợi ích hay không?
Đối với việc kiểm tra vấn đề xung đột, các trình tự sau được khuyến nghị để luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện kiểm tra:
Bước 1: Xác định khách hàng là ai? Khách hàng cũ, khách hàng hiện tại, khách hàng mới?
Bước 2: Xem xét bản chất của dịch vụ pháp lý cung cấp và các nghĩa vụ đối với khách hàng phát sinh từ nghĩa vụ trong dịch vụ pháp lý đó
Bước 3: Xác định xem các nghĩa vụ đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ và bất kỳ người thứ ba nào có thể ảnh hưởng đến các nghĩa vụ đối với khách hàng của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hay không. Tương tự, xác định xem chính luật sư có bất kỳ lợi ích cá nhân nào có thể ảnh hưởng đến các nghĩa vụ đối với khách hàng của của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hay không.
Bước 4: Xác định xem có rủi ro đáng kể rằng nghĩa vụ của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lợi ích của chính luật sư hoặc nghĩa vụ của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đối với khách hàng khác (khách hàng hiện tại, khách hàng cũ) hoặc người thứ ba. Nếu có rủi ro tác động đáng kể, khi đó có tồn tại một xung đột lợi ích.
Khi có xung đột lợi ích trong mối quan hệ giữa khách hàng và luật sư, hoặc tồn tại khả năng đáng kể xung đột lợi ích liên quan đến một vấn đề hoặc một khía cạnh cụ thể trong vụ, việc luật sư đảm trách, luật sư chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý nếu:
(i). Luật sư đã giải thích các vấn đề và rủi ro có liên quan cho các khách hàng và luật sư có niềm tin chắc chắn rằng họ hiểu những vấn đề và rủi ro đó.
(ii). Tất cả các khách hàng đã đồng ý bằng văn bản cho luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý.
(iii). Luật sư tin tưởng rằng việc luật sư hành động cho tất cả các khách hàng phù hợp với Quy tắc đạo đức và pháp luật, và đó là vì lợi ích tốt nhất của tất cả các khách hàng.
(iv). Luật sư tin tưởng rằng những lợi ích luật sư mang đến cho khách hàng lớn hơn những rủi ro.
Tóm lại, nguyên tắc để tránh xung đột lợi ích giữa luật sư và khách hàng trước hết xuất phát từ tinh thần thiện chí đến từ hai phía, cả hai phải tôn trọng pháp luật và đối tác của mình, luật sư phải hành động vì quyền lợi tối đa và hợp pháp của khách hàng, trong khi đó khách hàng cũng phải cung cấp những thông tin chính xác và có thái độ, hành động phù hợp đối với luật sư của mình. Trước khi nhận một vụ, việc nào đó, luật sư phải kiểm tra các khả năng xung đột có thể xảy ra, từ đó cân nhắc quyết định đồng ý hay từ chối nhận vụ việc. Khi xung đột lợi ích giữa luật sư và khách hàng đang trong giai đoạn tiềm ẩn, luật sư phải có trách nhiệm cảnh báo với khách hàng của mình nhằm giúp hạn chế đến mức tối thiểu các diễn biến, hậu quả xấu có thể xảy ra. Khi xung đột lợi ích xảy ra, luật sư cần dừng lại việc cung cấp dịch vụ pháp lý với sự đồng ý của khách hàng nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng của mình, tránh vì lợi ích cá nhân của luật sư mà gây thiệt hại cho khách hàng, tổn hại đến uy tín và danh dự của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư./.
Bạch Thị Nhã Nam
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh