Luật Hộ tịch được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Luật Hộ tịch có những quy định mới về công chức làm công tác hộ tịch để bảo đảm chất lượng và kết quả của việc đăng ký và quản lý hộ tịch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Theo đó, Những quy định về tiêu chuẩn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã đặt ra những yêu cầu lớn đối với việc đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hoá đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch. Những khó khăn, thách thức có thể kể đến như: Một khối lượng lớn công chức tư pháp - hộ tịch cần phải được đào tạo, bồi dưỡng ngay về trình độ trung cấp luật; việc khó bố trí tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do giới hạn về thời gian và số lượng công chức cấp xã chỉ có 01 người; yêu cầu đặt ra bồi dưỡng cho cán bộ mới được bổ sung thay thế do có sự biến động cán bộ sau mỗi kỳ Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp… Chính vì vậy, chúng ta cấp thiết cần phải có những giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã theo Luật Hộ tịch.
Nhận thức được tầm quan trọng này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đăng tải bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng công chức tư pháp - hộ tịch đáp ứng yêu cầu triển khai Luật Hộ tịch” trong số chuyên đề 32 trang tháng 4/2015 về “Triển khai thi hành Luật Hộ tịch”. Tác giả bài viết đã nêu lên những khó khăn, thách thức và đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết, khắc phục để việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp - hộ tịch đáp ứng được yêu cầu mới.
Thành Trung