Từ thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về đấu giá không thành cho thấy đã nảy sinh rất nhiều trường hợp mà đấu giá viên rất khó để tuyên bố là đấu giá thành hay đấu giá không thành. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số trường hợp từ thực tiễn liên quan đến đấu giá không thành trong đấu giá tài sản, phân tích những hạn chế của pháp luật khi áp dụng trên thực tiễn, từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về đấu giá không thành tại Luật Đấu giá tài sản.
1. Quy định của Luật Đấu giá tài sản về đấu giá không thành và những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện
Việc xác định đấu giá thành hay không thành có ý nghĩa quan trọng đối với đấu giá viên, người trúng đấu giá, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá. Đối với đấu giá viên việc xác định cuộc đấu giá thành hay không thành là một nhiệm vụ quan trọng khi kết thúc cuộc đấu giá. Nếu đấu giá viên xác định không đúng đấu giá thành hay không thành sẽ dẫn đến xác định không đúng người trúng đấu giá và có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá. Đối với người trúng đấu giá thì kể từ thời điểm đấu giá viên tuyên bố đấu giá thành hay không thành sẽ xác định quyền được mua tài sản đấu giá hay không được quyền mua tài sản đấu giá. Đối với tổ chức đấu giá sẽ làm căn cứ để xác định thù lao dịch vụ đấu giá hay chi phí đấu giá trong trường hợp đấu giá thành hay không thành. Đối với người có tài sản đấu giá việc xác định đấu giá không thành sẽ làm căn cứ để giảm giá bán tài sản ở lần đấu giá tiếp theo đối với tài sản thi hành án dân sự hoặc sẽ không được tiếp tục đấu giá nếu 02 lần đấu giá không thành đối với quyền sử dụng đất Nhà nước giao đất, cho thuê đất, có thu tiền sử dụng đất...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì các trường hợp sau được xác định là đấu giá không thành:
- Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá;
- Tại cuộc đấu giá không có người trả giá hoặc không có người chấp nhận giá;
- Giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên;
- Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này;
- Người đã trả giá rút lại giá đã trả, người đã chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 của Luật này mà không có người trả giá tiếp;
- Trường hợp từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
- Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 59 của Luật này.
Thực tiễn áp dụng quy định nêu trên về đấu giá không thành đã nảy sinh rất nhiều trường hợp mà đấu giá viên không biết nên tuyên bố là đấu giá thành hay đấu giá không thành. Nhiều đấu giá viên cho rằng, theo phương pháp suy luận, ngoài những trường hợp đấu giá không thành thì những trường hợp còn lại sẽ được xác định là đấu giá thành. Tuy nhiên, nếu theo phương pháp suy luận này, thực tiễn thực hiện đấu giá tài sản sẽ có mâu thuẫn, chồng chéo so với các quy định khác của Luật Đấu giá tài sản.
Thứ nhất, trường hợp khách hàng trả giá cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên có được tuyên là đấu giá không thành?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì chỉ được xác định là đấu giá không thành khi giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên. Tuy nhiên, trên thực tiễn đấu giá tài sản ở Việt Nam thì hầu hết đấu giá theo phương thức trả giá lên đều công khai giá khởi điểm đối với tài sản thuộc diện phải đưa ra đấu giá theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Công ty đấu giá hợp danh A đấu giá tài sản là 01 lô tài sản thiết bị văn phòng (có danh mục chi tiết kèm theo). Giá khởi điểm 200 triệu đồng. Phương thức đấu giá lên. Hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp tại cuộc đấu giá. Tại buổi công giá, chỉ có 03 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Kết quả trả giá: 01 khách hàng trả giá 175 triệu, 01 khách hàng trả giá 189 triệu, 01 khách hàng trả giá 190 triệu. Với giá đã trả nêu trên thì cả 03 khách hàng đều trả giá dưới giá khởi điểm. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này có được tuyên cuộc đấu giá không thành hay không? Căn cứ đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì đây là trường hợp công khai giá khởi điểm, do đó, sẽ không có căn cứ để áp dụng điểm c khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản. Trong trường hợp này, đấu giá viên không thể căn cứ vào Điều 52 Luật Đấu giá tài sản để tuyên cuộc đấu giá không thành. Đấu giá viên cũng không thể tuyên cuộc đấu giá thành vì giá đã trả thấp hơn với giá khởi điểm được công bố (khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản). Để tránh tình huống này xảy ra, các tổ chức đấu giá thường quy định trong quy chế cuộc đấu giá là khách hàng tham gia đấu giá phải chấp nhận giá khởi điểm. Tuy nhiên, nếu khách hàng trả giá cao nhất vẫn trả giá thấp hơn giá khởi điểm cũng không bị xử lý vi phạm và đấu giá viên cũng không có căn cứ để tuyên cuộc đấu giá không thành theo Luật Đấu giá tài sản.
Thứ hai, trường hợp áp dụng quy định tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đối với tài sản lần đầu đưa ra đấu giá chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá có được tuyên đấu giá không thành?
Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá chỉ được tiến hành sau khi đã tổ chức cuộc đấu giá lần đầu nhưng không thành. Căn cứ vào quy định này thì đối với các loại tài sản lần đầu đưa ra đấu giá nếu chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá thì đấu giá viên sẽ không được bán tài sản và cần phải tuyên cuộc đấu giá không thành. Việc tuyên bố đấu giá không thành lần đầu là một trong những điều kiện để lần thứ hai tổ chức cuộc đấu giá, đấu giá viên có thể được bán tài sản nếu tiếp tục chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá với sự đồng ý của người có tài sản theo quy định tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 52 của Luật này thì trường hợp lần đầu đưa tài sản ra đấu giá quy định tại Điều 49 đang không được ghi nhận là đấu giá không thành.
Ví dụ: Công ty đấu giá hợp danh B đấu giá tài sản thi hành án dân sự lần đầu là 01 ngôi nhà 03 tầng có tổng diện tích là 120m2 gắn liền với 81,5 m2 đất tại số 5, tổ 8, phố M, phường N, quận K, thành phố Y. Giá khởi điểm 3.8 tỷ. Tài sản lần đầu tiên đưa ra đấu giá có 02 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nhưng tại cuộc đấu giá chỉ có 01 khách hàng tham gia đấu giá. Căn cứ vào quy định tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2916 thì do tài sản đấu giá đưa ra đấu giá lần đầu nên không được bán tài sản trong trường hợp này. Tuy nhiên, khi căn cứ vào Điều 52 Luật Đấu giá tài sản về đấu giá tài sản không thành thì không quy định đây là trường hợp đấu giá không thành. Việc này gây khó khăn cho người có tài sản là chấp hành viên không biết có được giảm giá tài sản hay không và tổ chức đấu giá không biết sẽ xác định chi phí dịch vụ như thế nào? Trước đây, theo hệ thống các văn bản liên quan về trình tự, thủ tục đấu giá thì trường hợp này được xác định là đấu giá không thành và chấp hành viên căn cứ Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) để làm thủ tục giảm giá tài sản tiếp tục đưa ra đấu giá. Đặc biệt, đối với các tổ chức đấu giá khi rơi vào trường hợp này sẽ thiếu căn cứ để thanh toán chi phí thực tế hợp lý trong trường hợp đấu giá không thành. Tác giả thấy rằng, tại Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã chưa dự liệu hết trường hợp đấu giá không thành như trong tình huống thực tiễn nêu trên. Tổ chức đấu giá và người có tài sản cần phải xác định đây là trường hợp đấu giá không thành.
Thứ ba, trường hợp quy định tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá khách hàng trả giá cao nhất chỉ bằng giá khởi điểm có được tuyên là đấu giá không thành?
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 41 Luật Đấu giá tài sản: Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn. Quy định này cho phép đấu giá viên chỉ xác định được người trúng đấu giá đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói khi người trả giá cao nhất phải cao hơn giá khởi điểm. Đây là một điểm lưu ý rất đặc biệt đối với tổ chức đấu giá khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Ví dụ: Tại cuộc đấu giá tài sản bảo đảm lần đầu là 108 m2 đất ở tại số 8, ngõ 10, phố P, phường K, quận N, thành phố H. Giá khởi điểm là 1,9 tỷ đồng. Hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Có 05 khách hàng tham gia đấu giá những chỉ có 01 khách hàng trả giá, 1,9 tỷ và 04 khách hàng còn lại không trả giá. Trường hợp này căn cứ điểm d, khoản 2 Điều 41 Luật Đấu giá tài sản không tuyên bố người trúng đấu giá được vì khách hàng chỉ trả bằng giá khởi điểm. Bên cạnh đó, căn cứ Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì đây là trường hợp có nhiều khách hàng tham gia đấu giá nhưng chỉ có 01 người trả giá thì cũng không được bán tài sản đối với tài sản lần đầu đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 52 Luật Đấu giá tài sản thì đây là trường hợp không được quy định là đấu giá không thành. Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản quy định “người trúng đấu giá là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phương thức trả giá lên”. Khi gặp tình huống này, đấu giá viên sẽ không biết phải tuyên đấu giá thành hay đấu giá không thành? Đây là một tình huống rất dễ dẫn tới tranh chấp tại Tòa án giữa người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá và người có tài sản. Người có tài sản cho rằng căn cứ vào Điều 41, Điều 49 Luật Đấu giá tài sản sẽ không được bán tài sản cho 01 người trả giá ở lần bán tài sản đầu tiên. Tổ chức đấu giá và người trúng đấu giá thì cho rằng căn cứ Điều 52 Luật Đấu giá tài sản đây không thuộc trường hợp đấu giá không thành. Căn cứ vào khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản thì vẫn xác định được người trúng đấu giá đúng luật. Tác giả cho rằng, trong trường hợp này lại là sự thiếu sót của Luật Đấu giá tài sản khi quy định chưa hết các trường hợp đấu giá không thành. Nếu tuyên bố người trúng đấu giá trong trường hợp này sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng thông đồng, dìm giá và mất hết đi ý nghĩa tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản, không cho phép bán tài sản lần đầu khi chỉ có 01 khách hàng trả giá. Bên cạnh đó, việc xác định đấu giá thành trong trường hợp này còn vi phạm Điều 41 Luật Đấu giá tài sản đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói bắt buộc người trả giá sau phải trả giá cao hơn người trả giá liền kề. Đối với hình thức đấu giá bằng lời nói theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì chỉ xác định được người trúng đấu giá sau khi đấu giá viên nhắc lại ba lần giá cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đấu giá không thành trong Luật Đấu giá tài sản
Thứ nhất, cần sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản theo hướng sẽ tuyên là đấu giá không thành trong trường hợp giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp cả 02 trường hợp là không công khai giá khởi điểm và công khai giá khởi điểm. Theo đó, chỉ cần thiết kế điểm c khoản 1 Điều 52 như sau: “Giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên”.
Thứ hai, bổ sung thêm trường hợp đấu giá tài sản lần đầu theo quy định tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản là một trong những trường hợp đấu giá không thành trong quy định tại Điều 52 Luật Đấu giá tài sản.
Thứ ba, bổ sung thêm trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói chỉ có 01 khách hàng trả giá bằng giá khởi điểm tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản là trường hợp đấu giá không thành theo quy định tại Điều 52 Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, cần sửa quy định tại khoản 5 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản cho chặt chẽ hơn theo hướng: “Người trúng đấu giá là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phương thức trả giá lên, trừ trường hợp quy định tại Điều 41 Luật này”.
Học viện Tư pháp