1. Quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng
1.1. Về thuật ngữ
“Tham nhũng” là một khái niệm, phản ánh một nhóm tội hoặc một loạt hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về các hành vi tham nhũng: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Ngoài ra, Luật quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện.
Qua quy định trên cho thấy, có điểm trong Luật phản ánh một hành vi, như: “Tham ô tài sản”, “nhận hối lộ”… nhưng có điểm là tổ hợp hành vi, ví dụ: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi (điểm m khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018)…
Phân tích khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy: Luật quy định 12 điểm, thì có 08 điểm “vụ lợi”, 01 điểm “trục lợi”, 03 điểm (a, b, c) là đương nhiên có “lợi”: Tham ô, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản. Như vậy, việc nhận biết “lợi” là mấu chốt trong phòng, chống tham nhũng. Theo quy luật xã hội luôn vận động, vậy “lợi” cũng biến đổi, do vậy, trong mỗi giai đoạn đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần đặt đúng cái “lợi” mà hành vi tham nhũng hướng tới.
1.2. Các yếu tố cấu thành tội phạm đối với nhóm tội tham nhũng
Theo quy định của Bộ luật Hình sự[i], tại Chương XXIII các tội phạm về chức vụ, mục 1 các tội phạm tham nhũng quy định từ Điều 353 đến Điều 359 gồm các tội danh sau: Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).
- Khách thể: Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế. Theo quy định, bằng hình thức hành động tội phạm tham nhũng làm hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện trái với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, cá nhân, tổ chức. Pháp luật bảo vệ ở đây là hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, trật tự quản lý nhà nước.
- Mặt khách quan cấu thành tội phạm:Trên cơ sở pháp luật, hành vi cấu thành tội phạm nhóm tội tham nhũng là “hành động” phạm tội.
- Mặt chủ quan của cấu thành tội phạm: Dấu hiệu lỗi, các tội danh trong mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Có nghĩa là, chủ thể phạm tội xác định được hành vi khi thực hiện và mong muốn đạt kết quả như dự liệu.
- Động cơ phạm tội: Động cơ là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm trong một số tội danh trong nhóm tội tham nhũng. Ví dụ: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân…” - Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Về chủ thể: Nhóm tội tham nhũng đa số là chủ thể đặc biệt (có chức vụ). Các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong nhóm tội tham nhũng trong Bộ luật Hình sự phản ánh phù hợp với các dấu hiệu chủ thể phạm tội quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Ví dụ, khi xét xử “Tội nhận hối lộ” (Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015) với tình tiết phạm tội có tổ chức. Về mặt hình sự các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về vai trò khác nhau trong vụ án, nhưng bị cáo thuộc diện “tham nhũng” theo luật Luật Phòng, chống tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn.
1.3. Về quan điểm chung
Do tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong tổ chức bộ máy nhà nước, Liên Hợp quốc xác định là tội phạm có tính toàn cầu, đã thông qua Công ước chống tham nhũng (UNCAC)[ii], Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước này.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Pháp luật phản ánh đời sống xã hội, khi xây dựng hệ thông pháp luật các yếu tố: Dân tộc, văn hóa, đạo đức, điều kiện kinh tế - xã hội, quan điểm… được tích hợp vào trong pháp luật trở thành quy phạm ứng xử chung cho các chủ thể, có hiệu lực trong toàn lãnh thổ. Trong đời sống, các yếu tố trên cũng tác động đến hành vi các chủ thể, xét cho cùng thì phản ánh chiều sâu văn hóa trong mỗi quốc gia - dân tộc.
2.1. Quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có thể xem Luật Phòng, chống tham nhũng là luật cơ sở, các luật khác như Bộ luật Hình sự, các văn bản luật tố tụng, Luật Cán bộ, công chức… là những luật được viện dẫn áp dụng. Các tội danh quy định tại Mục 1 (các tội phạm tham nhũng) Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 và “các hành vi tham nhũng” quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng chưa thống nhất.
Về viện dẫn áp dụng luật, các điểm a đến điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 áp dụng phù hợp với các tội danh quy định từ Điều 353 đến Điều 359 Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm h khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 áp dụng phù hợp với các tội danh quy định tại Điều 364, Điều 365 Mục 2 (các tội phạm khác về chức vụ) Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 áp dụng tương đương tội danh quy định Điều 177 (tội sử dụng trái phép tài sản) Chương XVI (các tội xâm phạm sở hữu) Bộ luật Hình sự hiện hành; điểm k khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chưa thể hiện cụ thể thành điều luật trong Bộ luật Hình sự hiện hành; đối với hai điểm l và điểm m Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 áp dụng với một số tội danh cấu thành tội phạm dưới hình thức không hành động phạm tội tại Chương XXIV (các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) Bộ luật Hình sự hiện hành; khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được quy định thành các tội danh trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Phân tích dưới góc độ viện dẫn áp dụng cho thấy: Các “hành vi tham nhũng” quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và “các tội phạm tham nhũng” tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 cần có sự điều chỉnh để áp dụng thống nhất. Trong đó, nội dung “không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” tại điểm l khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là một “quy định mở” cần nghiên cứu áp dụng trong công tác xây dựng luật.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, đa số các tội danh quy định “hành động phạm tội”, chỉ 08/318 tội danh quy định “không hành động” phạm tội[iii]. Ví dụ: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015), một số tội trong nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, như: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015)…
Ví dụ: Pháp luật quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu “Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị” (khoản 1 Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019); tiêu chuẩn theo ngạch công chức;… đặt trường hợp lãnh đạo “không thực hiện” thì sẽ kéo theo rất nhiều yếu tố, trước tiên đó là của cơ quan, tiếp theo là hệ thống các cơ quan liên quan. Thực tiễn hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực đã phản ánh việc cơ quan chủ quản chưa hoàn thiện kịp thời các văn bản để xảy ra tình trạng sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, tài sản công…
Giả thiết đặt ra, pháp luật bổ sung một số tội danh vào nhóm tội chức vụ cấu thành tội phạm dưới hình thức “không hành động” thì chứng minh hành vi phạm tội dựa trên nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước, hoạt động của cơ quan tham mưu và các văn bản luật, như Luật Cán bộ, công chức;… Bên cạnh nghiên cứu, bổ sung quy định trong Bộ luật Hình sự thì xem xét việc đánh giá cán bộ, công chức lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ dưới hình thức “không hành động” như ví dụ trên đã chứng minh.
Đứng trước một hiện tượng vi phạm pháp luật mỗi cơ quan chức năng có cách tiếp cận: Trong mắt nhà quản lý có thể là ý thức pháp luật, trình độ dân trí,… để có biện pháp thực hiện; nhà lập pháp có một cách tiếp cận khác đó là đặt quy phạm pháp luật trong điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa… để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật mới để điều chỉnh; nhà khoa học luôn nhìn vấn đề ở mọi góc độ như trình độ lập pháp, tổ chức thi hành, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức, trình độ dân trí… để có đề xuất phù hợp.
2.2. Về công tác tổ chức cán bộ
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho thấy có hiện tượng các hiện tượng cục bộ, “bè cánh”, lợi ích… chi phối công tác tổ chức cán bộ địa phương[iv]. Nhiều trường hợp khi cấp trên yêu cầu, cấp dưới “đưa bài”[v] cho cấp trên chọn. Vì trước đó cấp dưới áp dụng quy trình loại ngay từ “vòng gửi xe” đối với những nguyên tố “liên kết yếu”.
Xét về lịch sử, các triều đại phong kiến hoạt động theo nguyên tắc “trung ương tập quyền”, chính quyền trung ương bổ nhiệm các quan đi cai trị các địa phương theo phẩm, cấp, tài năng. Nhưng hiện nay, tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “… tập trung dân chủ” (khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013), pháp luật quy định quy trình chặt chẽ, nhưng việc thực hiện đôi khi không được như mong muốn, vẫn bị chi phối nhiều bởi ý chí của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là một nội dung cần xem xét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
2.3. Về yếu tố văn hóa
Bằng chính cuộc sống người dân cũng đã nghiệm ra giá trị của lao động, tài sản công và Nhà nước luôn có chế tài bảo vệ giá trị lao động, tài sản công[vi]. Bên cạnh các quy định pháp luật, trong đời sống có các câu ca mang tính răn đe để bảo vệ tài sản công, việc nhũng nhiễu, lấy của đền, đình, chùa, miếu... đều bị báo ứng, như “của thiên trả địa”, “của trời trời lại lấy đi”... Đề cao các giá trị lao động “người sao của chiêm bao là vậy”, “có làm thì mới có ăn”…, để nhắc nhở mọi người về công sức, thành quả lao động hợp pháp.
Về văn hóa, mọi quan hệ trong đời sống người Việt Nam đều được đưa vào quan hệ gia đình, chào hỏi trong cơ quan (bác, chú, cô, gì, anh, chị, em, cháu, con…); đến các hiện tượng thiên nhiên thần bí “ông Trời”, “ông Địa”… bất cứ thứ gì “quá lớn” đều thể hiện trong quan hệ ngôn ngữ gia đình. Các ngôn ngữ khác, trong nước (ngôn ngữ các dân tộc) và nước ngoài (ngôn ngữ các quốc gia) thể hiện quan hệ xã hội theo ngôi, thứ, định vị rõ ràng. Thử đặt địa vị một người học tiếng Việt rất khó hình dung trong giao tiếp trong cơ quan nhà nước ở Việt Nam. Xét theo ngôn ngữ, Việt Nam là “gia đình”. Nét đẹp văn hóa trong giao tiếp cần duy trì, nhưng là điều cần cân nhắc trong áp dụng pháp luật.
Về mặt giao tiếp cho thấy, chính quan hệ đan xen giữa tình cảm và hành chính trong các quan hệ đời sống sẽ tác động rất nhiều trong hành xử của mỗi người. Mọi quan hệ trong đời sống xã hội đến công quyền tính “vị nể” rất cao. Thực tiễn tố tụng, nhiều bị can không nhận thức được hành vi đối với tội danh liên quan đến tham nhũng, do bị chi phối nhiều yếu tố, trong đó có đặt sự tin tưởng vào quan hệ “gia đình”. Ví dụ, vụ án Việt Á (đang trong quá trình tố tụng) cho thấy về mọi mặt từ phạm vi (địa phương, trung ương); trình độ (học hàm, học vị); cấp độ (lãnh đạo, đến nhân viên), tính chất… trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
2.4. Vai trò của các cơ quan áp dụng pháp luật
Ở góc độ nguyên nhân - kết quả, áp dụng pháp luật là mang tính “nhân quả”, có hành vi phạm tội thì sẽ chịu chế tài pháp luật. Nhưng trong trường hợp cụ thể, khi áp dụng cần xem xét thận trọng các yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi phạm tội, động cơ “vụ lợi”, mối quan hệ giữa các cá nhân… và các yếu tố khác tác động đến hành vi. Điều này liên quan trực tiếp đến áp dụng pháp luật trong công tác tư pháp.
Hoạt động tư pháp từ thủ tục hành chính, như: Đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh… đến hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… đều liên quan đến trực tiếp đến quyền công dân, quyền con người mà các bản Hiến pháp Việt Nam đã ghi nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những người làm công tác tư pháp: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người”. Một cách hiểu đa chiều là ở đó có luân thường, đạo lý, tình cảm... và rất nhiều cung bậc cảm xúc. Về lý luận, khi truyền giảng về luật hình sự, giảng viên đề cập đến “niềm tin nội tâm của người thẩm phán”, điều này thể hiện phẩm chất của người áp dụng pháp luật, chứng minh bằng năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn.
Theo các nhà lý luận thì tội phạm xảy ra trong những điều kiện nhất định, điều này dễ dàng thấy dưới góc độ triết học, nhà nước ban hành pháp luật là để duy trì trật tự xã hội, giáo dục mọi người, răn đe tội phạm; nhà quản lý giảm thiểu thiệt hại ít nhất về khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ thì được coi là thành công lớn. Khác với tội phạm khác, tội tham nhũng thường xuất hiện vào giai đoạn phát triển của đất nước, do vậy cần có giải pháp đấu tranh tội phạm cho phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển.
3. Một số giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, tuân thủ triệt để các giải pháp mà Đảng đã đề ra. Công tác phòng, chống tham nhũng liên quan đến sự vững mạnh của bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, các thiết chế của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được củng cố và tăng cường. Trong thực hiện phải quán triệt đến đảng viên, lãnh đạo các cấp cho đến người thực thi công vụ đều phải tuyệt đối tuân thủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Đảng đã đề ra, áp dụng đúng các quy định và nguyên tắc pháp luật.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Về mặt khái niệm cần có sự điều chỉnh giữa các văn bản luật để đảm bảo sự thống nhất trong quy định và thực hiện, như: Thống nhất nội hàm khái niệm “tham nhũng” trong các văn bản luật quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 với quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015. Vấn đề này cần thực hiện một số nội dung sau:
(i) Xem xét mở rộng nội hàm khái niệm “tham nhũng” quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự hiện hành cho thống nhất với “các hành vi tham nhũng” quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, như các hành vi liên quan đến chức vụ “đưa hối lộ, môi giới hối lộ…” (điểm h khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018); “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi” (điểm m khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018); “lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi” (điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018)…
(ii) Nghiên cứu, bổ sung quy định pháp luật theo hướng “không hành động”. Về lý luận, để bảo đảm áp dụng thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật cần có quy định “không hành động” đối với cấu thành tội phạm một số tội danh thuộc nhóm tội chức vụ, cũng như trong việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đây là hướng cần nghiên cứu, mở rộng đối với các quy định liên quan đến thực hiện đối với cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, tùy vào tính chất hành vi mà bổ sung vào nhóm tội chức vụ tại Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời xem xét, bổ sung đánh giá thực hiện nhiệm vụ theo hướng không hành động cho thống nhất với quy định “không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” (điểm l khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
(iii) Phổ biến, giáo dục pháp luật, đề cao đạo đức công vụ, các giá trị văn hóa trong đời sống. Nội dung này cần tiến hành thường xuyên, thực tiễn cho thấy để làm được điều này thì mỗi người cần tự nhận thức một phần, nhưng cần gắn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong gia đình, cộng đồng cũng như cơ quan công tác. Đối với mỗi cơ quan cần xây dựng được hình ảnh lãnh đạo tạo hiệu ứng trong công tác đấu tranh phòng, phòng chống tham nhũng. Trong chính sách phổ biến giáo dục pháp luật thì cần có sự kết hợp với văn hóa truyền thống trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.
(iv) Tránh hiện tượng cục bộ trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm. Công tác tổ chức bộ máy nhà nước phải nói là gần như hoàn thiện về pháp luật, quy trình và chỉ đạo thực hiện, nhưng thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm gần đây cho thấy công tác cán bộ địa phương cần xem xét, nhất là trong khâu thực hiện ở địa phương, tránh hiện tượng “đưa bài” cho trung ương chọn trong các con bài địa phương, khi phát hiện vấn đề thì giải quyết theo hướng “sự đã rồi”.
(v) Minh bạch thu nhập. Vấn đề này được soi chiếu nhiều góc độ, như lương cho đội ngũ công chức nhà nước, thưởng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Ví dụ: Chuyển lương cho đội ngũ công chức địa phương có cần áp dụng kế toán của từng cơ quan, hay áp dụng chế độ hành chính quản trị chung cho địa phương… cũng là một vấn đề cần xem xét thực hiện trong minh bạch thu nhập.
Đề cao các giá trị lao động hợp pháp; hoàn thiện quy trình ban hành chính sách, trong đó chú trọng khâu đánh giá chính sách (phản biện trước ban hành và đánh giá, điều chỉnh kịp thời khi áp dụng).
Đấu tranh phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ phức tạp xét ở nhiều góc độ. Trong đó, đấu tranh phòng, chống tham nhũng yêu cầu ở mức độ cao hơn rất nhiều, xuất phát từ lợi ích, chủ thể phạm tội, trình độ, sự cấu kết, vị trí... Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng để đạt kết quả cao hơn, cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện pháp luật; áp dụng giải pháp đúng thời điểm; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật… để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
ThS. Trần Đức Thú
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai
[i] Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[ii] Công ước Liên Hợp quốc phòng chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption; viết tắt: UNCAC) đã được thông qua tại quốc ngày 31/10/2003 (Nghị quyết 58/4). Công ước có hiệu lực kể từ ngày 14/12/2005. Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 03/7/2009.
[iii] Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 426 điều: Trong đó 108 điều quy định chung và hiệu lực; 318 điều quy định tội danh (sửa đổi, bổ sung năm 2017: Bổ sung điều 217a, bãi bỏ Điều 292). Ngoài hai tội danh đã trích dẫn trên, một số tội danh không hành động phạm tội, như: Điều 333 - Tội không chấp hành lệnh gội quân nhân dự bị nhập ngũ; Điều 379 - Tội không thi hành án; Điều 380 - Tội không chấp hành án; Điều 390 - Tội không tố giác tội phạm; Điều 394 - Tội chống mệnh lệnh; Điều 417 - Tội cố ý bỏ thương binh, tử sỹ hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh.
[iv] Gia Lai: 4/5 Chủ tịch và Phó Chủ tịch cho thôi chức trong năm 2022.https://vietnamnet.vn/cuu-chu-tich-ubnd-tinh-gia-lai-vo-ngoc-thanh-nghi-huu-truoc-tuoi-2075767.html; https://vietnamnet.vn/cho-thoi-chuc-3-pho-chu-tich-tinh-gia-lai-2092417.html.
[v] Nguyên tắc 31, 48 Nguyên tắc chủ chốt của quyền lực, Nxb. Trẻ.
[vi] Quốc triều Hình luật, Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Pháp lý năm 1991 (quy định trong các chương: Danh lệ, cấm vệ, quân chính, nhưng thể hiện nhiều trong chương Vi chế).