Đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình đầu tư quốc tế mà chủ đầu tư bỏ vốn để xây dựng hoặc sở hữu phần lớn hay toàn bộ cơ sở kinh doanh ở nước ngoài bằng cách mua lại để trực tiếp quản lý, điều hành hay tham gia quản lý điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình. Thực tiễn 25 năm thu hút trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn phát triển năng động, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Kể từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế (năm 1986) đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thu hút FDI. Tuy nhiên, cùng với xu thế luồng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, thì lượng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng tăng mạnh.
Trong bài viết “Đầu tư ra nước ngoài – Khó khăn của doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện” đăng trên Số định kỳ (64 trang) tháng 3/2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tác giả Trần Thanh Hải đã nêu ra những khó khăn thường gặp khi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (như hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp; nhận thức về đầu tư ra nước ngoài chưa thật sự thống nhất; doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài còn thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước...), từ đó rút ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bùi Huyền