Để triển khai thực hiện tốt Quy chế số 02, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có văn bản hướng dẫn các Sở Tư pháp trên toàn quốc thực hiện một số nội dung liên quan. Cụ thể: Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Sở Tư pháp phải thực hiện việc xác minh hành vi phạm tội mới để xem xét điều kiện đương nhiên được xóa án tích và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người bị kết án khi có yêu cầu. Để xác định một người có hành vi phạm tội mới, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Sở Tư pháp căn cứ vào quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát theo quy định. Ngoài ra, để xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội mới hay không còn phải căn cứ vào một số quyết định khác của cơ quan tiến hành tố tụng, như: Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can; quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; quyết định phục hồi điều tra, phục hồi vụ án... Như vậy, trường hợp người từng bị kết án có hành vi phạm tội mới thì Sở Tư pháp cũng phải xem xét về tiến trình tố tụng của người đó để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp được chính xác, đầy đủ.
Trong khi đó, theo Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, có 03 hệ thống cơ quan điều tra, bao gồm: (i) Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; (ii) Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân; (iii) Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, tại Điều 9 Luật này còn có 07 nhóm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, như: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Hải quan; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Cảnh sát biển; một số cơ quan của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.
Do đó, nếu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/01/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Điều 25 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh thông tin đương sự có bị khởi tố hay không tại tại Ủy ban nhân dân cấp xã/Công an cấp xã hoặc chỉ tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh là chưa đủ thông tin vì hầu như cơ quan điều tra không gửi quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn về nơi cư trú của bị can hoặc đương sự có hành vi phạm tội ở ngoài tỉnh nhưng khi làm tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ khai cư trú duy nhất trong tỉnh (Nghị định số 111/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ban hành trước khi có Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nên nhiều nội dung, trong đó có nội dung này còn bất cập). Vì những lý do nêu trên, để đảm bảo thông tin lý lịch tư pháp được chính xác, khách quan, toàn diện và cập nhật được thông tin về hành vi phạm tội mới của người yêu cầu cấp phiếu thì phải tra cứu trên phần mềm mới tích hợp đầy đủ được thông tin.
Về nội dung này, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã hướng dẫn tại Công văn số 558/TTLLTPQG-HCTH ngày 26/12/2018 về việc hướng dẫn nghiệp vụ lý lịch tư pháp gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để kịp thời tra cứu, xác minh và trả kết quả, đề nghị Sở Tư pháp ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chuyển toàn bộ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đồng thời đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp, Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh trên đường truyền mạng, thông qua Phần mềm Hỗ trợ tra cứu, xác minh, thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được cài đặt cho Sở Tư pháp, ngoại trừ các trường hợp Sở Tư pháp tự chủ động tra cứu, xác minh tại Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp.
Như vậy, việc thực hiện đầy đủ Quy chế số 02 sẽ giúp Sở Tư pháp tiết kiệm được thời gian xác minh hành vi phạm tội mới tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời bảo đảm tính chính xác, đầy đủ đối với loại thông tin này.
Đối với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06), Bộ Công an: Để bảo đảm cho lực lượng hồ sơ nghiệp vụ trong toàn ngành Công an triển khai thực hiện Quy chế số 02 đồng bộ, hiệu quả, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế số 02. Ngày 07/3/2019, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tra cứu, xác minh thông tin và hướng dẫn cài đặt, quản trị, sử dụng phần mềm “giải pháp công nghệ thông tin” để cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tập huấn cho cán bộ thuộc Cục Hồ sơ nghiệp vụ và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện Quy chế số 02 được toàn diện, đầy đủ, bảo đảm 63/63 địa phương triển khai thực hiện, ngày 30/5/2019, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1974/BTP-TTLLTPQG về việc triển khai Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện.
Sau khi Công văn số 1974/BTP-TTLLTPQG của Bộ Tư pháp nêu trên được ban hành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, các Sở Tư pháp đã nghiêm túc thực hiện đúng theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Tư pháp; bố trí cán bộ, đầu tư trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện đầy đủ những nội dung của Quy chế số 02. Công an các tỉnh/thành cũng khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và Cục Hồ sơ nghiệp vụ.
Hiện nay, sau một thời gian ngắn thực hiện, Quy chế số 02 đã phát huy hiệu quả tích cực, chỉ trong Quý II/2019, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ và các Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh đã tra cứu xác minh và trả kết quả cho Sở Tư pháp hơn 140.000 hồ sơ để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cơ bản bảo đảm thời hạn theo đúng Quy chế và sớm hơn thời hạn Luật định. Hơn nữa, do tra cứu 03 bên (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Hồ sơ nghiệp vụ và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ) nên tính chính xác của kết quả tra cứu, xác minh được bảo đảm, toàn diện và đầy đủ. Việc triển khai Quy chế số 02 đã được các Sở Tư pháp đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là mang lại lợi ích thiết thực trực tiếp cho công dân Việt Nam và người nước ngoài có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.