Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tại phiên họp thẩm định, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền và việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với yêu cầu về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình bày báo cáo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 02 điều tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản như: bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; bổ sung quy định để phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Để bảo đảm thống nhất với quy định của một số luật, dự thảo sửa kỹ thuật 07 điều gồm: bãi bỏ cụm từ “và các tổ chức chính trị - xã hội” tại khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 30; cụm từ “các tổ chức thành viên Mặt trận” tại khoản 3 Điều 6; cụm từ “và các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên Mặt trận” tại khoản 1 Điều 23 và khoản 1 Điều 24; cụm từ “cơ quan trung ương của tổ chức thành viên Mặt trận và” tại Điều 60.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới. Dự thảo Luật quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp khác có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; chủ trương, biện pháp phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã. Dự thảo Luật cũng quy định về xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
Các đại biểu trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp thẩm định, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra một số góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính phù hợp, khả thi hơn như: (i) đề nghị bổ sung nội dung về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào nguyên tắc của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (ii) bổ sung việc sửa đổi khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền vì trong một số trường hợp cần thiết thì việc rà soát, đánh giá hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đã rõ ràng và có thể bãi bỏ ngay lập tức, đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn bộ máy hiện nay; (iii) bổ sung điều khoản quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này; (iv) bổ sung nội dung quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có chứa vi phạm hình sự; (v) trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổng hợp, rà soát ban đầu về sự tương thích của dự thảo do cơ quan mình chủ trì soạn thảo đối với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp thẩm định, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung tại khoản 3 Điều 6, cần giữ lại quyền tham gia góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 21 để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp xã; cân nhắc quy định tại Điều 22 về việc Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục lắng nghe các ý kiến thực tiễn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Song An