Để người học được liên tục và hiệu quả, Điều 5 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục yêu cầu: Đối với giáo dục phổ thông, tổ chức dạy và học ít nhất một ngoại ngữ phổ biến trong giao dịch quốc tế, học sinh được học liên tục từ lớp 3 đến lớp 12; khuyến khích học sinh học thêm các ngoại ngữ khác. Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, tổ chức học ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu chuyên môn cho học viên, học sinh, sinh viên. Như vậy, theo quy định tại Luật Giáo dục và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP, thì Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục. Nhà trường và các cơ sở giáo dục không thể tùy tiện dạy tiếng nước ngoài mà phải trên cơ sở quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm thực hiện thẩm quyền được giao, ngày 17/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2014/QĐ-Tg quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác theo nguyên tắc: Việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài xuất phát từ nhu cầu của xã hội và sự tự nguyện của người học. Các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải bảo đảm mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo của từng cấp học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu các quy định pháp luật liên quan đến giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Các chương trình giáo dục thường xuyên được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải tuân theo các quy định như đối với các chương trình tương ứng của giáo dục chính quy. Các chương trình đào tạo hoặc môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài nào thì việc kiểm tra, thi, đánh giá phải được thực hiện bằng tiếng nước ngoài đó tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học. Sách giáo khoa, tài liệu sử dụng dạy và học bằng tiếng nước ngoài (bằng tiếng nước ngoài, tiếng Việt hoặc song ngữ) phải được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng. Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì chương trình và tài liệu là những chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên giảng dạy bằng tiếng nước ngoài đối với các chương trình, môn học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản hoặc một số ngành, nghề và lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu, phục vụ hội nhập quốc tế; giáo trình, tài liệu giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để dạy và học bằng tiếng nước ngoài do hiệu trưởng (thủ trưởng) cơ sở giáo dục phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định do hiệu trưởng (thủ trưởng) thành lập, bảo đảm thực hiện theo đúng quy trình thẩm định giáo trình, tài liệu.
Về trách nhiệm của người dạy: Giáo viên phổ thông phải có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu cao hơn 02 bậc so với yêu cầu năng lực ngoại ngữ đối với học sinh đạt được sau khi học xong cấp học, tính theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Người dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 05 theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Những người được đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ toàn thời gian ở nước ngoài thì được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ quy định như trên. Đối với người học phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của chương trình, môn học được dạy bằng tiếng nước ngoài và theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Để triển khai quy định về dạy và học bằng tiến nước ngoài được chất lượng, hiệu quả, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, với mục tiêu chung: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đề án cũng đã xác định 07 nhiệm vụ và 06 nhóm giải pháp quan trọng liên quan đến môn học, chương trình đào tạo, giáo viên, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo… Về tổ chức thực hiện, giai đoạn từ 2016 - 2020, Đề án yêu cầu: Trọng tâm của giai đoạn này là triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô cả nước và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; tiếp tục tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực ngoại ngữ của giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo; tiếp tục xây dựng các phòng dạy và học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các trường học các cấp; triển khai chương trình 10 năm đối với 100% học sinh lớp 3 trong cả nước; triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trong cả nước.
Như vậy, có thể nói chúng ta đã có hệ thống quy định của pháp luật về dạy và học bằng tiếng nước ngoài là tương đối đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ như Luật Giáo dục, Nghị định số 75/2006/NĐ-CP, Quyết định số 74/2014/QĐ-TTg, Quyết định số 1400/QĐ-TTg và một số văn bản của bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, nhìn lại hơn 08 năm triển khai Đề án, chúng ta thấy, gần như mục tiêu chung chưa đạt được, nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai còn chậm, thậm chí còn lúng túng, phần tổ chức thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 chưa sát với thực tiễn hiện nay. Để thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến dạy và học tiếng nước ngoài được hiệu quả, chúng tôi cho rằng, việc cần làm ngay là rà soát, đánh giá, tổng kết khách quan, khoa học việc thực hiện Đề án, từ đó có thể điều chỉnh một nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn hiện này và đặc biệt là chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao để “biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Học viện Hành chính Quốc gia