Luật Công chứng năm 2014 quy định văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Đây là loại hình doanh nghiệp đặc thù bởi vừa được sự điều chỉnh chuyên ngành của Luật Công chứng năm 2014, lại đồng thời được sự điều chỉnh về loại hình hoạt động của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Văn phòng công chứng hoạt động theo sự ủy quyền của Nhà nước để cung cấp các dịch vụ công cho xã hội thông qua việc thực hiện chức năng công chứng, chứng thực. Đồng hành với chủ trương xã hội hóa nghề công chứng, bên cạnh các phòng công chứng là đơn vị hành chính sự nghiệp, pháp luật đã thừa nhận loại hình công chứng tư nhân là các văn phòng công chứng.
Cũng giống như các tổ chức kinh tế khác, văn phòng công chứng được các công chứng viên thành lập là nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động công chứng của mình. Tuy thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công theo sự ủy quyền của Nhà nước nhưng các văn phòng công chứng mang bản chất và đặc thù của một doanh nghiệp nên mục đích lợi nhuận là điều kiện tiên quyết. Bởi lẽ, để thành lập một văn phòng công chứng phải đáp ứng rất nhiều quy định vừa cả về chủ thể thành lập, giới hạn quy hoạch thành lập và cơ sở vật chất. Trong quá trình hoạt động, các văn phòng công chứng phải cạnh tranh lẫn nhau nhằm thu hút khách hàng trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Việc chuyển nhượng văn phòng công chứng cũng là quy định tiến bộ nhằm tạo điều kiện cho các công chứng viên thu hồi lại vốn đầu tư và thu thêm những giá trị thặng dư vô hình khác khi không còn nhu cầu tiếp tục hoạt động văn phòng công chứng.
Từ những cơ sở phân tích nêu trên đã cho thấy hoạt động của văn phòng công chứng là một loại hình kinh doanh, hoạt động đặc thù và nhằm mục đích lợi nhuận. Yếu tố lợi nhuận trong hoạt động văn phòng công chứng không được quy định, thể hiện trực tiếp trong Luật Công chứng năm 2014, mà để tìm hiểu nó cần khai thác, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, đây là vấn đề cấp bách và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Thứ nhất, hoạt động của văn phòng công chứng là một hình thức đầu tư, kinh doanh có điều kiện
Công dân được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để kinh doanh những ngành nghề nhất định thì người kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc mà pháp luật quy định phải có. Đối với hoạt động công chứng, đây là một trong các hình thức hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Điều này được quy định cụ thể tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2016. Để hoạt động của văn phòng công chứng phải đáp ứng các quy định cụ thể tại Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Theo Luật Công chứng năm 2014, chủ thể đầu tư thành lập văn phòng công chứng phải là công chứng viên. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và trưởng văn phòng công chứng phải có kinh nghiệm hành nghề công chứng từ hai năm trở lên[1]. Đồng thời, việc thành lập văn phòng công chứng còn phải đáp ứng những tiêu chí xét chọn về trụ sở, trang thiết bị, nhân sự… của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự định đặt trụ sở. Theo đó, đối với các đề án thành lập mới văn phòng công chứng sẽ được Sở Tư pháp thẩm định các tiêu chí xét chọn, nếu đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ được cấp phép cho thành lập.
Hiện nay, văn phòng công chứng được thành lập bị giới hạn về số lượng theo địa giới hành chính tại nơi đặt trụ sở theo quy hoạch tổng thể về phát triển tổ chức hành nghề công chứng[2]. Theo đó, những địa bàn nào đã có đủ số lượng tổ chức hành nghề công chứng thì không được thành lập mới các tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn đó. Trong quá trình hoạt động, văn phòng công chứng chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vi quy định của Luật Công chứng năm 2014 và chỉ được thu phí theo khung của Bộ Tài chính, thù lao công chứng và các chi phí khác theo mức trần quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở. Các chế độ về báo cáo, thống kê[3], bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên[4] phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị chế tài xử lý[5].
Như vậy, pháp luật đã có những quy định riêng biệt áp dụng cho văn phòng công chứng từ điều kiện thành lập, nội dung hoạt động và khung thu phí, mức trần thù lao công chứng. Đây là cơ sở minh chứng hoạt động của văn phòng công chứng là hình thức đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Thứ hai, văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh
Tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật về công chứng hiện hành gồm có các phòng công chứng và văn phòng công chứng. Theo đó, phòng công chứng là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập[6]. Còn văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng không có thành viên góp vốn[7]. Như vậy, có thể nhận thấy, Luật Công chứng năm 2014 đã thừa nhận các văn phòng công chứng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, vừa được sự điều chỉnh chuyên ngành của Luật Công chứng năm 2014, vừa theo các quy định liên quan như đối với một doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty[8]. Bên cạnh đó, thành viên hợp danh có quyền nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; có quyền sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty; khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác[9].
Tương ứng các quy định trên của Luật Doanh nghiệp năm 2014, các văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên[10]; người đại diện theo pháp luật của văn phòng công chứng là trưởng văn phòng và phải là công chứng viên hợp danh; các công chứng viên hợp danh hoặc công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch nhân danh tổ chức hành nghề công chứng mà mình đang hành nghề[11]; được thu phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác làm nguồn thu nhập tính thuế[12]. Đồng thời, các công chứng viên hợp danh cũng phải cùng nhau góp vốn để hình thành tài sản chung của văn phòng công chứng và được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã đóng góp hoặc thỏa thuận giữa các bên như đối với thành viên công ty hợp danh.
Một vấn đề rất quan trọng chưa được chính thức quy định trong Luật Công chứng năm 2014 đó là vấn đề về giới hạn trách nhiệm về tài sản của các công chứng viên hợp danh. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì các thành viên hợp danh phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty[13]. Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng viên hợp danh nhưng không thể hiện bất kỳ nội dung nào về vấn đề tài sản góp vốn vào văn phòng công chứng, cũng như nghĩa vụ về tài sản đối với văn phòng công chứng của các công chứng viên hợp danh. Luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Như vậy, Luật Công chứng năm 2014 đã dẫn chiếu đến quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và thông qua đó gián tiếp quy định trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của văn phòng công chứng của các công chứng viên hợp danh.
Pháp luật công chứng không quy định về việc điều hành hoạt động của văn phòng công chứng mà chỉ ghi nhận văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Như vậy, vấn đề nội bộ về điều hành, hoạt động của văn phòng công chứng sẽ phải tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, các thành viên hợp danh sẽ đồng thời là thành viên của hội đồng thành viên, cùng nhau quyết định những nội dung quan trọng của văn phòng công chứng. Các công chứng viên hợp danh đều có quyền nhân danh văn phòng công chứng thực hiện chức năng hoạt động của văn phòng công chứng. Bên cạnh đó, các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của các công chứng viên hợp danh cũng tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thứ ba, văn phòng công chứng hoạt động vì mục đích lợi nhuận
Yếu tố lợi nhuận là điều kiện tiên quyết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong hoạt động vủa văn phòng công chứng cũng không ngoại lệ, các công chứng viên khi thành lập văn phòng công chứng đều hướng đến lợi nhuận. Bởi để thành lập và đưa văn phòng công chứng vào hoạt động phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe của pháp luật. Tuy hoạt động của văn phòng công chứng là cung cấp các dịch vụ công theo sự ủy nhiệm của Nhà nước nhưng mục đích chính vẫn là tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Yếu tố lợi nhuận trong hoạt động của văn phòng công chứng thể hiện qua các hình thức sau:
- Các công chứng viên phải đầu tư tài chính rất lớn để thành lập văn phòng công chứng
Bên cạnh việc đáp ứng các quy định pháp luật về chủ thể thành lập văn phòng công chứng là các công chứng viên hợp danh, văn phòng công chứng mới muốn thành lập còn phải đáp ứng các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ trong suốt quá hoạt động như: Trụ sở văn phòng phải thuộc quyền sở hữu của một trong các công chứng viên hợp danh hoặc được thuê với thời hạn trên 05 năm[14]; diện tích phục vụ cho hoạt động phải đảm bảo tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở; phải trang bị các máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động… Do đó, số tiền chủ đầu tư đã đầu tư trụ sở, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị là rất lớn. Với số tiền lớn đã đầu tư, nhà đầu tư nhằm đến mục đích là tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động công chứng của mình.
- Các văn phòng công chứng phải cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại
Yếu tố cạnh tranh là đương nhiên, tất yếu trong mọi hoạt động khi có nhiều đơn vị cung cấp. Tuy Luật Công chứng năm 2014 chưa chính thức quy định vấn đề cạnh tranh trong hoạt động công chứng nhưng cũng đã có những quy định về đạo đức hành nghề công chứng viên[15], trong đó, có điều chỉnh hành vi cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị ngăn cấm, các văn phòng công chứng phải thực hiện các giải pháp tiến bộ để cạnh tranh với nhau trong khuôn khổ cho phép như: Chất lượng cung cấp dịch vụ, hình ảnh, thương hiệu, thái độ ứng xử… Trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển, các văn phòng công chứng phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để có thể tồn tại và để tồn tại thì phải cạnh tranh trong hoạt động lẫn nhau và trong giới hạn cho phép của pháp luật.
- Việc chuyển nhượng văn phòng công chứng nhằm thu hồi vốn và tìm lợi nhuận
Văn phòng công chứng được thành lập và đi vào hoạt động là kết quả của rất nhiều công sức, tiền của đã đầu tư của các công chứng viên hợp danh. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà văn phòng công chứng không thể tiếp tục duy trì, hoạt động nên chỉ có hai giải pháp đưa ra: (i) Chấm dứt hoạt động theo quy định pháp luật; (ii) Chuyển nhượng văn phòng công chứng cho các công chứng viên khác để họ tiếp nhận và tiếp tục duy trì hoạt động của văn phòng công chứng.
Văn phòng công chứng có thể được xem như khối tài sản vừa hữu hình vừa có giá trị vô hình của các công chứng viên hợp danh. Do đó, khi chuyển nhượng lại cho người khác thì giá chuyển nhượng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận của các bên và giá trị chuyển nhượng sẽ cao hơn giá trị hữu hình của tổng tài sản văn phòng công chứng bởi những yếu tố vô hình khác như: Giấy phép hoạt động đã có sẵn, thâm niên hoạt động, vị trí trụ sở, lượng hồ sơ, khách hàng… Tất cả những yếu tố này tạo nên lợi nhuận cho các công chứng viên khi chuyển nhượng lại văn phòng công chứng.
- Nguồn thu của các văn phòng công chứng là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác. Đối với việc thu phí công chứng, mức thu phí của các văn phòng công chứng là mức thu đã bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành[16]. Các khoản thu này được xác định là doanh thu của văn phòng công chứng để làm căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý thì khoản thu nhập còn lại của văn phòng công chứng sẽ được xác định là thu nhập chịu thuế để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các văn phòng công chứng được thành lập mới tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp[17]. Theo quy định hiện hành về thuế thu nhập doanh nghiệp thì văn phòng công chứng thành lập tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trong thời gian mười năm, tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chịu mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 15 năm. Bên cạnh đó, văn phòng công chứng thành lập tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo, thành lập tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn được miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo[18].
Từ những phân tích nêu trên có thể minh chứng rằng, hoạt động của văn phòng công chứng là nhằm mục đích lợi nhuận. Bởi suy cho cùng, văn phòng công chứng cũng là một loại hình doanh nghiệp, là một loại hình tổ chức kinh tế đặc thù, hoạt động theo sự ủy quyền của Nhà nước nhằm cung cấp dịch vụ công cho xã hội trong lĩnh vực công chứng, chứng thực. Chính những chủ trương xã hội hóa nghề công chứng và quy định về hoạt động công chứng tư theo loại hình doanh nghiệp của Luật Công chứng năm 2014 đã thể hiện yếu tố thương mại trong hoạt động của các văn phòng công chứng.
Văn phòng Công chứng Công Lý, tỉnh Trà Vinh