Trong bài báo của mình, nhà báo Bùi Hoàng Tám bình luận ý “tăng thuế để hạn chế dân di cư vào Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh” của Giáo sư Đặng Hùng Võ trên báo Thanh niên ngày 22/11/2019[2] sau Hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Trước hết, giống như tác giả bài báo, tôi cũng là dân “ngoại đạo”, không phải là chuyên gia quy hoạch hoặc chuyên gia kinh tế nên những nội dung trong bài viết này nằm trong giới hạn hiểu biết và nghiên cứu của cá nhân tôi.
Theo tôi, để hạn chế cư dân trong một vùng lãnh thổ, biểu hiện bằng mật độ dân cư, là một điều cần thiết khách quan, tôi tạm quy các lý do khách quan vào 04 yếu tố sau:
Một là, yếu tố sinh học: Chẳng hạn, con người cần một lượng không khí sạch, một không gian tối thiểu, cần được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt… tối thiểu để sống. Các khả năng đó tỷ lệ nghịch với mật độ dân cư. Mặt khác, với mức độ ô nhiễm thấp, thiên nhiên có khả năng tự thanh lọc, nhưng đến một ngưỡng nào đó thì khả năng đó bị triệt tiêu. Lứa tuổi của tôi may mắn được chứng kiến hai thời kỳ: Thời kỳ ao hồ, mương lạch vẫn tồn tại ở thành phố, ở nông thôn trong xanh, mát mẻ, bởi khi ấy lượng chất thải xả vào nước ít đủ để thanh lọc tự nhiên. Còn ngày nay, cả thành thị và nông thôn đã có nhiều thay đổi.
Hai là, yếu tố quản lý: Bộ máy nhà nước sẽ phát huy hiệu quả cao nhất với một mật độ dân số thích hợp. Trong thời đại ngày nay, có sự hỗ trợ của công nghệ tin học, trí tuệ nhân tạo… với ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước có được nâng lên nhưng không thể là vô hạn và càng không thể loại bỏ được các yếu tố sinh học, xã hội cũng như các yếu tố khác.
Ba là, yếu tố kinh tế: Ở đô thị người dân dễ kiếm sống hơn ở nông thôn “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Mật độ càng đông thì người ta càng dễ sống dựa vào nhau. Nhưng ngược lại, mật độ dân số càng cao thì tỷ lệ giữa số người trực tiếp làm ra của cải vật chất và số người làm dịch vụ càng thấp, điều đó có nghĩa là tiềm lực kinh tế của Nhà nước càng yếu đi. Điều đó sẽ ảnh hưởng trở lại, ảnh hưởng gián tiếp tới người dân.
Bốn là, yếu tố văn hóa, tinh thần: Sống trên sa mạc thì cô đơn, nhưng đông người quá, ra đụng nhau, vào đụng nhau, nhích từng bước trên đoạn đường ùn, tắc… thì khó đem lại tâm trạng thoải mái, thanh thản được. Hay một công trình văn hóa, kiến trúc dù đẹp đến mấy mà “nhét” vào một không gian chật trội thì cũng phát huy được vẻ đẹp...
Nhưng cũng phải nói rằng, mật độ dân số cao cũng có những “mặt lợi”, chẳng hạn, đứng về phía Nhà nước: Tiết kiệm diện tích đất phi nông nghiệp (tất nhiên điều này cũng có mặt hại của nó), tiết kiệm chi phí cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước..) chi phí giao thông công cộng… Đứng về phía người dân: Kiếm sống dễ hơn, tiếp cận với văn hóa, khoa học... thuận tiện hơn,... Nhưng tổng hợp lại, tôi cho rằng vẫn cần xem mật độ dân cư (bao nhiêu là do các nhà khoa học tính toán, cân nhắc) là căn cứ khoa học chủ yếu để định hướng, hoạch định chính sách, quy hoạch phân bố dân cư, phân vùng kinh tế, xã hội. Bởi vì:
Về phía Nhà nước: Phân bố dân cư đồng đều, hợp lý tạo tiền đề để khai thác hết thế mạnh của các vùng miền, xóa khoảng cách giữa các vùng miền, góp phần phát triển kinh tế của đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Về phía người dân: Phân bố dân cư đồng đều, phát triển thế mạnh, vẻ đẹp riêng, nét độc đáo, kỳ thú riêng của mỗi vùng, người vùng này tham quan, du lịch vùng khác sẽ hơn là cả đời chỉ ngắm Hồ Gươm, Hồ Tây… Nếu nhìn xa hơn ta sẽ thấy, “bám” được vào thiên nhiên, có môi trường trong lành, đó là cái gốc để xây dựng những thành phố, những đô thị đáng sống.
Chúng ta cần hiểu đúng đắn về đô thị hóa. Đô thị hóa là biện pháp để nâng đời sống nông thôn văn minh hơn. Nhưng đô thị hóa không có nghĩa là thu hút dân vào các đô thị hiện có mà là tổ chức đời sống đô thị ở ngoài đô thị hiện tại, là xây dựng, phát triển đời sống đô thị theo kiểu “da báo” trên khắp cả nước.
Vậy phải giải thích thế nào về ba điểm nhà báo đã nêu ra: Quả thật đây là vấn đề phức tạp vì nó liên quan đến chính trị, quan điểm, cách tiếp cận vấn đề, nhận thức...
Chẳng hạn, trong bài viết đăng tải trên Báo điện tử Dân trí, tác giả cho rằng “việc dân cư dồn vào các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… là một xu hướng tất yếu và tốt. “Đất lành, chim đậu”, “Nước dồn chỗ trũng”, nó thể hiện sức hấp dẫn về môi trường và điều kiện sống của các đô thị này”. Tôi lại có suy nghĩ khác, đất nước ta, mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng, thế mạnh riêng: Hà Nội có Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm thì Lào Cai có Sa Pa, Hà Giang có Mã Pì Lèng... hay có thể nói vui với nhau là “không có phụ nữ xấu mà chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”.
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tập trung phân nửa số dân vào thủ đô, toàn bộ dân vào một thành phố. Làm thế, chưa hẳn họ đã dựa trên cơ sở khoa học mà có thể vì phải ngả theo yêu cầu chính trị, đáp ứng đòi hỏi trước mắt của nhân dân nước họ. Với chúng ta, Nhà nước chủ trương phải khống chế mật độ dân số đô thị, quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050: 04 quận lõi trung tâm thành phố là 33.300 người/km2, các đô thị khác 10.000 người/km2. Sở dĩ như vậy vì về tầm nhìn, có một quy luật có thể tạm gọi là “quy luật tầm nhìn”: Nhìn vật ở gần thì to, ở xa thì nhỏ. Nếu không tỉnh táo, người ta sẽ chỉ thấy vật ở gần. Minh chứng cho điều này có vô vàn, chẳng hạn việc sử dụng đồ nhựa, túi ni lông. Ai cũng biết hậu quả của đồ nhựa, túi ni lông là rất khủng khiếp, nhưng rất khó tẩy chay nó vì nó vô cùng tiện ích mà lợi nhuận nó mang lại rất cao hoặc thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng nước nào cũng cho sản xuất…
Vấn đề thứ ba mà bài báo nêu lên là quyền tự do cư trú được quy định trong Hiến pháp. Đây là những chế định mang tính chất chính trị, cương lĩnh. Hiển nhiên công dân có quyền cân nhắc, tự lựa chọn ở thành phố hoặc bất kỳ ở đâu nhưng chính cuộc sống chứ không phải Hiến pháp sẽ hướng dẫn sự lựa chọn của họ. Chẳng hạn ở Úc, xu hướng rời bỏ thành phố lớn để sống ở các vùng ngoại ô ngày càng tăng[3]. Ở Trung Quốc, có người chán thành phố ngột ngạt, có người về quê sống trong ngôi nhà tuyệt đẹp giữa rừng cây[4]. Ở Việt Nam cũng vậy, có người bỏ thành phố lên núi, dựng nhà[5].
Vậy để giảm mật độ dân số cho Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta phải làm thế nào?
Để quản lý xã hội, Nhà nước có nhiều biện pháp: Giáo dục, thuyết phục, hành chính, tổ chức, kinh tế. Rõ ràng, trường hợp này phải loại bỏ phương pháp hành chính, còn:
- Phương pháp giáo dục, thuyết phục là để công dân giác ngộ, tự nguyện theo hướng dẫn của Nhà nước. Có nhiều hình thức giáo dục, thuyết phục: Dùng truyền thông, báo chí tuyên truyền, phân tích, lấy dẫn chứng khoa học, thực tiễn để người dân thấy rằng tăng mật độ dân số sẽ biến “đất lành” thành “đất dữ”, để người dân tìm được nơi ở tốt nhất cho mình. Tình trạng hạ tầng kém đi (do mật độ dân cư tăng, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông…) rõ ràng đã tác động đến lựa chọn của người dân như dẫn chứng trên đây.
- Phương pháp kinh tế: Cũng có nhiều hình thức. Dùng hàng rào kỹ thuật (như tăng thuế) cũng là một hình thức. Xây dựng các khu định cư hấp dẫn, thậm chí trợ cấp cho dân để khuyến khích họ di chuyển chỗ ở, đào tạo nghề, tạo việc làm cho di dân…
- Phương pháp tổ chức: Những phương pháp trên nói riêng và những chủ trương của Nhà nước nói chung phải được Nhà nước tổ chức thực hiện trên cơ sở khoa học, nghệ thuật tổ chức.
Chủ trương xây dựng 05 đô thị vệ tinh của Hà Nội là một chủ trương rất khoa học, rất đúng đắn nhằm giảm mật độ dân cư ở trung tâm Hà Nội.
Tuy vậy, việc giải tỏa mật độ dân số nói chung và triển khai Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội nói riêng, vẫn còn ách tắc. Nguyên nhân có thể là chúng ta chưa kết hợp nhuần nhuyễn ba phương pháp quản lý trên đây và chưa gỡ được nút thắt chính là căn bệnh “tầm nhìn gần”: Nhà đầu tư không thỏa mãn về lợi nhuận khi đầu tư vào những dự án này, đầu tư vào đây lợi nhuận thấp hơn nhiều so với đầu tư vào những mảnh đất vàng ở trung tâm Hà Nội. Cho nên, Nhà nước và cả xã hội (với những người quan tâm) vẫn cần nỗ lực hơn nữa để khống chế mật độ dân cư đô thị hợp lý nhất./.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.