1. Cơ sở đề xuất bỏ dịch vụ logistics ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo nghiên cứu của tác giả, về bản chất, dịch vụ logistics không phải là ngành nghề độc lập.
Hội đồng quản lý logistics Hoa Kỳ (Council of Logistics Management Professionals) đã định nghĩa: “Logistics là quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát quá trình lưu chuyển, dự trữ hàng hóa, dịch vụ và những thông tin liên quan từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng sao cho hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của khách hàng”[1].
Nhóm tác giả John Mangan, Chandra Lalwani, Tim Butcher and Rouya Javadpour trong công trình nghiên cứu của mình đã sử dụng định nghĩa này và thêm các từ gạch chân góp phần làm cho nó cụ thể và chặt chẽ hơn: “Logistics là quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát việc vận chuyển và lưu trữ hàng hóa bao gồm các dịch vụ và những thông tin liên quan từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng sao cho hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của khách hàng”[2].
Theo tác giả Đặng Đình Đào thì “Logistics là quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa được tổ chức và quản lý khoa học việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát quá trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ… từ điểm khởi nguồn sản xuất đến tay người tiêu dùng cuối cùng với chi phí thấp nhất nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất xã hội được tiến hành nhịp nhàng, liên tục và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng”[3].
Ở Singapore, Luật Thương mại và Luật Vận tải không định nghĩa khái niệm và phân loại dịch vụ logistics. Chính phủ Singapore tôn trọng ý kiến của Hiệp hội Logistics Singapore. Trong chương trình đào tạo của mình, Hiệp hội trích dẫn khái niệm “dịch vụ giao nhận và logistics” (freight forwarding and logistics services) theo định nghĩa chính thức của FIATA tại Thông tư CL 04-06 ngày 29/10/2004 thì dịch vụ giao nhận vận tải và logistics là bất kỳ loại dịch vụ nào liên quan đến việc vận chuyển (được thực hiện bởi một hay nhiều phương thức vận tải), gom hàng, lưu trữ, xếp dỡ, xử lý, đóng gói hàng hóa cũng như các dịch vụ tư vấn, cố vấn, bao gồm nhưng không giới hạn về hải quan và các vấn đề tài chính, kê khai hàng hóa theo quy định, mua bảo hiểm, thu hoặc chi các khoản thanh toán hoặc các chứng từ liên quan đến hàng hóa. Dịch vụ giao nhận (hiện đại) cũng bao gồm các dịch vụ logistics với công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại tích hợp với việc vận chuyển, xử lý hoặc dự trữ hàng hóa và trên thực tế là quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Những dịch vụ này có thể được thiết kế riêng biệt để đảm bảo các dịch vụ được cung cấp một cách linh hoạt”[4].
Pháp luật Nhật Bản không có định nghĩa rõ ràng về dịch vụ logistics, thay vào đó, Nhật Bản chia nhỏ các phân ngành của logistics để quy định theo từng lĩnh vực riêng. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản có định nghĩa về giao nhận hàng hóa (Freight Forwarding) là dịch vụ nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa, thông qua người vận tải thực tế đường bộ, đường biển, đường hàng không và đường sắt. Từ “logistics” theo tài liệu huấn luyện của Quỹ Hợp tác Nhật - ASEAN (JAIF) và Hiệp hội Giao nhận Nhật gọi là “hỗ trợ từ phía sau” hay “hậu cần”.
Tại Mỹ có một số khác biệt với châu Âu và các nước khác trong việc định nghĩa và phân loại logistics. Theo Ủy ban Hàng hải Liên bang Hoa Kỳ thì “Logistics là bất kỳ loại dịch vụ gì liên quan đến việc vận tải, gom hàng, lưu trữ, làm hàng, đóng gói hay phân phối hàng hóa cũng như các dịch vụ phụ trợ và tư vấn có liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc làm thủ tục hải quan, và các vấn đề tài chính, kê khai hàng hóa cho mục đích hành chính, mua bảo hiểm hàng hóa và thu thập hoặc thực hiện thanh toán hay các tài liệu liên quan đến hàng hóa”[5].
Tài liệu của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu đã định nghĩa: “Logistics là tập hợp của nhiều dịch vụ khác nhau liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động vận tải hàng hóa”[6]. Theo phân loại các ngành/phân ngành dịch vụ của EVFTA thì không có khái niệm dịch vụ logistics. Các hoạt động logistics cụ thể thực tế nằm trong các phân ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải thuộc ngành dịch vụ vận tải.
Trong bảng Phân nhóm dịch vụ của Liên Hợp Quốc (CPC) không có dịch vụ logistics nói chung mà chỉ có từng dịch vụ cụ thể trong mảng hoạt động logistics. Các cam kết mở cửa của Việt Nam trong WTO, EVFTA cũng như trong các FTA khác đều là cam kết theo từng dịch vụ cụ thể này.
Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 định nghĩa: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó, thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Như vậy, dịch vụ logistics được hiểu như một quá trình được tổ chức và quản lý khoa học, phân phối và lưu thông hàng hóa, dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng[7]. Logistics gắn liền với quá trình sản xuất từ giai đoạn nguyên liệu đầu vào cho đến khi thành phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối. Logistics là dịch vụ thương mại gồm một chuỗi dịch vụ được tổ chức và quản lý khoa học gắn liền với cả quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng hàng hóa. Logistics tạo ra giá trị gia tăng bằng cách tạo ra các tiện ích. Logistics là quá trình đảm bảo đúng sản phẩm tại đúng thời điểm vào đúng thời gian yêu cầu và đúng điều kiện và đúng giá cả. Có thể nói, “Logistics bao trùm hoạt động mua sắm, quản lý nhà cung cấp, quản lý nguyên vật liệu, quản lý sản xuất, dự trữ, lưu kho, phân phối, vận chuyển và dịch vụ khách hàng”[8].
2. Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện này được quy định tại Mục 61 Phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014[9]; Mục 60 Phụ lục 4 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics ban hành có hiệu lực từ ngày 20/02/2018 (Nghị định số 163/2017/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.Theo Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư dưới các hình thức hiện diện thương mại là: Văn phòng đại diện, hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%, 50% hoặc 51%, hoặc không hạn chế tùy theo từng loại hình dịch vụ logistics được phép cung cấp. Bằng quy định này, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng áp dụng ra các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Nghị định số 163/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics (khoản 3 Điều 4), trong đó, có nội dung nổi bật là “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp theo tỷ lệ khi kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến vận tải” (quy định hiện hành chỉ cho phép thành lập công ty liên doanh).
Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định thêm về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics là: Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật chuyên ngành, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
Thương nhân kinh doanh 16 nhóm dịch vụ cụ thể được quy định tại Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với từng dịch vụ đó. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics ngoài việc phải đáp ứng những điều kiện chung thì còn phải tuân thủ các quy định của luật chuyên ngành. Ví dụ, khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics thì phải đăng ký ngành kinh doanh dịch vụ logistics vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Sau đó, khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đó muốn tham gia trực tiếp vào vận tải hàng hóa, thì doanh nghiệp này phải đăng ký ngành nghề vận chuyển và phải đảm bảo các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, như xe ô tô, bến bãi, bộ máy điều hành vận tải, an toàn giao thông có làm dịch vụ khai thuê hải quan thì phải đăng ký đại lý hải quan thì phải có chứng chỉ đại lý khai thuê hải quan, điều kiện cấp chứng chỉ theo quy định của cơ quan hải quan có thẩm quyền. Ví dụ, thương nhân đăng ký kinh doanh vận tải cho xe ô tô thì các chủ thể sở hữu phương tiện phải tuân thủ theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Có thể thấy, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP đã có những quy định rõ ràng, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia vào đầu tư phát triển thị trường dịch vụ logistics Việt Nam. Việc ban hành Nghị định này đã bao quát các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics như đề ra trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, ban hành theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một bước tiến mới của Chính phủ trong việc cải cách thể chế liên quan đến ngành dịch vụ logistics, trong đó, có các quy định cụ thể về đầu tư phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.
3. Đề xuất bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Như trên đã phân tích, hiện nay, theo pháp luật Việt Nam, để kinh doanh dịch vụ logistics, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai điều kiện kinh doanh: Một là, điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là, điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh. Một số chuyên gia cho rằng, bản chất logistics cũng không phải là ngành kinh doanh mang tính chất đặc thù ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe đến con người hay đến an ninh quốc gia. Logistics là một ngành mang tính chất kinh tế kinh doanh thông thường với các chuỗi hoạt động có mối liên hệ với nhau mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể kinh doanh, vì vậy, nên bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics cụ thể của ngành luật riêng nào sẽ chịu quy định riêng của ngành đó. Quy định như vậy phù hợp với quan điểm của một số quốc gia có ngành logistics phát triển trên khu vực và thế giới. Ví dụ như, ở Singapore, cơ quan chức năng Singapore không quy định “điều kiện kinh doanh” mà để chính ngành logistics điều tiết hoạt động của nó. Nguyên tắc này gọi là “industry self-regulation”. Pháp luật Singapore không quy định về dịch vụ logistics mà quy định theo từng ngành như vận tải biển, vận tải hàng không... Pháp luật Nhật Bản không có định nghĩa rõ ràng về dịch vụ logistics. Thay vào đó, Nhật Bản chia nhỏ các phân ngành của logistics để quy định theo từng lĩnh vực riêng và từng lĩnh vực riêng đó sẽ chịu giấy phép hoạt động riêng. Cụ thể, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics: “Điều kiện kinh doanh các loại dịch vụ logistics được quy định theo từng bộ luật riêng cho các lĩnh vực trong ngành logistics” (Tatsuyuki Kose, 2013)[10].
Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì các tiêu chí rà soát, bãi bỏ các ngành nghề kinh doanh gồm:
“1. Ngành nghề kinh doanh không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hướng trực tiếp tới các nội dung quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp và khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư);
2. Ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn;
3. Ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn sàng lọc và quyết định;
4. Các sản phẩm, dịch vụ công ích có thể lựa chọn, kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước”[11].
Đối chiếu các tiêu chí này, dịch vụ logistics nên được bỏ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là phù hợp với tiêu chí 3. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay thì tự các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics phải cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng. Do đó, Nhà nước không cần can thiệp vào vấn đề này bằng các điều kiện kinh doanh.
Logistics không phải là một ngành nghề riêng biệt mà chỉ là một chuỗi hoạt động bao gồm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhiều ngành nghề như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… Đối với từng dịch vụ cụ thể, Nhà nước đã có những điều kiện riêng cho từng ngành nghề (như kinh doanh dịch vụ vận tải, đại lý hải quan...). Việc đưa dịch vụ logistics vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ hạn chế sự phát triển của ngành và sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh và không tạo được động lực cho các chủ thể tham gia kinh doanh dịch vụ này. Vì vậy, nên bỏ dịch vụ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện này được quy định tại Mục 61 Phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014 và Mục 60 Phụ lục 4 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương