Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) thay thế cho Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghị định số 61/2009/NĐ-CP), Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (Nghị định số 135/2013/NĐ-CP). Nghị định số 135/2013/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở tổng kết thí điểm thừa phát lại được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên cả nước và để thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại.
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định vấn đề “Thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự” tại Mục 4 Chương IV với nội dung gần như thay đổi cơ bản, cụ thể:
1. Về thẩm quyền tổ chức thi hành án của thừa phát lại (Điều 51)
Về cơ bản giữ nguyên Điều 34 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP), chỉ sửa tên điều: Thay “thẩm quyền, phạm vi” bằng “thẩm quyền tổ chức” thi hành án của thừa phát lại và sửa đổi, bổ sung một số nội dung thừa phát lại được tổ chức thi hành cho phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thi hành án dân sự như: Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở. Do thay đổi về nội dung như vậy, nên khoản 2 Điều 34 nêu trên về việc thừa phát lại có thể tổ chức thi hành ngoài địa bàn cấp huyện được loại bỏ, đồng thời bổ sung quy định: “Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự”.
2. Về nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của thừa phát lại (Điều 52)
Đây là điều mới quy định nhiệm vụ, quyền hạn thừa phát lại được làm và không được làm khi tổ chức thi hành án, cụ thể:
Một là, những việc thừa phát lại được làm như: Thực hiện kịp thời, đúng nội dung quyết định thi hành án được thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự (THADS) ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng thừa phát lại; áp dụng đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án; “mời” đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án; kiến nghị thủ trưởng cơ quan THADS xem xét, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành; xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; “đề nghị” cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án.
Hai là, những việc thừa phát lại không được làm như: Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự); xử phạt hành chính; yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự; các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.
Có thể dễ dàng nhận thấy, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của thừa phát lại bị thu hẹp rất nhiều so với chấp hành viên. Nếu như tại các điều 38, 39, 40 và 41 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) quy định và cho phép thừa phát lại áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án (chỉ bị hạn chế khi áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ thì phải báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và có quyết định của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự), thì theo quy định mới, thừa phát lại không còn có các quyền này. Tương tự như vậy, thừa phát lại cũng không còn các quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, hủy bỏ giấy tờ, giao dịch, xác định người có quyền sở hữu, sử dụng; xác định, phân chia, xử lý tài sản chung, tuyên bố giao dịch vô hiệu… Cũng từ quan niệm thừa phát lại là tư nhân, nên chỉ có quyền “mời” đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án mà không có quyền “triệu tập” những người này như chấp hành viên hoặc chỉ có quyền “đề nghị” cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh điều kiện thi hành án, mà không có quyền “yêu cầu” như chấp hành viên[1]…
3. Về quyền yêu cầu thi hành án (Điều 53)
Về cơ bản giữ nguyên Điều 35 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP), chỉ bỏ đoạn 2 khoản 1 về việc: “Đương sự có quyền yêu cầu Văn phòng thừa phát lại xác minh điều kiện THADS trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan THADS trực tiếp thi hành” vì đã được quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP “thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án”; đồng thời chuyển đoạn 2 và đoạn 3 khoản 2 Điều 36 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) về “thủ tục chung về thi hành án của thừa phát lại” thành khoản 2 Điều 53 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
4. Về thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án (Điều 54)
Về cơ bản giữ nguyên Điều 44 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP), chỉ bổ sung cụm từ “việc tổ chức” vào tên điều, đồng thời sửa đổi, bổ sung làm rõ thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án giữa người yêu cầu thi hành án và Văn phòng thừa phát lại được thể hiện dưới hình thức “hợp đồng dịch vụ” thay vì “hình thức hợp đồng” chung chung như trước; bổ sung “trách nhiệm của Văn phòng thừa phát lại trong việc thực hiện yêu cầu thi hành án theo ủy quyền” vào nội dung hợp đồng; sửa đổi việc Văn phòng thừa phát lại phải vào “sổ thi hành án được lập theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định” thay vì vào “sổ thụ lý văn bản thỏa thuận về thi hành án” như trước.
5. Về quyết định thi hành án (Điều 55)
Nội dung này được sửa đổi một cách cơ bản so với quy định trước, cụ thể như sau:
Một là, về thẩm quyền ra quyết định thi hành án: Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) thì Trưởng Văn phòng thừa phát lại “ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận thi hành án với người yêu cầu”, nhưng theo Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, thì Trưởng Văn phòng thừa phát lại chỉ “căn cứ vào nội dung hợp đồng dịch vụ và thẩm quyền thi hành án quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo thẩm quyền”. Như vậy, từ chỗ là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án, thì nay Trưởng Văn phòng thừa phát lại chỉ có quyền lập văn bản đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Hai là, quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan THADS phải xem xét ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng Văn phòng thừa phát lại; trường hợp không ra quyết định thi hành án thì phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Ba là, quy định nội dung quyết định thi hành án tại khoản 3 Điều 55 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Bốn là, quy định rõ nội dung công việc thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án theo quy định tại điểm e khoản 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP bao gồm: Xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án; thỏa thuận về việc thi hành án; thanh toán tiền thi hành án. Đối chiếu với quy định trước, thì nội dung công việc thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án bị thu hẹp một cách đáng kể, không còn quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án và các quyền yêu cầu khác… Trong khi đó, đây mới chính là nội dung cơ bản, cốt lõi của việc tổ chức thi hành án.
Năm là, quy định thời hạn và đối tượng gửi quyết định thi hành án bao gồm: Đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở.
Sáu là, quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan THADS trong việc ra hoặc không ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Trưởng Văn phòng thừa phát lại; trách nhiệm của thừa phát lại về việc đề nghị ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành quyết định thi hành án.
Bảy là, xác định quyết định thi hành án được ban hành theo đề nghị của Văn phòng thừa phát lại không được tính vào các vụ việc thụ lý, tổ chức của cơ quan THADS.
6. Về thủ tục chung về thi hành án của thừa phát lại (Điều 56)
Điều này được sửa đổi, bổ sung theo hướng kết cấu lại gọn hơn: Chuyển đoạn 2 và đoạn 3 khoản 2 Điều 36 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) thành khoản 2 Điều 53 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP “quyền yêu cầu thi hành án”; đồng thời sửa đổi, bổ sung theo hướng phân biệt hai trường hợp khác nhau, cụ thể :
Một là, đối với vụ việc “đang” (thay vì “đã”) do cơ quan THADS tổ chức thi hành nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu không tiếp tục và “đình chỉ thi hành án” để Văn phòng thừa phát lại tổ chức thi hành thì đương sự không có quyền yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục thi hành đối với các khoản đã được cơ quan thi hành án ra quyết định “đình chỉ” thi hành án.
Hai là, đối với các vụ việc “đang” do Văn phòng thừa phát lại tổ chức thi hành nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu không tiếp tục thi hành án và “chấm dứt hợp đồng” với Văn phòng thừa phát lại thì người được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan THADS, Văn phòng thừa phát lại khác có thẩm quyền tiếp tục tổ chức thi hành, trừ trường hợp đã đình chỉ thi hành án nêu trên. Việc sửa đổi, bổ sung này là cần thiết vì có thể đương sự chỉ yêu cầu không tiếp tục thi hành án đối với một Văn phòng thừa phát lại cụ thể nào đó mà không từ bỏ quyền lợi được hưởng theo bản án, quyết định. Trong trường hợp này, họ vẫn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án, Văn phòng thừa phát lại khác có thẩm quyền tiếp tục tổ chức thi hành án.
Ba là, bổ sung làm rõ hơn đoạn 4 khoản 2 Điều 36 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) theo hướng: Yêu cầu thi hành án mới của đương sự ngoài việc phải nêu rõ kết quả thi hành án trong đó, những nội dung yêu cầu thi hành tiếp, phải kèm theo “thông tin và tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu”. Đồng thời quy định: Trình tự, thủ tục, kết quả thi hành án trước đó nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị pháp lý và được sử dụng làm căn cứ để tiếp tục tổ chức thi hành án.
7. Về chấm dứt việc thi hành án của thừa phát lại (Điều 57)
Điều này được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản trên cơ sở Điều 43 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP), cụ thể, thừa phát lại phải thông báo cho cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án về việc chấm dứt thi hành án trong các trường hợp: Việc thi hành án đương nhiên kết thúc theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; theo thỏa thuận giữa thừa phát lại và đương sự; trường hợp phải áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; phát sinh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở; quá thời hạn quy định mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung hoặc không yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản là vô hiệu và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác; các trường hợp phải yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ, xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả đấu giá tài sản và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác.
Quy định trên đây xuất phát từ khoản 2 Điều 52 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, theo đó, thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án, tuyên bố giao dịch vô hiệu và các yêu cầu khác như trên đã nêu. Do đó, khi phát sinh các trường hợp này, thì việc tổ chức thi hành án của thừa phát lại chấm dứt để chuyển sang cho cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành.
8. Về hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án (Điều 58)
Điều này được hình thành trên cơ sở tách khoản 2 Điều 43 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) và sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cơ bản như:
Một là, quy định việc thanh lý “hợp đồng dịch vụ về thi hành án” (thay vì thanh lý “văn bản yêu cầu thi hành án”) khi chấm dứt việc thi hành án; phương thức giải quyết tranh chấp đối với việc thanh lý hợp đồng (nếu có) thông qua con đường Tòa án.
Hai là, quy định việc xử lý đối với vụ việc chưa thi hành xong thì “đương sự có quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án” theo quy định tại điều 53 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Ba là, trường hợp chấm dứt việc thi hành án theo các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 57 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, trước khi thanh lý hợp đồng, Trưởng Văn phòng thừa phát lại phải thực hiện các nội dung: Ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi các quyết định, thông báo, văn bản về thi hành án chưa thực hiện xong; chuyển toàn bộ hồ sơ thi hành án sang cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật THADS.
Bốn là, quy định trách nhiệm của Văn phòng thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân trước khi thanh lý hợp đồng về việc chấm dứt việc thi hành án và việc đã chuyển hồ sơ sang cơ quan THADS.
Năm là, quy định trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc tiếp nhận hồ sơ thi hành án do Văn phòng thừa phát lại chuyển; tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành; công nhận và sử dụng kết quả thi hành án trước đó do thừa phát lại thực hiện khi vụ việc được tiếp tục thi hành án nếu kết quả đó có được không do vi phạm pháp luật.
9. Về thanh toán tiền thi hành án (Điều 59)
Điều này được sửa đổi trên cơ sở rút gọn Điều 42 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) và có bổ sung nội dung mới, như:
Một là, quy định chung việc thanh toán tiền thi hành án của thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật THADS mà không liệt kê từng trường hợp như trước.
Hai là, quy định việc phối hợp giữa cơ quan THADS và Văn phòng thừa phát lại trong việc thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều nghĩa vụ đang do cả hai cơ quan cùng tổ chức thi hành.
10. Về trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án (Điều 60)
Đây là điều mới quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thi hành án của thừa phát lại, cụ thể:
Một là, cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Văn phòng thừa phát lại; chuyển giao quyết định thi hành án cho Văn phòng thừa phát lại; Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ việc thi hành án của Văn phòng thừa phát lại, hướng dẫn việc phối hợp thi hành án giữa các Chi cục Thi hành án dân sự với Văn phòng thừa phát lại và giữa các Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn; cơ quan THADS có trách nhiệm phối hợp với các Văn phòng thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thanh toán tiền thi hành án theo quy định.
Hai là, quy định trách nhiệm của các cơ quan bảo hiểm xã hội, kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng trong việc “phối hợp” cung cấp thông tin và “hỗ trợ” thừa phát lại, Văn phòng thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
Ba là, quy định trách nhiệm của cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm trong việc thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án; thu hồi, sửa đổi, hủy các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ đó theo quy định của pháp luật. Quy định này là cần thiết, vì mặc dù thừa phát lại không có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế, nhưng cũng có thể trong một số trường hợp họ có thể thuyết phục đương sự, theo đó, người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ tiền thi hành án.
Như vậy, do cơ chế thi hành án của thừa phát lại đã thay đổi căn bản nên cần quy định cụ thể mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án và Văn phòng thừa phát lại trong việc đề nghị và ra quyết định thi hành án; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thi hành án của thừa phát lại. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần trên, các cơ quan như bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng chỉ có trách nhiệm ở mức độ “phối hợp” và “hỗ trợ” theo “đề nghị” của thừa phát lại, chứ không phải là bắt buộc phải cung cấp thông tin, thực hiện “yêu cầu” như đối với chấp hành viên, cơ quan THADS. Đây có thể sẽ là trở ngại cho thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức việc thi hành án, nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân không nhận thức đầy đủ và không có tinh thần phối hợp tốt, tạo điều kiện để thừa phát lại hoàn thành nhiệm vụ.
Học viện Tư pháp
[1]. Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 16/11/2018 về dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội…