Theo Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam 2008, an toàn hạt nhân là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố, rủi ro hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố, rủi ro do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho con người, môi trường . Theo quy định tại các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế về hạt nhân hiện nay, trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân phải được thực hiện song hành cả hai nhóm trách nhiệm là trách nhiệm áp dụng tất cả các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho môi trường, dân cư trên lãnh thổ quốc gia mình và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
1. Đặc điểm điều chỉnh pháp lý trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân
1.1. Về chủ thể
Quốc gia là chủ thể phải thực hiện trách nhiệm quốc gia trong đảm bảo an toàn hạt nhân. Trong hoạt động hạt nhân, ngoài quốc gia, một số chủ thể khác của Luật Quốc tế như các tổ chức quốc tế, các vùng lãnh thổ... cũng tiến hành tham gia vào các hoạt động khai thác và đều có khả năng phải thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực đặc thù với công nghệ kỹ thuật rất hiện đại, có nguy cơ cao để tiến hành hoạt động này, các chủ thể sẽ phải trải qua các quy trình cấp phép, kiểm tra, giám sát rất gắt gao và chặt chẽ. Chính vì thế, có thể khẳng định, quốc gia là chủ thể cơ bản và chủ yếu của trách nhiệm pháp lý quốc tế trong lĩnh vực này.
Trong quy định hiện hành của Luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia nói chung, quốc gia không phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi của pháp nhân không đại diện cho quốc gia hoặc không có sự ủy quyền của nhà nước. Tuy nhiên, đối với pháp luật về năng lượng hạt nhân, quốc gia sẽ là chủ thể gánh chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với các hành vi gây thiệt hại không chỉ của chính cơ quan nhà nước đại diện cho quốc gia mà còn đối với cả các hành vi của các pháp nhân, các thực thể phi nhà nước. Trên thực tế, hoạt động hạt nhân được tiến hành bởi các pháp nhân, có thể là các pháp nhân đại diện hoặc không đại diện cho quốc gia; nhưng pháp nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế theo Luật Vũ trụ quốc tế, có chăng, pháp nhân sẽ chỉ phải gánh chịu những hậu quả nhất định được quy định trong pháp luật quốc gia. Nếu các hoạt động của pháp nhân gây thiệt hại cho chủ thể khác của Luật Quốc tế, trách nhiệm pháp lý quốc tế sẽ được đặt ra đối với quốc gia nơi có cơ sở hạt nhân.
1.2. Về nguồn luật điều chỉnh
Trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân được điều chỉnh bởi cả hệ thống pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật quốc gia. Cụ thể:
(i) Các quy định pháp luật quốc tế:
Nguồn luật xác định trách nhiệm quốc gia trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước khi xảy ra sự cố hạt nhân: Cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm quốc gia trong việc áp dụng tất cả biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả sự cố do thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân gây ra cho con người, môi trường bao gồm các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế xác định trách nhiệm quốc gia lắp đặt trước khi tiến hành hoạt động lắp đặt hạt nhân, trách nhiệm của nó trong quá trình hoạt động của cơ sở hạt nhân, và các trách nhiệm của nó trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Bao gồm:
+ Các điều ước quốc tế về an toàn hạt nhân và điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Công ước về an toàn hạt nhân được thông qua năm 1994 và bắt đầu có hiệu lực năm 1996; Công ước chung về an toàn trong quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và an toàn trong quản lý chất thải hạt nhân được thông qua năm 1997 và bắt đầu có hiệu lực năm 2011;Công ước ngăn chặn ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác năm 1972 và Bản Phụ lục năm 1978;Tuyên bố Stockhom năm 1972 của Liên Hợp quốc về môi trường và phát triển...
+ Các tập quán quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân: Đó là những quy tắc xử sự hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và được hầu hết các quốc gia thừa nhận là luật. Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân có hai tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi đó là nguyên tắc an toàn hạt nhân và nguyên tắc chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hai tập quán này được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận và áp dụng rộng rãi cho dù các quốc gia đó có là thành viên của các điều ước quốc tế về hạt nhân hay không.
+ Các điều ước xác định trách nhiệm quốc gia áp dụng tất cả các biện pháp nhằm giảm thiểu tới mức tối đa thiệt hại do các sự cố hạt nhân, như: Công ước về thông báo sớm tai nạn hạt nhân được thông qua và có hiệu lực năm 1986; Công ước về trợ giúp lẫn nhau trong trường hợp có tai nạn hạt nhân hoặc sự cố phóng xạ được thông qua năm 1986 và bắt đầu có hiệu lực năm 1987; Công ước luật Biển năm 1982...
+ Các điều ước quốc tế xác định trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia do vi phạm các quy định về an toàn hạt nhân như: Công ước Viên năm 1963, Công ước Paris năm 1960 Công ước Bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân (CSC)....
(ii) Các quy định pháp luật quốc gia xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân
Cơ sở pháp lý quốc gia xác định trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân là hệ thống văn bản pháp lý quốc gia về năng lượng hạt nhân và các văn bản pháp lý khác có liên quan[1]. Các văn bản này xác định rõ chủ sở hữu các vật liệu hạt nhân, cơ quan điều hành cấp nhà nước, xác định các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, quy trình, điều kiện cấp phép, thanh tra, xử lý vi phạm…
Luật quốc tế và luật quốc gia là hai hệ thống pháp luật độc lập có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, các quy phạm pháp luật quốc gia về hạt nhân góp phần phản ánh, thực hiện nội dung các quy phạm pháp luật quốc tế. Mỗi quốc gia thành viên, trong khuôn khổ luật pháp quốc gia của mình, phải áp dụng các biện pháp pháp lý, pháp quy, hành chính và các bước cần thiết khác để thực hiện các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế về hạt nhân của mình[2]. Mỗi quốc gia phải thiết lập và duy trì khung pháp lý và pháp quy để quản lý việc đảm bảo an toàn của các công trình hạt nhân[3].
Để thực hiện trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân, ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn trong các điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên và các tiêu chuẩn do chính quốc gia ban hành các quốc gia còn phải nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn theo các tài liệu hướng dẫn quốc tế của IAEA, pháp luật của các quốc gia để hoàn thiện pháp luật về năng lượng hạt nhân đưa các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của quốc gia tiến tới gần các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, đảm bảo an toàn hạt nhân. Bằng cách này, các quốc gia sẽ tận dụng được các kinh nghiệm về đảm bảo an toàn hạt nhân của các quốc gia đi trước. Chỉ khi áp dụng các tiêu chuẩn của IAEA các quốc gia mới có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của IAEA
1.3. Nội dung điều chỉnh pháp lý trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung nguồn luật điều chỉnh trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân, có thể thấy, trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân bao trách nhiệm quốc gia theo luật quốc tế để xây dựng một cơ sở hạt nhân và hoạt động của nó để ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại về môi trường. Nếu những trách nhiệm này bị vi phạm, quốc gia chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm. Như vậy, trách nhiệm quốc gia bao gồm hai khía cạnh, trách nhiệm của quốc gia trước khi xảy ra tai nạn hạt nhân và trách nhiệm của quốc gia sau khi xảy ra tai nạn hạt nhân.
Thứ nhất, trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước khi xảy ra tai nạn hạt nhân
Phòng ngừa là một trong những nguyên tắc chung trong luật quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường[4]. Nguyên tắc phòng ngừa là một nguyên tắc tập quán và là cơ sở cho trách nhiệm quốc gia về các thiệt hại môi trường do hoạt động hạt nhân của quốc gia gây ra. Do nhu cầu cấp bách phải giải quyết các vấn đề môi trường đã xuất hiện cùng với việc sử dụng các hoạt động nguy hiểm ngày càng tăng, các quy tắc này đã được thông qua trong một số văn kiện quốc tế và đã được một số các học thuyết về luật pháp quốc tế và các cơ quan tài phán như là một nguyên tắc chung của luật quốc tế. Nguyên tắc này được hỗ trợ bởi Tuyên bố Stockholm và Rio và đã được đưa vào một số hướng dẫn quốc tế. Nguyên tắc 15 của Tuyên bố Rio năm 1992 quy định: "Để bảo vệ môi trường, cách tiếp cận phòng ngừa sẽ được các quốc gia áp dụng rộng rãi theo khả năng của họ. Trường hợp có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể đảo ngược được thì không được coi là chắc chắn về mặt khoa học vì lý do trì hoãn các biện pháp tiết kiệm chi phí để ngăn ngừa sự xuống cấp môi trường".
Cho tới nay, chưa có định nghĩa chính xác về khái niệm các biện pháp phòng ngừa trong các quy tắc chung của luật pháp quốc tế và liệu khái niệm đó chỉ áp dụng cho các biện pháp phòng ngừa được thực hiện sau khi xảy ra tai nạn hay liệu nó có bao gồm các biện pháp được thực hiện trước tai nạn? Theo tác giả, khái niệm về các biện pháp phòng ngừa bao gồm các biện pháp được thực hiện trước và sau khi xảy ra tai nạn hạt nhân. Vì quốc gia có hoạt động hạt nhân thuộc lãnh thổ của mình có trụ sở hoặc thuộc thẩm quyền của mình hoặc kiểm soát hoạt động đó, nên cấp phép cho hoạt động và phải ban hành Pháp luật trước khi bắt đầu hoạt động, đây được xem là các hình thức của các biện pháp phòng ngừa. Mở rộng khái niệm về các biện pháp phòng ngừa để bao gồm các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại được phản ánh trong phạm vi trách nhiệm quốc gia tăng lên. Nếu các biện pháp phòng ngừa bao gồm các biện pháp giảm thiệt hại thì Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về chi phí của các biện pháp phòng ngừa khác.
Biện pháp phòng ngừa được thực hiện trước khi tai nạn hạt nhân xảy ra đòi hỏi quốc gia không gây thiệt hại cho các quốc gia khác khi tiến hành các hoạt động hạt nhân và phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa và kiểm tra cẩn thận để đảm bảo rằng hoạt động không gây tổn hại cho các quốc gia khác. Điều này bao gồm tất cả các biện pháp dự phòng và cần thiết phù hợp với luật pháp quốc tế cần thiết để ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát thiệt hại có thể xảy ra do tai nạn hạt nhân. Những nguyên tắc này tạo thành cơ sở pháp lý của nhiệm vụ ngăn ngừa thiệt hại về môi trường do tai nạn hạt nhân gây ra.
Trách nhiệm phòng ngừa cũng bao gồm việc cung cấp thông tin và sự hợp tác giữa các quốc gia, bởi vì không thể ngăn ngừa thiệt hại về môi trường trừ khi cung cấp thông tin liên quan. Điều tương tự cũng được áp dụng đối với hợp tác giữa các quốc gia, bởi vì rất khó để ngăn ngừa thiệt hại nếu không có sự hợp tác. Điều này cho thấy nguyên tắc cung cấp thông tin và nguyên tắc hợp tác có mối liên hệ với nhau. Hai nguyên tắc này nhằm mục đích kiểm soát các hoạt động nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại.
- Trách nhiệm quốc gia tự kiểm soát các hoạt động hạt nhân trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Trách nhiệm này bao gồm: Thiết lập một cơ chế lập pháp và điều lệ để tổ chức hoạt động của một cơ sở hạt nhân; tiến hành đánh giá tác động môi trường để đảm bảo hoạt động không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; chỉ định cơ quan vận hành có trách nhiệm hoạt động lắp đặt; Kiểm tra đảm bảo an toàn lắp đặt lò phản ứng hạt nhân; kiểm tra việc áp dụng các quy tắc này; trách nhiệm cung cấp cho các quốc gia và tổ chức quốc tế có khả năng bị ảnh hưởng có liên quan đến thông tin liên quan cần thiết để tránh các hậu quả có hại cho môi trường có thể gây ra.
Quốc gia tiến hành các hoạt động hạt nhân trên lãnh thổ của mình hoặc thuộc thẩm quyền hoặc kiểm soát của mình có nghĩa vụ không gây thiệt hại về môi trường cho các quốc gia khác. Quốc gia phải có các biện pháp phòng ngừa và thực hiện công việc cần thiết để ngăn ngừa thiệt hại do các hoạt động đó gây ra và giảm bất kỳ hậu quả có hại nào nếu tai nạn hạt nhân xảy ra. Các biện pháp này chủ yếu là thủ tục và nhằm mục đích kiểm soát các hoạt động. Nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thể bị ảnh hưởng, trong việc cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động. Điều này giúp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại về môi trường do các hoạt động gây ra.
- Trách nhiệm hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát các hoạt động hạt nhân. Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân như một hoạt động nguy hiểm với những thiệt hại xuyên biên giới. Theo nguyên tắc này, quốc gia khai thác ứng dụng hạt nhân phải hợp tác với các quốc gia khác và phải cung cấp thông tin liên quan trước và trong suốt hoạt động để ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra do tai nạn hạt nhân. Các quốc gia cũng có nghĩa vụ hợp tác trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân, khắc phục hậu quả tai hại của tai nạn và để hạn chế tác động của nó đến mức có thể. Do đó, nhiệm vụ hợp tác có mục đích ngăn chặn một tai nạn hạt nhân, có thể gây ra thiệt hại và để giảm thiểu những ảnh hưởng có hại của tai nạn.
Quốc gia khai thác ứng dụng hạt nhân phải hợp tác với các quốc gia khác có khả năng bị ảnh hưởng bởi hoạt động hạt nhân, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng và các tổ chức có thẩm quyền để ngăn ngừa thiệt hại gây ra bởi các công trình này và cung cấp trợ giúp trong trường hợp xảy ra tai nạn. Sự hợp tác này phải được áp dụng trong các giai đoạn khác nhau của hoạt động hạt nhân trước và trong quá trình hoạt động, và trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Hợp tác có thể có các hình thức khác nhau, bao gồm cung cấp thông tin liên quan về hoạt động đề xuất, đánh giá tác động môi trường, trao đổi thông tin, cung cấp thông tin cho công chúng, tư vấn, thông báo cho các quốc gia khác trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân và cung cấp hỗ trợ trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Hợp tác về các vấn đề này nhằm mục đích kiểm soát hoạt động, và ngăn ngừa thiệt hại về môi trường cho các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa nước nguồn, các quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Thứ hai, trách nhiệm của quốc gia ứng phó tai nạn hạt nhân khi đã xảy ra tai nạn hạt nhân
- Trách nhiệm thông báo sớm và trách nhiệm trợ giúp. Chỉ 06 tháng sau vụ tai nạn Chernobyl năm 1986, Công ước Thông báo sớm về tai nạn hạt nhân (Công ước Thông báo sớm) và Công ước về Trợ giúp trong trường hợp Tai nạn hạt nhân hoặc tình trạng khẩn cấp về phóng xạ (Công ước Hỗ trợ) đã thông qua và có hiệu lực từ rất sớm vào cuối năm 1986. Công ước Thông báo sớm sự cố hạt nhân yêu cầu các quốc gia thành viên có trách nhiệm thông báo ngay cho các quốc gia bị ảnh hưởng có thể bị ảnh hưởng và IAEA về tai nạn hạt nhân. Điều 5 Công ước quy định chi tiết các thông tin cần được cung cấp trong đó bao gồm chính xác thời gian, địa điểm và nguyên nhân của vụ tai nạn, việc cài đặt hoặc hoạt động có liên quan, sự phát triển có khả năng xảy ra tai nạn, và những đặc điểm chung của việc xả phóng xạ. Ngoài ra, quốc gia cung cấp thông tin còn phải cung cấp thông tin về điều kiện khí tượng hiện tại và các biện pháp thực hiện hoặc dự kiến. Các quốc gia bị ảnh hưởng có thể yêu cầu thêm thông tin hoặc tham khảo ý kiến để hạn chế hậu quả phóng xạ trong khu vực pháp lý của họ.
Đối với trách nhiệm trợ giúp trong Công ước trợ giúp, Công ước yêu cầu các quốc gia thông báo cho IAEA sự sẵn sàng trợ giúp của họ về chuyên gia, thiết bị và vật tư. Trong trường hợp có yêu cầu trợ giúp, mỗi quốc gia quyết định xem họ có thể đáp ứng sự trợ giúp đó không, cũng như quy mô và các điều kiện của sự trợ giúp đó. IAEA là đầu mối liên hệ cho sự hợp tác đó thông qua việc chuyển thông tin, hỗ trợ các nỗ lực, và cung cấp các dịch vụ sẵn có.
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không đảm bảo an toàn. Quốc gia có trách nhiệm bồi thường tất cả thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm các quy định của luật quốc tế. Vấn đề này đã được thống nhất tại Hội nghị Hague năm 1930 về trách nhiệm của quốc gia.
Thiệt hại là một trong những yếu tố cần thiết, bắt buộc để xác định trách nhiệm pháp lý của quốc gia. Không có trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia nếu không có thiệt hại. Thiệt hại do các hoạt động hạt nhân gây ra được xác định bởi các công ước trách nhiệm hạt nhân và trong Dự thảo của ILC về các nguyên tắc phân bổ tổn thất. Điều này có nghĩa là quốc gia chịu trách nhiệm về những hành động vi phạm của mình, nhưng phải xác định được yếu tố thiệt hại. Tuy nhiên, việc xác định mức độ thiệt hại hạt vật chất của các tai nạn hạt nhân là rất khó khăn. Vấn đề đặt ra đó là quốc gia có phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế khi khi không có thiệt hại vật chất, mặc dù các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đã bị vi phạm. Câu hỏi đặt ra đó là “ thiệt hại vật chất” liệu nó có phải là một yếu tố cần thiết trong xác định trách nhiệm pháp lý hay không?
Theo tác giả, “thiệt hại” là một yếu tố thiết yếu trong xác định trách nhiệm pháp lý cho các thiệt hại môi trường do các hoạt động hạt nhân gây ra. Đây là điều kiện cơ bản để xác định trách nhiệm đối với những thiệt hại do các hành vi phạm các quy định của luật quốc tế. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, “thiệt hại” không chỉ là thiệt hại vật chất thuần túy mà "thiệt hại" phải được hiểu bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về pháp lý mà quốc gia phải chịu. Thiệt hại vật chất được thể hiện bằng tiền hoặc bồi thường thiệt hại và cũng bao gồm cả thiệt hại về đạo đức đòi hỏi phải bồi thường về tài chính. Loại thứ hai là “thiệt hại pháp lý”, cho tới nay được đánh giá là nội dung vẫn còn mơ hồ và chưa có sự nhất quán giữa các quốc gia thừa nhận nó như là yếu tố thành phần trong trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia đối với những những hành vi vi phạm.
Thiệt hại là một trong những yếu tố cấu thành trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia[5], khái niệm thiệt hại phải được hiểu bao gồm vả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về pháp lý. Việc quốc gia vi phạm trách nhiệm quốc tế sẽ làm ảnh hưởng tới quyền của các quốc gia khác và đó chính là thiệt hại về mặt pháp lý. Vì vậy, nếu một quốc gia có hành vi vi phạm quốc tế đối với quốc gia khác, thì không cần phải chứng minh thiệt hại thực tế. Bảo đảm lợi ích hợp pháp này trong lĩnh vực quan hệ quốc tế quan trọng hơn lợi ích kinh tế hoặc thiệt hại vật chất. Luật quốc tế thừa nhận thiệt hại về đạo đức có thể được bồi thường. Vì lẽ đó, một quốc gia khi có hành vi phạm pháp luật quốc tế, để xác định trách nhiệm pháp lý không cần phải xác định thiệt hại vật chất thực tế nảy sinh.
Như vậy, sau khi đã xác định được trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia do có hành vi phạm về trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân thì vấn đề đặt ra ở đây đó chính là việc thực hiện trách nhiệm này sẽ được tiến hành bằng những hình thức nào. Liệu rằng, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này có điểm gì khác, so với trách nhiệm pháp lý quốc tế trong các lĩnh vực khác?
Xuất phát từ đặc thù của vai trò của trách nhiệm quốc gia trong lĩnh vực hạt nhân liên quan đến việc bảo vệ con người và môi trường không chỉ giới hạn trong vai trò cổ điển của trách nhiệm pháp lý nhằm khôi phục thiệt hại mà còn nhằm ngăn ngừa tai nạn hạt nhân và những hậu quả có hại của nó. Nên tùy trường hợp cụ thể, trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia có thể áp dụng các hình thức: (i) Quốc gia có trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm nếu nó vi phạm các quy tắc của luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia đảm bảo an toàn hạt nhân và đảm bảo rằng nó sẽ không được lặp lại. Việc chấm dứt hành động bất hợp pháp chấm dứt việc vi phạm hành động pháp lý của quốc gia và đảm bảo giá trị pháp lý bắt buộc của các quy phạm pháp luật quốc tế bảo đảm an toàn hạt nhân. Theo đó, quốc gia có nguồn phải có trách nhiệm ngừng hoạt động của cơ sở hạt nhân nếu vi phạm các trách nhiệm của mình, hoặc sửa đổi nó; (ii) Khôi phục nguyên trạng. Đây được xem là hình thức khắc phục hoàn hảo nhất nhưng cũng là hình thức khó thực hiện nhất và không phải là trong trường hợp nào cũng có thể khôi phục lại được nên nó chỉ có thể áp dụng trong một số trường hợp nhất định; (iii) Quốc gia có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầy đủ cho các quốc gia bị thiệt hại. Bồi thường là hình được áp dụng phổ biến trong đền bù thiệt hại do tai nạn hạt nhân và phục hồi môi trường.
3. Một số đề xuất đối với Việt Nam
Trách nhiệm đảm bảo an toàn hạt nhân là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thiệt hại mà tai nạn hạt nhân gây ra không chỉ nằm trong lãnh thổ quốc gia mà là thiệt hại xuyên biên giới. Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng các ứng dụng hạt nhân từ rất sớm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, số lượng các lò phản ứng trên thế giới ngày càng tăng. Đứng trước nhu cầu tự kiểm soát, bảo đảm an toàn hạt nhân trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và nhu cầu hợp tác với các quốc gia khác nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân trên toàn cầu. Việt Nam cần có các hoạt động sau:
Thứ nhất, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân góp phần bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân trong khu vực và trên thế giới; tăng cường sự hợp tác tin cậy lẫn nhau trong các quan hệ hợp tác đa phương, song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế.
Thứ hai, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế về đảm bảo an toàn hạt nhân.
Thứ ba, cần thiết lập cơ chế thường xuyên trao đổi với các quốc gia láng giềng về an toàn hạt nhân. Đồng thời, Việt Nam cần tích tăng cường phổ biến các kiến thức cần thiết về sự cố hạt nhân cho người dân; khi phát hiện sự cố, cơ quan chức năng cần thông báo kịp thời tới cộng đồng.
Thứ tư, Việt Nam cần sớm triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Mạng lưới sẽ giúp phát hiện sớm sự cố và kịp thời có phương án ứng phó, bởi phóng xạ di chuyển không biên giới và không thể nhận biết bằng mắt thường.
Đại học Luật Hà Nội