Một trong những yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành là phải bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Để bảo đảm các điều kiện cần thiết này, cần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8, Điều 9 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, việc xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng được thực hiện theo các nội dung: (i) Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật; (ii) Tính phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật; (iii) Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.
Nghiên cứu các quy định pháp luật nói trên, ThS. Nguyễn Hoàng Việt đã có bài viết: “Điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Bài viết tập trung phân tích tình hình bảo đảm các điều kiện cho việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính kể từ ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành cho đến nay, đánh giá những mặt đạt được, những mặt còn tồn tại hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả đã trao đổi, độc giả có thể xem bài viết đã được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 32 trang tháng 05/2015 về “Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”.
Hải Việt