Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu thực trạng quy định về định đoạt phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, từ đó, chỉ ra một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện Luật Doanh nghiệp năm 2020 về quy định này.
Abstract: The article studies the current situation of regulations on determining the capital contribution of members in a limited liability company with two or more members according to the Enterprise Law of the 2020, from which, points out some shortcomings and proposes to improve the Enterprise Law of the 2020 about this regulation.
1. Thực trạng pháp luật về định đoạt phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1.1. Về chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên
Theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác thì phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: (i) Trước hết, thành viên đó phải chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; (ii) Sau đó, trường hợp các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết thì mới chuyển nhượng cho người khác không phải là thành viên công ty[1].
Quy định này vừa bảo đảm cho các thành viên có quyền chuyển nhượng vốn của mình nhưng cũng bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khác trong công ty. Điều này thể hiện tính đối nhân tiềm ẩn trong mô hình công ty TNHH (vốn là loại hình công ty đối vốn), bảo đảm và tránh sự xáo trộn trong các thành viên của công ty TNHH. Pháp luật quy định “30 ngày” là thời hạn để các thành viên khác trong công ty xem xét và quyết định xem có mua lại phần vốn góp đó hay không. Nếu hết thời hạn trên các thành viên còn lại của công ty không mua thì thành viên chuyển nhượng có quyền chuyển nhượng cho người khác ngoài công ty. Điều này xuất phát từ thực tế, có trường hợp các thành viên khác của công ty không muốn mua phần vốn góp đó hoặc có mua nhưng cố tình không mua hết, kéo dài thời gian mua. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho thành viên chuyển nhượng, pháp luật đưa ra quy định về thời hạn để bảo đảm quyền lợi cho thành viên muốn chuyển nhượng vốn.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 52 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 về điều kiện chuyển nhượng vốn của các thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn còn tồn tại một số điểm chưa hợp lý, cụ thể như sau:
Một là, quy định phải bảo đảm việc chào bán phần vốn góp cho người là thành viên công ty và người không phải là thành viên công ty với cùng điều kiện chào bán.
Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định khi chào bán phần vốn góp cho các thành viên công ty thì điều kiện để mua phần vốn góp giữa các thành viên phải giống nhau[2]. Tuy nhiên, quy định trên lại chỉ bảo vệ được quyền lợi giữa các thành viên với nhau mà chưa bảo vệ được quyền lợi của thành viên đối với người ngoài công ty. Trong thực tế, có trường hợp thành viên muốn chuyển nhượng, chào bán phần vốn của mình với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế, khiến các thành viên công ty không thể mua được để chào bán cho người ngoài công ty. Đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bổ sung quy định khi chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty thì phải chuyển nhượng cùng điều kiện chào bán với các thành viên còn lại[3]. Quy định này vẫn được Luật Doanh nghiệp năm 2020 duy trì. Tuy nhiên, quy định mới chưa bảo vệ được quyền lợi của thành viên chuyển nhượng phần vốn góp, cụ thể, trong trường hợp các thành viên không mua, người chuyển nhượng cũng không thể chuyển nhượng cho người ngoài với điều kiện tốt hơn điều kiện đã chào bán cho thành viên công ty. Vì vậy, khi muốn chuyển nhượng phần vốn góp, thành viên chuyển nhượng phải tìm hiểu và đặt ra các điều kiện chuyển nhượng có lợi nhất, để khi chuyển nhượng cho người ngoài thì mục đích lợi nhuận có thể đạt được.
Hai là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thiếu quy định về định giá phần vốn góp khi thành viên chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Thành viên công ty được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp của mình nhưng phải chào bán cho các thành viên còn lại của công ty tương ứng với tỉ lệ vốn của họ trong công ty với cùng điều kiện. Chỉ được chuyển nhượng vốn đó cho người khác nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán. Như vậy, không có căn cứ để xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp, trong trường thành viên muốn rút vốn khỏi công ty có thể bị các thành viên còn lại trong công ty “ép giá” và không thể chuyển nhượng phần vốn góp với giá trị thực.
Ba là, về thời hạn chào bán phần vốn góp cho các thành viên trong công ty.
Luật quy định về thời hạn chào bán đối với các thành viên là 30 ngày, sau thời hạn này nếu thành viên không mua hoặc mua không hết thì có thể chuyển nhượng cho người ngoài công ty. Nếu hiểu theo quy định này thì sau thời hạn 30 ngày người chuyển nhượng mới được chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty. Nhưng cũng có cách hiểu khác nhau dẫn đến tranh chấp trong thực tế.
Quan điểm cho rằng, thành viên chào bán phải đợi đủ 30 ngày, kể cả khi các thành viên khác đã trả lời không mua, điều này sẽ bảo vệ thành viên công ty khi họ có sự thay đổi ý định trong thời hạn 30 ngày. Nếu cho phép thành viên chuyển nhượng khi vẫn còn trong thời hạn thì khi thành viên khác đổi ý lại không thể mua được, gây ảnh hưởng đến quyền ưu tiên mua của thành viên đồng thời làm giảm tính đối nhân của loại hình công ty TNHH.
Quan điểm khác lại cho rằng, khi thành viên đã trả lời rõ không mua hoặc mua không hết thì thành viên chào bán có quyền bán cho người khác ngoài công ty, mà không cần đợi đủ 30 ngày. Điều lệ của một số công ty cũng có sự khác nhau đáng kể khi có công ty quy định trong Điều lệ bắt buộc thành viên phải chờ 30 ngày, cũng có một số công ty cho phép thành viên chào bán luôn nếu nhận được sự từ chối cụ thể dù vẫn trong thời hạn 30 ngày. Điều này có thể bị coi là trái pháp luật bởi Luật không có quy định mang tính chất mở cho phép điều lệ công ty được quy định khác đối với vấn đề này.
1.2. Quy định về mua lại phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Bên cạnh việc quy định những hạn chế trong việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn tạo dựng cơ chế chuyển nhượng linh hoạt và mềm dẻo cho các thành viên công ty, giúp họ có điều kiện chuyển đổi hình thức đầu tư khi họ không muốn ở lại công ty nữa vì cảm thấy không có lợi hoặc vì những lý do khác. Mặt khác, vẫn bảo đảm được lợi ích ưu tiên của nội bộ thành viên công ty nhằm kiểm soát sự xâm nhập của người ngoài công ty, đồng thời, các thành viên khác cũng không thể lợi dụng quyền để cản trở hay chèn ép việc chuyển nhượng vốn đó.
Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây: (i) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên; (ii) Tổ chức lại công ty; (iii) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty[4].
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định các vấn đề nêu trên. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty. Quy định trên tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi của thành viên khi họ có sự bất đồng ý kiến với quyết định của Hội đồng thành viên trong một số vấn đề quan trọng có liên quan đến lợi ích của thành viên. Mặt khác, quy định về điều kiện thanh toán nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, tránh sự lạm quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp để trốn tránh trách nhiệm, chuyển dịch rủi ro sang các chủ nợ.
Tuy nhiên, công ty chỉ có nghĩa vụ mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên nếu như tài chính của công ty thỏa mãn điều kiện về thanh toán; nếu việc thanh toán phần vốn góp được mua lại sẽ khiến công ty không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ khác thì công ty không có nghĩa vụ mua lại mặc dù thành viên đã có quyền yêu cầu hợp pháp. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không ràng buộc trách nhiệm của công ty chứng minh, giải trình cho thành viên có yêu cầu mua lại về việc thanh toán phần vốn góp sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Do đó, khi công ty (mặc dù có khả năng nhưng không muốn mua lại) có thể không mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên với lý do là không bảo đảm được việc thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ khác. Về phía thành viên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ thành viên và nhóm thành viên sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên mới được quyền kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm của công ty[5]. Như vậy, thành viên sở hữu tỷ lệ thấp hơn sẽ rất khó đánh giá được khả năng thanh toán của công ty khi công ty không thực hiện việc mua lại phần vốn góp khi họ có yêu cầu.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về định đoạt phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Một là, để bảo đảm cả quyền lợi của thành viên chuyển nhượng phần vốn góp và các thành viên khác trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, có thể sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 52 như sau: “Chuyển nhượng với điều kiện chào bán không thấp hơn so với điều kiện chào bán cho các thành viên còn lại… cho người không phải là thành viên…”. Quy định như vậy sẽ trung hòa được quyền và lợi ích của cả hai bên.
Hai là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn cần quy định rõ chủ sở hữu có thể bán phần vốn góp cho người khác không phải thành viên công ty khi các thành viên trong công ty thể hiện ý chí không mua mặc dù còn thời hạn 30 ngày, cùng với đó là quy định về định giá giá trị phần vốn góp của thành viên muốn chuyển nhượng trong công ty.
Ba là, cần sửa đổi Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung trách nhiệm của công ty chứng minh, giải trình về việc không đáp ứng được điều kiện thanh toán phần vốn góp được yêu cầu mua lại. Điều này sẽ giúp cho thành viên vừa hiểu được tình hình của công ty vừa chủ động đưa ra các quyết định hoặc tiến hành các cách thức khác để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
ThS. Trịnh Văn Tài
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk
[1]. Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[2]. Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2005
[3]. Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014
[4]. Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[5]. Khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)