Mặc dù Nghị định số 80/2025/NĐ-CP kế thừa một phần Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP), nhưng phần lớn các nội dung cơ bản của Nghị định này đều mang tính mới. Theo đó, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP được xây dựng với bố cục gồm 04 chương, 19 điều với những điểm mới nổi bật như sau:
Một là, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1).
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP chỉ quy định về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong khi đó, Điều 1 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định về phạm vi điều chỉnh gồm:
- Quy định chi tiết khoản 3 Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm tổ chức thi hành, theo dõi, sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo, cung cấp thông tin về tổ chức thi hành, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Quy định các biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật gồm: (i) trình tự xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thi hành, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (ii) trình tự hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (iii) thu thập thông tin về thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (iv) kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật; (v) trách nhiệm và quản lý nhà nước về công tác tổ chức thi hành pháp luật.
- Việc giải thích Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
- Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, biện pháp cụ thể để thi hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các quy định khác của Chính phủ.
- Việc phổ biến, giáo dục văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hai là, về nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật (Điều 2).
Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định 05 nguyên tắc cơ bản về tổ chức thi hành pháp luật nhằm cụ thể hóa, làm rõ hơn quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 về “tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, gồm các nguyên tắc: (i) khách quan, toàn diện, công khai, kịp thời, hiệu quả; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; có trọng tâm, trọng điểm; (ii) bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan nhà nước, sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thi hành pháp luật; (iii) bảo đảm sự gắn kết giữa tổ chức thi hành pháp luật với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; (iv) bảo đảm không cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (v) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức thi hành pháp luật.
Ba là, về kinh phí bảo đảm cho tổ chức thi hành pháp luật (Điều 3).
Kinh phí bảo đảm cho tổ chức thi hành pháp luật là quy định được bổ sung trong Nghị định số 80/2025/NĐ-CP và sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và nguồn hỗ trợ từ các dự án, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức thi hành pháp luật.
Bốn là, về ban hành kế hoạch triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4).
- Nghị định số 80/2025/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể loại văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc phải xây dựng kế hoạch triển khai thi hành, cụ thể: “luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được xây dựng kế hoạch triển khai”.
Quy định này được xây dựng dựa trên cơ sở xác định đây là những văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách, có phạm vi, đối tượng chịu sự tác động lớn, đặt ra nội dung, yêu cầu trong tình hình mới hoặc làm hạn chế quyền con người, quyền công dân; đồng thời, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất cho quá trình triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng tùy nghi, “lúng túng” khi xác định sự cần thiết ban hành. Vì vậy, để tổ chức thi hành các văn bản này bảo đảm công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả và góp phần gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, văn bản sau khi thông qua hoặc ban hành phải có một lộ trình triển khai cụ thể, phù hợp, khả thi.
- Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP cũng quy định theo hướng mở, linh hoạt đối với những hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác (không mang tính bắt buộc) để bảo đảm sự phù hợp, tránh việc ban hành “kế hoạch chồng kế hoạch”, lãng phí, kém hiệu quả và tăng cường tính tự quyết định của các chủ thể có liên quan trong tổ chức thi hành pháp luật.
Năm là, về hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 5).
Điều 5 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, quy định cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành bằng văn bản hành chính.
Đối với trường hợp ủy quyền hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định rõ “được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định của pháp luật có liên quan” nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn thực hiện hoạt động hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thông qua cơ chế “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực; Hội đồng nhân dân giao Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành”.
Đồng thời, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về trình tự, thời hạn thực hiện việc tiếp nhận và xử lý đề nghị, kiến nghị hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm đăng tải văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan hướng dẫn áp dụng hoặc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Sáu là, về hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6).
Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định cụ thể thẩm quyền hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng chủ thể. Theo đó:
(i) Bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của mình cho tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới.
(iii) Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước phân công cơ quan, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn và quy định trình tự hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Bảy là, về tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật (Điều 7).
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP xác định cụ thể đối tượng được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo vị trí việc làm chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
Khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức trong biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo sự thuận lợi, rõ ràng trong việc xác định trách nhiệm.
Tám là, về tiếp nhận và xử lý kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8).
Nghị định số 80/2025/NĐ-CP đã bổ sung các quy định để điều chỉnh một cách tổng thể, toàn diện việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật theo hướng phân loại các trường hợp, đồng thời có dẫn chiếu rõ cơ sở pháp lý để thực hiện. Cụ thể:
- Trường hợp kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật được gửi trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật thì việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.
- Trường hợp kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật được gửi trực tiếp bằng văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền hoặc qua hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thì việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Trường hợp kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật thì việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị được thực hiện theo quy định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Chín là, về sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 9).
Nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý về hoạt động sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, để hoạt động này đi vào nền nếp, vừa có tính linh hoạt, vừa cụ thể trong triển khai thực hiện, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP đã bổ sung quy định về trách nhiệm, căn cứ, hình thức, nội dung của hoạt động sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mười là, về thu thập thông tin về thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 13).
Đối với việc xử lý thông tin về thi hành văn bản quy phạm pháp luật, khoản 4 Điều 13 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP sửa đổi theo hướng tăng thời gian báo cáo việc xử lý kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, theo dõi từ 30 ngày (khoản 4 Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) lên 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xử lý kết quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật đối các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mười một là, về kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật (Điều 14).
Nghị định số 80/2025/NĐ-CP bổ sung quy định về phạm vi trách nhiệm kiểm tra (khoản 1); bổ sung, làm rõ nội dung kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật (khoản 2).
Đặc biệt, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP bổ sung các quy định: người có thẩm quyền đã ban hành kết luận kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo việc đôn đốc đối tượng được kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc yêu cầu đối tượng được kiểm tra báo cáo tình hình thực hiện kết luận kiểm tra và cung cấp tài liệu chứng minh; quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật khi hết thời hạn phải thực hiện kết luận kiểm tra mà đối tượng được kiểm tra không hoàn thành việc thực hiện kết luận kiểm tra hoặc đối tượng được kiểm tra không thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra (khoản 4, khoản 5).
Những quy định được bổ sung tại khoản 4, khoản 5 Nghị định số 80/2025/NĐ-CP sẽ góp phần khắc phục tình trạng chưa xử lý đến cùng kết quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật tồn tại trong thực tiễn, các vướng mắc, bất cập của văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, .
Mười hai là, về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật (Điều 15).
Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể: Chính phủ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương.
Bên cạnh đó, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ thể trong tham mưu, giúp tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương: (i) tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu về quản lý nhà nước hoặc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực, tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ; (ii) tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; (iii) cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Mười ba là, về điều khoản chuyển tiếp (Điều 17).
Hiện nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương đều đã ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2025. Do đó, để tạo điều kiện cho việc tiếp tục thực hiện thống nhất theo các nội dung đã đề ra trong kế hoạch, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau: kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2025 của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục được thực hiện theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.
Uyên Nhi
Ảnh: internet