Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tóm tắt nội dung của Đề án xây dựng dự thảo Chỉ thị, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, Đề án được chia thành ba phần lớn: phần thứ nhất, đánh giá thực trạng công tác xây dựng và thi hành pháp luật; phần thứ hai, bối cảnh, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; phần thứ ba, kiến nghị, đề xuất và phân công trách nhiệm thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo tóm tắt nội dung của Đề án xây dựng dự thảo Chỉ thị
Đề án xác định quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật với trọng tâm: (i) bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật; (ii) đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; (iii) xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải đi sớm, đi trước, mở đường, nắm bắt mọi cơ hội, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chăm lo đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; (iv) tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ; phát huy đầy đủ vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường sự tham gia thực chất của Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ luật gia, luật sư trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (v) đầu tư cho công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù cho công tác và cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến hoàn thiện dự thảo Chỉ thị, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: (i) cần cân nhắc nội dung “xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện” tại định hướng đến năm 2045 của dự thảo Chỉ thị, bởi, các quan hệ xã hội luôn có sự biến động không ngừng, vì thế, hệ thống pháp luật cũng luôn luôn phải bổ sung, cập nhật, chỉnh sửa, hoàn thiện. Theo đó, đại biểu đề nghị sửa đổi nội dung này theo hướng “xây dựng pháp luật đầy đủ, công khai, minh bạch, thống nhất”; (ii) cần xác định việc xây dựng dự thảo Chỉ thị nhằm cụ thể hóa các định hướng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW); (iii) dự thảo Chỉ thị được xây dựng nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, do đó phải thể hiện được các nội dung về pháp luật trong kỷ nguyên mới, đổi mới công tác xây dựng pháp luật và xác định các điểm nghẽn cần giải quyết trong kỷ nguyên mới; (iv) cần cụ thể hơn các nội dung về mục tiêu và nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật tại dự thảo Chỉ thị; (v) về nội dung đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng, cần bổ sung trách nhiệm của các đồng chí Bộ trưởng trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đồng thời, phải đề cao và coi đây là điểm nhấn trong đổi mới tư duy; (vi) về phần nhiệm vụ, giải pháp tại dự thảo Chỉ thị, nhiều đại biểu cho rằng, cần sắp xếp thành 2 mục lớn: mục 1 xây dựng pháp luật và mục 2 thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, cần tách nhiệm vụ và giải pháp thành 02 nội dung riêng; (vii) cần cô đọng các nội dung liên quan đến công tác thi hành pháp luật, chỉ nêu ra những điểm quan trọng nhất tập trung vào các nội dung nâng cao ý thức pháp luật, sự tuân thủ pháp luật…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm sâu sắc hơn các nội dung của dự thảo Chỉ thị, đồng thời bổ sung ví dụ dẫn chiếu tại Đề án xây dựng dự thảo Chỉ thị. Về nội dung của dự thảo Chỉ thị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung nghiên cứu 03 vấn đề để báo cáo Bộ Chính trị đưa vào Tờ trình xin ý kiến, cụ thể: (i) đầu tư nghiên cứu sớm các chính sách để chủ động xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật bảo đảm tính dự báo và phản ứng chính sách pháp luật linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; (ii) xây dựng, hoàn thiện pháp luật và kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật là công việc thường xuyên, chủ yếu của cơ quan nhà nước ở trung ương, người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm; (iii) bổ sung nguyên tắc cân bằng - hợp lý trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; (iv) bổ sung ngân sách cho công tác xây dựng pháp luật tối thiểu là 0,5% của chi ngân sách hàng năm.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tham gia phiên họp. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: nghiên cứu hoàn thiện báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo Chỉ thị bảo đảm tính đồng bộ, logic; dự thảo Chỉ thị cần chỉnh sửa lại ngắn gọn hơn, tối đa là 09 trang; chỉnh sửa dự thảo Chỉ thị theo hướng đưa nội dung hợp tác quốc tế lên mục 5, nội dung chuyển đổi số lên mục 6 và nội dung kinh phí lên mục 7; trên cơ sở xác định, dự thảo Chỉ thị cụ thể hóa các định hướng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, dự thảo Chỉ thị phải bám sát các nội dung về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cần phân định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại dự thảo Chỉ thị; dự thảo Chỉ thị phải phản ánh hơi thở cuộc sống, bối cảnh tình hình hiện nay, mang tính chất đột phá, tránh dùng nhiều khẩu hiệu, thiếu nội hàm…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại phiên họp
Về bố cục dự thảo Chỉ thị, cần phân biệt rõ ràng 02 phần xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời, phải bám sát nội dung yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; bảo đảm các nội dung liên quan đến nguồn nhân lực, chuyển đổi số, pháp luật quốc tế và biện pháp bảo đảm thực hiện là những điểm nhấn xuyên suốt cho cả phần xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đối với các nội dung liên quan đến định hướng pháp luật, cần tham khảo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; về quy trình xây dựng pháp luật, cần bám sát Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; về tư duy xây dựng pháp luật cần tham khảo, bám sát các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; về tổ chức thi hành pháp luật tham khảo một số bài viết, kết luận của Tổng Bí thư như: bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Kết luận của Tổng Bí thư khi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp…
Thùy Dung