Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) được ban hành trên cơ sở hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 với nhiều quy định tiến bộ hơn đã tạo cơ sở pháp lý mới cho việc xây dựng, ban hành VBQPPL của các cấp chính quyền địa phương. Thực tiễn thi hành trong hơn 03 năm qua cho thấy hệ thống VBQPPL ở địa phương ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức và kỹ thuật lập pháp theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành vẫn có những tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác xây dựng thể chế ở địa phương để nâng cao hơn nữa chất lượng của VBQPPL, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong tình hình mới.
Qua bài viết “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương” của tác giả Đinh Thị Thu Hà đã chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, tác giả cũng trình bày những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, qua đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2020 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.