Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Hiệu quả từ hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo môi trường thuận lợi để tăng gia, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Chính phủ đã được triển khai theo từng giai đoạn cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và địa phương để tổ chức các hoạt động đề án và dự án như: Hội nghị, hội thảo, tập huấn kiến thức pháp luật, xây dựng câu lạc bộ pháp luật, thi tìm hiểu bằng hình thức sân khấu hóa… Nhờ chuẩn bị chu đáo từ khâu khảo sát để xác định nhu cầu liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, xây dựng câu lạc bộ pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động…, các hoạt động đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân giải quyết những thắc mắc về pháp lý. Mặt khác, thông qua các hình thức trên, công tác tư vấn pháp luật, công tác tuyên truyền pháp luật còn những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu tư vấn của người dân để kịp thời phản ánh với chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục. Từ đó, người dân nâng cao tính chủ động, tích cực tự tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật tại nơi mình sinh sống, làm việc.
Công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và các chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành trong hệ thống chính trị đã triển khai tích cực qua rất nhiều kênh từ trung ương đến địa phương, thông qua các chương trình, kế hoạch, các đợt tổ chức tuyên truyền pháp luật hàng năm, tuyên truyền qua hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình, các tạp chí, tập san về công tác dân tộc, chính sách cấp báo, tạp chí không thu tiền cho vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo dân tộc thiểu số, các đề án tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua. Theo đó, về hệ thống thông tin truyền thanh công cộng ở mỗi địa phương, xây dựng các câu lạc bộ pháp luật ở xã như: Bình đẳng giới, phòng chống ma túy… và tổ chức các hình thức hoạt động thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung phong phú đa dạng được nhiều cấp, nhiều địa phương triển khai… qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào Đảng, chính quyền, nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, học tập làm theo các gương sản xuất giỏi phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo... Trong thành quả đạt được, công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào các dân tộc của một số tỉnh như: Lào Cai, Cao Bằng, Kiên Giang, Sóc Trăng… được xây dựng bằng nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đều hướng về cơ sở, đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nhiều hình thức như chương trình phát thanh tiếng dân tộc, các ấn phẩm, báo, tạp chí chuyên đề phản ánh về lĩnh vực công tác dân tộc miền núi, đưa các hoạt động trợ giúp pháp lý trực tiếp đến cơ sở phục vụ cho nhân dân, xây dựng các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, tổ chức tốt các hội nghị dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các giai đoạn từ 2012 - 2016.
Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa “Tìm hiểu pháp luật” tại các khu vực và các tỉnh thành từ năm 2009 - 2016. Đặc biệt, các năm 2014, 2015 đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong khu vực để tổ chức hội thi “Tìm hiểu pháp luật” với đối tượng dự thi là tuyên truyền viên pháp luật; người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hội thi các địa phương đánh giá cao và mong muốn được tổ chức vào hàng năm tại mỗi vùng miền trên cả nước.
Ví dụ, công tác đưa pháp luật và tuyên truyền pháp luật về giao thông của Công an tỉnh Điện Biên: Tổ chức tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa với nội dung tuyên truyền các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, đường thủy, những quy định bắt buộc đối với người và các phương tiện khi tham gia giao thông, về mức phạt dành cho từng hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông... Bên cạnh đó, người dân còn được xem những hình ảnh cụ thể về các tình huống pháp luật về hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, qua phóng sự, cổ động truyền hình, phóng sự ảnh phản ánh thực trạng giao thông hiện nay, cũng như các tình huống vi phạm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông như: Chở người quá quy định, điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm... Có thể nói, bằng những hình thức tuyên truyền trên đã giúp người dân tiếp thu kiến thức pháp luật được dễ dàng hơn. Anh Thào A Nủ, người dân xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì hôm nay được cán bộ cảnh sát giao thông đến tận xã trực tiếp truyền đạt cho bà con những kiến thức của luật giao thông, những hành vi vi phạm luật giao thông, hướng dẫn cách đội mũ bảo hiểm đúng cách. Giờ đây chúng tôi đã hiểu được tham giao thông thế nào để an toàn cho mình và cho cộng đồng; tham gia giao thông phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định, như đăng ký xe máy, bằng lái, bảo hiểm xe máy, phải đội mũ bảo hiểm khi tham giao thông. Chúng tôi sẽ chấp hành thật tốt và vận động bà con nhân dân cùng nhau chấp hành”.
2. Một số thuận lợi và khó khăn
2.1. Thuận lợi
- Trong những năm qua công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và các chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành trong hệ thống chính trị đã triển khai tích cực, kịp thời qua rất nhiều kênh từ trung ương đến địa phương, thông qua các chương trình, kế hoạch, các đợt tổ chức tuyên truyền pháp luật hàng năm, tuyên truyền qua hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình, các tạp chí, chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo dân tộc thiểu số.
- Sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Ủy ban Dân tộc với ban, bộ, ngành liên quan, các địa phương. Tạo sự đồng thuận cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng thường xuyên hơn, các hình thức được nâng cao, có hiệu quả, được người dân đồng tình, ủng hộ khi triển khai các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên mỗi vùng miền và từng địa bàn.
2.2. Khó khăn
- Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan còn thiếu tính đồng bộ và chưa thật sự chặt chẽ; các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đều hoạt động kiêm nhiệm, đa số là lãnh đạo của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, nên việc dành thời gian đầu tư cho hoạt động này chưa nhiều, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong thực hiện nhiệm vụ chung của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, có nơi hầu như chỉ do cơ quan thường trực Hội đồng chủ động triển khai thực hiện, nhất là ở cấp huyện; ở một số địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác này.
- Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hầu hết đều kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều còn thiếu về kỹ năng truyền đạt, chưa am hiểu phong tục tập quán đồng bào và do bất đồng ngôn ngữ…, chế độ đãi ngộ lại quá thấp nên chưa thực sự tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc làm đầu mối để chuyển tải pháp luật đến với người dân, các hình thức tổ chức tuyên truyền nhiều khi còn cứng nhắc, tài liệu cung cấp thông tin tuyên truyền nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế từng vùng, không thu hút được sự quan tâm của đồng bào, kinh phí cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất như tủ sách pháp luật, nhà sinh hoạt văn hóa, hệ thống thông tin truyền thanh công cộng để người dân tiếp cận với các thông tin ở vùng khó khăn còn thiếu thốn và kém hiệu quả.
- Với đặc thù địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, lại có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên một địa bàn rộng, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng người dân không biết chữ, không thạo tiếng phổ thông ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khá phổ biến, do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào.
- Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc vẫn còn mang tính hình thức, nặng về phong trào; việc phổ biến hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; có hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hay nhưng chưa được triển khai nhiều trên thực tế như tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động kết hợp với phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hình thức tuyên truyền đa dạng, nhưng quá trình tổ chức triển khai chưa đồng bộ, chưa được thường xuyên và rộng khắp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Những giải pháp trong thời gian tới
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ công tác trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
- Tăng cường xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền đảm bảo về phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý tập quán của đồng bào, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ tuyên truyền là người địa phương thông thạo tiếng dân tộc của từng đồng bào các dân tộc.
- Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, trong đó lựa chọn hình thức biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin tập trung vào trọng tâm, ngắn gọn, người dân dễ hiểu, dễ nhớ khi tiếp cận với các nội dung chính sách, pháp luật, tăng cường nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý, các câu lạc bộ Tuyên truyền pháp luật, các hoạt động đối thoại với nhân dân, sân khấu hóa công tác tuyên truyền qua các tiểu phẩm, hội thi tìm hiểu pháp luật, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử.
- Cần quan tâm bố trí hợp lý kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các văn bản pháp luật cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học của Chính phủ, mạng internet; xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử... để đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, cần quan tâm đến những vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, như: Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền; tiếp tục đổi mới đa dạng các hình thức tuyên truyền theo đối tượng để xây dựng kế hoạch để tuyên truyền được trọng tâm, trọng điểm ở từng vùng miền; chú trọng tuyên truyền tại cơ sở; tích cực đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.