Không còn nghi ngờ gì nữa, tham nhũng đã thực sự trở thành đại dịch, thành giặc, là mối, mọt đục khoét những bức tường đạo đức và pháp luật mà chúng ta đang đổ bao công sức xây nên, có những lúc người ta phải thất vọng, thốt lên “tin vào ai?”. Tuy nhiên, để nhận diện hành vi tham nhũng không phải là điều dễ, các tiểu phẩm dự thi đã phần nào giúp người xem hiểu được biến tướng và sự chuyển hóa của tham nhũng cùng những hậu họa ghê gớm của nạn tham nhũng. Chính vì vậy, để phòng, chống tham nhũng, rất cần có sự chung tay của mọi người trong xã hội, rất cần đưa pháp luật đến mọi người dân.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến để nhận diện hành vi tham nhũng, một số tiểu phẩm dự thi đã phổ biến những hình thức đấu tranh chống tham nhũng, những quy định của pháp luật về xử lý những hành vi tham nhũng một cách nhẹ nhàng dễ tiếp cận, mà sâu sắc. Một số tiểu phẩm mạnh dạn vạch trần biểu hiện tham nhũng trong Ngành Tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực đăng ký hộ tịch (tiểu phẩm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh; Sở Tư pháp Lâm Đồng…). Nhiều tiểu phẩm đã đề cập đến “văn hóa phong bì”, vấn đề công khai minh bạch ở chính quyền cấp xã, phường; về cuộc đấu tranh với hành vi tham nhũng trong gia đình những cán bộ có chức, có quyền. Có tiểu phẩm còn đề xuất các giải pháp phòng, chống tham nhũng.
Điều đáng ghi nhận là, ngoài một số tiểu phẩm mang tính răn đe, lên án hành vi tham nhũng, không ít tiểu phẩm dự thi đã thể hiện dưới góc độ nêu gương, xây dựng được hình ảnh người lãnh đạo hết lòng vì nhân dân, đã chiến thắng được bản thân, thuyết phục được người thân, đồng nghiệp giữ mình không bị “vấp ngã” trước sức mạnh và cám dỗ của “đồng tiền có gai”, đồng tiền bẩn thỉu (các tiểu phẩm của Sở Tư pháp Cà Mau; Phòng Tài nguyên môi trường Kiên Giang; Sở Tư pháp Vĩnh Long; Sở Tư pháp Lâm Đồng…). Qua các tiểu phẩm, người xem tin tưởng hơn vào cuộc chiến phòng, chống hành vi tham nhũng, cũng như được trang bị nhiều kiến thức pháp luật về chủ đề này. Những câu thoại ấn tượng sâu sắc, chắc chắn còn đọng lại rất lâu trong lòng người xem .
Mặc dù cũng còn một số ít tiểu phẩm do thời gian chuẩn bị quá ngắn, kinh phí hạn hẹp, nên chưa đầu tư nhiều cho kịch bản, diễn viên, cách thức truyền tải còn khiên cưỡng; thậm chí gây phản cảm, đơn điệu, khô cứng, giáo điều, chất lượng âm thanh, hình ảnh chưa đạt, tuy nhiên, Ban giám khảo cuộc thi đã đánh giá đa số các tiểu phẩm đảm bảo tính logic, sát thực tiễn, đạt yêu cầu về hiệu quả tuyên truyền. Một số tiểu phẩm thể hiện nội dung tuyên truyền rõ nét, ý tưởng kịch bản tốt, có hiệu quả, thể hiện sự đầu tư có trách nhiệm của đơn vị dự thi… Về kỹ thuật, nhiều tiểu phẩm dàn dựng công phu, chất lượng âm thanh, ánh sáng, bối cảnh đạt hiệu quả cao…
Qua hai vòng chấm (sơ khảo và chung khảo), với tinh thần làm việc nghiêm túc, công bằng, khách quan, Ban giám khảo cuộc thi đã thống nhất lựa chọn 14 tiểu phẩm đạt chất lượng tốt vào chung khảo, trong đó:
01 tiểu phẩm đạt giải nhất là: Tiểu phẩm “Dân kiểm tra” của Sở Tư pháp Hà Nội;
02 tiểu phẩm đạt giải nhì là: Tiểu phẩm “Công khai minh bạch” của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh và “Đôi mắt” của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau;
05 tiểu phẩm được giải ba là: Tiểu phẩm “Như là tai họa” của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh; “Con đường mang hình dấu hỏi” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; “Đồng Tiền có gai” của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng; “Khi người tố cáo bị hại” của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và “Chuyện phường tôi” của Bộ Công an;
06 giải khuyến khích gồm: Tiểu phẩm của Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; Sở Tư pháp Hải Phòng và Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn.
Đây là lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng bằng hình thức tiểu phẩm video clip, số lượng các đơn vị tham dự và chất lượng kết quả cuộc thi là rất đáng mừng. Mặc dù, thời gian dự thi hơi ngắn, với chủ đề cuộc thi rất nhạy cảm, khô khan, nhưng chỉ trong thời gian chưa đầy 03 tháng, nhiều đơn vị đã nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao đối với công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, có địa phương dựng 02 tiểu phẩm dự thi (như Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long và Kiên Giang) có phòng tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện cũng gửi tiểu phẩm về dự thi.
Các tiểu phẩm đạt giải cao sẽ được phát trên phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn sẽ góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng của nước ta và tuyên truyền Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả. Hình thức phổ biến pháp luật qua các tiểu phẩm video clip cần tiếp tục được nghiên cứu, rút kinh nghiệm và phát triển.
Chúng tôi tin tưởng và mong ước xã hội ta sẽ sớm loại bỏ khỏi đời sống những hành vi “bôi trơn”, “đút lót” chạy chức quyền… những mầm mống chính để tham nhũng phát triển
Duy Kiên