Chúng ta có thể nhận thấy, trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì không có quy định nào bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với văn bản từ chối nhận di sản mà chỉ ghi nhận đây là quyền của người thừa kế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trong trường hợp văn bản từ chối nhận di sản được lập mà không có công chứng hoặc chứng thực thì nó có giá trị pháp lý như thế nào, tính khả thi khi đem ra giao dịch trong thực tế ra sao và công chứng viên phải xử lý thế nào khi tiếp nhận văn bản này trong hoạt động công chứng? Vấn đề này sẽ được tác giả bài viết làm rõ. Theo đó, tác giả nêu lên quy định của pháp luật hiện hành về văn bản từ chối nhận di sản, phân tích giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng hoặc chứng thực và đặt ra những vấn đề đối với công chứng viên cũng như những người có liên quan.
1. Văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực
Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015), người thừa kế có quyền yêu cầu công chứng hoặc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (VBTCDS) nhưng đây không phải là trình tự, thủ tục bắt buộc. Theo đó, Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản…”; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) cũng không có điều khoản nào quy định bắt buộc VBTCDS phải chứng thực mà chỉ quy định Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực VBTCDS (điểm g khoản 2 Điều 5).
Luật Đất đai năm 2013 không quy định về việc công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCDS mà quy định về công chứng, chứng thực đối với văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bằng nội dung dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về dân sự. Theo đó, điểm c khoản 3 Điều 167 Luật này quy định: “Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”. Tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết… Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. Như vậy, Điều 620 này chỉ quy định bắt buộc việc từ chối nhận di sản phải tuân thủ quy định về hình thức giao dịch dân sự đó là phải lập thành văn bản, việc gửi văn bản, thời điểm thực hiện việc từ chối nhận di sản chứ hoàn toàn không quy định bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCDS.
Một trong những nội dung được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thay đổi so với Bộ luật Dân sự năm 2005 đó là khoản 2 Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quy định người từ chối nhận di sản phải báo cho cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản tại khoản 2 Điều 642 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Xét về phương diện công chứng, chứng thực thì việc bỏ quy định nêu trên là phù hợp, bởi lẽ, quy định nêu trên là không cần thiết, vì khi người thừa kế (trừ người đã từ chối nhận di sản) yêu cầu giải quyết việc thừa kế thì họ phải có trách nhiệm xuất trình VBTCDS cho cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi giải quyết việc thừa kế biết, đồng thời chứng minh về việc đã có người thừa kế từ chối nhận di sản. Do vậy, Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định VBTCDS chỉ gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết là chặt chẽ và đầy đủ.
Mặc khác, Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định việc công chứng, chứng thực VBTCDS như một thủ tục bắt buộc làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản từ chối. Theo tác giả, việc loại bỏ quy định bắt buộc này là cần thiết để mở rộng việc thực hiện quyền của người thừa kế và phù hợp với xu thế coi việc công chứng, chứng thực như một dạng dịch vụ công[1].
2. Giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng hoặc chứng thực
Trước khi xem xét giá trị pháp lý của VBTCDS không có công chứng hoặc chứng thực, chúng ta cùng tìm hiểu về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và văn bản chứng thực. Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đều ghi nhận về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và văn bản chứng thực. Cụ thể, khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”; bên cạnh đó, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”. Cùng quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng và văn bản chứng thực nhưng khi so sánh tương quan giữa hai quy định trên thì rõ ràng văn bản công chứng có giá trị pháp lý cao hơn văn bản chứng thực. Về nội dung này, cũng đã có quan điểm cho rằng, quy định về công chứng và chứng thực hiện hành chưa đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng và có sự phân biệt đối xử. Cụ thể: Tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đều là những pháp nhân được Nhà nước trao quyền công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch, do đó, cần có sự bình đẳng trong hoạt động chuyên môn. Cùng là một hợp đồng, giao dịch nhưng nếu thực hiện công chứng thì công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp và phải bồi thường nếu có lỗi. Tuy nhiên, nếu hợp đồng, giao dịch đó được thực hiện chứng thực thì người thực hiện chứng thực lại không có nghĩa vụ phải xem xét tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch và không phải có nghĩa vụ bồi thường. Như vậy, chế định về công chứng và chứng thực hiện nay đã phát sinh hai trường phái chứng nhận tính pháp lý của các hợp đồng, giao dịch: Chứng nhận nội dung (về tính xác thực, tính hợp pháp) và chứng nhận về hình thức (về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên). Quy định này không đảm bảo được sự bình đẳng, không được phân biệt đối xử theo nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự năm 2015[2].
Trở lại với giá trị pháp lý của VBTCDS không có công chứng hoặc chứng thực, mặc dù không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực nhưng qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tác giả cũng không tìm thấy bất kỳ quy định nào của pháp luật ghi nhận về giá trị pháp lý của VBTCDS trong trường hợp nó được lập mà không có công chứng hoặc chứng thực. Xét trong mối liên hệ liên quan đến quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, tác giả cho rằng, nếu VBTCDS được lập mà không có công chứng hoặc chứng thực thì nó cũng là một loại giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Đối chiếu quy định khoản 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì VBTCDS không có công chứng hoặc chứng thực không được pháp luật về công chứng, chứng thực thừa nhận về giá trị pháp lý.
3. Những vấn đặt ra đối với công chứng viên và người có liên quan đến văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng hoặc chứng thực
Về nguyên tắc, công chứng viên không có quyền từ chối người yêu cầu công chứng khi thụ lý giải quyết các hợp đồng, giao dịch có liên quan với lý do VBTCDS không có công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, công chứng viên cũng không được phép suy luận rằng, pháp luật không quy định bắt buộc công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCDS nên được quyền căn cứ vào văn bản này để làm cơ sở giải quyết việc công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan. Trách nhiệm của công chứng viên trong trường hợp này là phải làm rõ trước khi thực hiện việc công chứng, nếu không làm rõ được thì mới có quyền từ chối công chứng; công chứng viên phải đánh giá tính hợp pháp, xác thực đối với VBTCDS mà quan trọng nhất là phải xác thực được người từ chối nhận di sản chính là người đã lập, ký hoặc điểm chỉ vào VBTCDS. Việc xác thực có thể thực hiện thông qua một trong hai hình thức đó là tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Căn cứ pháp lý để công chứng viên áp dụng trong trường hợp này được quy định tại khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014: “Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng”.
Về lý luận, dường như pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCDS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người từ chối nhận di sản trong việc thể hiện ý chí của mình khi lập VBTCDS. Tuy nhiên, với những gì đã phân tích, việc người từ chối nhận di sản lập VBTCDS mà không yêu cầu công chứng hoặc chứng thực có thể gặp phải những khó khăn, bất lợi về sau cho chính người từ chối nhận di sản và những người thừa kế khác như: Phải có trách nhiệm làm rõ đối với VBTCDS khi công chứng viên yêu cầu làm rõ hoặc trong trường hợp phải tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định đối với VBTCDS nhưng tại thời điểm tiến hành xác minh, yêu cầu giám định, người từ chối nhận di sản đã chết, mất tích hoặc khi bị công chứng viên từ chối công chứng thì sẽ rất khó khăn cho người khai nhận di sản, người quản lý di sản, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, người thừa kế khác.
Về thực tiễn, nếu tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định đối với VBTCDS không có công chứng hoặc chứng thực sẽ mất rất nhiều chi phí, thời gian, công sức, thậm chí trình tự, thủ tục xác minh hoặc yêu cầu giám định còn phức tạp gấp nhiều lần so với việc người từ chối nhận di sản yêu cầu công chứng hoặc chứng thực đối với VBTCDS. Do vậy, với tư cách là một công chứng viên, tác giả khuyến khích người từ chối nhận di sản khi lập VBTCDS nên thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật để đảm bảo về giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành của VBTCDS. Bởi lẽ, trong thực tế, VBTCDS không có công chứng hoặc chứng thực hầu như không được chấp nhận.
Phòng Công chứng số 1 tỉnh Gia Lai
[1]. ThS. Nguyễn Thị Anh Thư (Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Trà Vinh), “Sự thay đổi về quyền từ chối nhận di sản trong quy định của pháp luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, đăng trên https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/su-thay-doi-ve-quyen-tu-choi-nhan-di-san-trong-quy-dinh-cua-phap-luat-dan-su-viet-nam.
[2]. ThS. Nguyễn Huy Cường - Văn phòng Công chứng Công Lý Trà Vinh, “Chế định về công chứng và chứng thực theo pháp luật Việt Nam - Bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đăng trên http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=305.