Để doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào thị trường kinh tế thế giới, thì yếu tố vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là điều kiện tiên quyết. Bởi lẽ, vốn chính là khả năng tài chính mà chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có ngay từ thời điểm thành lập, từ đó họ sẽ quyết định lựa chọn ngành, nghề kinh doanh, lĩnh vực, địa bàn đầu tư, kinh doanh sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu có vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể thay đổi trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, lựa chọn phương án kinh doanh phù hợp, nhờ đó mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của mình trên thương trường.
Để khai thác và sử dụng vốn có hiệu quả không chỉ có sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc ban hành những chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp, đặc biệt là những giải pháp về thủ tục vay vốn. Theo Điều 6 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 56/2009/NĐ-CP), Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 37/2016/TT-BTC ngày 29/02/2016 của Bộ Tài chính quy định lãi suất cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có những quy định về hình thức hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đó là những cơ sở pháp lý quy định về chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát huy tiềm năng và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 601/QĐ-TTg triển khai các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trợ giúp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Mục đích hoạt động của Quỹ là giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Đối tượng của Quỹ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay với mức lãi suất ưu đãi là 5.5% đối với khoản vay ngắn hạn và 7% đối với khoản vay trung và dài hạn. Để cụ thể hóa những quy định hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm 2016 Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chương trình hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Thực trạng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua
Đến năm 2016, cả nước có 25 quỹ hỗ trợ và phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập với mục đích tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãi suất áp dụng từ 5-7%/năm với điều kiện tài sản đảm bảo không vượt quá 100% tài sản đảm bảo và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản đảm bảo, cùng với đó Quỹ đưa ra các kế hoạch hỗ trợ trước và sau cho vay. Theo báo cáo của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguồn vốn triển khai năm 2016 của Quỹ là 560 tỷ đồng, với mức lãi suất là 7% đối với khoản vay trung hạn, dài hạn và cố định trong suốt thời hạn vay. Mức cho vay tối đa là 70% tổng mức đầu tư (không bao gồm vốn lưu động), thời hạn vay là 07 năm (có thể trả trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn). Tài sản đảm bảo tối đa bằng 100% giá trị khoản vay, có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo; hình thức giải ngân được thực hiện thông qua các ngân hàng nhận ủy thác của Quỹ. Các lĩnh vực hỗ trợ tiếp cận vốn gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Năm 2017, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có tổng hạn mức khoảng 560 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, đối tượng ưu tiên sẽ là những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải. Tính đến tháng 4/2017, đã có hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tiếp cận Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm hiểu thông tin về các chương trình hỗ trợ qua các kênh như hội thảo, truyền thông[1]… Mặc dù đã có những chương trình hỗ trợ, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay do hồ sơ vay vốn còn phức tạp; 50% hồ sơ vay vốn không có tài sản để thế chấp, chưa minh bạch về tài chính, kế hoạch kinh doanh chưa rõ ràng, khả thi, nhiều ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp; 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp, các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hoạt động của các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vô cùng khó khăn. Hiện nay, cả nước có 27 quỹ bảo lãnh tín dụng, tổng vốn điều lệ ước khoảng 1.462 tỷ đồng, tổng số dư nợ bảo lãnh đang là 361 tỷ đồng và các quỹ này phải thực hiện trả nợ thay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước khoảng 137 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng còn thấp do vốn không đạt mức tối thiểu 30 tỷ đồng, chủ yếu do ngân sách địa phương góp, tổ chức tín dụng có tham gia góp vốn nhưng ở mức khiêm tốn, năng lực bộ máy còn hạn chế[2]…
Vay vốn với tài sản thế chấp là một trong những bất cập gây ra rào cản cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chứng minh được khả năng trả nợ. Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản lớn, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa có tài sản đảm bảo thì việc định giá tài sản thường rất thấp so với giá trị thông thường. Mặt khác, năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện minh bạch thông tin về tài chính còn nhiều khó khăn, do vậy, khi phía ngân hàng yêu cầu minh bạch hóa thông tin tài chính là điều kiện vay vốn thì gần như rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được. Bên cạnh đó, khi sử dụng vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng hợp đồng tín dụng, đảm bảo hoàn trả cả gốc lẫn lãi đúng hạn và phải tôn trọng các điều khoản của hợp đồng cho dù doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hay không. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn có vốn tín dụng của ngân hàng phải có phương án sản xuất khả thi. Trong quá trình cho vay, ngân hàng thực hiện kiểm soát trước, trong và sau khi giải ngân buộc doanh nghiệp phải sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Có thể nói, những bất cập nêu trên là nguyên nhân chủ yếu trong việc khó tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Một số giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để hướng đến mục tiêu năm 2020 cả nước có trên một triệu doanh nghiệp thì chúng ta cần có những giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các loại hình doanh nghiệp khác về thể chế, chính sách, thủ tục vay vốn, thuế, hải quan, kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0… Cụ thể:
Thứ nhất, công tác hỗ trợ về vốn cần được quy định cụ thể hơn, đặc biệt là chính sách ưu đãi về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn vay theo đúng chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lấy Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 làm căn cứ cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo nên sự đồng bộ, thống nhất, có định hướng chú trọng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, cũng nên hướng đến khuyến khích các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia tài trợ, hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hình thành các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng thị trường hoạt động kinh doanh, tạo sự liên kết chuỗi các giá trị toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ tốt các báo cáo tài chính, kế toán, thuế, pháp luật và điều kiện kinh doanh, trách nhiệm bảo hành thông qua các hình thức hỗ trợ tư vấn pháp lý, minh bạch các thông tin để doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận và kịp thời điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích và dành một số dự án hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính phù hợp, mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tư vấn tài chính, quản lý đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác cho khách hàng là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng không trái với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để xem xét cho vay đối với doanh nghiệp chất lượng tốt mà không cần dựa hoàn toàn vào tài sản đảm bảo.
Thứ ba, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn của mình. Đặc biệt, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thay đổi tư duy theo hướng tập trung chú trọng vào sự đổi mới, khác biệt; phát huy những sản phẩm của chính địa phương mình với những ý tưởng, hình thức và phương thức kinh doanh, phục vụ phù hợp với thời kỳ hội nhập chứ không theo tư duy lợi ích cục bộ, xin - cho, lợi dụng cơ chế của Nhà nước như từ trước đến nay. Khẩn trương hoàn thiện Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại từng địa phương và cải thiện hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn, đa dạng hóa các nguồn tài chính phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
[1]. Http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn.
[2]. Nguồn: vcci.com.vn.