Thực trạng công tác tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho thấy, bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và công dân ở Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Nhiều quy định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự chưa cụ thể, chưa thực sự tạo cơ hội thuận lợi cho việc sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và công dân. Mặt khác, vẫn còn một số nơi, các cấp chính quyền, các ngành thiếu sự phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến tình trạng chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng như làm giảm lòng tin của người khiếu nại, tố cáo vào đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, cản trở công cuộc cải cách tư pháp hướng tới nền tư pháp hiện đại, vững mạnh.
1. Hoàn thiện thể chế
Về lâu dài, do pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự gắn liền với pháp luật về thi hành án dân sự nên khi Luật Thi hành án dân sự thay đổi, đặc biệt trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy phù hợp với xu thế chung của thế giới về lĩnh vực thi hành án dân sự thì quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đó cũng sẽ thay đổi theo. Với bối cảnh pháp luật về thi hành án dân sự như hiện nay, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) hoặc ban hành văn bản hướng dẫn đối với các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Những vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu quy định về tiêu chí phân biệt khiếu nại với tố cáo trong thi hành án dân sự
Ở Việt Nam, có quan điểm cho rằng, việc quy định phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo trong thi hành án dân sự hiện nay là không rõ ràng, khó có thể phân biệt rạch ròi giữa khiếu nại và tố cáo. Do đó, cần có tiêu chí để phân biệt khiếu nại với tố cáo. Nghiên cứu pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự cho thấy khiếu nại và tố cáo khác nhau ở những điểm cơ bản sau:
- Về chủ thể thực hiện khiếu nại, tố cáo: Luật Thi hành án dân sự cho phép nhiều chủ thể thực hiện khiếu nại, bao gồm: Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó, “đương sự” bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Còn chủ thể thực hiện tố cáo lại rất rộng là “công dân” (Điều 154 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
- Về đối tượng, mục đích của khiếu nại, tố cáo: Đối tượng bị khiếu nại là “quyết định, hành vi” của thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự; đối tượng bị tố cáo là “hành vi vi phạm pháp luật” của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
- Về mức độ vi phạm giữa khiếu nại và tố cáo: Về khiếu nại, bất kỳ quyết định, hành vi nào của thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự đều bị khiếu nại. Đối với tố cáo, chủ thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự “gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại” đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Nghiên cứu về mặt lý luận cho thấy, chỉ có thể xác định một người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi hành vi đó có đầy đủ các yếu tố mà từ đó vi phạm pháp luật hình thành. Các yếu tố (dấu hiệu) vi phạm pháp luật được quy định trong các quy phạm pháp luật. Khái quát hành vi vi phạm pháp luật cấu thành từ các yếu tố: Tính trái pháp luật, có lỗi, năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể.
Để đánh giá đúng đắn về mặt pháp lý hành vi trái pháp luật có phải là vi phạm pháp luật hay không, cần xác định tình trạng tâm lý và khuynh hướng ý chí của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và công chức khác khi họ có vi phạm, tức là xem xét yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đây là yếu tố quan trọng.
Như vậy, vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự thực hiện, xâm phạm tới những quan hệ xã hội được pháp luật về thi hành án dân sự điều chỉnh và bảo vệ.
- Về quyền của người khiếu nại, người tố cáo: Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại, nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại. Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (không được ủy quyền cho người khác).
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thi hành một số quy định
- Quy định cụ thể về “đương sự” được quyền khiếu nại là những đối tượng nào, thế nào là “người liên quan” được quyền khiếu nại về thi hành án dân sự.
- Nghiên cứu chế định xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối; quy định các biện pháp chế tài đối với các trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo xúc phạm cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những đối tượng xúi giục công dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện quy trình ra thông báo chấm dứt khiếu nại, tố cáo và thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý; trường hợp đã được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương, đặc biệt là trường hợp cố tình khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
- Sửa đổi, bổ sung đầy đủ biểu mẫu về giải quyết khiếu nại, tố cáo; sổ theo dõi công tác giải quyết khiếu nại; các biểu mẫu báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Cần có văn bản hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương về những vấn đề pháp luật đã quy định nhưng chưa rõ ràng để áp dụng thống nhất
Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định trường hợp thu hồi quyết định thi hành án là bao gồm cả thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự.
Đối với khiếu nại văn bản, hành vi của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bao gồm: Khiếu nại thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại, trả lời đơn; khiếu nại chậm giải quyết khiếu nại; không thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cần hướng dẫn không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà có công văn trả lời đương sự nội dung khiếu nại không thuộc trường hợp được giải quyết khiếu nại theo Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Trường hợp đối tượng tố cáo bị thu hồi, hủy bỏ (quyết định về thi hành án) trước và trong khi người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có xem xét, giải quyết tố cáo cần xác định, nếu hành vi ban hành quyết định về thi hành án đã bị thu hồi, hủy bỏ là hành vi vi phạm pháp luật thì phải giải quyết tố cáo theo quy định.
3. Tập huấn nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Hướng dẫn việc áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục;
- Vấn đề hiểu thế nào là người liên quan được quyền khiếu nại;
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chỉ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về trình tự, thủ tục thi hành án; không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại thông báo không thụ lý khiếu nại, khiếu nại công văn hướng dẫn nghiệp vụ...
Ngoài ra, hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đang nghiên cứu đề tài cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự”. Kết quả nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn của hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; là nguồn tham khảo cho các cơ quan trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; góp phần bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng.
Tổng cục Thi hành án dân sự