Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh rất quan tâm và xác định đây là một trong những nhiệm vụ nhằm đảm bảo hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở địa phương. Thông qua bài viết, tác giả đã đi sâu phân tích thực trạng công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
1. Thực trạng công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quan tâm và xác định đây là một trong những nhiệm vụ nhằm đảm bảo hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở địa phương. Trong thời gian qua, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục như:
Thứ nhất, đối với việc chọn lĩnh vực thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trên cơ sở quy định pháp luật, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn lĩnh vực theo dõi gồm: Lĩnh vực theo dõi trọng tâm liên ngành; lĩnh vực theo dõi trọng tâm của Bộ Tư pháp (thường 02 lĩnh vực); lĩnh vực trọng tâm của tỉnh; lĩnh vực theo dõi trọng tâm của tỉnh về quản lý xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mỗi năm, Ủy ban nhân dân tỉnh phải tiến hành theo dõi ít nhất 05 lĩnh vực. Việc trong năm phải tiến hành theo dõi nhiều lĩnh vực đã làm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương thiếu tập trung, dàn trải nhiều lĩnh vực, tốn kém nhiều tài nguyên nhưng hiệu quả không cao.
Thứ hai, về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Theo thống kê[1], hiện nay toàn tỉnh có 16 cán bộ làm công tác pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó có 14/16 cán bộ là kiêm nhiệm. Về trình độ chuyên môn thì trong 16 cán bộ phụ trách pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ có 08 cử nhân luật và 08 cử nhân chuyên ngành khác. Từ số liệu trên cho thấy, chất lượng công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức này còn thường xuyên bị thay đổi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Thứ ba, việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành: Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 12 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành, qua theo dõi nội dung của khoản này chỉ quy định việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành đối với Bộ Tư pháp; không quy định việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm đối với Ủy ban nhân dân các cấp. Do đó, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố gặp nhiều khó khăn khi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện thực hiện việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm.
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Để công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Một là, kết hợp lĩnh vực trọng tâm trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh để tiến hành theo dõi. Theo đó, hàng năm, ngoài theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành, lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn cùng một lĩnh vực trọng tâm trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tổ chức theo dõi. Việc lựa chọn cùng lĩnh vực để tổ chức theo dõi chung đã hạn chế việc tổ chức thành nhiều đoàn kiểm tra, theo dõi đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong một năm.
Từ đó, các hoạt động về quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm của tỉnh được tiến hành thống nhất, đồng bộ từ việc lập cơ sở dữ liệu các văn bản quy phạm pháp luật để theo dõi, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Các ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch chung của Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm lựa chọn các lĩnh vực theo dõi có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của các ngành, địa phương mình để theo dõi, đồng thời thực hiện theo dõi theo lĩnh vực chung của tỉnh để đưa vào Kế hoạch thực hiện.
Hai là, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý, kỹ năng xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Ngoài việc thường xuyên mời các báo cáo viên là các đồng chí của Cục Công tác phía Nam, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật những kiến thức cơ bản, chuyên sâu, trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tổng hợp, biên soạn và phát hành 03 quyển sổ tay nghiệp vụ gồm: Tài liệu nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tài liệu tìm hiểu pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính; tài liệu tìm hiểu pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Các tài liệu này được cấp phát miễn phí đến tất cả các cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh.
Ba là, bổ sung chỉ tiêu “Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” vào chỉ số cải cách hành chính. Trong thời gian qua, việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chưa được lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, mục đích của công tác theo dõi thi hành pháp luật, do đó chưa thường xuyên quan tâm đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Trong nhiều trường hợp, việc triển khai thực hiện chỉ là mang tính hình thức, đối phó với việc kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên mà chưa thực sự hướng tới mục đích của công tác theo dõi là phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật để kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, để tăng cường sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung chỉ tiêu “Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” vào chỉ số cải cách hành chính (lĩnh vực thể chế) đối với các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian tới.
Bốn là, kiểm tra công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật. Trên cơ sở quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh áp dụng các quy định mới ban hành quyết định kiểm tra công tác thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành. Theo đó, thành lập Đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm Đoàn Kiểm tra; trách nhiệm của Trưởng Đoàn Kiểm tra; quyền và trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra; nội dung kiểm tra… Tuy nhiên, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế tổ chức hội họp đông người, Sở Tư pháp chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi hình thức kiểm tra từ kiểm tra trực tiếp sang kiểm tra gián tiếp. Cụ thể là Đoàn Kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra thông qua báo cáo tự kiểm tra của các đơn vị gửi về. Trên cơ sở báo cáo các đơn vị gửi về, các thành viên Đoàn Kiểm tra sẽ có ý kiến và ban hành thông báo kết luận; đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Sở Tư pháp Tây Ninh
[1]. Báo cáo số 2652/BC-STP ngày 09/12/2019 của Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh báo cáo công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2019.