Abstract: Within the scope of this article, the author discusses the situation of people under the age of 18 committing property robbery in Ho Chi Minh City and proposes some prevention and control solutions.
1. Dẫn nhập
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nước ta, trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Diện tích tự nhiên của Thành phố là 2.095,01km2, chiếm hơn 6,36% diện tích cả nước, trong đó gồm: 442,13 km2 nội thành và 1.652,88 km2 ngoại thành với số dân lên tới 5.449.217 người, bằng 6,83% dân số của cả nước. Về mặt kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là một đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế trong vùng. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế của thành phố. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng người dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác đến học tập, làm việc, du lịch tăng theo từng năm… Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực lại kéo theo nhiều hệ lụy, tình hình phức tạp về an ninh trật tự.
2. Thực trạng tội phạm cướp tài sản do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, cả nước ghi nhận 76.972 vụ vi phạm pháp luật hình sự, bắt giữ và xử lý 112.789 đối tượng[1]. Trong đó, có 10.786 vụ người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hình sự, với 16.583 đối tượng; nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm 95%. Trong thời gian cùng kỳ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng ghi nhận 867 vụ vi phạm pháp luật hình sự do 1.143 đối tượng dưới 18 tuổi thực hiện[2]. Trong đó, án giết người 11 vụ, cướp tài sản 168 vụ, hiếp dâm - cưỡng dâm 08 vụ, cố ý gây thương tích 70 vụ, trộm cắp tài sản 125 vụ, cướp giật tài sản 195 vụ, mua bán, tàng trữ ma túy 17 vụ… Về độ tuổi, người dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi là 69,12%. Nam giới chiếm hơn 95%. Phân tích về trình độ văn hóa thì có 3,75% không biết chữ, tiểu học chiếm 29,33%, trung học cơ sở chiếm 46,51%, trung học phổ thông chiếm 20,41%. Trong số 884 đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, có đến 553 đối tượng đã bỏ học (chiếm 71,44%). Hành vi cướp tài sản do người dưới 18 tuổi thực hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thậm chí còn tạo ra màn kịch lấy tài sản của con nợ, chặn đường đánh người để những ai chứng kiến sẽ cho rằng là do mâu thuẫn, nhưng thực chất để cướp xe máy, hoặc giả vờ mua đồ tại tiệm tạp hóa rồi giật dây chuyền lúc chập choạng tối...
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác điều tra và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Tỷ lệ phá án đối với các vụ cướp, cướp giật tài sản luôn ở tỷ lệ khoảng 89% đến 92%. Quy trình điều tra, truy tố, xét xử với người dưới 18 tuổi được lực lượng chức năng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật cũng như những quy định đặc biệt, mang tính đặc thù. Đồng thời, hiện nay, Việt Nam đã thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên là những bước thay đổi rất lớn về quá trình tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội[3].
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp, giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Công trình Thanh niên Công an Thành phố Hồ Chí Minh về giáo dục, giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ… Tuy nhiên, tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm và đôi lúc có chiều hướng còn gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm cướp tài sản do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua gia tăng. Tuyên nhiên, chủ yếu tập trung ở một số vấn đề sau:
- Gia đình là tế bào của xã hội, đồng thời có những ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em. Qua khảo sát thực tiễn, đa số người dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội nói chung và người dưới 18 tuổi có hành vi cướp tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế. Cha, mẹ vì cuộc sống mưu sinh nên không có thời gian để quan tâm, quản lý, giáo dục, tìm hiểu về nhu cầu, tâm lý của của người dưới 18 tuổi. Nhiều trường hợp gia đình của người dưới 18 tuổi thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình, cha mẹ ly hôn… nên đã bị các phần tử xấu lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm tội. Khi những bậc làm cha, làm mẹ nhận ra mình quá thờ ơ trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình thì hậu quả đau lòng cũng đã xảy ra, trong khi con em họ còn quá nhỏ để gánh chịu những hậu quả pháp lý nặng nề.
- Nhà trường là nơi tổ chức rèn luyện tri thức, góp phần giáo dục và hình thành nhân cách của mỗi con người. Do đó, nhà trường đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng ngừa người dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số trường do bệnh thành tích nên đã thờ ơ với những sai phạm của học sinh. Thậm chí, trong lớp, nếu có xuất hiện học sinh cá biệt thì giáo viên cũng “rất ngại” vì có thể ảnh hưởng đến thành tích của cả lớp dẫn đến có xu hướng mong muốn chuyển học sinh cá biệt này đi chỗ khác mà chưa có phương pháp uốn nắn, giáo dục. Đồng thời, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên trong việc quản lý, giáo dục, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các em có biểu hiện vi phạm pháp luật…
- Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp; môi trường xã hội không lành mạnh[4], tác động của sự du nhập của văn hóa, phim ảnh bạo lực và tệ nạn ma túy, cờ bạc, lối sống thực dụng, hưởng thụ, đã ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của Internet, đa số người dưới 18 tuổi đều dễ dàng tiếp cận với các trang mạng xã hội chưa được sàng lọc, còn đăng nhiều ấn phẩm văn hóa đồi trụy dẫn đến hệ lụy gây tâm lý tò mò, kích động, muốn khám phá cái mới, làm sai lệch chuẩn mực đạo đức, xã hội, muốn khám phá bản thân, muốn trở thành “người lớn” dẫn đến suy nghĩ và hành động tình dục lệch lạc. Đồng thời, cũng thông qua các ứng dụng mạng xã hội, các đối tượng phạm tội có thể dễ dàng kết bạn, làm quen với đối tượng phạm tội; chúng thường nhắm vào các đối tượng thiếu khả năng tự kiềm chế hành vi và trình độ nhận thức để lôi kéo, dụ dỗ.
- Sự phối hợp giữa lực lượng Công an với gia đình, nhà trường và chính quyền các cấp ở một số nơi thời gian qua chưa được nhịp nhàng, dẫn đến những điểm còn hạn chế trong công tác phối hợp, một số đơn vị còn cho rằng, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện là trách nhiệm của lực lượng công an nên chưa có sự chuẩn bị chu đáo và quan tâm đúng mức đối với công tác này.
- Thời gian qua, việc lắp đặt hệ thống camera an ninh trên một số tuyến phố đã mang lại hiệu quả thiết thực và hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan công an trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa tội cướp tài sản nói riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng camera an ninh được lắp đặt trên địa bàn Thành phố chưa nhiều, chỉ tập trung trên một số địa bàn trung tâm, tuyến phố chính; chưa tạo nên một hệ thống dữ liệu kết nối đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều tra, phá án.
3. Một số giải pháp phòng, chống
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi nói chung và tội phạm cướp tài sản nói riêng. Theo tác giả, cần tiến hành một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi thông qua các kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm nhằm đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó, cần nắm chắc diễn biến tình hình; chủ động triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp kịp thời, quyết liệt các loại tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ hai, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, liên quan đến người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi cướp tài sản nói riêng, xác định đây là giải pháp “xuyên suốt, trọng tâm, đột phá” phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi nói riêng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người chưa thành niên nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.
Thứ ba, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện của lực lượng Công an các cấp đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến người chưa thành niên. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm. Nâng cao tỷ lệ điều tra, trong đó tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm liên quan đến người chưa thành niên, nhất là điều tra bắt giữ nhanh đối tượng gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm để xử lý nghiêm, tạo sự răn đe, phòng ngừa chung.
Thứ tư, tăng cường lắp đặt, sử dụng hiệu quả hệ thống camera an ninh phục vụ tốt công tác bỏ đảm ninh trật tự trên địa bàn, hỗ trợ phòng ngừa hành vi cướp tài sản. Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì triển khai việc lắp đặt, vận hành toàn diện hệ thống camera giám sát an ninh bảo đảm tất cả các tuyến, khu vực, ngõ, hẻm đều được theo dõi, quan sát. Tiến hành kết nối dữ liệu về Trung tâm thông tin chỉ huy Công an Thành phố, Cảnh sát 113, Trung tâm giám sát camera của Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng trực ban Công an các quận, huyện; bố trí cán bộ theo dõi, giám sát thường xuyên 24/24 nhằm nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tiến hành phân loại tình huống xử lý, kịp thời phát hiện, nhận diện các đối tượng nghi vấn.
Thứ năm, gia đình cần quan tâm, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho con em mình ngay từ khi còn nhỏ. Bởi giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa là giáo dục cách làm người, cách đối nhân xử thế, giáo dục cách sống tốt đẹp, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội. Từ đó, sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội. Bên cạnh đó, gia đình cần bồi dưỡng, giáo dục pháp luật để người dưới 18 tuổi nhận thức đúng và có kiến thức, hiểu biết về pháp luật.
Thứ sáu, hình ảnh của các thầy, cô giáo có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách, trạng thái tâm lý của học sinh. Do đó, các nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh. Làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện cho các em chấp hành kỷ luật với ý thức từ thấp đến cao, tạo thành ý thức tự giác cho các em ngay từ khi còn nhỏ, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện.
Thứ bảy, công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc người dưới 18 tuổi ngoài gia đình và nhà trường cũng cần có sự chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền; sự chung tay, phối hợp của các sở, ban ngành, các đoàn thể xã hội có liên quan. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật, lý tưởng cách mạng, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước đến đối tượng thanh thiếu niên; tạo nhiều sân chơi, việc làm lành mạnh, bổ ích. Mặt khác, cần tuyên truyền hướng dẫn cho quần chúng nhân dân nắm, nhận dạng được một số loại tội phạm phổ biến mà lứa tuổi này thường hay phạm phải như: Các tội về xâm hại tình dục, cướp giật, trộm cắp, mua bán ma túy… để nhân dân có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bảo vệ chính con em của mình.
ThS. Lê Ngọc Ngọ
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Nguồn tổng hợp từ website của Bộ Công an, https://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/thong-ke.aspx?Cat=101.
[2]. Nguồn tổng hợp từ Báo cáo năm của Công an Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2020 đến cuối năm 2022.
[3]. Đặng Văn Cường, Tội phạm là người chưa thành niên và các giải pháp hạn chế, https://lsvn.vn/toi-pham-la-nguoi-chua-thanh-nien-va-cac-giai-phap-han-che1664379544.html, truy cập ngày 28/9/2022.
[4]. Đặng Văn Cường, Nguyên nhân tội phạm ngày càng trẻ hóa và các giải pháp phòng ngừa, https://www.vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/nguyen-nhan-toi-pham-ngay-cang-tre-hoa-va-cac-giai-d10-t9836.html, truy cập ngày 30/6/2022.