Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và hiệu quả cao của việc ứng dụng nó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đang được mọi người quan tâm và áp dụng. Bắt kịp xu hướng này, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã được quan tâm hơn như việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các cổng thông tin, trang thông tin điện tử; đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trực tuyến; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; sử dụng mạng xã hội qua ứng dụng facebook, fanpage... Nhờ vậy, đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận với thông tin về pháp luật; khai thác, sử dụng pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người dân.
1. Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả tác động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Trong thời gian qua, hầu hết hoạt động điều tra, khảo sát được thực hiện bằng hình thức truyền thống, có nghĩa là “phiếu khảo sát” bằng giấy, phát trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính đến các đối tượng được khảo sát. Tương tự, cơ quan tiến hành khảo sát sẽ thu thập lại phiếu khảo sát bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính. Việc tổng hợp thông tin khảo sát thu thập được cũng tiến hành thủ công.
Trước đây, các hoạt động điều tra, khảo sát tại tỉnh Gia Lai cũng tiến hành bằng phương pháp trên, chẳng hạn: Hoạt động điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khảo sát hiệu quả sử dụng tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở thôn, làng, khu dân cư… Hình thức thực hiện như sau: (i) Việc điều tra, khảo sát được tiến hành bằng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp thông qua phiếu điều tra, khảo sát; (ii) Đoàn điều tra, khảo sát đến cơ quan, đơn vị, cá nhân được điều tra, khảo sát, giải thích các tiêu chí trong phiếu điều tra, khảo sát và đề nghị đối tượng được điều tra, khảo sát điền thông tin vào phiếu; (iii) Tiến hành tổng hợp, phân tích kết quả điều tra, khảo sát thông qua phần mềm nhập thông tin, xử lý và tổng hợp số liệu; đồng nghĩa với việc người khảo sát phải nhập thông tin thu thập được từ đối tượng khảo sát vào phần mềm để xử lý. Như vậy, với cách thức thực hiện trên, việc điều tra, khảo sát tốn khá nhiều chi phí và thời gian, nguồn nhân lực để triển khai.
Nhằm triển khai hiệu quả Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Thông tư số 03/2018/TT-BTP); Kế hoạch số 1857/KH-UBND ngày 23/8/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Kế hoạch số 1857/KH-UBND); Nhằm tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và chi phí (in ấn mẫu phiếu, xăng xe đi lại, công tác phí, phí điền mẫu cho người được khảo sát…), thì cần thiết có giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để thực hiện được giải pháp này cần triển khai một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần tham mưu lãnh đạo phê duyệt đề xuất cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo , đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai và tham mưu lãnh đạo sở ban hành quyết định thành lập đoàn khảo sát. Đoàn khảo sát được thành lập như thành lập đoàn khảo sát thông thường khác, tuy nhiên thành viên đoàn khảo sát phải đáp ứng được tiêu chí có trình độ công nghệ thông tin thiết lập mẫu phiếu trên hệ thống và quản trị các trang web để thiết kế pano và dẫn đường link khảo sát lên trang web.
Thứ hai, xây dựng phương án khảo sát và mẫu phiếu khảo sát phải đảm bảo các mục tiêu sau:
- Đánh giá toàn diện mức độ tự học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật; mức độ hiểu biết pháp luật; mức độ hài lòng về chất lượng hoạt động PBGDPL của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân; tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do không hiểu biết pháp luật.
- Việc khảo sát được thực hiện toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; xác định cụ thể phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức khảo sát.
- Việc khảo sát phải được tiến hành nghiêm túc, khách quan, đúng nội dung phương án khảo sát đề ra.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL trên phạm vi toàn tỉnh bằng việc sử dụng ứng dụng Forms (Biểu mẫu) trên nền Google Docs (tài liệu) được đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Gia Lai (http://pbgdpl.gialai.gov.vn) và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai (http://stp.gialai.gov.vn).
- Tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện công tác PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.
- Trên cơ sở kết quả khảo sát, đề xuất hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấm điểm, đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thứ ba, cập nhật phiếu khảo sát lên ứng dụng và dẫn đường link đăng tải lên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp; Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Gia Lai: Việc cập nhật phiếu khảo sát phải bảo đảm tính chính xác với nội dung đã được phê duyệt, chọn cách trình bày đơn giản, dễ sử dụng nhất trong các kiểu trình bày có sẵn của ứng dụng để dễ dàng áp dụng đối với đối tượng là người dân khi tham gia khảo sát.
Thứ tư, truyền thông về hoạt động khảo sát và xử lý, thu thập, phân tích số liệu, biểu đồ, thông tin khảo sát trực tiếp trên hệ thống, tổng hợp kết quả khảo sát đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2020.
Thứ năm, xây dựng báo cáo trình lãnh đạo ban hành.
Với những tiện ích trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng công cụ Google Form là rất thiết thực và đạt hiệu quả giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn cho Nhà nước, không xảy ra tình trạng phiếu không hợp lệ; không sửa chữa hay tẩy xóa được nội dung khảo sát; giảm bớt được thời gian và công sức trong việc tổng hợp phân tích số liệu và đưa ra được kết quả khách quan, toàn diện nhất.
2. Kết quả đạt được
Năm 2020, tỉnh Gia Lai đã tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL. Trên cơ sở phương án khảo sát, mẫu phiếu khảo sát được xây dựng với 30 câu hỏi, trong đó 05 câu hỏi về thông tin người tham gia khảo sát và 25 câu hỏi bám sát Thông tư số 03/2018/TT-BTP và Kế hoạch số 1857/KH-UBND để đánh giá toàn diện mức độ tự học tập, chủ động tìm hiểu pháp luật; mức độ hiểu biết pháp luật; mức độ hài lòng về chất lượng hoạt động PBGDPL; tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do không hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân để triển khai thực hiện hiệu quả.
Hoạt động khảo sát được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, mẫu phiếu khảo sát được cập nhật lên ứng dụng Forms (Biểu mẫu) trên nền Google Docs (tài liệu) được đăng tải trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Gia Lai (http://pbgdpl.gialai.gov.vn) và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai (http://stp.gialai.gov.vn).
Đoàn khảo sát tiến hành khảo sát từ ngày 15/9/2020 đến ngày 30/9/2020. Cuộc khảo sát được tiến hành với quy mô diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh; áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và người dân trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố. Và mang lại kết quả rất khả quan:
- Theo phương án khảo sát đề ra số phiếu tham gia khảo sát tối thiểu là 542 phiếu, tuy nhiên đến hết ngày 30/9/2020 tổng số phiếu thu được là 1.524 phiếu tham gia khảo sát, kết quả trên cho thấy các đối tượng tham gia khảo sát thông qua ứng dụng công nghệ thông tin rất tích cực tham gia, vượt chỉ tiêu gần 300% so với phương án đề ra, cụ thể: Phiếu CBCCVC-NLĐ thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh vượt mức tối thiểu 467 phiếu chiếm 399%; phiếu CBCCVC-NLĐ thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, cấp xã vượt mức tối thiểu 422 phiếu chiếm 248%; phiếu người dân vượt mức tối thiểu 129 phiếu chiếm 50,5%.
- Với hoạt động khảo sát tiến hành rộng rãi, toàn diện thông qua môi trường mạng. Người dùng có thể chạy chương trình trực tiếp thông qua link của Google hoặc có thể vào trang web bằng cách sử dụng trên thiết bị máy tính và smart phone nên có thể dễ dàng sử dụng ở tất cả mọi nơi. Thao tác tạo đường link này cùng rất dễ dàng, nhanh chóng. Người dùng hoàn toàn có thể gửi mẫu phiếu khảo sát bằng đường link có sẵn trên đến đối tượng được khảo sát thông qua các trang web, gmail, zalo, facebook… Kết quả khảo sát mang tính khách quan hơn, bởi kết quả được ghi nhận trực tiếp trên phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, không thể tẩy xóa hay sửa chữa được.
- Việc thu thập thông tin, biểu đồ, tỉ lệ % được ứng dụng phân tích sẵn, do đó công tác tổng hợp, phân tích số liệu, biểu đồ trở nên dễ dàng hơn, giảm tối đa tình trạng nhầm lẫn thường gặp ở phương pháp thủ công, giúp công tác tổng hợp được chính xác, toàn diện hơn, kèm theo tiết kiệm được thời gian. Công sức và chi phí lớn đối với việc chi trả các khoản như photo phiếu khảo sát, công tác phí, xăng xe đi lại cho đoàn khảo sát, thù lao cho người tham gia khảo sát tính trên mỗi phiếu khảo sát…
Với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng cách sử dụng một trong ứng dụng Forms (Biểu mẫu) miễn phí của Google để xây dựng mẫu phiếu khảo sát trên nền Google Docs (tài liệu) đã giúp cho việc triển khai hiệu quả Thông tư số 03/2018/TT-BTP; Kế hoạch số 1857/KH-UBND thiết thực và đạt hiệu quả, giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn cho Nhà nước, giảm bớt được thời gian và công chức cho đoàn khảo sát trong việc tổng hợp phân tích số liệu và đưa ra được kết quả khách quan, toàn diện nhất.
Mong rằng trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khảo sát, đánh giá hiệu quả tác động của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và các hoạt động khảo sát nói chung được triển khai rộng rãi và hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai