Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bài viết đề xuất hướng giải quyết mới cho việc xác định lại cấu trúc quy phạm pháp luật phù hợp với định nghĩa của quy phạm pháp luật theo quan điểm hiện hành, đồng thời đề xuất thay đổi định nghĩa quy phạm pháp luật nhằm tạo sự thống nhất về mặt lý luận giữa định nghĩa, cấu thành và phân loại quy phạm pháp luật.
Abstract: This article points out the inadequacies existing in the current opinions related to legal norms, especially the inconsistency between the definition, structure and classification of legal norms. Based on the analysis about causes of these conflicts, the article redetermines the structure of a legal norm in consistent with its current definition and proposes new solution for rebuilding the concept of legal norms to contribute to theoretical unity between the definition, structure and classification of legal norms.
1. Về định nghĩa quy phạm pháp luật
Khi bàn về khái niệm QPPL, đa số các nhà khoa học bắt đầu từ việc giải thích từ “quy phạm”. Quy phạm trong tiếng Latinh là “khuôn mẫu”, “mực thước” hay “quy tắc”. Trên cơ sở đó, phân tích mối quan hệ tương tác cũng như sự khác biệt giữa QPPL và các quy phạm xã hội khác như quy phạm tôn giáo, đạo đức, tập quán. Từ cách thức tiếp cận ấy, các tác giả định nghĩa QPPL[1].
Mặc dù vậy, khoa học pháp lý nước ta vẫn chưa xây dựng được khái niệm thống nhất về QPPL. Theo Giáo trình lý luận về Nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2015 thì QPPL là quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện để điều chỉnh quan hệ xã hội nhằm đạt được những mục đích nhất định[2]. Theo tác giả Đinh Văn Mậu và Phạm Hồng Thái thì QPPL là quy tắc hành vi, có tính bắt buộc chung, được biểu thị bằng hình thức nhất định, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo, nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội[3]. Theo tác giả Phan Trung Hiền thì QPPL là quy tắc xử sự chung có tính bắt buộc do Nhà nước ban hành hoặc công nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội[4]. Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm QPPL được ghi nhận trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như sau: QPPL là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong luật này ban hành và được Nhà nước đảm bảo thực hiện[5]. Tuy có một số điểm khác biệt, nhưng nhìn chung các định nghĩa trên đều đưa ra được ba đặc điểm cơ bản về QPPL: (i) Là quy tắc xử sự chung hay là khuôn mẫu, chuẩn mực cho hành vi của con người; (ii) Do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện; (iii) Nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Như vậy, các định nghĩa trên đều xem QPPL là quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu, chuẩn mực cho hành vi của con người. Là quy tắc cho hành vi của con người do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận nên thông qua việc điều chỉnh hành vi của con người, QPPL có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đây là quan điểm đang được chấp nhận một cách phổ biến trong khoa học pháp lý ở Việt Nam. Mặc dù vậy, khi đề cập đến cấu thành và phân loại QPPL thì các đặc điểm nêu trên, thông thường đặc điểm “quy tắc xử sự chung” trong định nghĩa QPPL thường bị bỏ quên.
2. Về cấu thành của quy phạm pháp luật
Có nhiều quan điểm khác nhau về cấu thành của QPPL nhưng có thể chia thành hai nhóm quan điểm chính:
2.2. Nhóm quan điểm thứ nhất
Quan điểm truyền thống cho rằng QPPL được cấu thành bởi ba bộ phận: Giả định, quy định và chế tài[6]. Trong đó, giả định nêu lên chủ thể pháp luật, điều kiện, hoàn cảnh hoặc tình huống mà chủ thể có thể gặp phải; quy định nêu lên quyền và nghĩa vụ của chủ thể ở giả định hay nêu lên quy tắc xử sự, mệnh lệnh của Nhà nước mà chủ thể ở giả định phải theo; còn chế tài xác lập các biện pháp tác động mang tính bất lợi của Nhà nước đối với chủ thể ở giả định khi chủ thể này không tuân đúng theo yêu cầu của Nhà nước ở bộ phận quy định.
Xuất phát từ quan điểm truyền thống, một số tác giả khác cho rằng, QPPL vẫn được cấu thành bởi ba bộ phận: Giả định, quy định nhưng mở rộng bộ phận chế tài thành bộ phận “bảo đảm”, hoặc bộ phận “thưởng phạt”[7], vì cho rằng ngoài biện pháp phổ biến nhất là chế tài thì còn có khen thưởng hoặc biện pháp khác[8], nhằm đảm bảo cho ý chí, mệnh lệnh của Nhà nước được thực hiện nghiêm. Có ý kiến phản biện rằng, phần khen thưởng chính là bộ phận quy định vì nó nêu lên quyền của chủ thể ở giả định - quyền được khen thưởng, vì vậy không nhất thiết phải mở rộng chế tài thành bộ phận bảo đảm để chứa đựng khen thưởng. Tuy nhiên, phân tích kỹ ta thấy khen thưởng khác với quy định ở chỗ chủ thể ở giả định không thể tự mình hoặc thông qua người đại diện thực hiện mà phải do Nhà nước thực hiện. Đây chính là lý do để các nhà nghiên cứu cho rằng nên mở rộng bộ phận chế tài thành bộ phận bảo đảm nhằm chứa đựng cả khen thưởng và các biện pháp khác từ phía Nhà nước.
Khi cho rằng QPPL được cấu thành bởi cả ba bộ phận giả định, quy định và chế tài (hoặc bảo đảm), quan điểm này đã nhận thấy vai trò của từng bộ phận và mối quan hệ giữa chúng. Đặc biệt, với các bộ phận cấu thành như trên thì QPPL sẽ thỏa mãn đầy đủ các đặc điểm được chấp nhận phổ biến trong định nghĩa của QPPL như đã đề cập. Tuy nhiên, vướng mắc của quan điểm này chính là việc cho rằng trên thực tế thường không tìm thấy các QPPL được cấu thành bởi đầy đủ ba bộ phận trên mà phổ biến là một trong ba trường hợp sau đây: QPPL chỉ có quy định; QPPL gồm giả định và quy định; hoặc QPPL gồm giả định và chế tài[9]. Đồng quan điểm trên, một tác giả cũng đã trình bày rằng: Về lý thuyết, mặc dù QPPL xác lập khuôn mẫu, mô hình cho hành vi của con người được cấu thành bởi ba bộ phận có liên quan chặt chẽ, thống nhất với nhau là giả định, quy định và chế tài nhưng trong thực tế, ba bộ phận này rất hiếm thấy được thể hiện đồng thời trong từng quy phạm pháp luật[10]. Theo tác giả, vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng về cấu thành của QPPL mà nhóm quan điểm này gặp phải chính là sự không phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Lý luận cần được khái quát hóa từ thực tiễn, để khi vận dụng vào thực tiễn cần có sự phù hợp và nếu có ngoại lệ thì phần ngoại lệ phải là thiểu số.
2.2. Nhóm quan điểm thứ hai
Nhóm quan điểm này cho rằng QPPL được cấu thành bởi hai bộ phận. Theo Giáo trình Luật Hiến pháp trường Đại học Luật Hà Nội thì hầu hết các QPPL Hiến pháp chỉ có hai bộ phận là giả định và quy định mà không nhất thiết phải có bộ phận chế tài[11]. Trong khi đó, các tác giả nghiên cứu về cấu thành của QPPL hình sự thì được cho rằng, QPPL chỉ có giả định và chế tài còn bộ phận quy định thì được ẩn đi vì có thể được hiểu ngầm[12]. Tương tự quan điểm trên, theo Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của trường Đại học Luật Hà Nội thì QPPL được cấu thành bởi hai bộ phận giả định và chỉ dẫn, trong đó bộ phận chỉ dẫn có thể là chỉ dẫn cho chủ thể ở giả định (quy định) hoặc chỉ dẫn cho người có thẩm quyền để áp dụng biện pháp tác động đối với chủ thể được nêu ở giả định (chế tài)[13]. Cũng nằm trong nhóm quan điểm này, theo tác giả Đinh Văn Mậu và Phạm Hồng Thái, QPPL được cấu thành bởi hai bộ phận đó là điều kiện tác động và hậu quả pháp lý, trong đó điều kiện tác động đóng vai trò của giả định, còn hậu quả pháp lý thì tùy theo từng QPPL mà có thể là quy định hoặc chế tài[14].
Nhóm quan điểm thứ hai này xem xét cấu thành QPPL dựa trên thực tế trình bày các QPPL trong giới hạn của một điều luật, góp phần làm cho cấu thành của QPPL phù hợp với thực tế thể hiện của chúng. Tuy nhiên, khi cho rằng QPPL chỉ có giả định và quy định thì đã bỏ qua đặc điểm được Nhà nước đảm bảo thực hiện của các QPPL. Khi đó, người tìm hiểu pháp luật sẽ gặp khó khăn trong việc xác định chính quy tắc xử sự (QPPL) hay điều luật không có bộ phận đảm bảo. Trường hợp cho rằng QPPL chỉ có giả định và chế tài thì đã bỏ qua đặc điểm QPPL là quy tắc xử sự chung, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và lúc này quy tắc xử sự đã biến thành quy tắc xử phạt. Đối với quan điểm cho rằng QPPL được cấu thành bởi hai bộ phận, giả định và chỉ dẫn, nếu bộ phận chỉ dẫn là chỉ dẫn cho chủ thể ở giả định thì sẽ rất hợp lý. Tuy nhiên, nếu bộ phận chỉ dẫn nêu lên quy tắc cho người có thẩm quyền áp dụng pháp luật thì cách cấu thành của QPPL như thế đã làm phá vỡ mối quan hệ giữa giả định và chỉ dẫn vì chủ thể được giả định và chủ thể được chỉ dẫn là khác nhau. Tương tự, đối với quan điểm cho rằng cấu thành QPPL gồm điều kiện tác động và hậu quả pháp lý, quan điểm này có điểm không phù hợp, đó là khi cho rằng hậu quả pháp lý chính là ý chí của Nhà nước trong việc xây dựng cách cư xử mẫu cho chủ thể ở giả định. Sự không phù hợp có lẽ sẽ tăng lên trong trường hợp ý chí này không phải là cấm đoán, bắt buộc mà lại gợi ý hoặc cho phép chủ thể thực hiện một quyền nào đó.
3. Về phân loại quy phạm pháp luật
Liên quan đến việc phân loại QPPL, các tác giả đưa ra rất nhiều tiêu chí để tiến hành phân loại. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự không thống nhất về mặt lý luận giữa tiêu chí phân loại với định nghĩa và cấu thành của QPPL.
Dựa vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh để chia QPPL theo các ngành luật bao gồm QPPL Hiến pháp, QPPL hành chính, QPPL hình sự…[15]. Cách phân loại này đã gây mâu thuẫn với định nghĩa của QPPL, để đảm bảo thỏa mãn các điều kiện của QPPL theo như định nghĩa thì cấu thành của QPPL thường được chứa đựng trong các văn bản QPPL thuộc các ngành luật khác nhau. Tính chất “xuyên ngành luật” của QPPL sẽ được làm rõ trong phần tiếp theo của bài viết.
Dựa vào nội dung của QPPL để chia QPPL thành QPPL điều chỉnh và QPPL bảo vệ. Trong đó, QPPL bảo vệ có nội dung xác định các biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước cho phép áp dụng đối với chủ thể vi phạm. Với nội dung trên, QPPL bảo vệ sẽ không thỏa mãn định nghĩa của QPPL là quy tắc xử sự chung cũng như không có được dấu hiệu cơ bản của QPPL là điều chỉnh các quan hệ xã hội. Một khi đã xem QPPL là quy tắc xử sự theo như định nghĩa thì bất kỳ QPPL một cách đương nhiên sẽ có được chức năng điều chỉnh hành vi của con người. Như vậy, mọi QPPL phải là QPPL điều chỉnh chứ không thể chỉ có một loại QPPL điều chỉnh riêng biệt để phân biệt với loại QPPL bảo vệ.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên còn chỉ ra một loại QPPL khác được gọi là QPPL chuyên môn. QPPL này có đặc tính là không đưa ra quy tắc xử sự mang tính chất ràng buộc chung, mà chỉ có tác dụng nhằm đảm bảo hiệu lực của các loại QPPL khác[16]. Quan điểm này chỉ ra rằng loại QPPL chuyên môn thường nêu định nghĩa các khái niệm (QPPL định nghĩa), các nguyên tắc chính trị pháp lý (QPPL nguyên tắc hoặc tuyên bố), hay cố định một trạng thái được xác định của xã hội (QPPL định hình tổng quan)[17]. Theo tác giả bài viết, trong cách phân loại này, chủ thể phân loại đã bỏ qua đặc điểm quan trọng trong định nghĩa của QPPL rằng “QPPL là quy tắc xử sự”. Chiếu theo định nghĩa, một điều, khoản trong các văn bản QPPL mà không nêu lên quy tắc xử sự thì không phải là QPPL. Ví dụ các phần giải thích từ ngữ như “công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”[18] hoặc các tuyên bố trong Hiến pháp “Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội”[19] hoặc nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[20] chỉ là các điều, các khoản trong một văn bản QPPL vì chúng không chứa đựng bất kỳ bộ phận cấu thành nào của QPPL từ giả định, quy định hay bảo đảm.
4. Nguyên nhân sự không thống nhất giữa định nghĩa, cấu thành và phân loại quy phạm pháp luật
Các mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình định nghĩa, xác định cấu thành và phân loại QPPL nêu trên ở những mức độ khác nhau đều có nguyên nhân từ sự “nhập nhằng” giữa QPPL với các điều, khoản trong các văn bản QPPL. QPPL là quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, là nội dung bên trong của pháp luật. Ở nước ta, các quy tắc này được thể hiện ra bên ngoài chủ yếu thông qua các khoản, các điều luật trong các văn bản QPPL với cách thức dùng điều luật để thể hiện nội dung của QPPL hết sức đa dạng. Một điều luật có thể chứa đựng một hoặc nhiều QPPL tùy thuộc vào mức độ liên quan của các QPPL hoặc nhiều điều luật thuộc các văn bản QPPL khác nhau được dùng để thể hiện một hoặc nhiều QPPL. Để làm rõ sự khác biệt giữa QPPL và các điều, khoản của các văn bản QPPL trong điều kiện của hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay, có hai yếu tố nên xem xét:
Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau có chức năng khác nhau
Hiến pháp là văn bản QPPL có giá trị pháp lý cao nhất, là đạo luật gốc, chịu trách nhiệm đưa ra quy tắc hoặc quy tắc xử sự mang tính nguyên tắc, cơ bản. Hiến pháp cần sự ổn định lâu dài ,vì vậy sẽ không chứa đựng các biện pháp đảm bảo cho bộ phận quy định được thực hiện, các biện pháp đảm bảo cho các quy tắc xử sự trên được dẫn chiếu đến các văn bản khác. Ví dụ, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”[21]. Nếu tìm chế tài thì rõ ràng điều luật trên không có chế tài, còn quy tắc xử sự đã là công dân thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không thể nào thiếu chế tài. Chế tài phạt tiền về hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự, không có mặt đúng thời gian và địa điểm tại nơi sơ tuyển… được quy định trong nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và nếu đã bị xử lý hành chính về một trong các hành vi trên mà còn vi phạm thì có thể bị khởi tố hình sự về tội trốn nghĩa vụ quân sự.
Bộ luật Hình sự có chức năng là xác định hành vi nào là tội phạm và đưa ra hình phạt tương xứng cho từng hành vi. Do đó, các điều luật trong phần riêng của Bộ luật Hình sự nhìn chung được thiết lập theo cấu trúc: Giả định về một hành vi (tội phạm) và chế tài (hình phạt). Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét tiêu chí “quy tắc xử sự” trong định nghĩa QPPL thì các điều luật trong phần riêng của Bộ luật Hình sự không thỏa mãn nên khó có thể xem chúng là QPPL. Các điều luật trong phần riêng của Bộ luật Hình sự chỉ đưa ra quy tắc xử phạt và vì vậy không thể thực hiện được chức năng điều chỉnh vốn có của các QPPL. Có thể cho rằng hành vi của chúng ta không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự mà đang chịu sự điều chỉnh của các văn bản QPPL khác từ Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự… và khi nào chúng ta vi phạm các quy tắc xử sự trong các văn bản trên với mức độ đáng kể thì sẽ gánh chịu biện pháp chế tài của Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, thông lệ làm luật không chế tài (bộ phận đảm bảo) ở nước ta hiện nay
Về nguyên tắc, không chỉ riêng QPPL mà các quy tắc xử sự khác trong xã hội như tập quán, tôn giáo hay nội quy của nhà trường đều cần có biện pháp để bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, kỹ thuật lập pháp của nước ta hiện nay thường tách rời “phần quy định” với “phần bảo đảm”. Hầu hết các điều luật trong văn bản luật ở nước ta chỉ đưa ra quy tắc xử sự không bao gồm biện pháp bảo đảm cho các quy tắc đó. Các văn bản luật thông thường có điều khoản riêng hoặc thậm chí có một chương riêng dẫn chiếu đến văn bản khác về việc khen thưởng và xử lý vi phạm. Cụ thể, Chương VII Luật Tố cáo năm 2011 quy định: “Cá nhân, tổ chức nào có thành tích trong việc giải quyết tố cáo… thì được khen thưởng về vật chất hoặc tinh thần, cá nhân, tổ chức vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, bộ phận khen thưởng hoặc xử lý nhằm bảo đảm việc thực hiện các quy tắc xử sự ở văn bản luật thường được dẫn chiếu đến các văn bản QPPL thuộc các ngành luật khác nhau, từ hành chính, hình sự đến dân sự. Điều này cho thấy QPPL có tính chất “xuyên ngành luật”.
Việc tách bộ phận bảo đảm khỏi bộ phận quy định của QPPL góp phần nâng cao tính ổn định của pháp luật, đặc biệt là kéo dài đời sống pháp lý của các văn bản luật. Bộ phận quy định chứa đựng mệnh lệnh của Nhà nước nên tính ổn định thường cao hơn, được Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao hoạt động theo hình thức kỳ họp quy định trong các văn bản luật. Trong khi đó, bộ phận bảo đảm chủ yếu là chế tài với tính ổn định thấp, cần sự sửa đổi thường xuyên hơn nên trách nhiệm thường được giao về cho Chính phủ. Đặc biệt, do tính chất quan trọng của hình phạt có thể ảnh hưởng đến sự tự do, thậm chí tính mạng của con người nên chỉ có Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự mới có quyền xác định chế tài cho tất cả các hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể được cho là tội phạm. Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi hình thức thể hiện các QPPL bằng cách đặt bộ phận đảm bảo cạnh quy định trong cùng một điều luật[22]. Thực hiện điều này giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật dễ dàng, thuận tiện hơn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên, việc đặt chế tài và quy định trong cùng điều luật sẽ làm cho các văn bản luật cồng kềnh hơn, tính ổn định thấp, gây khó khăn trong việc quản lý chế tài, đặc biệt là hình phạt một khi chúng bị phân tán vào nhiều văn bản QPPL khác nhau.
5. Giải pháp
Để giải quyết những mâu thuẫn, bất cập trong mối quan hệ giữa định nghĩa, phân loại và cấu thành của QPPL, có thể tiến hành theo hai phương án:
5.1. Giữ nguyên định nghĩa quy phạm pháp luật và thay đổi quan điểm về cấu thành và phân loại quy phạm pháp luật
Giải quyết mâu thuẫn giữa các yếu tố trên trong điều kiện giữ nguyên định nghĩa QPPL với các đặc điểm đang được chấp nhận phổ biến trong sách, giáo trình và cả trong quy định của pháp luật thì theo tác giả cần thay đổi lý thuyết về cấu thành và phân loại QPPL.
5.1.1. Về cấu thành của quy phạm pháp luật
Trên cơ sở định nghĩa hiện hành của QPPL là quy tắc xử sự chung thì về nguyên tắc, một QPPL được cấu thành bởi bốn bộ phận: Giả định của quy định, quy định, giả định của bảo đảm và bảo đảm. Trong đó, có sự khác biệt giữa giả định của quy định và giả định của bảo đảm. Giả định của quy định là giả định tình huống mà chủ thể ở giả định rơi vào, để trên cơ sở đó Nhà nước đưa ra cách xử sự mẫu cho chủ thể ở giả định. Trong khi đó, giả định của bảo đảm là giả định về một hành vi mà chủ thể ở giả định đã thực hiện (hành vi làm trái hoặc làm tốt mệnh lệnh của Nhà nước ở bộ phận quy định như thế nào) để trên cơ sở đó Nhà nước đưa ra các biện pháp xử lý hoặc khen thưởng. Cụ thể, xem xét các điều luật trong phần riêng của Bộ luật Hình sự ta thấy chúng chứa đựng giả định hành vi và bộ phận bảo đảm là chế tài với các hình phạt tương ứng. Các giả định này không làm cơ sở cho việc đưa ra quy tắc xử sự vì vậy không phải là giả định của QPPL mà chỉ là giả định riêng cho phần chế tài. Đây chính là lý do để có thể cho rằng tội phạm không phải là hành vi trái pháp luật hình sự mà phải là hành vi hợp với pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, không nhất thiết mọi QPPL đều có đầy đủ bốn bộ phận cấu thành trên. Có những QPPL không cần đến bộ phận bảo đảm và vì thế cũng không cần giả định đi kèm. Đó có thể là những trường hợp mà bộ phận quy định trao quyền cho chủ thể hoặc trường hợp bộ phận quy định đưa ra nghĩa vụ nhưng nếu chủ thể không tuân theo thì sẽ mất một quyền pháp lý nào khác[23]. Mặt khác, đôi khi vì những lý do khách quan lẫn chủ quan, khi xây dựng các QPPL, Nhà nước lại thiếu những biện pháp bảo đảm cần thiết. Một số quy định mang tính thừa nhận truyền thống, đạo lý như con có bổn phận yêu quý, biết ơn cha, mẹ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng khó đưa ra chế tài vì có lẽ không thể xác định được thế nào là yêu thương, quý trọng hay biết ơn.
Hơn nữa, với kỹ thuật lập pháp ở nước ta hiện nay thì bốn bộ phận cấu thành trên thường không nằm chung trong cùng một điều luật của một văn bản QPPL. Tuy nhiên, nếu xem xét cách thức thể hiện QPPL ở nước ta trước đây sẽ thấy không ít trường hợp cả bốn bộ phận cấu thành của chúng đều được đặt chung trong một điều luật. Ví dụ: Điều 586 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, con nào còn sống thì hai nhà cùng cày, trái luật thì sẽ xử phạt 80 trượng”. Ở QPPL này, có cả hai loại giả định, giả định tình huống bao gồm “trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết, con nào còn sống” để quy định là “phải cùng ăn thịt” hoặc “cùng cày” và giả định hành vi là “trái luật” để làm cơ sở cho bộ phận bảo đảm, cụ thể là chế tài phạt 80 trượng. Bên cạnh đó, Điều 22 Sắc lệnh số 13 năm 1946 quy định: “Hôm phiên tòa, hai phụ thẩm đã chọn bắt buộc phải đến dự. Người nào vắng mặt, nếu không có duyên cớ chính đáng, sẽ bị phạt lần đầu từ 20 đồng đến 50 đồng; lần thứ nhì thì từ 50 đồng đến 100 đồng; lần thứ ba từ 100 đồng đến 200 đồng; ngoài ra lại có thể mất chức phụ thẩm”. Trong điều luật trên, “hôm phiên tòa, hai phụ thẩm đã được chọn” là giả định của quy định “bắt buộc phải đến dự”; “người nào vắng mặt, nếu không có duyên cớ chính đáng” là giả định hành vi để làm cơ sở cho bộ phận bảo đảm và tùy theo số lần vắng mặt được giả định mà Sắc lệnh đã đưa ra các mức xử lý khác nhau.
Xác định QPPL có bốn bộ phận cấu thành như trên sẽ phù hợp với định nghĩa QPPL được chấp nhận phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trong điều kiện kỹ thuật lập pháp ở nước ta hiện nay thì việc tìm kiếm, xác định các bộ phận cấu thành của QPPL không giới hạn trong một điều luật mà mở rộng ra cả hệ thống pháp luật là điều không mấy dễ dàng. Cụ thể, người nghiên cứu, tìm hiểu luật sẽ gặp khó khăn trong việc xác định rằng một QPPL nào đó thật sự không có bộ phận bảo đảm hay bộ phận bảo đảm được đặt trong một văn bản QPPL khác.
5.1.2. Về phân loại quy phạm pháp luật
Trong trường hợp giữ nguyên định nghĩa QPPL, muốn xóa bỏ mâu thuẫn giữa cách thức phân loại và định nghĩa QPPL thì cần phải thay đổi tiêu chí phân loại QPPL. Căn cứ phân loại QPPL được cho là phù hợp có thể kể đến đầu tiên là căn cứ vào cách thức đặt ra quy tắc xử sự để chia thành QPPL cấm đoán, QPPL bắt buộc, QPPL gợi ý và QPPL cho phép.
Căn cứ vào tiêu chí nội dung của QPPL để chia QPPL thành QPPL điều chỉnh và QPPL bảo vệ được cho là tạo ra sự mâu thuẫn với định nghĩa QPPL. Đối với cách phân loại thành QPPL bảo vệ, theo tác giả, chúng không phải là QPPL mà chỉ là một nửa của QPPL, bao gồm bộ phận giả định của bảo đảm và bộ phận bảo đảm nhằm giúp cho ý chí của Nhà nước trong bộ phận quy định đặt trong văn bản QPPL khác được thực hiện nghiêm. Đối với loại QPPL điều chỉnh thì theo chúng tôi, một khi QPPL được xem là quy tắc xử sự thì mọi QPPL đều là QPPL điều chỉnh.
Tiêu chí dựa vào ngành luật để chia thành QPPL dân sự, hình sự, Hiến pháp cũng là tiêu chí gây mâu thuẫn với định nghĩa và phân loại QPPL. Hầu hết các loại QPPL chia theo ngành luật này không thỏa mãn các đặc điểm cơ bản của QPPL liên quan đến tính chất xuyên ngành luật của QPPL hiện nay. Ví dụ, QPPL có bộ phận quy định đặt trong Hiến pháp hoặc văn bản luật nhưng chế tài nếu vi phạm nhẹ thì được ghi nhận trong ngành luật hành chính, còn khi vi phạm quy tắc xử sự ở mức độ nghiêm trọng thì chế tài chứa đựng trong ngành luật hình sự.
Cuối cùng, dựa vào thuộc tính đặc biệt của QPPL là không chứa đựng quy tắc xử sự, không tác động trực tiếp đến hành vi con người mà chỉ có tác dụng đảm bảo hiệu lực của các QPPL khác để phân thành loại QPPL chuyên môn bao gồm các QPPL định nghĩa, QPPL tuyên bố hay QPPL nguyên tắc. Tuy nhiên, chính các thuộc tính trên đã cho thấy loại QPPL chuyên môn như trên thật ra chúng không phải là QPPL vì không thỏa mãn các dấu hiệu của một QPPL theo định nghĩa. Vì vậy, các căn cứ phân loại gây mâu thuẫn với định nghĩa của QPPL hoặc thậm chí phủ nhận định nghĩa QPPL thì không nên được tiếp tục sử dụng.
5.2. Thay đổi định nghĩa quy phạm pháp luật
Để khắc phục những khó khăn trong việc tìm kiếm, tập hợp các bộ phận cấu thành của QPPL trong các văn bản QPPL khác nhau cũng như khắc phục việc phải loại bỏ nhiều tiêu chí phân loại mâu thuẫn với định nghĩa QPPL, chúng ta nên thay đổi định nghĩa QPPL thành “quy tắc do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận”. Định nghĩa này không đòi hỏi QPPL phải là quy tắc hành vi và vì vậy không nhất thiết phải nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mở rộng nội hàm của khái niệm để QPPL chỉ đơn thuần là quy tắc, trong đó có những quy tắc dưới dạng mệnh lệnh là quy tắc xử sự để điều chỉnh hành vi của con người. Ngoài ra còn quy tắc đảm bảo (bao gồm quy tắc xử phạt hay quy tắc khen thưởng) và có cả các quy tắc khác không là quy tắc hành vi như quy tắc suy đoán vô tội, các khái niệm, định nghĩa, các tuyên bố trong pháp luật cũng được xem là quy tắc nói chung. Như vậy, chỉ có các QPPL mệnh lệnh như cấm đoán, bắt buộc thì cần được Nhà nước đảm bảo thực hiện và việc đảm bảo này sẽ được thực hiện bằng các QPPL khác, đó là các QPPL khen thưởng hay xử phạt.
Thay đổi định nghĩa QPPL như trên chúng ta sẽ kế thừa được những ưu điểm của nhóm quan điểm thứ hai về cấu thành của QPPL. Việc xác định các bộ phận cấu thành của QPPL trở nên dễ dàng hơn vì chúng ta chỉ cần nhận dạng chúng trong phạm vi một khoản hoặc một điều luật của văn bản QPPL. Theo đó, hầu hết các QPPL được cấu thành bởi hai bộ phận, giả định (không cần phân biệt giả định tình huống hay giả định hành vi) để làm cơ sở cho bộ phận thứ hai, bộ phận đó có thể là quy định (cho phép, cấm, bắt buộc, gợi ý) hoặc bảo đảm (chế tài hoặc khen thưởng hoặc các biện pháp bảo đảm không thưởng, không phạt khác). Thêm vào đó, cũng sẽ có những QPPL đặc biệt chỉ có một bộ phận, đó chính là các QPPL chuyên môn theo quan điểm của các nhà nghiên cứu được đề cập bên trên bao gồm QPPL định nghĩa, tuyên bố hay QPPL định hình tổng quan. Bộ phận duy nhất trong các QPPL chuyên môn có thể gọi là bộ phận quy định, bộ phận này không đưa ra quy tắc xử sự mà chỉ đưa ra quy tắc nói chung.
Khi thay đổi định nghĩa QPPL thành quy tắc nói chung thì các QPPL sẽ không còn tính chất “xuyên ngành luật”. Khi đó, phân loại QPPL dựa trên tiêu chí ngành luật sẽ phù hợp vì ngành luật lúc bấy giờ sẽ được hiểu là tập hợp các QPPL cùng tác động đến các quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó. Khi định nghĩa QPPL trở thành quy tắc nói chung thì ngoài tiêu chí phân loại dựa trên cách thức thể hiện mệnh lệnh của Nhà nước thành QPPL cho phép, cấm đoán, bắt buộc hay gợi ý, các tiêu chí phân loại dựa trên chức năng để chia QPPL thành QPPL điều chỉnh hay bảo vệ, kể cả loại QPPL chuyên môn không đưa ra quy tắc xử sự mà chỉ đảm bảo hiệu lực của các QPPL khác cũng sẽ không còn tồn tại những mâu thuẫn như đã phân tích.
Giải quyết mâu thuẫn giữa định nghĩa, cấu thành và phân loại QPPL có ý nghĩa trong việc khắc phục những bất cập, củng cố tính thống nhất trong lý thuyết liên quan đến QPPL, một khái niệm pháp lý rất quan trọng trong khoa học lý luận về pháp luật.
Đại học Cần Thơ
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp