1. Bối cảnh các vụ kiện biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu
Ứng phó biến đổi khí hậu đang là một yêu cầu bức thiết trên phạm vi toàn cầu. Các quốc gia đã nỗ lực nhiều hơn khi tham gia xây dựng các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu[1]. Một số văn kiện quốc tế chứa đựng các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu đã được ký kết, điển hình là Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992 và Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) được Liên Hợp quốc thông qua năm 2015, mục tiêu thứ 13 yêu cầu các hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu. Ở khối tư nhân, nhiều công ty đã đưa ra các cam kết hướng đến mục tiêu Net zero[2].
Dù vậy, việc thực hiện các nghĩa vụ ứng phó biến đổi khí hậu mà các quốc gia cam kết trong các văn kiện quốc tế vẫn còn thiếu hiệu quả. Trong khi đó, nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu là những nước nghèo, những nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, nông dân và ngư dân, cũng như những cộng đồng có sinh kế dựa vào nguồn lực thiên nhiên[3].
Trong bối cảnh đó, các cộng đồng, cá nhân và Chính phủ đang chuyển hướng sử dụng công cụ pháp lý để khiếu nại tại các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế và Tòa án quốc gia. Về mặt số lượng, các vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng[4]. Theo Báo cáo toàn cầu về giải quyết tranh chấp biến đổi khí hậu năm 2023 của Sabin Center’s Climate Change Litigation, đến 31/12/2022, có 2.180 vụ kiện đã được giải quyết tại 65 nền tài phán của các quốc gia cùng với Tòa án, cơ quan trọng tài và các cơ quan bán tư pháp khác ở cấp quốc tế và khu vực. Số liệu này bao gồm cả các vụ việc giải quyết qua các thủ tục đặc biệt của Liên Hợp quốc và các hội đồng trọng tài. Trong số đó, 1.522 vụ việc đã được giải quyết tại Hoa Kỳ và 658 vụ việc tại các quốc gia khác[5].
Về khái niệm, “giải quyết tranh chấp biến đổi khí hậu” (Climate change litigation) chỉ các hành động pháp lý, thường thông qua các vụ kiện, được đưa ra trước Tòa án và liên quan đến nguyên nhân, tác động, hoặc phản ứng chính sách với biến đổi khí hậu. Những vụ kiện này có thể được khởi xướng bởi nhiều đối tượng, bao gồm cá nhân, tập đoàn, tổ chức phi Chính phủ, hoặc cả Chính phủ. Cả nguyên đơn và bị đơn đều có thể thuộc các nhóm này. Mục đích của những vụ kiện có thể rất đa dạng, từ việc đòi bồi thường cho thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu, đến việc khiếu nại chống lại hành động hoặc sự thiếu hành động của Chính phủ trong chính sách biến đổi khí hậu, hoặc yêu cầu các tập đoàn tiết lộ rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu[6].
2. Các vụ kiện về biến đổi khí hậu ở Hà Lan và những thách thức pháp lý cần giải quyết
2.1. Các vụ kiện về biến đổi khí hậu ở Hà Lan
Từ lâu, Hà Lan đã đứng đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Trung tâm Sabin Climate Change Litigation Center (Hoa Kỳ), đến 2023, Tòa án Hà Lan đã giải quyết 12 vụ kiện biến đổi khí hậu[7]. Theo phân loại của cơ sở dữ liệu này, có 05 vụ kiện xếp loại Reclame Code Comissie (RCC - Ủy ban Quảng cáo của Hà Lan). Đây là một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm xem xét các khiếu nại về quảng cáo dựa trên Quy định Quảng cáo Hà Lan (Nederlandse Reclame Code). RCC đưa ra phán quyết về việc một quảng cáo cụ thể có gây hiểu lầm, không công bằng hoặc vi phạm Quy định hay không. Quy định pháp luật được viện dẫn là Code for Environmental Advertising (Đạo luật về quảng cáo mang tính môi trường). Đây là những vụ kiện chống lại các cá nhân và công ty vì hành vi quảng cáo về sản phẩm trung hòa Carbon[8] (CO2 neutral) mang tính sai lệch thông tin.
Bên cạnh đó, có 02 vụ việc được giải quyết ở Tòa án District Court North Holland. Trong Vụ kiện thứ nhất, RWE and Uniper v. the Netherlands (Ministry of Climate and Energy), hai công ty năng lượng RWE và Uniper kiện Chính phủ Hà Lan yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị buộc nhường sản xuất điện than[9]. Trong vụ kiện thứ hai, Coöperatie Mobilisation for the Environment U.A and others v. Executive Board of Province of North Holland (Vattenfall Power Generations Netherlands BV intervening), vấn đề pháp lý đặt ra là liệu việc cấp phép xây dựng và sử dụng cơ sở nhiên liệu sinh khối có phù hợp với pháp luật không, khi xem xét tới những tác động tiêu cực của việc phát thải lượng lớn Nitơ và CO2 lên thiên nhiên và môi trường[10].
Tòa án Amsterdam District Court cũng giải quyết 01 vụ việc vào năm 2022, FossielVrij NL v. KLM, tổ chức môi trường FossielVrij NL đã kiện công ty hàng không KLM cáo buộc rằng các quảng cáo của KLM về bù trừ CO2 và nhiên liệu thay thế gây hiểu lầm và tẩy xanh (greenwashing)[11].
Trong khi đó, National Point of Contact for OECD đã giải quyết 01 vụ việc, BankTrack, et al. vs. ING Bank. Theo đó, các tổ chức môi trường BankTrack, Greenpeace Nederland, Milieudefensie/Friends of the Earth Netherlands đã cùng nhau nộp đơn kiện Ngân hàng ING vì không cam kết thích đáng để đạt được các mục tiêu theo Thỏa thuận Paris năm 2015. Đơn kiện cáo buộc rằng, ING đã vi phạm các quy định về môi trường và lợi ích của người tiêu thụ trong Hướng dẫn của OECD do không đặt ra các mục tiêu giảm lượng khí nhà kính từ các sản phẩm tài chính của mình[12].
Tòa án Lahay (The Hague District Court) giải quyết 03 vụ. Đây đều là những vụ kiện các tổ chức môi trường kiện Chính phủ Hà Lan. Trong vụ kiện thứ nhất, Urgenda Foundation v. State of the Netherlands vào năm 2015, một tổ chức môi trường Hà Lan, Quỹ Urgenda, cùng với 900 công dân Hà Lan đã kiện Chính phủ Hà Lan, yêu cầu phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu[13]. Trong vụ kiện thứ hai, Milieudefensie et al. v. Royal Dutch Shell plc. vào năm 2019, tổ chức môi trường Milieudefensie/Friends of the Earth Netherlands và các đồng nguyên đơn đã kiện Shell, cáo buộc rằng, những đóng góp của Shell đối với tình trạng biến đổi khí hậu vi phạm nghĩa vụ chăm lo (duty of care) theo luật pháp Hà Lan và nghĩa vụ tôn trọng quyền con người[14]. Trong vụ án thứ ba vào năm 2020, Greenpeace Netherlands v. State of the Netherlands, tổ chức Greenpeace Hà Lan đã khởi kiện, cáo buộc gói cứu trợ của Chính phủ Hà Lan cho hãng hàng không KLM vi phạm nghĩa vụ chăm lo (duty of care) của Nhà nước trong việc ngăn chặn nguy cơ cao về mối nguy hiểm biến đổi khí hậu[15].
2.2. Đặc trưng của các vụ kiện biến đổi khí hậu ở Hà Lan
Trong 12 vụ kiện ở Hà Lan cho tới nay, có 08 vụ kiện có bị đơn là các công ty (bao gồm 05 vụ kiện về quảng cáo sai lệch thông tin được giải quyết ở Reclame Code Comissie (RCC), 01 vụ kiện chống lại Ngân hàng ING giải quyết bởi National Point of Contact for OECD Guidelines, 01 vụ kiện ở Amsterdam District Court có bị đơn là hãng hàng không KLM và 01 vụ kiện chống lại Shell). Có 04 vụ kiện có bị đơn là Chính phủ Hà Lan, trong đó có 03 vụ kiện được khởi xướng bởi các tổ chức môi trường (vụ kiện còn lại do hai công ty năng lượng khởi kiện Chính phủ).
Nguyên đơn trong các vụ kiện trên phần lớn là các tổ chức xã hội dân sự về môi trường và biến đổi khí hậu. Các vụ kiện Chính phủ về bản chất là những vụ kiện hành chính yêu cầu Chính phủ Hà Lan phải có những chính sách và biện pháp mạnh mẽ và rõ ràng hơn để ứng phó biến đổi khí hậu. Trong các vụ kiện này, các nguyên đơn kết nối vấn đề pháp lý với nghĩa vụ bảo vệ quyền con người ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia (như quyền sống trong môi trường trong lành, quyền đối với nguồn nước và quyền đối với sự phát triển)[16].
Vụ kiện nổi tiếng nhất là Urgenda, một vụ kiện làm thay đổi lịch sử pháp lý. Nó đặt ra một tiền lệ quan trọng trong việc sử dụng pháp luật để tác động đối với chính sách biến đổi khí hậu. Nguyên đơn trong vụ kiện là một tổ chức môi trường Hà Lan, Quỹ Urgenda, cùng với 900 công dân Hà Lan đã kiện Chính phủ Hà Lan, yêu cầu phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu. Vào tháng 12/2019, Tòa án tối cao Hà Lan đã phán quyết rằng, Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình trước biến đổi khí hậu theo nghĩa vụ của mình quy định ở Công ước châu Âu về quyền con người (ECHR). Đây là thành công đạt được của quá trình tư pháp kéo dài 07 năm và Tòa án cấp cao nhất của quốc gia cuối cùng đã xác định rằng, biến đổi khí hậu đe dọa quyền con người và để bảo đảm sự bảo vệ đầy đủ khỏi mối đe dọa biến đổi khí hậu gây ra đối với những quyền đó, nên cho phép viện dẫn những quyền con người đó để kiện các Chính phủ. Để thực thi kết luận đó, Tòa án tối cao đã xác định mức cắt giảm khí thải nhà kính (GHG) chính xác mà Hà Lan phải đáp ứng để tuân thủ nghĩa vụ ECHR của mình, cụ thể là giảm 25% so với mức năm 1990 trước cuối năm 2020[17].
Đây là một phán quyết mang tính bước ngoặt vì là phán quyết đầu tiên trong lịch sử Hà Lan và thế giới mà Tòa án ấn định nghĩa vụ cụ thể của một Chính phủ/quốc gia của chính quốc gia đó đối với giảm thiểu biến đổi khí hậu. Như chúng ta đã biết, biến đổi khí hậu gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau. Bản án này thậm chí còn xác định rõ rằng, dù Nhà nước chỉ đóng góp nhỏ vào biến đổi khí hậu so với các tác nhân khác, Nhà nước vẫn có trách nhiệm pháp lý.
Vụ kiện Công ty Shell là một vụ kiện chưa từng có tiền lệ nữa của Hà Lan vào năm 2021. Trong vụ kiện tập thể, Tòa án đã xác định Tập đoàn dầu khí Shell có trách nhiệm giảm phát thải CO2 và yêu cầu Shell cắt giảm khí thải nhà kính 45% so với năm 2019 vào cuối năm 2030. Đây là lần đầu tiên, một Tòa án của một quốc gia trên thế giới ra phán quyết buộc một công ty nhiên liệu hóa thạch tuân thủ mục tiêu khí hậu toàn cầu và tuân thủ Thỏa thuận Paris. Tổ chức môi trường Milieudefensie/Friends of the Earth Netherlands đã bắt đầu tiến trình tố tụng vào tháng 4/2019 cáo buộc những đóng góp của Shell vào biến đổi khí hậu vi phạm nghĩa vụ chăm lo (duty of care) theo pháp luật Hà Lan và nghĩa vụ về quyền con người. Vụ kiện được nộp tại Tòa án phúc thẩm Lahay (Hague). Nguyên đơn cho rằng, dựa trên mục tiêu của Thỏa thuận Paris và bằng chứng khoa học về nguy hiểm của biến đổi khí hậu, Shell có nghĩa vụ chăm lo để hành động giảm lượng khí thải nhà kính của mình. Nghĩa vụ này dựa trên nền tảng của quy định tại Điều 6:162 của Bộ luật Dân sự Hà Lan và ECHR, mà cụ thể là nghĩa vụ bảo đảm quyền sống (Điều 2) và quyền có một cuộc sống riêng, gia đình, nhà ở, và thư tín (Điều 8). Nguyên đơn nêu rõ rằng, việc Shell có kiến thức về biến đổi khí hậu từ lâu, thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu của Shell và việc đã không hành động hiệu quả để giảm biến đổi khí hậu đóng vai trò cho việc xác định rằng, Shell gây nguy hiểm cho công dân Hà Lan một cách trái pháp luật và có các hành vi bất cẩn mang tính nguy hại. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc Shell phải giảm lượng khí thải CO2 của mình 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010 và giảm xuống còn 0 (không) vào năm 2050, phù hợp với Thỏa thuận Paris. Tòa án đã ra phán quyết chưa từng có, xác định Shell có nghĩa vụ giảm lượng khí thải CO2 của toàn bộ hoạt động của Shell 45% vào cuối năm 2030, so với năm 2019, thông qua chính sách doanh nghiệp của Tập đoàn.
2.3. Tác động của các bản án trong các vụ kiện về biến đổi khí hậu ở Hà Lan
Những thành công trong khiếu kiện về biến đổi khí hậu ở Hà Lan có tác động khích lệ các vụ kiện về biến đổi khí hậu toàn cầu. Các quyết định của Tòa án Hà Lan đã góp phần tăng cường tính minh bạch của các tập đoàn công nghiệp và Chính phủ. Các chủ thể này buộc phải công khai thông tin về tác động môi trường của các dự án của họ và những biện pháp họ đang thực hiện để giảm tác động gây ra cho biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, “chiến thắng pháp lý” tại Hà Lan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động cộng đồng và sự tham gia của các tổ chức xã hội môi trường trong việc thúc đẩy hành động ứng phó khí hậu. “Chiến thắng pháp lý” đó cũng củng cố niềm tin rằng những công dân và tổ chức xã hội, khi được trang bị bằng chứng thuyết phục và dựa trên nguyên tắc pháp lý, có thể tác động đến chính sách ở cấp cao nhất và từ đó đã truyền cảm hứng cho nhiều nhóm môi trường và những người hoạt động môi trường trên toàn cầu. Bên cạnh đó, những vụ kiện về biến đổi khí hậu tại Hà Lan cũng đã tạo ra động lực trên bình diện quốc tế, thúc đẩy các quốc gia nhận ra và hành động dựa trên trách nhiệm pháp lý của họ trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu đang diễn ra[18].
Trong các vụ kiện ở Hà Lan, đặc biệt là Urgenda và Shell, Tòa án đã công nhận mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sự khẩn thiết của việc giảm sự nóng lên toàn cầu 02 độ C và tuyên bố ủng hộ pháp lý cho các vụ kiện dân sự với mục đích thúc đẩy các Chính phủ phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn cho các hành động vì môi trường[19].
Trong cả hai vụ kiện Urgenda và Shell, Tòa án đều ra phán quyết trên cơ sở pháp lý là nghĩa vụ chăm sóc (duty of care) của Chính phủ. Hơn nữa, thông qua nghĩa vụ này, Tòa án công nhận hiệu lực ràng buộc của những quy định pháp luật quốc tế và khu vực (luật châu Âu) đối với một quốc gia và cả những nguyên tắc không bắt buộc. Như vậy, các vụ kiện này cũng đang là “khởi nguồn” ủng hộ khởi xướng một xu hướng phát triển rằng các cam kết luật mềm (hướng dẫn, quy tắc ứng xử, các tuyên bố không ràng buộc và có tính ràng buộc) có thể làm phát sinh các nghĩa vụ dân sự gián tiếp đối với các công ty[20].
Biện pháp pháp lý mà nguyên đơn yêu cầu trong cả hai trường hợp Urgenda và Shell đều là biện pháp ngăn chặn, không phải là bồi thường thiệt hại. Ở vụ kiện Urgenda, điều này có vẻ là một chiến lược hiệu quả, ít nhất là bởi vì nó giảm bớt yêu cầu bằng chứng về mức độ nghiệm ngặt trong việc chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa phát thải khí nhà kính và tác hại liên quan thông qua biến đổi khí hậu[21].
2.4. Những thách thức pháp lý cần giải quyết
Mặc dù “chiến thắng pháp lý” trong vụ kiện Urgenda là một dấu mốc của lịch sử về giải quyết tranh chấp biến đổi khí hậu ở Hà Lan và toàn cầu, tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi xung quanh một số vấn đề pháp lý liên quan. Theo tác giả Benoit Mayer, sau phán quyết của vụ kiện Urgenda, Chính phủ đã đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 25% vào năm 2020 so với năm 1990. Tuy nhiên, những biện pháp mà Chính phủ đã tiến hành được mô tả là “chậm trễ” và “vội vã”, thậm chí có thể khiến lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tăng lên trong dài hạn. Cụ thể, dù mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính của Urgenda đã đạt được, thành công chủ yếu đến từ các hoàn cảnh ngoại lệ hơn là các biện pháp mà Chính phủ đã áp dụng để tuân theo phán quyết. Những biện pháp này chỉ giúp giảm lượng khí thải toàn quốc khoảng 1.3 MtCO 2eq vào năm 2020, chỉ chiếm 0,6% lượng khí thải của nước này so với năm 1990. Hơn nữa, phần lớn kết quả cắt giảm đến từ việc chuyển giao nguồn khí thải sang các nước khác. Một biện pháp khác là việc áp đặt thuế đối với việc xử lý rác thải từ nước ngoài đã dẫn đến sự tăng lượng khí thải toàn cầu khi một số lượng rác được chuyển đến Vương quốc Anh để chôn lấp thay vì đốt cháy tại Hà Lan. Nhìn chung, phán quyết của vụ án không đến đến một sự giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu, mà ngược lại, có thể đã gây ra một sự gia tăng nhẹ (0.3 MtCO 2eq, tích lũy, từ 2020 đến 2029)22.
Hơn nữa, mặc dù vụ án có thể đã góp phần vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách nâng cao nhận thức nhưng nó cũng có khả năng đã làm cản trở những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu do đã can thiệp vào các nỗ lực đàm phán quốc tế và có thể đã làm suy giảm sự ủng hộ chính trị cho những hành động tiếp theo.
Trong cả hai vụ kiện Urgenda và Shell, Tòa án đều đồng ý rằng, sự can thiệp tư pháp, ngay cả khi bằng cách yêu cầu Chính phủ phải hành động nhiều hơn nữa để cắt giảm khí nhà kính trên lãnh thổ của họ thì cũng không xâm phạm đến lĩnh vực chính trị. Bởi vì Tòa án để Chính phủ được tự do chọn những biện pháp để tiến hành nhằm thỏa mãn mốc cắt giảm đặt ra[23]. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng, các thẩm phán không có đủ thời gian, cũng như không có chuyên môn phù hợp để thiết kế các chính sách toàn diện về giảm thiểu biến đổi khí hậu hay các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải cụ thể. Các mục tiêu giảm lượng khí thải quốc gia có khả năng khích lệ những biện pháp không hiệu quả về giảm thiểu biến đổi khí hậu khi được áp đặt trong một khoảng thời gian tương đối ngắn và không liên quan đến các chính sách và biện pháp hiện hành, ví dụ như trường hợp của Urgenda. Nhìn chung, các thẩm phán không được trang bị đủ để giám sát và cưỡng chế tuân thủ với các mục tiêu giảm lượng khí thải. Chức năng tư pháp có vẻ như đã được áp dụng một cách quá rộng. Việc đặt mục tiêu và áp đặt chính sách cụ thể có lẽ là phù hợp hơn đối với nhánh chính trị của Chính phủ[24].
Đối với vụ kiện Shell vào năm 2021, đây là vụ kiện đầu tiên Tòa án áp dụng luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để buộc Shell phải cắt giảm phát thải CO2 45% vào 2030 so với lượng phát thải của năm 2019 trên phạm vi toàn cầu vì quyền lợi của người dân Hà Lan. Tuy nhiên, một số điểm pháp lý vẫn chưa có lý giải rõ ràng, ví dụ như nội dung và cơ sở pháp lý của nghĩa vụ giảm thiếu biến đổi khí hậu của Shell, phạm vi áp dụng ngoài lãnh thổ của nghĩa vụ giảm thiểu biến đổi khí hậu của Shell bao gồm 1.100 cơ sở con của Tập đoàn trên khắp thế giới khi mà chỉ có quyền lợi của người dân Hà Lan là liên quan trong vụ kiện. Hay một vấn đề nữa là mối liên hệ nhân quả giữa phát thải CO2 của Shell và thiệt hại mà người dân Hà Lan có khả năng phải chịu trong tương lai[25].
Ngoài ra, đối với Urgenda, vẫn chưa rõ ràng là một vụ kiện hành chính (administrative) hay vụ kiện dân sự (civil). Mặc dù ở Hà Lan, các vụ kiện hành chính có thể được khởi xướng để đấu tranh cho lợi ích chung, thông thường, chúng chỉ được sử dụng để kiện đối tượng là các lệnh và quyết định cấp phép của các cơ quan hành chính có thẩm quyền. Như vậy, các vụ kiện tập thể có đối tượng tác động là các chính sách và hành động (hoặc sự không hành động) của Chính phủ thường sẽ rơi vào phạm vi xét xử của Tòa hành chính. Tương tự, Tòa hành chính đã được sử dụng trong các vụ kiện tập thể chống lại các công ty tư nhân. Khác với thủ tục tố tụng hành chính, chỉ giới hạn trong những yêu cầu liên quan đến hoạt động và quyền lợi trong lãnh thổ Hà Lan, vụ kiện dân sự có thể được mở rộng để bao gồm cho những hoạt động và quyền lợi ngoài lãnh thổ Hà Lan, bao gồm cả các vấn đề môi trường[26].
3. Kinh nghiệm đối với Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu. Mặc dù hiện nay, ở Việt Nam chưa có vụ kiện biến đổi khí hậu nào được giải quyết theo các cơ sở dữ liệu quốc tế về tranh chấp biến đổi khí hậu nhưng khả năng những tranh chấp như vậy có thể sẽ nảy sinh trong tương lai như tại một số quốc gia châu Á khác hay không là khó lường trước được. Vì vậy, Việt Nam cần có nhiều hơn những nghiên cứu về mô hình giải quyết tranh chấp biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới để có cơ chế và quy định điều chỉnh về mặt cơ sở pháp lý và phạm vi áp dụng của các yêu cầu pháp lý liên quan đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh trong nước. Việc nghiên cứu tính pháp lý và phân loại các vụ kiện dựa vào các tiêu chí như mục tiêu yêu cầu khởi kiện là bồi thường thiệt hại hay điều chỉnh chính sách và quyết định hành chính, bị đơn là công ty hay cơ quan nhà nước, vụ án dân sự hay hành chính là rất cần thiết. Theo tác giả, có thể nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Hà Lan trong các vụ kiện của các nguyên đơn kiện các công ty có hệ số phát thải nhà kính cao phải cắt giảm phát thải hoặc bồi thường thiệt hại nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết và đang thực hiện.
TS. Nguyễn Thị Hồng Trinh
Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. United Nations Environment Programme (2023), Global Climate Litigation Report: 2023 Status Review. Nairobi.
[2]. Ví dụ: Ở Việt Nam, https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-viet-buoc-vao-cuoc-dua-net-zero.htm, truy cập ngày 10/10/2023.
[3]. Trọng Thành, Công lý khí hậu: Biến chuyển lớn về pháp lý quốc tế gần đây, Tạp chí Xã hội RFI, https://shorturl.at/ahU69, đăng ngày 23/9/2020, truy cập ngày 12/10/2023.
[4]. Setzer, Joana, và Rebecca Byrnes, “Global trends in climate change litigation: 2019 snapshot”, London: Grantham Research Institute on Climate Change and the Environment and Centre for Climate Change Economics and Policy, London School of Economics and Political Science (2019).
[5]. United Nations Environment Programme (2023), Global Climate Litigation Report: 2023 Status Review. Nairobi, p. XIV.
[6]. Bennett, K., & Rodriguez, M. (2020), “Climate Change in the Courts: An Overview of Global Climate Litigation Trends”. International Journal of Environmental Law, 12(3), 150 - 169, tr. 158.
[7]. https://climatecasechart.com/non-us-jurisdiction/netherlands/.
[8]. Carbon neutral (Trung hòa carbon) đề cập đến việc làm giảm lượng phát thải CO₂ qua các hoạt động sản xuất và vận chuyển bằng cách loại bỏ carbon hoặc đền bù carbon. Nói cách khác, mục đích của các hoạt động trung hòa carbon là để không tạo ra dấu chân carbon.
[9]. https://climatecasechart.com/non-us-case/rwe-and-uniper-v-state-of-the-netherlands-ministry-of-climate-and-energy/. Vào năm 2019, Chính phủ Hà Lan đã thông qua Luật Cấm sử dụng than trong sản xuất điện nhằm hỗ trợ thực thi nghĩa vụ của mình theo pháp luật quốc tế về khí hậu. Luật này quy định rằng, các nhà máy điện chạy bằng than không được phép sử dụng than làm nhiên liệu để phát điện trong dài hạn (muộn nhất là đến năm 2030). Mục tiêu của luật này là giảm lượng phát thải CO2 từ các nhà máy điện.
[10]. https://climatecasechart.com/non-us-jurisdiction/district-court-north-holland/.
[11]. https://climatecasechart.com/non-us-case/fossielvrij-nl-v-klm/.
[12]. https://climatecasechart.com/non-us-case/banktrack-et-al-vs-ing-bank/.
[13]. https://climatecasechart.com/non-us-case/urgenda-foundation-v-kingdom-of-the-netherlands/.
[14]. https://climatecasechart.com/non-us-case/milieudefensie-et-al-v-royal-dutch-shell-plc/.
[15]. https://climatecasechart.com/non-us-case/greenpeace-netherlands-v-state-of-the-netherlands/.
[16]. Mara Tignino & Makane Moïse Mbengue, “Climate change at the crossroads of human rights: The right to a healthy environment, the right to water and the right to development” (2022) 31 Review of European, Comp. & Int’l Environmental Law 3.
[17]. Theo Elvira Cameron, The Impact of the Dutch Landmark Climate Change Case, The Peace Palace Library Blog, https://peacepalacelibrary.nl/blog/2021/impact-dutch-landmark-climate-cases, 07 July 2021, truy cập ngày 10/10/2023.
[18]. Peel, J., & Osofsky, H. M. (2015), Climate Change Litigation: Regulatory Pathways to Cleaner Energy. Cambridge University Press.
[19]. Hans Van Loon, Stratergic climate litigation in the Dutch Courts: A source of inspiration for NGOS for elsewhere?, Acta Universitatis Carolinae - Juridica 4, 69 - 84, 2020, tr. 83.
[20]. https://peacepalacelibrary.nl/blog/2021/impact-dutch-landmark-climate-cases.
[21]. Hans Van Loon, Stratergic climate litigation in the Dutch Courts: A source of inspiration for NGOS for elsewhere?, Acta Universitatis Carolinae - Juridica 4, 69 - 84, 2020, tr. 83.
[22]. Benoit Mayer, The contribution of Urgenda to the Mitigation of Climate Change, Journal of Environmental Law, 2023(35), 167 - 184.
[23]. Hans Van Loon, Stratergic climate litigation in the Dutch Courts: A source of inspiration for NGOS for elsewhere?, Acta Universitatis Carolinae - Juridica 4, 69 - 84, 2020, tr. 83.
[24]. Benoit Mayer, The contribution of Urgenda to the Mitigation of Climate Change, Journal of Environmental Law, 2023,35,167 - 184, tr. 169.
[25]. Yuko Nishitani, Legal challenges in combatiing climate change, Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net-zero Emissions - The Perspective of Developing Countries (EPCCPL 2023) - Conference in Vietnam on 01 December 2023.
[26]. Hans Van Loon, Stratergic climate litigation in the Dutch Courts: A source of inspiration for NGOS for elsewhere?, Acta Universitatis Carolinae - Juridica 4, 69 - 84, 2020, tr. 83, 70.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)