Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/1010 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 258), đến nay, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án 258 bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức thông qua Hội nghị thường niên Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam tại các tỉnh phía Nam và phía Bắc. Hội nghị này đã quy tụ hàng trăm tổ chức kiểm định xây dựng trên cả nước, trong đó có các Trung tâm Kiểm định thuộc Sở Xây dựng các địa phương là tổ chức nòng cốt thực hiện giám định tư pháp xây dựng tại địa phương, tổ chức phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động kiểm định, giám định; xây dựng giáo trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định, giám định.
Trước năm 2010, trong lĩnh vực xây dựng chưa có các văn bản pháp luật hướng dẫn riêng cho công tác giám định tư pháp về xây dựng, như quy định năng lực các tổ chức chuyên môn giám định, chi phí giám định, tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định, nên hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng không thống nhất và có nhiều vướng mắc.
Thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng…), Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BXD ngày 22/4/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, giám định tư pháp xây dựng bao gồm các nội dung sau: (i) Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm các giai đoạn: Từ lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình và khai thác sử dụng, bảo trì công trình; (ii) Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng; (iii) Giám định tư pháp về chi phí đầu tư xây dựng công trình, giá trị công trình và các chi phí khác có liên quan bao gồm: Giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, giá trị còn lại của công trình và các vấn đề khác có liên quan.
Thông tư số 04/2014/TT-BXD có những quy định tạo thuận lợi cho công tác lựa chọn, trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và nâng cao chất lượng công tác giám định như việc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng giới thiệu các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp; tổ chức chuyên môn giám định tư pháp phù hợp với nội dung trưng cầu thực tế như giám định về sự tuân thủ các quy định pháp luật, giám định về chất lượng xây dựng, giám định về chi phí đầu tư xây dựng. Thông tư số 04/2014/TT-BXD đã được ban hành kịp thời, phù hợp với thực tế và quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012. Qua một thời gian áp dụng, Thông tư này đã giải quyết, tháo gỡ được các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Hiện nay, để phục vụ cho hoạt động xây dựng có gần 500 tiêu chuẩn và 18 quy chuẩn kỹ thuật. Các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động xây dựng nói chung và hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Về hệ thống tổ chức giám định tư pháp xây dựng, trước năm 2010, trên cả nước chưa có tổ chức chuyên môn tư vấn xây dựng nào được công bố để thực hiện giám định tư pháp, nên cơ quan tiến hành tố tụng thường trưng cầu giám định viên tư pháp là cán bộ, công chức làm công việc quản lý nhà nước về xây dựng để thực hiện giám định. Do đó, một số giám định viên tư pháp có kiến thức về pháp luật, nhưng kiến thức về chuyên môn kỹ thuật hạn chế, dẫn đến việc thực hiện giám định đối với các vụ việc liên quan đến chất lượng công trình, sự cố công trình chưa đạt hiệu quả.
Sau năm 2010, ngoài các giám định viên tư pháp, còn có các cá nhân, tổ tư vấn xây dựng được Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố để thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, có một số tổ chức, cá nhân không thiết tha tham gia thực hiện giám định tư pháp do các vụ việc giám định tư pháp chủ yếu phục vụ giải quyết tranh chấp, thời gian thực hiện kéo dài, việc thanh toán chi phí giám định gặp khó khăn, nên có rất ít tổ chức, cá nhân đăng ký công bố là tổ chức giám định tư pháp xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã chủ động phổ biến, tuyên truyền, đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng và các cá nhân công tác tại các đơn vị này đăng ký công bố là tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng, đồng thời đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, lập danh sách và công bố các cá nhân, tổ chức giám định tư pháp xây dựng tại địa phương. Ngoài ra, việc quy định cơ quan trưng cầu có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng giới thiệu các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp ngoài danh sách đã được công bố đã tạo thêm nguồn nhân lực thực hiện giám định tư pháp khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều đề tài, dự án để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp. Đến thời điểm này, nguồn nhân lực thực hiện giám định tư pháp cơ bản đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể:
Về số lượng tổ chức giám định tư pháp xây dựng, đến hết năm 2013, trên cả nước có tổng cộng 33 tổ chức giám định tư pháp xây dựng được công bố theo quy định tại Thông tư số 35/2009/TT-BXD ngày 05/10/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn giám định tư pháp xây dựng. Sau khi Thông tư số 04/2014/TT-BXD thay thế Thông tư số 35/2009/TT-BXD có hiệu lực thi hành, trên cả nước có thêm 37 tổ chức được công bố là tổ chức giám định tư pháp xây dựng, nâng tổng số tổ chức giám định tư pháp xây dựng lên thành 70 tổ chức. Các tổ chức giám định tư pháp xây dựng hầu hết là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng và các tổ chức tư vấn có chức năng tư vấn hoạt động xây dựng. Hiện nay, tại các địa phương chưa thành lập loại hình Văn phòng Giám định tư pháp xây dựng.
Về số lượng người làm giám định tư pháp xây dựng, trước năm 2010, chỉ có 90 giám định viên tư pháp xây dựng và người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc. Đến nay, trên cả nước đã có khoảng 166 giám định viên tư pháp xây dựng và 243 người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc. Hầu hết các giám định viên tư pháp này đều là các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Sở Xây dựng, các Trung tâm Kiểm định trực thuộc Sở Xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt công tác giám định trong lĩnh vực xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát hồ sơ của 50 cá nhân và 3 tổ chức để công bố người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc.
Về hoạt động giám định tư pháp, từ năm 2010 đến nay, trên cả nước, có khoảng 300 vụ việc được trưng cầu giám định tư pháp xây dựng, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Cần Thơ: 65 vụ, thành phố Hồ Chí Minh: 35 vụ, Đà Nẵng: 25 vụ, Hà Nội: 21 vụ, Bắc Ninh: 16 vụ, Long An: 12 vụ, trong đó có 18 tỉnh không có vụ việc nào được trưng cầu. Các vụ việc giám định cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, không có các vụ việc giám định bổ sung, giám định lại do kết quả giám định không chính xác.
Ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp, Bộ Xây dựng còn tham gia thực hiện giám định tư pháp sự cố sập cầu Cần Thơ năm 2007, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà theo Quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.
Sau 5 năm thực hiện Đề án 258, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có những chuyển biến tích cực như thể chế về giám định tư pháp xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện thông qua việc ban hành thông tư quy định về quy chuẩn chuyên môn, điều kiện năng lực của cá nhân, tổ chức chuyên môn giám định tư pháp; nguồn nhân lực thực hiện giám định tư pháp đã được tăng lên về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế; các vụ việc giám định cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn giám định góp phần đưa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng không còn là “điểm nghẽn” làm ách tắc hoạt động tố tụng như những năm trước đây.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám định tư pháp vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như:
- Công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc. Cụ thể là đối với những vụ việc lớn, có giá trị thực hiện lên tới hàng tỷ đồng (sự cố sập cầu Cần Thơ, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà...), nguồn kinh phí cho giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng chưa được cơ quan trưng cầu phân bổ hợp lý, dẫn đến việc chậm thanh toán chí phí cho các cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp.
- Cơ chế để khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia giám định tư pháp xây dựng chưa rõ ràng.
- Nhận thức của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng còn nhiều hạn chế, còn tư tưởng ngại va chạm do các vụ việc giám định tư pháp chủ yếu phục vụ giải quyết tranh chấp. Các vụ việc liên quan đến giám định tư pháp thường có thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp xây dựng.
- Một số cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, cơ quan cảnh sát điều tra) chưa quan tâm đến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, dẫn đến việc trưng cầu tổ chức giám định tư pháp xây dựng không đủ năng lực, không có chức năng thực hiện giám định hoặc trưng cầu không đúng đối tượng giám định.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra liên quan đến hoạt động giám định tư pháp chưa tập trung, do phải lồng ghép vào các hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc liên quan đến hoạt động xây dựng.
- Một số địa phương chưa quán triệt được nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp, nên chưa chủ động phổ biến, tuyên truyền, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng trên địa bàn đăng ký công bố là tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng; nguồn nhân lực thực hiện giám định tư pháp cần được quan tâm hơn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, phù hợp với nhu cầu thực tế, tác giả bài viết xin kiến nghị một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp xây dựng. Đặc biệt chú trọng vào công tác lập dự toán, thẩm định, phê duyệt, thanh toán, quyết toán; trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán bảo đảm thuận tiện, kịp thời; có chính sách bảo đảm khuyến khích, thu hút được sự nhiệt tình tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, tập huấn cho các đối tượng liên quan thực hiện; xây dựng các giáo trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Ba là, tích cực rà soát, công bố thông tin các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực theo quy định tham gia giám định tư pháp xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chú trọng xây dựng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, các cơ sở ở các địa phương (viện nghiên cứu, Trung tâm Kiểm định xây dựng) làm nòng cốt để thực hiện giám định tư pháp xây dựng. Đưa các Trung tâm Kiểm định xây dựng trực thuộc các Sở Xây dựng thành Chi cục Giám định xây dựng để mở rộng phạm vi, quyền hạn, từ đó nâng cao năng lực của tổ chức này.
Cục Giám Định, Bộ Xây Dựng