1. Thực trạng giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động tư pháp
Hiện nay, “giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động tư pháp” là một cụm thuật ngữ chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND. Bản thân khái niệm “hoạt động tư pháp” cũng chứa đựng nhiều vấn đề còn đang tranh cãi. Có quan điểm cho rằng, khái niệm “hoạt động tư pháp” chỉ bao gồm hoạt động xét xử của Tòa án; có quan điểm cho rằng, “hoạt động tư pháp” bao gồm quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; quan điểm khác lại cho rằng, “hoạt động tư pháp” còn bao gồm cả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên lĩnh vực này. Mặc dù vậy, trên cơ sở các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND hiện hành, có thể hiểu giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động tư pháp được hiểu là giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của UBND, Công an, Toà án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương liên quan đến lĩnh vực tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Về mặt thực tiễn, sau khi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 được ban hành, HĐND các cấp trong cả nước đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động nên hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt. HĐND cấp tỉnh đã dành nhiều thời gian cho việc xem xét, thảo luận các báo cáo về hoạt động tư pháp; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp có nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp đã được chú trọng. Nội dung giám sát chuyên đề về hoạt động tư pháp được chọn lọc kỹ hơn, tập trung vào những vấn đề lớn, nổi cộm, bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm và ủng hộ. Sau mỗi cuộc giám sát, HĐND cấp tỉnh đều có thông báo kết quả giám sát đến UBND, Công an, TAND, VKSND và các cơ quan, ban ngành, địa phương có liên quan. Các báo cáo kết quả giám sát trong hoạt động tư pháp đánh giá sát tình hình thực tế, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng có tác động tích cực, giúp các đối tượng chịu sự giám sát phát huy ưu điểm, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát hoạt động tư pháp, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nội dung giám sát chưa trọng tâm, chọn đối tượng giám sát chưa phù hợp; hình thức giám sát chủ yếu chỉ nghe báo cáo bằng văn bản, thiếu khảo sát, kiểm tra, đối chứng thực tế; thời gian giám sát quá ít, thường bố trí một buổi nên khó phát hiện được vấn đề; việc mời chuyên gia tư pháp tham gia các buổi giám sát còn rất hạn chế; thành viên Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh ít tham gia hoạt động giám sát; một số đối tượng được giám sát chưa thực sự đồng tình, ủng hộ, thậm chí còn cho rằng giám sát là tìm khuyết điểm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành của họ; chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các kết luận sau giám sát liên quan đến hoạt động tư pháp; chưa có quy định chế tài đủ mạnh đối với hành vi không thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu ra một số yêu cầu và giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tư pháp của HĐND cấp tỉnh trong thời gian tới.
2. Những yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát hoạt động tư pháp của HĐND cấp tỉnh
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò hoạt động giám sát của HĐND: Cấp ủy Đảng các cấp nhận thức đúng vai trò của hoạt động giám sát của HĐND để có chủ trương, đường lối cụ thể trong lãnh đạo hoạt động của HĐND, tạo điều kiện cho HĐND các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cần nhận thức đúng đắn vai trò hoạt động giám sát của HĐND để tự tin tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình. UBND, TAND, VKSND, Công an, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân chịu sự giám sát cần nhận thức đúng đắn vai trò của hoạt động giám sát tư pháp của HĐND để thực hiện nghiêm túc những yêu cầu đặt ra của chủ thể giám sát. Trên cơ sở đó, phát huy những kết quả đạt được, tiếp thu, sửa chữa những thiếu sót, hạn chế với tinh thần cầu thị để cơ quan, đơn vị mình ngày càng tốt hơn, chính quyền ngày càng mạnh hơn.
Hai là, tăng cường tính thường xuyên, có kế hoạch trong hoạt động giám sát của HĐND nói chung và Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh nói riêng: Giám sát của HĐND bao gồm giám sát của HĐND tại kỳ họp; giám sát của Thường trực HĐND; giám sát của các Ban HĐND và giám sát của đại biểu HĐND. Hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, phải có chương trình giám sát hằng năm của HĐND; chương trình giám sát hằng năm, hằng quý của Ban Pháp chế HĐND. Đối với từng nội dung giám sát, cần phải có kế hoạch chi tiết nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng giám sát, thành phần đoàn giám sát, thời gian, địa điểm và phương pháp tiến hành giám sát.
Ba là, giám sát hoạt động tư pháp của HĐND cấp tỉnh phải tôn trọng sự thật khách quan và phải tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật: Thực tế sự việc, hiện tượng diễn ra được ghi nhận, đánh giá đúng bản chất, không bóp méo sự thật, không được suy diễn tô hồng hoặc bôi đen sự vật, hiện tượng, nâng quan điểm để quá đề cao vai trò hoặc làm mất uy tín của tập thể, cá nhân chịu sự giám sát. Không nên lấy ý kiến chủ quan cá nhân để áp đặt cho thực tế hoạt động của cơ quan chịu sự giám sát. Làm như vậy, không những gây tác hại cho đối tượng chịu sự giám sát, cho xã hội mà còn làm cho việc ra Nghị quyết của HĐND không chính xác, thiếu khả thi và phương hại đến uy tín của HĐND. Để đảm bảo yêu cầu đánh giá sát đúng tình hình, tôn trọng sự thật khách quan, đòi hỏi hoạt động giám sát của Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh phải thu thập đầy đủ các thông tin nhiều chiều, phải nắm chắc các quy định của pháp luật, các thông tin về tình hình thực tiễn và có sự hiểu biết sâu sắc cả về chuyên môn lẫn khoa học.
Bốn là, giám sát hoạt động tư pháp phải mang lại hiệu quả thiết thực đối với xã hội: Giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Công an, TAND, VKSND cùng cấp không chỉ dừng lại ở việc nghe báo cáo, dựa trên cơ sở vài ý kiến chung chung, xuôi chiều mà đòi hỏi phải tỏ rõ quan điểm, có lý lẽ xác đáng về những vấn đề nhất trí, không nhất trí với nội dung báo cáo đã nêu. Giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ dừng lại ở việc hỏi cho có hỏi, trả lời cho qua; mà đòi hỏi người chất vấn phải đặt vấn đề cho đúng, người trả lời chất vấn phải trả lời cho trúng, khi chưa đúng và chưa trúng thì phải có tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề. Giám sát thông qua hình thức thành lập Đoàn giám sát, không phải chỉ dừng lại việc sau giám sát, có một báo cáo đánh giá thật hay mà đòi hỏi phải có những đánh giá đúng tình hình, giúp cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát tự nhìn nhận lại việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, từ đó phát huy những mặt tốt, khắc phục những yếu kém để ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tốt hơn.
3. Các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát hoạt động tư pháp của HĐND cấp tỉnh
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; đổi mới, nội dung phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của HĐND nói riêng: Trong thể chế chính trị: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đang thực hiện ở nước ta, thì mọi hoạt động của HĐND đều phải dựa trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng. Chính vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định, đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả đối với giám sát hoạt động tư pháp của HĐND cấp tỉnh hiện nay. Tăng cường lãnh đạo đối với công tác cán bộ của HĐND ngay từ khi định hướng giới thiệu đại biểu HĐND; bố trí cán bộ có phẩm chất, có năng lực thực tiễn, có uy tín, tăng cường số lượng cấp ủy cho các chức danh chuyên trách của HĐND. Có quy hoạch đối với đội ngũ cán bộ làm công tác HĐND, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ này.
Đối với việc giám sát hoạt động tư pháp ở địa phương, cấp ủy Đảng cần nghe và nghiên cứu báo cáo thẩm tra, tham khảo những ý kiến phản biện của HĐND để có được thông tin đa chiều trước khi cân nhắc quyết định. Làm được như vậy, các chủ trương, đường lối mà cấp ủy Đảng đưa ra chắc chắn sẽ được đảm bảo hơn về cơ sở pháp lý, về tính thực tiễn bởi đã có sự thẩm tra của HĐND. Thông qua đó, giảm bớt được tính hình thức, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND; tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với cơ quan dân cử chính là tạo nên sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân thông qua tổ chức đại diện cho nhân dân là HĐND các cấp. Thực tiễn cho thấy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước thời gian qua đã chứng minh sinh động điều này.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của HĐND cấp tỉnh, tạo điều kiện cần thiết, bảo đảm cho việc giám sát hoạt động tư pháp của HĐND cấp tỉnh có thực chất, thực quyền. Nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra, Thường trực HĐND cấp tỉnh cần được kiện toàn theo hướng: Thường trực HĐND gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, là Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch HĐND là hoạt động chuyên trách, đều là Tỉnh ủy viên, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND phải là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Ủy viên là Trưởng các Ban HĐND hoạt động chuyên trách và Chánh Văn phòng giúp việc HĐND cấp tỉnh.
Để giúp HĐND giám sát hoạt động tư pháp có thực chất hơn, phải đảm bảo số lượng và chất lượng đối với Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh. Trong nhiệm kỳ đến, cần bố trí cả Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và từ 01- 02 Ủy viên hoạt động chuyên trách. Số lượng thành viên Ban Pháp chế nên bố trí từ 9 - 11 thành viên; cơ cấu thành viên Ban theo hướng tăng đại biểu cơ quan Đảng, đoàn thể và các chuyên gia có năng lực hoạt động thực tiễn, nhiệt tình và tâm huyết.
Bên cạnh đó, thường xuyên củng cố và nâng cao vai trò của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh theo hướng: Các đại biểu HĐND được bầu trong một huyện hợp thành Tổ đại biểu HĐND với số lượng từ 5 đến 7 người; có Tổ trưởng, Tổ phó; được HĐND cùng cấp giao định mức kinh phí để hoạt động. Tổ đại biểu HĐND có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri; tổ chức việc tiếp công dân của đại biểu HĐND; tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát; phân công đại biểu HĐND trong Tổ tham gia Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND...
Kiện toàn bộ máy Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh: Quy định lại cơ cấu các phòng trực thuộc không theo đầu mối cơ quan phục vụ như hiện nay mà phải gắn với lĩnh vực chuyên môn. Cụ thể gồm: Phòng Nội chính; Phòng Kinh tế - Ngân sách; Phòng Văn hóa - Xã hội; Phòng Dân tộc - Tôn giáo (đối với các địa phương có đủ tiêu chí thành lập); Phòng Thông tin - Dân nguyện; Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh bằng việc ban hành một Luật về hoạt động giám sát của HĐND và tập trung vào những vấn đề: Định nghĩa rõ ràng về hoạt động giám sát của HĐND, trong đó có hoạt động giám sát tư pháp; quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền đối với từng chủ thể giám sát của HĐND; chức năng giám sát; đối tượng chịu sự giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND nhằm khắc phục sự chồng chéo về thẩm quyền và đối tượng chịu sự giám sát; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; vấn đề tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; các biện pháp đảm bảo hoạt động giám sát. Phân định mạch lạc thẩm quyền giám sát của các Ban HĐND, nhất là thẩm quyền của các Ban HĐND có lĩnh vực giao thoa nhau để khắc phục tình trạng chồng chéo. Quy định rõ ràng hơn về trình tự giám sát cũng như hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát do HĐND thực hiện. Xác định cụ thể chế tài xử lý đủ mạnh để hoạt động giám sát của HĐND là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước thực sự;. Cụ thể hóa sự phối hợp giữa hoạt động giám sát của HĐND với hoạt động giám sát của các cấp ủy Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thứ tư, đổi mới phương thức thực hành quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh: Trước hết, đối với đại biểu HĐND phải hiểu rõ mục đích của việc chất vấn; đồng thời, tránh cả hai khuynh hướng: không muốn, không dám thực hiện quyền chất vấn, vì ngại “va chạm” hoặc thực hiện quyền chất vấn một cách không khách quan, không vì công việc chung với thái độ hằn học, "bới móc" khuyết điểm, hạn chế cơ quan, tổ chức, cá nhân bị chất vấn, làm cho không khí diễn đàn kỳ họp HĐND "nóng" lên một cách không cần thiết. Suy cho cùng, chất lượng hoạt động chất vấn phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của người đại biểu HĐND. Do đó, yêu cầu đặt ra là người đại biểu HĐND phải có trình độ hiểu biết, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là đối với vấn đề mà mình chất vấn; đồng thời, phải có tâm huyết, bản lĩnh cao, dám hỏi và hỏi đến cùng vấn đề mà mình nêu ra; phải hết sức cầu thị, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, cụ thể, khách quan, tất cả vì mục tiêu chung là sự phát triển của địa phương.
Đối với Thường trực HĐND - Chủ tọa kỳ họp có vai trò rất quan trọng trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Để người bị chất vấn chủ động hơn trong việc chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn, Thường trực HĐND nên tập hợp, phân tích, dự kiến những nội dung cần phải trả lời tại kỳ họp, những nội dung đề nghị HĐND cho trả lời bằng văn bản (là những nội dung cần điều tra, xác minh làm rõ), dự kiến người phải trả lời chất vấn rồi gửi ngay đến cho họ trước khi khai mạc kỳ họp. Trong quá trình điều hành, Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, nhạy bén, xử lý tình huống nhanh để phiên chất vấn diễn ra đúng trình tự, thời gian quy định. Đồng thời, Chủ tọa phải tạo ra được bầu không khí dân chủ, tranh luận công khai, thẳng thắn nhưng không làm cho phiên họp chất vấn "nóng lên" hoặc nguội lạnh, kém sôi nổi và phải trên tinh thần tôn trọng, biết lắng nghe từ hai phía người chất vấn và người bị chất vấn. Trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau thì Thường trực HĐND phải hội ý nhanh để có chính kiến, quan điểm của mình đối với những nội dung khác nhau đó hoặc kiến nghị HĐND xem xét, ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn. Sau khi kết thúc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp phải thay mặt HĐND, có kết luận, nêu rõ nhận xét, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm, những nội dung cần rút kinh nghiệm đối với người chất vấn và người trả lời chất vấn, chốt lại những vấn đề trọng tâm và phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện “lời hứa” của người bị chất vấn.
ThS. Trần Văn Tân
Phó Bí thư Huyện ủy huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004;
3. Trần Văn Tân (2011), Năng lực quyết định và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, Đề tài khoa học cấp tỉnh;
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2005), Quy chế hoạt động của HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005;
5. TS. Lê Thanh Vân, Cơ sở pháp lý về quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động tư pháp - Thực trạng và giải pháp, Tài liệu Hội thảo Nâng cao năng lực thực hiện chức năng giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và HĐND cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp từ ngày 16 - 17/8/2010 tại thành phố Đà Nẵng.