Thủ tục trả lại tiền, tài sản được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự); Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
1. Trả lại tiền tạm ứng án phí có giá trị nhỏ
Hoàn trả tiền tạm ứng án phí là một trong những loại việc chủ động thi hành án[1], thường gặp trong các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong thực tế, việc hoàn trả đối với số tiền tạm ứng án phí có giá trị nhỏ thường gặp một số khó khăn, cụ thể như:
Một là, đương sự không đến nhận lại tiền tạm ứng án phí được hoàn trả
Theo Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì mức án phí áp dụng đối với việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch là 300.000 đồng. Do đó, đối với các trường hợp thuận tình ly hôn hoặc đình chỉ việc dân sự thì mức án phí được tuyên trả lại đương sự thường chỉ từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng. Cá biệt, có những vụ án hình sự, đương sự được trả lại số tiền chỉ vài chục nghìn đồng. Vấn đề vướng mắc ở đây là, vì số tiền tạm ứng án phí được trả lại có giá trị quá nhỏ dẫn đến nhiều đương sự không đến nhận lại tiền do “ngại” phải mất thời gian, công sức. Một số trường hợp, sau khi ly hôn, đương sự chuyển địa chỉ đi nơi khác hoặc không thể xác định được địa chỉ của đương sự... dẫn đến tình trạng cơ quan THADS báo gọi rất nhiều lần nhưng đương sự không đến nhận tiền. Việc này gây ra không ít khó khăn cho chấp hành viên và dẫn đến tồn đọng hồ sơ thi hành án.
Hai là, thủ tục xử lý đối với khoản tiền trả lại tạm ứng án phí còn nhiều bất cập
Thủ tục trả lại tiền tạm ứng án phí được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự; Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp đương sự không đến nhận khoản tiền tạm ứng án phí được trả lại, cơ quan THADS phải thực hiện xử lý khoản tiền này theo đầy đủ trình tự, thủ tục được quy định tại các điều khoản nêu trên như: Thông báo cho đương sự, nếu hết thời hạn mà đương sự không đến nhận thì gửi tiền qua bưu điện (trong trường hợp đương sự ở xa và rõ địa chỉ, khoản tiền có giá trị nhỏ hơn một tháng lương cơ sở), gửi tiết kiệm vào ngân hàng và thông báo cho đương sự (nếu đương sự không có địa chỉ hoặc bưu điện trả lại do không có người nhận), hết 05 năm thì sung quỹ nhà nước. Như vậy, để theo dõi, xử lý khoản tiền mà đương sự không đến nhận phải mất 05 năm, đây là thời hạn quá dài. Điều này dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng, gây lãng phí thời gian và nhân lực của các cơ quan THADS và của Nhà nước.
Để giải quyết dứt điểm các vụ án hoàn trả tiền tạm ứng án phí, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho hoạt động THADS, cần xem xét quy định thống nhất một phương án xử lý chung đối với khoản tiền tạm ứng án phí có giá trị nhỏ (dưới 500.000 đồng) đó là Tòa án có thể tuyên thu toàn bộ số tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ nhà nước, góp phần giảm tải số lượng việc thi hành án cho các cơ quan THADS. Về thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước thì cần xem xét rút ngắn từ 05 năm xuống còn 01 năm để tạo điều kiện cho cơ quan THADS có thể nhanh chóng kết thúc hồ sơ thi hành án.
2. Trả lại tài sản có giá trị nhỏ
Bên cạnh việc trả lại tiền tạm ứng án phí, các việc thi hành án dân sự trả lại tài sản có giá trị nhỏ cũng rất nan giải. Để thực hiện việc trả lại các tài sản có giá trị quá nhỏ (chẳng hạn như vài con ốc vít, tô vít, con dao, chiếc chìa khóa…), chấp hành viên cũng phải thực hiện đầy đủ các tác nghiệp như các vụ việc trả tài sản có giá trị lớn khác. Bên cạnh các thủ tục thông báo quyết định thi hành án, thông báo về việc nhận tiền, tài sản theo quy định, cơ quan THADS còn phải thực hiện rất nhiều các thủ tục hành chính khác để giải quyết vụ việc, chẳng hạn như: Chấp hành viên làm thủ tục đề nghị xuất kho tài sản, tang vật, trình thủ trưởng ký phê duyệt; kế toán làm thủ tục xuất kho tài sản, tang vật (lập lệnh xuất kho, phiếu xuất kho); chấp hành viên lập biên bản trả lại tài sản, sau đó phối hợp cùng kế toán, thủ kho giao trả tài sản cho người được nhận tài sản theo quyết định thi hành án. Tổng thời gian thực hiện việc tống đạt quyết định thi hành án và thực hiện thủ tục trả tài sản mất khoảng 02 ngày làm việc (tùy theo các tình huống khác nhau có thể phát sinh mà số lượng công việc thực hiện có thể tăng lên và thời gian thực hiện có thể dài hơn).
Có những trường hợp, theo địa chỉ tại bản án, người được nhận tài sản (có giá trị rất nhỏ) cư trú ở cách xa cơ quan THADS, chấp hành viên đã gửi quyết định thi hành án và thông báo về việc nhận tiền, tài sản theo đường bưu điện, nhưng do người này đã chuyển địa chỉ, chấp hành viên không thể liên lạc được để hướng dẫn các thủ tục nhận lại tài sản. Theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự, đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật này. Tổng thời gian thực hiện việc tống đạt văn bản và trả tài sản mất khoảng 02 ngày làm việc; mất một khoản chi phí cho việc gửi các loại công văn, giấy tờ; ngoài ra còn có các chi phí để thực hiện tiêu hủy tang vật theo quy định[2] (trong trường hợp người được nhận không nhận tài sản). Các chi phí đó đều lấy từ nguồn chi hoạt động của cơ quan THADS[3].
Như vậy, có thể thấy, mặc dù khoản phải thi hành ở đây chỉ là việc trả lại một tài sản rất nhỏ, nhưng theo quy định hiện hành, việc hoàn trả các tài sản có giá trị rất nhỏ hoặc các tài sản có giá trị lớn hơn cho đương sự đều phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục chung do pháp luật quy định. Việc quy định một trình tự, thủ tục chung khi trả lại cho các loại tài sản này gây ra khá nhiều bất cập trong thực tiễn. Điều 126 Luật Thi hành án dân sự quy định: Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99, 101 Luật Thi hành án dân sự (tiến hành định giá và bán tài sản) và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản theo quy định tại Điều 125 Luật Thi hành án dân sự (cơ quan THADS thành lập hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm chấp hành viên là chủ tịch hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia hội đồng khi cần thiết và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tham gia để tiêu hủy vật chứng).
Vấn đề vướng mắc ở đây là thời gian để xử lý tài sản trong trường hợp đương sự không đến nhận vẫn còn quá dài (05 năm). Việc này gây ra không ít khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án, tốn kém thời gian, công sức của chấp hành viên[4]. Do đó, cần có quy định rút ngắn thời gian và thủ tục xử lý khi đương sự không đến nhận tài sản (đặc biệt là đối với việc trả lại các tài sản có giá trị nhỏ) để giảm thiểu tối đa thời gian tổ chức thi hành án.
Mặt khác, cần bổ sung quy định về việc cho phép gửi các tài sản có giá trị nhỏ qua đường bưu điện (tương tự quy định tại Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đối với tài sản là khoản tiền có giá trị nhỏ hơn 01 tháng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định) vì hiện nay, quy định này mới chỉ áp dụng đối với tài sản là tiền, mà chưa áp dụng đối với tài sản là vật có giá trị nhỏ. Quy định như vậy sẽ giảm bớt các loại giấy tờ, thủ tục hành chính phát sinh và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì khoản trả lại tiền, tài sản cho đương sự thuộc loại việc chủ động thi hành án nên sẽ do cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước phải chi trả các chi phí phát sinh; mặt khác, việc trả lại tài sản có giá trị quá nhỏ, có thể chính bản thân người được nhận lại tài sản cũng không có nhu cầu nhận, cũng là một việc làm không thật sự cần thiết. Do đó, có quan điểm cho rằng, có thể cân nhắc chuyển khoản “trả lại tiền, tài sản cho đương sự” sang loại việc theo yêu cầu, sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan THADS, góp phần giảm tải công việc cho chấp hành viên, giảm thiểu các chi phí phát sinh. Theo đó, đối với những khoản tiền, tài sản được tuyên trả lại cho đương sự, bản án, quyết định cần giải thích rõ quyền yêu cầu thi hành án của đương sự. Sau một thời gian nhất định, nếu đương sự không liên hệ để yêu cầu nhận lại tài sản thì cơ quan THADS sẽ thực hiện sung công quỹ nhà nước.
3. Về trả lại tài sản cho phạm nhân
Tổ chức thi hành án dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù là một công việc rất khó khăn, phức tạp, không chỉ đối với người phải thi hành án là phạm nhân mà còn cả đối với những trường hợp trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho phạm nhân là người được thi hành án.
Vấn đề trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân được quy định tại Điều 129 Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân (Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định trên còn gặp rất nhiều bất cập, cụ thể:
Một là, khó xác định trại giam của đương sự
Theo khoản 1 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên gửi thông báo, quyết định về việc nhận lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thông qua giám thị trại giam, trại tạm giam. Tuy nhiên, việc xác định trại giam của đương sự không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi, đặc biệt là đối với một số trường hợp gia đình và địa phương không biết thông tin về nơi đương sự phải chấp hành hình phạt tù.
Tình trạng không xác định được địa chỉ trại giam của đương sự là khá phổ biến mà các cơ quan THADS thường gặp phải. Mặc dù Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC đã quy định rõ giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải THADS hoặc phạm nhân là người được thi hành án theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Trong một số trường hợp, việc tìm hiểu và xác định trại giam nơi người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù còn làm mất khá nhiều thời gian của chấp hành viên, làm giảm hiệu quả thi hành án.
Hai là, thủ tục trả lại tài sản cho phạm nhân còn phức tạp
Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định: Trường hợp phạm nhân là người được THADS có đơn đề nghị được nhận tiền, giấy tờ tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện thì trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS biết; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan THADS có trách nhiệm gửi tiền, giấy tờ cho giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để tiến hành việc trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được THADS theo quyết định trả tiền, giấy tờ. Tuy nhiên, nhiều phạm nhân có trình độ hiểu biết hạn chế, cá biệt còn có những phạm nhân không biết chữ, do đó, quy định phạm nhân có đơn xin nhận tiền, giấy tờ trong trại giam đôi khi rất khó khăn. Mặt khác, đối với những tài sản được trả lại có giá trị quá nhỏ thì việc trả lại càng khó khăn hơn khi đương sự thì ở trong trại giam, người nhà đương sự thì không muốn đến nhận do tài sản có giá trị quá nhỏ, nhất là khi họ lại cư trú ở các tỉnh xa với nơi xử án.
Điểm c Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Đối với những tài sản, vật chứng không có giá trị, giá trị nhỏ hoặc không sử dụng được thì Tòa án nên tuyên tiêu hủy đối với vật chứng đó, không nên tuyên trả lại cho bị cáo, nhất là khi bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Việc thống nhất giữa quá trình xét xử với việc xem xét xử lý các tài sản, tang vật của vụ án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn THADS, giảm tải công việc cho các cơ quan THADS, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của Nhà nước.
Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định: Trường hợp phạm nhân là người được THADS thì cơ quan THADS trực tiếp chuyển tiền cho người được thi hành án thông qua giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản tạm gửi của trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện. Đối với giấy tờ khác thì cơ quan THADS chuyển giao cho giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để trả lại cho phạm nhân là người được thi hành án. Tuy nhiên, quy định này của Thông tư lại không áp dụng đối với các tài sản khác (ngoài tiền), trong khi số lượng việc thi hành án phải trả lại các tài sản khác cho phạm nhân là rất lớn. Do đó, nên xem xét bổ sung quy định rõ đối với những tài sản có giá trị nhỏ (ước tính giá trị còn lại dưới 2.000.000 đồng) trong trường hợp đã xác định được chính xác địa chỉ trại giam, cơ quan THADS thực hiện luôn việc chuyển trả tài sản vào trại giam để trại giam tiến hành trả cho phạm nhân mà không cần các thủ tục như đơn xin nhận tài sản, ủy quyền nhận tài sản… để rút ngắn thời gian thi hành án.
Về thủ tục trả lại tiền, tài sản cho phạm nhân đối với các tài sản có giá trị nhỏ cũng cần có những quy định đơn giản hơn. Quy định về giấy ủy quyền có xác nhận của trại giam (khoản 1 Điều 129 Luật Thi hành án dân sự) chỉ nên áp dụng đối với trường hợp tài sản có giá trị lớn, còn đối với các tài sản có giá trị nhỏ thì không nên áp dụng quy định này vì trong thực tiễn, việc xin xác nhận của trại giam vào đơn xin nhận tài sản hoặc giấy ủy quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn do phạm nhân bị quản lý rất chặt chẽ, việc người nhà phạm nhân đến trại giam xin xác nhận ủy quyền nhận tài sản cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian tổ chức thi hành án. Do đó, đối với các trường hợp tài sản có giá trị nhỏ, nên quy định thân nhân của phạm nhân có thể xin xác nhận của chính quyền địa phương về nhân thân để đến nhận tài sản tại cơ quan thi hành án, điều này cũng sẽ giản tiện bớt thủ tục và cũng tạo thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.
Từ thực tiễn thi hành khoản trả lại tiền, tài sản có giá trị nhỏ nêu trên, có thể thấy, việc nghiên cứu xây dựng một cơ chế “thi hành án rút gọn” đối với các vụ việc thi hành án có giá trị nhỏ, tính chất đơn giản là vô cùng cần thiết để có thể giải quyết dứt điểm các việc thi hành án hoàn trả tiền, tài sản còn tồn đọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội