1. Vai trò của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) do công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đã từng bước đưa người dân vùng dân tộc thiểu số tiếp cận với các văn bản pháp luật. Vai trò của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong PBGDPL được thể hiện như sau:
Thứ nhất, công chức tư pháp - hộ tịch tổ chức thực hiện đưa pháp luật đến với nhân dân tại thôn, ấp, bản, làng thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực như: Sinh hoạt hội nông dân; câu lạc bộ nông dân với pháp luật; tổ chức tập huấn; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; qua hoạt động trợ giúp pháp lý; tư vấn pháp luật; hòa giải ở cơ sở; giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân… Bên cạnh đó, việc PBGDPL còn được kết hợp với các hoạt động như: Xóa đói giảm nghèo ở nông thôn; phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn ấp bản làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí… nên đã thu hút được đông đảo nông dân, tạo nên hiệu quả tuyên truyền cao. Nội dung PBGDPL được lựa chọn phù hợp với đối tượng người dân và nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương.
Mặc dù tại các xã vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số, các địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế kém phát triển, cơ sở vật chất như đường giao thông, trường học, trạm y tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, công tác PBGDPL còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Song công chức tư pháp - hộ tịch đã luôn nỗ lực, nhiệt tình để nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, họ đã phối hợp với các già làng, trưởng bản, những người có uy tín nhằm phổ biến các chính sách cũng như quy định pháp luật cho nhân dân. Vì vậy, những năm qua, tỷ lệ người dân biết chữ đã tăng lên, tỷ lệ tảo hôn giảm xuống đáng kể, các hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được nâng lên. Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ có chuyên ngành luật là người dân tộc thiểu số, đào tạo cho họ những kiến thức cơ bản để họ tiến hành hoạt động tư pháp tại địa phương.
Thứ hai, công chức tư pháp - hộ tịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước tại địa phương, vận dụng kiến thức pháp luật để góp phần giúp cho các văn bản này không bị chồng chéo, có tính thực thi cao hoặc giúp ban hành những quyết định xử phạt hành chính đúng thẩm quyền, đúng hành vi, phòng tránh việc khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định chính trị - xã hội ở địa phương. Trong cuộc sống hàng ngày, công chức tư pháp - hộ tịch luôn bám sát nhân dân, bám sát đồng bào dân tộc thiểu số, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của họ nhằm tháo gỡ kịp thời. Họ chính là mắt xích quan trọng để kết nối người dân với chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Thứ ba, công chức tư pháp - hộ tịch thông qua PBGDPL đã tác động trực tiếp đến các chủ thể trong xã hội nhằm tạo ra hiệu quả cuối cùng là tổ chức thi hành Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, củng cố và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các mặt, các lĩnh vực đời sống xã hội, phục vụ nhân dân. Ngoài ra, thông qua công tác PBGDPL, công chức tư pháp - hộ tịch đã góp phần nâng cao trình độ, hiểu biết, nhận thức pháp luật cho các đảng viên, các chi bộ, tổ chức Đảng về thực thi quyền hạn của mình tại địa phương, nâng cao uy tín của tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở.
Thứ tư, công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật gắn với yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện Đề án 30, công chức tư pháp - hộ tịch đã giúp ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc rà soát, thống kê, loại bỏ và kiến nghị các cấp có thẩm quyền loại bỏ các thủ tục và giấy tờ hành chính không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính. Việc cải cách thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng nguyên tắc: “Tiến hành các thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật; công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc; nhận yêu cầu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; phối hợp với các bộ phận có liên quan nhằm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện, đúng thời gian”. Để làm được điều này, công chức tư pháp - hộ tịch, một mặt, tăng cường PBGDPL cho người dân để họ hiểu và thực hiện đúng, tự giác, đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình, mặt khác, lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân về những vướng mắc, khó khăn mà họ đang gặp phải khi thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính tư pháp. Các thông tin được công khai, niêm yết tại trụ sở làm việc, các thủ tục hành chính được giảm bớt, thu gọn. Công chức tư pháp - hộ tịch xã đã phối hợp với công chức văn hóa - thông tin thực hiện công khai các thông tin, chủ trương, chính sách thông qua mạng lưới đài phát thanh đến tận thôn, xóm.
Thứ năm, chủ trương xã hội hóa các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp như công chứng, trợ giúp pháp lý, hòa giải đã và đang đặt ra nhiều trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, mà trực tiếp là công chức tư pháp - hộ tịch. Chẳng hạn như, công chức tư pháp - hộ tịch phải phối hợp rất chặt chẽ với các Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý để tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại địa bàn cấp xã, duy trì sinh hoạt của câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, xây dựng và bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ công tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở, qua đó, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng chính sách thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý được tiếp cận thông tin pháp luật, đặc biệt là những thông tin liên quan trực tiếp đến những vấn đề vướng mắc về pháp luật trong cuộc sống của họ và sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí…
Thứ sáu, công chức tư pháp - hộ tịch góp phần xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Mục tiêu của quy chế dân chủ ở cơ sở là hướng tới mục tiêu đảm bảo để thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với việc giải quyết các công việc tại địa phương. Khi chính quyền cơ sở đưa ra một chính sách, kế hoạch, dự án đầu tư cụ thể, thì thông thường, công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm phổ biến, giải thích cho từng người với mục đích giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu chính xác, từ đó, người dân xác định được vị trí, trách nhiệm của mình đối với các kế hoạch đó. Bên cạnh đó, công chức tư pháp - hộ tịch cũng cần công khai cho nhân dân biết các nội dung quan trọng để nhân dân đóng góp ý kiến, bàn bạc trao đổi và cùng giải quyết các công việc chung trên tinh thần tôn trọng quyền và nghĩa vụ của nhau.
2. Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đủ mạnh, giúp chính quyền cấp xã trong việc triển khai các nhiệm vụ tư pháp trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX: “Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân, trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”, các cấp, các ngành cần có kế hoạch để nâng cao năng lực của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, trong đó, quan tâm triển khai các giải pháp sau:
Một là, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc; vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tình hình an ninh - trật tự của từng địa phương để bố trí công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phù hợp, đảm bảo đủ số lượng, có chất lượng đủ sức tham mưu cho chính quyền cấp xã thực hiện tốt công tác tư pháp trên địa bàn. Không bố trí công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã kiêm nhiệm các công việc khác ngoài nhiệm vụ công tác tư pháp.
Hai là, tiến hành rà soát, đánh giá trình độ, năng lực, sở trường của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã hiện có để điều động, bố trí, chuyển đổi vị trí công tác phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời, phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi người, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Ba là, chú trọng quy hoạch, đề bạt, luân chuyển công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có khả năng phát triển vào các vị trí chủ chốt của bộ máy chính quyền cấp xã; tránh đề bạt công chức khi không còn khả năng phát triển hoặc có biểu hiện cầm chừng. Kiên quyết không bố trí công chức bị kỷ luật hoặc không hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, lĩnh vực công tác này, lại được bố trí sang đảm nhận nhiệm vụ công chức tư pháp - hộ tịch.
Bốn là, quan tâm thực hiện đúng và kịp thời các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã như: Chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài; chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút, bố trí, sử dụng sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại xã; có chế độ phụ cấp đặc biệt đối với các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi... Nhằm động viên, khuyến khích, thu hút cán bộ vào công tác trong lĩnh vực này.
Năm là, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tham gia các lớp đào tạo tập trung, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong giải quyết các công việc hàng ngày.
Trường Trung cấp Luật Tây Bắc