1. Quy định về giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án
Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Cụ thể là: Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó (Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Tuy nhiên, để vụ án được giải quyết khách quan, công bằng thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định, trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Thời hạn chuẩn bị xét đơn được quy dịnh tại Điều 336 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, đối với trường hợp đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của thẩm phán thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thời hạn đương sự phải giao nộp; còn đối với trường hợp đương sự giao nộp không phải theo yêu cầu của thẩm phán thì Bộ luật này không có quy định đương sự phải giao nộp vào thời điểm nào của quá trình giải quyết vụ án vì đây là quyền của đương sự. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để giải quyết vụ việc dân sự. Thực tế đã có nhiều vụ án đương sự không giao nộp hết tài liệu, chứng cứ cho Tòa án ngay từ lúc đầu mà đợi đến khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử thì họ mới giao nộp đủ. Thậm chí đương sự còn để lại những tài liệu, chứng cứ đến giai đoạn phúc thẩm mới giao nộp. Mục đích của đương sự (nhất là bị đơn) là gây khó khăn cho đương sự còn lại trong vụ án nhưng điều này cũng đã gây không ít khó khăn cho thẩm phán hoặc hội đồng xét xử trong đánh giá chứng cứ của vụ án.
Khoản 4 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, nếu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó, Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ án. Vấn đề đặt ra là, nếu tại phiên tòa đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và đương sự không chứng minh được lý do chính đáng của sự chậm trễ thì Tòa án có nhận tài liệu, chứng cứ đương sự giao nộp hay không. Theo tác giả, khi đương sự có giao chậm tài liệu, chứng cứ cho Tòa án dù có lý do hay không có lý do chính đáng thì Tòa án cũng không được quyền từ chối nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp. Bởi nếu Tòa án từ chối nhận thì Tòa án sẽ không đánh giá hết bản chất của vụ việc, không tìm ra được sự thật khách quan của vụ án; nếu có kháng cáo, kháng nghị thì bản án của Tòa án cấp sơ thẩm có thể sẽ bị hủy do thu thập chứng cứ không đầy đủ. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này để phù hợp với thực tiễn xét xử.
2. Quy định về sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác
Quy định về đương sự sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác trong vụ án là điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó: Đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ (khoản 9 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án gửi cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản sao tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp (khoản 3 Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác (khoản 5 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Như vậy, ngoài việc sao gửi các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án mà đương sự khác chưa có thì đương sự còn phải sao gửi cho đương sự khác đơn khởi kiện (đối với nguyên đơn), đơn yêu cầu phản tố (đối với bị đơn), đơn yêu cầu độc lập (đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).
Thời điểm, phương thức đương sự gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác không được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định. Vấn đế này trong Giải đáp nghiệp vụ số 01 ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao tại mục 8 phần IV có hướng dẫn như sau:
“Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về thời điểm đương sự phải gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, việc quy định đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác bản sao tài liệu, chứng cứ tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là nhằm đảm bảo việc tiếp cận chứng cứ để thực hiện quyền tranh tụng của đương sự trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Do vậy, nguyên đơn phải gửi bản sao đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định phương thức đương sự sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nên đương sự có quyền lựa chọn phương thức sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác (gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện...) và đương sự phải chứng minh với Tòa án đã sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.
Quy định tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là những quy định mới, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Do vậy, trong quá trình tố tụng, Tòa án phải giải thích, hướng dẫn cho đương sự để họ thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Trường hợp đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì Tòa án yêu cầu đương sự phải thực hiện. Trường hợp vì lý do chính đáng, không thể sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 Điều 196, điểm b khoản 2 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.
Liên quan đến quy định về sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác, thực tiễn đã có vướng mắc và cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng pháp luật cho thống nhất, đó là:
Thứ nhất, nếu Tòa án đã giải thích cho đương sự biết có nghĩa vụ phải giao nộp tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nhưng đương sự không thực hiện và khi Tòa án yêu cầu đương sự thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ nhưng đương sự vẫn không thực hiện và không có yêu cầu Tòa án hỗ trợ việc sao gửi tài liệu, chứng cứ thì giải quyết như thế nào. Quy định về sao gửi tài liệu, chứng cứ là quy định mới và tiến bộ của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại không quy định nếu đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác và không yêu cầu Tòa án hỗ trợ thì trách nhiệm của đương sự đó hay hậu quả pháp lý mà đương sự đó phải chịu trong vụ án là như thế nào.
Đối với việc đương sự có yêu cầu Tòa án hỗ trợ gửi tài liệu cho đương sự khác thì thực tế tại các Tòa án hiện nay vẫn có cách làm đó là Tòa án tự phô tô các tài liệu, chứng cứ do đương sự giao nộp và gửi cho các đương sự khác trong vụ án. Theo quan điểm của tác giả, cách làm này là không đúng quy định và gây tốn kém chi phí cho Tòa án. Bởi vì: (i) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định tại khoản 3 Điều 196 như sau: Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, “Tòa án gửi” cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan “bản sao” tài liệu, chứng cứ “do nguyên đơn cung cấp”. Như vậy, quy định này đã rõ là Tòa án sẽ hỗ trợ đương sự gửi bản sao tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp cho Tòa án cho đương sự khác chứ Tòa án không tự phô tô tài liệu, chứng cứ để gửi cho đương sự khác; (ii) Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Tòa án đã công khai các tài liệu, chứng cứ do đương sự trong vụ án giao nộp. Cho nên, nếu các đương sự khác muốn biết các tài liệu này thì vẫn có quyền yêu cầu Tòa án cho sao chụp tài liệu, chứng cứ đó. Như vậy, vẫn đảm bảo quyền, nghĩa vụ của đương sự trong vụ án.
Thứ hai, theo quy định đương sự phải sao chụp hoặc Tòa án hỗ trợ đương sự gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì “đương sự khác” là tất cả đương sự còn lại trong vụ án hay chỉ đương sự có quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến đương sự đó (trong vụ án có thể có các đương sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập nhưng đứng về phía nguyên đơn, đứng về phía bị đơn).
Thứ ba, tài liệu mà đương sự phải sao hoặc Tòa án hỗ trợ đương sự gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác là gì. Thực tế hiện nay, khi gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác, Tòa án gửi tất cả những gì đương sự nộp cho Tòa án, kể cả bản sao Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bản tự khai… Điều này đã tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh