Hỗ trợ cải thiện nhà ở nói chung, miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công nói riêng là một trong những chính sách đền ơn, đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Đảng, Nhà nước và của nhân dân đối với những người cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Có thể nói, qua hơn 25 năm triển khai và tổ chức thực hiện Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở (Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996) đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống, tâm tư, tình cảm của người có công với nước. Nhiều hộ gia đình có công, qua chính sách hỗ trợ này đã tạo điều kiện thuận lợi để có nhà ở ổn định; người có công bày tỏ sự biết ơn đối với Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đối với họ và gia đình.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập, chủ yếu là từ các quy định pháp luật, từ đó, mỗi địa phương, mỗi trường hợp đều có cách làm, cách vận dụng khác nhau. Rà soát, đánh giá các nội dung trong Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996; Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng tám năm 1945 cải thiện nhà ở (Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg); Chỉ thị số 166-TTg ngày 19/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996, có thể thấy rằng, thật khó xác định đây là chính sách chỉ hỗ trợ cho người có công đối với những trường hợp thật sự khó khăn về nhà ở, không có điều kiện tạo lập chỗ ở hay là chính sách hỗ trợ một lần mang tính chất đại trà đối với tất cả các trường hợp người có công. Điều này đã dẫn đến việc tổ chức thực hiện có sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, giữa các trường hợp trong cùng một địa phương, làm nảy sinh tình trạng so bì giữa các đối tượng người có công, giảm đi ý nghĩa, tính công bằng trong quá trình thực hiện chính sách. Có trường hợp phát sinh khiếu kiện hành chính giữa một bên là người có công với một bên là cơ quan thực hiện chính sách người có công. Mối quan hệ này chủ yếu thuộc các trường hợp là thân nhân gia đình liệt sĩ khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định không cho hưởng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Điều 2 Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg (Quyết định số 118/TTg) quy định như sau:
“…
2. Điều kiện và mức hỗ trợ.
a) Người có công với Cách mạng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không thể tạo lập được nhà ở mà chưa được thuê nhà của Nhà nước hoặc bị mất nhà do thiên tai, hỏa hoạn... thì tùy theo điều kiện của địa phương, hoàn cảnh và công lao của từng người được xét tặng “Nhà tình nghĩa”, được giao đất làm nhà ở, hoặc được mua nhà trả góp.
…
c) Đối tượng thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định này nếu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở.
Trường hợp mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là nhà ở một tầng hoặc nhà ở nhiều tầng có một hộ ở thì được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền sử dụng đất theo các mức cụ thể như sau:
…
- Thân nhân của liệt sĩ quy định tại khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… được hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất.
…
3. Các mức hỗ trợ tiền sử dụng đất nêu tại khoản c điểm 2 Điều 2 Quyết định này cũng được áp dụng đối với các trường hợp được hỗ trợ bằng hình thức giao đất làm nhà ở.
4. Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình và mức hỗ trợ tiền sử dụng đất được tính theo diện tích đất thực tế được giao nhưng tối đa không vượt quá định mức đất ở cho một hộ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định”.
Tác giả xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Ông Đ (là con liệt sĩ) ở thành phố Q, tỉnh B khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 465/QĐ-SLĐTBXH ngày 31/12/2019 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh B về việc không công nhận khiếu nại đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với lô đất tái định cư thuộc thành phố Q, tỉnh B. Bản án sơ thẩm số 35/2020/HC-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã bác đơn yêu cầu khiếu nại. Nhưng Bản án phúc thẩm số 77 đã quyết định sửa án sơ thẩm, công nhận đơn khởi kiện của ông Đ. Qua việc xét xử của hai cấp Tòa án đã cho thấy, có sự vướng mắc trong việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công nói chung, con liệt sĩ nói riêng.
Tinh thần của Quyết định số 465/QĐ-SLĐTBXH và Bản án sơ thẩm số 35/2020/HC-ST nói trên cho rằng: Không thể thực hiện việc hỗ trợ một lần cho mọi đối tượng người có công nói chung, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho con liệt sĩ nói riêng. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Quyết định số 118/TTg thì trường hợp ông Đ (thân nhân liệt sĩ) là đối tượng được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định số 118/TTg. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quyết định số 118/TTg thì những trường hợp mà bản thân và gia đình họ đã có nhà ở nhưng đã bán (như trường hợp ông Đ), đã được hóa giá nhà hoặc đã được giao đất ở thì không thuộc diện xét giao đất ở và miễn, giảm theo Quyết định số 118/TTg.
Trong khi đó, Bản án phúc thẩm số 77 đã nhận định: Chính sách hỗ trợ nhà ở, miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công được thực hiện “xét giảm một lần”. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 2 Quyết định số 118/TTg và quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (Nghị định số 45/2014/NĐ-CP) thì ông Đ là thân nhân liệt sĩ, được giảm nộp tiền sử dụng đất (đến 70%). Do đó, việc Bản án sơ thẩm số 35/2020/HC-ST nhận định trường hợp con liệt sĩ như ông Đ đã có nhà từ trước nên không đủ điều kiện để áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quyết định số 118/TTg là không phù hợp. Bởi vì, điều kiện này chỉ áp dụng cho những đối tượng được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm a, còn trường hợp là thân nhân liệt sĩ và thuộc trường hợp được giao đất làm nhà ở thuộc trường hợp áp dụng điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 2 Quyết định số 118/TTg. Vì vậy, điều kiện áp dụng ở “điểm a” không bao gồm là điều kiện để áp dụng cho cả “điểm c” trong khoản 2 Điều 2 Quyết định số 118/TTg.
Bản án phúc thẩm số 77 còn khẳng định: Trường hợp là con liệt sĩ (như ông Đ) đang không có nhà ở, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay không, đã có nhà ở hay chưa đều không ảnh hưởng đến quyền lợi là được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Quyết định số 118/TTg. Việc cấp sơ thẩm xác định một trường hợp như ông Đ là thân nhân liệt sĩ, thuộc đối tượng xét miễn, giảm tiền sử dụng đất nhưng lại căn cứ các điều kiện để được hưởng các quyền lợi khác của người có công và từ đó không chấp nhận yêu cầu của ông Đ là được miễn, giảm tiền sử dụng đất là không phù hợp với quy định tại Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Theo tác giả, nhìn một cách tổng quan thì Quyết định số 118/TTg dường như có “bóng dáng” của quan điểm muốn chọn đối tượng thật sự khó khăn về nhà ở, không có khả năng tạo lập nhà ở để thực hiện chính sách hỗ trợ, chứ không được hỗ trợ mang tính chất đại trà. Tuy nhiên, xét về bố cục, kỹ thuật lập pháp và tính chất dẫn chiếu của Quyết định này thì việc nhận định và đi đến phán quyết của Bản án phúc thẩm số 77 có sức thuyết phục hơn.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập như trên, tác giả kiến nghị cần khẩn trương tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công, sửa đổi Quyết định số 118/TTg theo hướng: Cho phép tất cả các đối tượng chính sách được liệt kê được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở với nhiều mức khác nhau, có thể được hưởng một lần bằng tỷ lệ miễn, giảm tiền sử dụng đất hoặc số tiền cụ thể như một số địa phương đã thực hiện. Trường hợp chỉ thực hiện việc hỗ trợ cho những đối tượng thật sự khó khăn thì cũng phải được kết luận và sửa đổi Quyết định số 118/TTg để dùng làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định