Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến mau chóng. Khi đang ở Côn Minh - Trung Quốc, nghe tin Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức vào tháng 6/1940, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng và Người đã nhận định: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[1].
Còn ở trong nước lúc này, thực dân Pháp quay ra đàn áp dã man phong trào cách mạng. Tháng 9/1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Nhân dân Việt Nam chịu ách áp bức “một cổ hai tròng”. Khi ấy, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã phát triển mạnh mẽ và chuyển sang đấu tranh vũ trang. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra như: Khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ vào cuối năm 1940. Nhận thấy mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và phát xít Nhật đã được đẩy lên đỉnh điểm, đồng thời, khát vọng đấu tranh để giành độc lập của dân tộc cũng được dấy lên đến tột bậc, Người đã xác định đây chính là cơ hội tốt và thuận lợi để trở về nước, cần phải chớp thời cơ để thúc đẩy phong trào cách mạng đi đến thắng lợi.
Ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc đã đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc, tại vùng đất Pắc Pó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Việc Người quyết định lựa chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng hoàn toàn không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng, liên quan tới triển vọng phát triển phong trào cách mạng của cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã nhận định Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trước hết, Cao Bằng là tỉnh tiếp giáp Trung Quốc, với trên 300 km đường biên, có tới hàng chục cửa khẩu và hàng trăm lối mòn sang Trung Quốc, có thể lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Không những thế, Cao Bằng còn có phía Nam giáp với Lạng Sơn, Bắc Kạn, phía Tây giáp với Hà Giang, Tuyên Quang. Từ Cao Bằng, có thể phát triển về Thái Nguyên rồi tỏa xuống đồng bằng Bắc Bộ, tạo điều kiện cho việc liên kết với các phong trào cách mạng của cả nước. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, khi yếu tố quan trọng để đi đến quyết định lựa chọn Cao Bằng của Người là vùng đất này có phong trào tốt từ trước, nhân dân Cao Bằng có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và tinh thần giác ngộ cách mạng từ rất sớm.
Không chỉ có niềm tin vào tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người nhận thức và đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Từ sự kế thừa, phát huy các giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Người đã khẳng định “dân là gốc”[2].
Với tư tưởng như vậy, tháng 5/1941, tại lán Khuổi Nặm, Người đã triệu tập và chủ trì Hội Nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Đương lần thứ 8, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Việt Nam. Trong đó, đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Đặc biệt, Người không chỉ giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu mà đề ra những chủ trương, chính sách rất cụ thể, nhằm tập hợp lực lượng từ các giai cấp, giai tầng trong xã hội, các dân tộc, đảng phái… vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Sự ra đời của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh lúc bấy giờ được xem là một sáng kiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng lực lượng cho cách mạng, chuẩn bị cho một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Với chủ trương, chính sách đúng đắn, Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày càng phát triển lớn mạnh. Các hội cứu quốc như: Nông dân Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc… đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh, được thành lập và lan tỏa nhanh chóng từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Thông qua Mặt trận Việt Minh, ý Đảng nhanh chóng thấm đến lòng dân, từ đó xây dựng lực lượng chính trị quần chúng hùng hậu cho cách mạng. Tuy nhiên, để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, nếu chỉ tuyên truyền sẽ khó thành công. Vì thế, bên cạnh lực lượng chính trị, cần phải có lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Nhận thức được vấn đề này, Người đã quyết định đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Trung đội Cứu Quốc quân thứ nhất. Từ đội Cứu Quốc quân đầu tiên đã phát triển thành ba trung đội Cứu quốc quân, hoạt động trên địa bàn rộng lớn, không chỉ tổ chức huấn luyện cấp tốc về quân sự, chính trị mà còn phối hợp với quần chúng bảo vệ trật tự, trị an làng bản, bảo vệ cơ sở cách mạng, phát động phong trào tự mua sắm vũ khí. Đặc biệt, đến cuối năm 1944, khi phong trào cách mạng phát triển lên cao, Người đã nhận định cần phải có một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Phải dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng tốt về chính trị, tác động sâu rộng trong quần chúng, từ đó mới có thể mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ đầu tiên. Đây là những chiến sĩ năng nổ, anh dũng nhất được tập hợp từ các đội du kích. Đội quân vũ trang được xây dựng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trên tinh thần lấy chính trị làm gốc, làm nền tảng cho các hoạt động quân sự. Vì thế, ngay từ việc đặt tên đội là “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” cũng thể hiện rõ tư tưởng của Người. Đó là “chính trị trọng hơn quân sự”. Đây cũng chính là điểm khác biệt độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang cho cách mạng.
Ông Dương Mạc Thăng - Con trai đồng chí Dương Mạc Thạch, Đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nhớ lại lời kể của bố: “Bố tôi kể là Bác có nói là đội này trước mắt là chính trị trọng hơn quân sự, chính trị là phải gần dân, vận động nhân dân, giác ngộ nhân dân, tập hợp nhân dân thế còn quân sự là phải đánh vì đã sinh ra các đội vũ trang là phải đánh. Yêu cầu của Bác là đánh là phải thắng, mà đặc biệt trận đầu là phải thắng. Trên tinh thần đó là Bác Giáp và Ban chỉ huy của đội là đánh đồn Phai Khắt và quả nhiên đồn Phai Khắt thắng rất giòn giã, nhân dân rất là phấn khởi, nó không chỉ phấn khởi của dân ở Tam Kim mà còn có sức lan tỏa rất lớn. Sau đó Báo Việt Nam Độc lập có đưa tin là có một đội quân đến đánh đồn Phai Khắt rất nhanh, rất giòn giã. Sau này đội quân đã đi rồi, mình tuyên truyền như thế, các nơi khác biết ngay là đội quân cách mạng nên rất ủng hộ. Chính như thế nên lòng dân rất tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng của chúng ta”.
Cùng với việc xây dựng lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc phải bằng con đường bạo lực cách mạng. Người đã chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[3]. Sức mạnh của bạo lực cách mạng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thời cơ cách mạng đã đến, với đường lối đúng đắn, với phương pháp cách mạng sáng tạo và lực lượng đoàn kết toàn dân trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu nhân dân đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng là minh chứng rõ nét cho nghệ thuật sử dụng bạo lực cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần tới khởi nghĩa toàn phần. Toàn quân ta đã làm nên một cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhưng không hề để lại tổn thất, thương vong lớn cho cả ta và địch. Đây là một trong những nét độc đáo, mang đậm tính nhân văn sâu sắc trong nghệ thuật quân sự của Người.
Nghiên cứu về nghệ thuật quân sự tài tình của Bác, PGS.TS. Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết: “Hồ Chí Minh luôn ưu tiên trước hết là đấu tranh chính trị, dùng áp lực chính trị của quần chúng để mà được thành quả của cách mạng mà ít đổ máu, ít tổn thất nhất cho cả hai bên. Đây có thể nói chính là giá trị nhân văn trong tư tưởng của Người nói về bạo lực cách mạng. Chứ không phải bạo lực là bạo lực theo nghĩa thô. Mà ở đây, Người chủ trương là phải dùng đến sức mạnh chính trị, và chính điều này được thể hiện rất rõ, minh chứng rất rõ trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Chúng ta thấy ở Hà Nội, ở Huế, Sài Gòn là những nơi rất tiêu biểu cho việc giành chính quyền thông qua những đoàn người tuần hành thị uy, cùng cái sức mạnh, cái áp lực chính trị quần chúng, khiến cho chính quyền thân Nhật phải giao chính quyền cho lực lượng cách mạng, chứ không phải dùng theo cách thức là tấn công, là súng nổ, máu chảy đầu rơi”.
Trong suốt tiến trình đồng hành và dẫn dắt cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”[4]. Tư tưởng về Đại đoàn kết của Người đã trở thành tư tưởng mang ý nghĩa chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, giúp dân giúp dân tộc ta có đủ niềm tin và sức mạnh để vượt qua, ngay cả trong những lúc nguy nan nhất.
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức. Vận mệnh đất nước được ví như “ngàn cân treo sợi tóc” khi quân đồng minh ùn ùn kéo vào nước ta với tư cách giải giáp quân Phát xít Nhật, nhưng thực tế là Pháp và Anh đang lăm le quay lại xâm chiếm. Trong nước, những thành phần phản cách mạng vẫn ra sức chống phá chính quyền non trẻ. Phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng cũng đang kéo vào nước ta nhằm lật đổ cách mạng. Cả thù trong, giặc ngoài đều phải đối phó. Trong khi đó, chính quyền cách mạng mới ra đời chưa được củng cố. Nạn đói cuối năm 1944, đầu năm 1945 chưa được khắc phục. Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chưa thu được thuế, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu hủy, các khoản nợ của Chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ[5]. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ.
Với tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, chỉ hai ngày sau khi tuyên bố Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ Vàng” để động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc lập”. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng”, Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”. Từ đó, có thể thấy đối tượng hướng tới của Người là “toàn quốc đồng bào”, những người thực sự có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, trong đó trước nhất là những người giàu có, các nhà tư sản dân tộc yêu nước, những điền chủ có tinh thần cách mạng…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Từ nơi cực Bắc của Tổ quốc, Vua Mèo Vương Chí Xình ở Đồng Văn, Hà Giang đã ủng hộ 09 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu, vợ của cựu hoàng Bảo Đại đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng. Công chúa Chăm ở Ninh Thuận ủng hộ 01 mũ vàng, 01 quả na, 01 quả khế, 01 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm[6]... Có thể nói, thông qua tuyên truyền, “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, nổi bật là sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản yêu nước, tiêu biểu như gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Minh Hồ ở Hà Nội - Người đã đóng góp cho cách mạng với khối lượng tài sản rất lớn lên đến hàng nghìn cây vàng, với phương châm: “Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả”[7].
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng[8]. Số tiền này tương đương với số thuế thu được trong một năm dưới chế độ cũ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu so với thời giá hiện nay, con số này tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Lượng tiền và vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế khó khăn, tạo thế và lực để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công. Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ kéo dài suốt 09 năm và kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng rõ nét cho điều đó. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là sự kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng trận chiến Điện Biên Phủ vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước. Tại Bộ Quốc phòng Pháp, các tài liệu lưu trữ, các thông tin, hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử liên quan đến trận chiến Điện Biên Phủ vẫn được bộ phận nghiên cứu của cơ quan này thu thập trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh sự đoàn kết toàn dân, một trong những nhân tố khiến quân đội Pháp bị thất bại ở Điện Biên, đó là họ không thể lường trước được quân đội nhân dân Việt Nam dưới chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thể tranh thủ được sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ rất lớn từ các nước đồng minh.
Tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành ngay từ lúc Người bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước. Khi ấy, Người đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Vì thế tinh thần quốc tế trong con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã toát lên từ lúc đó để rồi sau này khi trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn luôn biết tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tranh thủ những hoàn cảnh của quốc tế để thúc đẩy cách mạng Việt Nam phát triển.
Khéo léo, tài tình, luôn chủ động, sáng tạo và ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh để thúc đẩy tình đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa mọi sự ủng hộ là cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn để dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. Không chỉ trong kháng chiến chống Pháp mà cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra chủ trương, chính sách mềm dẻo nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhờ đó, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ đã được đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, mà trước hết là sự đồng tình ủng hộ và đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia anh em trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quý báu chí tình, chí nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Cuba cả về nhân lực, vật lực… Đặc biệt, ngay trong lòng nước Mỹ ở thời điểm đó, các cuộc đấu tranh, biểu tình đòi chống chiến tranh tại Việt Nam đã dấy lên phong trào phản chiến và phong trào này đã lan rộng chưa từng có[9]. Thanh niên, sinh viên phản đối đi lính, đốt thẻ quân dịch, cựu binh vứt bỏ huân chương để phản đối Chính phủ. Phong trào phản chiến này dẫn đến sự phân hóa trong giới cầm quyền Mỹ, tạo thành một sức ép thường trực, đòi lập lại hòa bình, rút quân Mỹ, chống mở rộng, kéo dài chiến tranh tại Việt Nam. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người coi đây là “mặt trận thứ hai” trong lòng nước Mỹ sẽ góp thêm một sức mạnh mới cho cuộc kháng chiến thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến thắng vang dội chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những chiến công vĩ đại nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, sự kết hợp giữa đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế để phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại kẻ thù xâm lược và tay sai cả về quân sự, chính trị, ngoại giao là đường lối, là tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta tiếp nối và nâng lên thành tầm nghệ thuật, trở thành một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến thắng lợi cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam
Với sự vận dụng, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang. Ngọn đuốc đó đã, đang và sẽ tiếp tục tỏa sáng, trở thành nền tảng tư tưởng, thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta trên con đường cùng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến đến mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ảnh: internet
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, T.6, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tr. 15.