Với nguyên tắc bình đẳng, vợ, chồng có quyền bình đẳng như nhau trong việc đại diện cho nhau. Sự bình đẳng thể hiện ở chỗ vợ, chồng có quyền đại diện cho nhau như nhau trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự và các hệ quả pháp lý phát sinh từ hành vi thực hiện quyền đại diện đó trong các giao dịch dân sự, dù là do vợ hay chồng thực hiện, đều có giá trị pháp lý như nhau đối với vợ, chồng và đối với người thứ ba có liên quan. Đây là một điều có ý nghĩa quan trọng trên thực tế liên quan đến hệ quả pháp lý phát sinh từ các giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện trên cơ sở đại diện với người thứ ba trong thời kỳ hôn nhân. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số khía cạnh thực tế về hệ quả pháp lý của các giao dịch do vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện trên cơ sở đại diện trong các trường hợp cụ thể, qua đó nêu lên những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến đại diện giữa vợ và chồng, từ đó đưa ra một số kiến nghị cần thiết.
1. Một số khía cạnh thực tế về hệ quả pháp lý của các giao dịch được thực hiện qua các trường hợp đại diện giữa vợ và chồng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đại diện giữa vợ và chồng phát sinh trên cơ sở quy định của pháp luật hoặc theo ủy quyền giữa vợ và chồng. Khi thực hiện quyền đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại sẽ làm phát sinh các hệ quả pháp lý về tài sản, các quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa các bên có liên quan. Trong quan hệ đại diện giữa vợ và chồng, khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự không chỉ làm phát sinh nghĩa vụ về tài sản đối với người được đại diện mà trong nhiều trường hợp còn làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng, tức là của cả người đại diện và người được đại diện, tùy thuộc vào từng trường hợp.
1.1. Hệ quả pháp lý của các giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện trong trường hợp đại diện theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật năm 2014), đại diện theo pháp luật giữa vợ và chồng phát sinh khi một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà người chồng hoặc vợ kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó. Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người được Tòa án ra quyết định tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa án sẽ “chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”. Điều này chưa được quy định trong Luật năm 2014. Trên cơ sở tính tương thích, đồng bộ giữa các quy định pháp luật, cần thấy rằng, vấn đề đại diện giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật còn bao hàm cả trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do đó, hệ quả pháp lý của các giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện trên cơ sở đại diện theo pháp luật giữa vợ và chồng cần được phân tích, xem xét qua các trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án ra quyết định là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc bị xác định là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người chồng hoặc vợ còn lại đủ điều kiện là người giám hộ, trừ trường hợp trước đó người này khi có đủ năng lực hành vi dân sự đã lựa chọn người giám hộ cho mình khi cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015[1]. Trong các trường hợp này, khi vợ hoặc chồng được xác định là người giám hộ của chồng hoặc vợ mình thì người đó có quyền, nghĩa vụ “đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự”[2]. Khi thực hiện quyền đại diện cho người được giám hộ thì vợ hoặc chồng là người giám hộ có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung hoặc tài sản riêng của chồng hoặc vợ được giám hộ trên cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ[3].
Khi vợ hoặc chồng là người giám hộ xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự với người thứ ba liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì về nguyên tắc, giao dịch đó sẽ có giá trị pháp lý, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp người giám hộ thực hiện những giao dịch liên quan tới tài sản chung như cho vay với lãi suất cao nhưng người vay trốn tránh, không trả nợ, hoặc đầu tư kinh doanh bị thua lỗ, phá sản… thì những nghĩa vụ về tài sản phát sinh sẽ là nghĩa vụ riêng của người xác lập, thực hiện giao dịch hay là nghĩa vụ chung của vợ chồng? Trong những trường hợp này, việc tham gia, xác lập các giao dịch chỉ thể hiện ý chí của một bên vợ hoặc chồng vì người chồng hoặc vợ kia bị mất năng lực hành vi dân sự, không thể hiện ý chí được. Theo quy định của pháp luật, việc người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch nhằm “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”, nhưng thế nào là “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ” không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được. Bởi theo ý chí của người đại diện, việc họ xác lập, thực hiện các giao dịch đó là vì lợi ích của gia đình, trong đó có lợi ích của người được giám hộ. Việc xảy ra các rủi ro, thất thoát về tài sản nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Mặt khác, cũng có không ít trường hợp, chồng hoặc vợ là người đại diện lợi dụng quyền đại diện của mình để tẩu tán tài sản chung nhằm những mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho tài sản chung. Do đó, trong những trường hợp này, người được giám hộ sẽ rất thiệt thòi về tài sản. Tuy nhiên, việc chứng minh mục đích xác lập, thực hiện các giao dịch của vợ hoặc chồng trên cơ sở đại diện có vì lợi ích chung của gia đình hay không là rất khó và thường chỉ đặt ra khi có hậu quả xấu xảy ra đối với khối tài sản chung.
Các giao dịch mà người vợ hoặc chồng đại diện xác lập, thực hiện liên quan đến tài sản riêng của người được đại diện vì lợi ích của người được đại diện trong phạm vi được Tòa án xác định có hiệu lực pháp lý. Việc xác lập giao dịch liên quan đến tài sản riêng có giá trị lớn của người được giám hộ thì “phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ” thì mới có hiệu lực[4]. Theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền, lợi ích về tài sản của người được giám hộ được bảo vệ thông qua cơ chế giám sát việc giám hộ. Tuy nhiên, trong thực tế, khi người vợ hoặc chồng là người đại diện cho chồng hoặc vợ mình cố ý lợi dụng quyền đại diện đó để thực hiện những hành vi định đoạt tài sản riêng của người được giám hộ hoặc tài sản chung của vợ chồng không vì lợi ích của người được giám hộ thì người giám sát việc giám hộ cũng khó phát hiện, ngăn chặn, do đó, không bảo vệ kịp thời lợi ích tài sản của người được giám hộ. Thực tế cho thấy, cơ chế giám sát việc giám hộ chưa có tính khả thi, hiệu quả vì việc giám hộ hay giám sát việc giám hộ thường được xác lập trước tiên trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng giữa các thành viên gia đình nên bị chi phối bởi yếu tố tình cảm, các bên chủ thể thường tự giác thực hiện mà ít bị chú ý, ít có sự “theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ” theo quy định của pháp luật[5]. Trong việc giám hộ giữa vợ và chồng, người giám sát việc giám hộ thường là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; con đẻ; anh, chị, em ruột… của người được giám hộ. Để bảo vệ kịp thời lợi ích của người được giám hộ, người giám sát việc giám hộ cần có sự theo dõi sát sao, kiểm tra việc giám hộ của người giám hộ, nhằm đảm bảo các giao dịch mà người giám hộ xác lập, thực hiện là vì lợi ích của người được giám hộ.
Thứ hai, trường hợp vợ hoặc chồng được chỉ định là người đại diện cho chồng hoặc vợ mình bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà người chồng hoặc vợ của họ được Tòa án chỉ định là người đại diện theo pháp luật cho họ thì người này chỉ có quyền thể hiện ý chí về sự đồng ý hay không đồng ý đối với các giao dịch mà người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Trong trường hợp này, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nên họ có quyền tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với người khác, nhưng các giao dịch này chỉ có hiệu lực pháp lý nếu có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch nhằm “phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”[6]. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích về tài sản riêng của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng như tài sản chung của vợ chồng, tránh việc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tẩu tán, định đoạt làm thất thoát tài sản. Khi người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện các giao dịch, trừ các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, mà không có sự đồng ý của người đại diện thì người đại diện có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu người đại diện mặc dù không đồng ý về việc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện giao dịch nhưng lại không có yêu cầu tuyên bố giao dịch đó vô hiệu thì giao dịch đó có đương nhiên bị coi là vô hiệu không?
Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ vẫn có quyền thể hiện ý chí của mình trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của bản thân. Do đó, khi người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì phải có sự thể hiện ý chí của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu người vợ hoặc chồng đại diện lợi dụng quyền đại diện để xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung mà không có sự đồng ý của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì giao dịch đó có thể bị vô hiệu. Đây là điểm khác biệt so với trường hợp vợ hoặc chồng đại diện cho nhau khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự.
1.2. Hệ quả pháp lý của các giao dịch do vợ, chồng thực hiện trong trường hợp đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng
Đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng xuất phát trên cơ sở ý chí tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn của vợ hoặc chồng là người ủy quyền. Trong thực tế, đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng phát sinh do nhu cầu của cuộc sống liên quan đến tài sản riêng của một bên hoặc tài sản chung của vợ chồng.
(i) Hệ quả pháp lý của các giao dịch thực hiện trên cơ sở đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng liên quan đến tài sản riêng
Trong trường hợp vợ, chồng ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản riêng của một bên thì quan hệ đại diện đó về bản chất không có gì khác đại diện giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ dân sự, được điều chỉnh bởi luật dân sự. Người vợ hoặc chồng được ủy quyền là người có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình để xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản riêng của người ủy quyền. Các giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện trong phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện[7]. Ví dụ, người chồng có thể ủy quyền cho vợ sử dụng, định đoạt số tiền được thừa kế riêng của người chồng để thực hiện giao dịch mua nhà, qua đó làm phát sinh quyền sở hữu riêng của người chồng đối với ngôi nhà đó và nếu tiền thừa kế không đủ để mua nhà thì sẽ làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của người chồng với số tiền còn thiếu. Trong trường hợp người vợ thực hiện giao dịch vượt quá số tiền được người chồng ủy quyền thì phải có sự đồng ý của người chồng; nếu người chồng không đồng ý thì người vợ phải chịu trách nhiệm với số tiền vượt quá phạm vi được ủy quyền[8].
Vợ hoặc chồng có thể là người đại diện của người kia khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp kinh doanh mà tư cách đại diện của vợ hoặc chồng sẽ được xác định khác nhau. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh riêng thì chồng hoặc vợ của họ chỉ có thể là người đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến một hoạt động kinh doanh cụ thể nào đó khi được ủy quyền.
Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung, với kết cấu của Điều 25 Luật năm 2014, việc kinh doanh chung trong trường hợp này là vợ chồng cùng tham gia trực tiếp vào quan hệ kinh doanh và việc kinh doanh đó có thể được thực hiện bằng tài sản riêng hoặc bằng tài sản chung. Khi cùng tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh chung thì vợ, chồng sẽ có tư cách đại diện cho nhau trong các khâu, các quá trình của hoạt động kinh doanh đó. Như vậy, đại diện trong trường hợp kinh doanh chung ở đây là đại diện đương nhiên, mà không phải là đại diện theo ủy quyền.
(ii) Hệ quả pháp lý của các giao dịch thực hiện trên cơ sở đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng liên quan đến tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định tại Điều 24 Luật năm 2014, vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Về nguyên tắc, các giao dịch liên quan tới tài sản chung của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng[9], trừ trường hợp các giao dịch được vợ hoặc chồng xác lập nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình[10]. Tuy nhiên, nếu định đoạt những tài sản chung của vợ chồng như bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì dù có vì nhu cầu thiết yếu của gia đình vẫn phải có sự thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản[11]. Sự thỏa thuận đó có thể được thể hiện qua việc ủy quyền khi một bên không thể trực tiếp tham gia giao dịch. Giao dịch do vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện trên cơ sở ủy quyền có giá trị pháp lý như giao dịch do cả hai vợ chồng xác lập và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
Trong thời kỳ hôn nhân, một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện các giao dịch mà không có sự thỏa thuận hoặc ủy quyền của người kia và không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình thì người xác lập giao dịch phải chịu trách nhiệm riêng về các hậu quả pháp lý phát sinh từ các giao dịch đó. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy, còn có nhận định khác nhau dẫn tới phán quyết khác nhau giữa các cấp xét xử về nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện. Vì vậy, đối với các giao dịch do một bên vợ hoặc chồng xác lập, việc xác định rõ ý chí, sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc có sự ủy quyền của bên kia hay không có ý nghĩa quan trọng để xác định nghĩa vụ tài sản tương ứng của vợ, chồng.
Trong đời sống hôn nhân, vợ hoặc chồng có thể thỏa thuận để một bên kinh doanh bằng tài sản chung. Việc kinh doanh luôn tiềm ẩn những rủi ro cho kinh tế gia đình, đặc biệt khi quy mô kinh doanh càng lớn với số vốn lớn. Để đảm bảo lợi ích chung của gia đình, khi một bên vợ hoặc chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh đòi hỏi phải có sự thỏa thuận, thống nhất của vợ chồng bằng văn bản. Trong trường hợp có sự thỏa thuận của vợ chồng đồng ý cho một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người đó “có quyền tự mình thực hiện giao dịch” liên quan đến tài sản đã đưa vào kinh doanh[12]. Điều đó cũng có nghĩa là người đó có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình trong hoạt động kinh doanh đó. Do vậy, các nghĩa vụ về tài sản phát sinh từ các hành vi kinh doanh của vợ hoặc chồng đều là nghĩa vụ chung của vợ chồng, lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh là tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp này, sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh là cần thiết để tránh tranh chấp xảy ra và có cơ sở để giải quyết khi cần thiết.
2. Một số vấn đề phát sinh và hướng khắc phục khi xác lập, thực hiện các giao dịch trên cơ sở đại diện giữa vợ và chồng
Một là, Luật năm 2014 chưa quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Điều này có thể lý giải là do Luật năm 2014 được ban hành trước Bộ luật Dân sự năm 2015 mà khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành mới quy định về vấn đề này. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình cần bổ sung quy định về vấn đề này để có sự tương thích trong hệ thống pháp luật.
Hai là, quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh tại khoản 1 Điều 25 Luật năm 2014 là chưa rõ ràng, có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, đồng thời cũng chưa chặt chẽ, có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho một bên vợ hoặc chồng khi bên kia lợi dụng quyền đại diện để thực hiện các giao dịch vì lợi ích của bản thân. Theo tác giả, trong trường hợp này, luật cần quy định rõ việc kinh doanh chung này được thực hiện bằng tài sản chung hay tài sản riêng hoặc có thể bằng cả tài sản chung và tài sản riêng. Đồng thời, để đảm bảo lợi ích của các bên vợ, chồng, cần quy định rằng: Vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác “bằng văn bản” hoặc Luật này và các luật có liên quan quy định khác. Việc “thỏa thuận khác” không chỉ được đặt ra trước khi vợ, chồng tham gia quan hệ kinh doanh mà còn đặt ra bất cứ lúc nào trong quá trình kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh có thể xảy ra nhiều tình huống không thể dự kiến, lường trước và vợ, chồng luôn có quyền thỏa thuận về việc kinh doanh cũng như tài sản đưa vào kinh doanh trên cơ sở quyền tự định đoạt phù hợp với thực tế kinh doanh.
Ba là, tên của Điều 26 Luật năm 2014 cũng có thể dẫn tới việc hiểu sai là vợ hoặc chồng được ghi tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung có quyền đại diện cho người còn lại trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đó. Ví dụ, người chồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là tài sản chung của vợ chồng không có nghĩa là người chồng có quyền tự mình định đoạt việc bán nhà đó mà không có sự thỏa thuận của người vợ. Vì vậy, theo tác giả, tên của Điều luật này nên sửa đổi lại là: Giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản.
Bốn là, Điều 27 Luật năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng được quy định trong mục “Đại diện giữa vợ và chồng”, đồng thời, với cách diễn đạt trong Điều luật này có thể dẫn tới cách hiểu rằng trách nhiệm liên đới của vợ, chồng là một trường hợp đại diện giữa vợ và chồng, tương tự như đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh tại Điều 25. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy là sai. Theo tác giả, trách nhiệm liên đới của vợ, chồng không phụ thuộc vào việc đại diện giữa vợ và chồng, nên cũng không phải là một trường hợp đại diện giữa vợ và chồng. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng có thể phát sinh trên cơ sở đại diện nhưng cũng có thể không liên quan đến quan hệ đại diện giữa vợ và chồng, vì vậy, nên chuyển quy định tại Điều 27 sang quy định về nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Năm là, quy định tại Điều 32 Luật năm 2014 cũng có thể gây hiểu lầm, dẫn tới áp dụng pháp luật không chính xác. Với cách diễn đạt tại khoản 1 Điều này có thể dẫn tới cách hiểu là người vợ hoặc chồng đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình xác lập giao dịch với người thứ ba liên quan tới tài sản đó, nên giao dịch đó sẽ hợp pháp. Tuy nhiên, hiểu như vậy là sai với nội dung của điều luật cũng như thực tế giao dịch về tài sản của vợ, chồng với người thứ ba, đồng thời không bảo vệ được lợi ích chính đáng của bên chồng hoặc vợ không tham gia giao dịch. Theo tác giả, trong quy định này, nhà làm luật chỉ muốn nói tới việc xác định người giao dịch với vợ, chồng là người ngay tình nếu giao dịch do vợ hoặc chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán xác lập với họ, nhưng cách diễn đạt của điều luật có thể dẫn tới cách hiểu sai và áp dụng sai trong thực tế. Quy định này hướng tới bảo vệ người thứ ba ngay tình nhưng chưa bảo vệ quyền, lợi ích của người chồng hoặc vợ không tham gia vào giao dịch. Do đó, theo tác giả, quy định này cần sửa lại như sau: “Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoản mà xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba liên quan đến tài sản đó thì người thứ ba được xác định là người ngay tình trong giao dịch đó”. Khi được xác định là người ngay tình thì họ được bảo vệ quyền, lợi ích phát sinh từ giao dịch, nhưng giao dịch đó vẫn có thể bị vô hiệu, vì người vợ hoặc chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán nhưng họ không đương nhiên có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba. Trong những trường hợp này, giao dịch do vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán xác lập với người thứ ba chỉ có hiệu lực khi phù hợp với quy định về đại diện giữa vợ và chồng.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Khoản 1 Điều 53, khoản 4 Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Điểm b khoản 1 Điều 57 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. Điểm c khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Điểm a khoản 4 Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6]. Khoản 2 Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7]. Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[8]. Điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[9]. Khoản 1 Điều 35 Luật năm 2014.
[10]. Khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 27, khoản 2 Điều 37 Luật năm 2014.
[11]. Khoản 2 Điều 35 Luật năm 2014 và khoản 1 Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
[12]. Điều 36 Luật năm 2014.